* Tanguy – Cậu em còn độc thân, tuổi ngoài 28, nhưng vẫn khư khư cố bám trụ nhà cha mẹ già để được bà mẹ chăm lo, săn sóc như hồi còn bé… Người ta gọi đây là “hiện tượng Tanguy”. Chim có đủ lông rồi nhưng sao không chịu rời tổ để tự lập?
* Thế hệ Boomerang – Khi cậu ta hay cô ta đã ra khỏi gia đình từ lâu để sống tự lập, nhưng nay vì hoàng cảnh kinh tế khó khăn, tình duyên đổ vỡ nên bắt buộc phải về nương tựa nhà cha mẹ trong một thời gian nào đó.
* * *
Tanguy, một câu chuyện ngụ ngôn hiện đại về những thanh niên không chịu trưởng thành, là một cuốn phim rất hài hước. – Tạp chí Le Nouvel Observateur
“Cuốn phim “Tanguy” của đạo diễn Etienne Chatiliez với diễn xuất của Eric Berger, André Dussollier, Sabine Azéma. Phim đạt được 2 đề cử giải César 2002 cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (André Dussollier) và Nam diễn viên trẻ xuất sắc nhất (Eric Berger)
Nội dung phim:
Paul và Edith Guetz, một cặp vợ chồng giàu có ở tuổi ngũ tuần, không chịu nổi việc Tanguy, người con trai lớn mẫu mực 28 tuổi của họ, vẫn sống cùng gia đình. Chàng trai có cố hết sức để giỏi giang thành đạt và hấp dẫn cũng vô ích, vì bố mẹ cậu làm đủ mọi cách để biến cuộc sống của cậu thành địa ngục để buộc cậu phải rời khỏi căn hộ xa xỉ của họ”. (Ngưng trích IDECAF)
* * *
Tại Nhật Bản, cụm từ độc thân ký sinh (célibataire parasite) được dùng để ám chỉ những cậu em trưởng thành, độc thân nhưng vẫn còn ở chung với cha mẹ nhằm lợi dụng sự tiện nghi vật chất và lòng hảo tâm của đấng sinh thành…
Tại các quốc gia khối Anh quốc, cụm từ thế hệ Boomerang (boomerang generation) được sử dụng để chỉ những cô cậu đã có một thời gian rời tổ ấm, sống ngoài gia đình cha mẹ, nhưng nay vì lý do kinh tế khó khăn, mất việc làm, hay tình yêu đổ vỡ nên bắt buộc phải về tá túc lại tại nhà cha mẹ trong một thời gian nào đó… Có khi, chim bay đi bay về tổ nhiều lần.
Tanguy tại Canada Tại Canada, hiện tượng Tanguy được xem như một loại độc thân ký sinh trong xã hội, xuất hiện trong thời suy thoái kinh tế của những năm 80.
Tại quốc gia nầy, Tanguy có thể xuất phát từ sự thay đổi cơ cấu xã hội. Các cậu có khuynh hướng trì hoãn ngày rời khỏi tổ ấm cha mẹ vì nhiều lý do… như cần kéo dài thời gian học vấn, chậm lấy vợ (mà ở bên nầy có thấy ai cưới hỏi gì đâu!), vậy thì ở thêm được ngày nào thì sướng thêm ngày đó má ơi.
Ăn ở, phục dịch có mẹ lo. Có khi được pa tặng cho chiếc xe cũ của pa …và thỉnh thoảng còn được pa má viện trợ cho chút đỉnh tiền còm nữa… Nếu có đi làm, lương hướng cũng