Tác phẩm Dirty Corner (Góc Bẩn) của Anish Kapoor trong vườn cung điện Versailles - Reuters /Charles Platiau
Trong tuần vừa qua, tác phẩm Dirty Corner (Góc Bẩn) của nghệ sĩ Anish Kapoor đã bị phá hỏng. Kết hợp điêu khắc với nghệ thuật sắp đặt, tác phẩm khá đồ sộ này được làm bằng thép rỉ, dài tới 60 thước. Nằm trong khuôn khổ cuộc triển lãm nghệ thuật đương đại nhân dịp hè này tại lâu đài Versailles, tác phẩm của Anish Kapoor đã bị tạt đầy nước sơn màu vàng.
Đây là lần thứ nhì một tác phẩm nghệ thuật đương đại trưng bày tại Pháp gây tranh cãi đến mức bị phá hoại. Vụ đầu tiên là vào cuối tháng 10 năm 2014 liên quan tới tác phẩm có tựa đề là Cây Thông của nghệ sĩ người Mỹ Paul McCarthy, tại quảng trường kim hoàn Vendôme, giữa lòng thủ đô Paris.
Vụ thứ nhì diễn ra 8 tháng sau đó vì tác phẩm Dirty Corner (Góc Bẩn) của nghệ sĩ người Anh gốc Ấn Độ Anish Kapoor bị cho là quá ‘’chướng mắt’’ trong khuôn viên vườn thượng uyển, nổi tiếng là thơ mộng trữ tình của cung điện Versailles sang trọng cổ kính.
Sự kiện hai tác phẩm đương đại bị phá hỏng chỉ trong vòng chưa đầy một năm làm dấy lên cuộc tranh cãi cũng như đặt lại rất nhiều câu hỏi về giá trị và vai trò của ‘’nghệ thuật’’ trong đời sống. Trong trường hợp của Paul McCarthy, tác phẩm cao hơn 7 thước của nghệ sĩ người Mỹ, được làm bằng cao su rồi phồng lên nhờ bơm hơi.
Tác phẩm mà ông gọi là Cây Thông lại trở nên cực kỳ nhạy cảm, khó thể diễn tả bởi vì hình dáng của nó trong thực tế lại giống y hệt như là loại đồ chơi ‘’sex toy’’ dành cho người lớn. Còn trong trường hợp của Anish Kapoor, tác phẩm Dirty Corner (Góc Bẩn) từng được ông mô tả như là ‘’âm đạo của hoàng hậu’’ cho dù sau đó ông đã cải chính và cho rằng báo chí đã diễn giải sai trật để rồi bóp méo phát biểu của ông.
Dù gì đi nữa tuyên bố của nghệ sĩ người Anh gốc Ấn Anish Kapoor làm cho ban quản lý cung điện Versailles lúng túng. Từ khi khai mạc cuộc triển lãm vào đầu tháng Sáu, ban giám đốc điều hành đang phải đối phó với nhiều lời chỉ trích cho rằng những tác phẩm như vậy chẳng những ‘‘phản cảm’’ mà còn làm hỏng mất cảnh quan hoành tráng hùng vĩ, cũng như lối kiến trúc nguy nga tráng lệ của lâu đài Versailles. Đối với phe chống, tác phẩm Góc Bẩn vốn đã ‘’gai mắt’’, nay tác giả Kapoor lại còn phát biểu ‘’chướng tai’’.
Nổi đình nổi đám từ hơn hai thập niên qua, Anish Kapoor trở thành khách mời danh dự của ban giám đốc nghệ thuật cung điện Versailles trong suốt mùa hè này. Bên cạnh tác phẩm Góc Bẩn đang gây tranh cãi của ông, còn có nhiều tác phẩm khác, nằm rải rác trong vườn thượng uyển. Sinh năm 1954 ở Bombay (bây giờ gọi là Mumbai), nghệ sĩ người Ấn đến Luân Đôn lập nghiệp từ giữa những năm 1970. Sau một thời gian nghiên cứu ngành kỹ thuật điện, rốt cuộc Anish Kapoor quyết định theo đuổi ngành Nghệ thuật và Thiết kế.
Từ năm 1979, ông vừa sáng tác vừa giảng dạy tại trường Đại học Bách khoa Wolverhampton. Nổi tiếng từ những năm 1980 với những tác phẩm điêu khắc hình học đồ sộ nhưng vẫn có những đường nét linh hoạt sinh động, như thể sắt đá vô tri vô cảm lại tràn đầy nhựa sống.
Nhà điêu khắc Anish Kapoor chủ yếu dùng những vật liệu như đá vôi, thạch cao, hoa cương, cẩm thạch ….. gần đây hơn nữa ông có dùng đến kim loại nhưng không sáng loáng như thép tôi luyện, mà lại nhiều sắc nâu như bị rỉ sét. Các tác phẩm của ông thường khai thác hình tượng của hố sâu để nói lên nỗi ám ảnh sợ hãi trong vực thẳm tiềm thức …. Các tác phẩm như Leviathan (Thủy quái) hay là Decension (Hố trủng nước xoáy) tựa như những vực sâu thăm thẳm cuốn hút sự tò mò đánh vào trí tưởng tượng của người xem. Khách xem triển lãm muốn ‘’mạo hiểm’’ đến gần nhưng vẫn có cảm giác họ sẽ bị cuốn chìm bởi dòng nước xoáy.
Từ đầu những năm 1990, Kapoor chứng tỏ bản lĩnh của một trong những nghệ sĩ đương đại thử nghiệm tìm tòi một phong cách mới trong lãnh vực điêu khắc, (bên cạnh các tên tuổi như Richard Wentworth, Tony Cragg, Richard Deacon, Anthony Gormley, Shirazeh Houshiary hay Bill Woodrow …..) Ông thích kết hợp hai khái niệm kích thước và chất liệu : tác phẩm điêu khắc thường có kích cỡ cực lớn, vật liệu thường chỉ có một màu sắc tự nhiên hay tuân theo gam màu chủ đạo. Gần đây hơn nữa, ông bắt đầu khai thác ý tưởng ánh sáng phản xạ hay là những bề rộng có tác dụng của gương phản chiếu, thế nhưng người soi gương không bắt gặp vóc dáng của mình mà chủ yếu nhìn thấy một hình ảnh bị méo mó.
Riêng trong trường hợp của Dirty Corner (Góc Bẩn), tác phẩm này tự nó đã khơi gợi tính hiếu kỳ của người xem. Có ý kiến cho rằng ngay cả trong tựa đề, Góc Bẩn đủ để làm cho khách đến xem triển lãm, dù có thích hay không, vẫn đâm ra tò mò. Thế nhưng khi trả lời báo chí, ông lại mô tả tác phẩm này giống như là ‘’âm đạo’’ của một nữ hoàng Ai cập hay của một nhân sư.
Một câu nói như vậy dễ gây hiểu lầm và đâm ra phản tác dụng. Đâu đó tác giả Kapoor định hướng nhãn quan của người xem. Dù có đứng dưới bất cứ góc độ nào, khách xem triển lãm trước sau gì vẫn bị ảnh hưởng và nhìn tác phẩm này giống như bộ phận sinh dục của người đàn bà, yếu tố nữ hoàng hay nhân sư chẳng còn là điều quan trọng. Nên chăng để cho người xem tự diễn giải, hiểu theo cảm nhận của mình, hiểu theo cách nào cũng được, cho dù cách diễn giải như vậy khác hẳn với chủ ý ban đầu của tác giả.
Cuộc tranh luận đã được châm ngòi từ lâu. Câu hỏi trước sau vẫn là liệu điện Versailles có nên tiếp tục trưng bày những tác phẩm như vậy hay không. Nhưng lời giải thích của Anish Kapoor về ý nghĩa của tác phẩm Góc Bẩn, thay vì dập tắt tranh cãi, lại có tác dụng đổ thêm dầu vào lửa. Những người ủng hộ thì vẫn cho rằng nên để cho các tác giả tự do bày tỏ quan điểm sáng tạo của họ, cho dù các tác phẩm của họ sẽ làm cho nhiều người cảm thấy chướng mắt, khiêu khích theo kiểu chọc tức. Phe phản đối thì cho rằng một số tác phẩm của Kapoor qau thô tục sống sượng nên càng không xứng đáng xuất hiện tại điện Versailles.
Kẻ binh người chống. Tranh cãi vẫn chưa thể nào ngã ngũ xung quanh câu hỏi có nên duy trì các tác phẩm đương đại tại những địa điểm mang đậm hai dấu ấn : di sản văn hóa, kỳ quan kiến trúc. Cuộc tranh luận tiếp tục lan truyền trên các mạng xã hội. Trong cộng đồng cư dân mạng, có khá nhiều lời bàn dưới dạng câu hỏi mà cho tới giờ vẫn chưa được trả lời.
Đại loại như : Toà Đô chính Paris khi tháo gỡ toàn bộ các ổ khóa tình yêu gắn trên Chiếc Cầu Nghệ Thuật đã giải thích rằng : Có những thứ cần được gìn giữ ở viện bảo tàng, có những thứ khác cần phải gỡ bỏ …. Vậy thì câu nói này tại sao không được áp dụng cho Góc Bẩn của Kapoor ? Hóm hỉnh và cay cú hơn nữa là câu nói như sau : Đã gọi là Góc Bẩn thì tại sao Kapoor lại sợ tác phẩm của mình bị ô uế.
Theo RFI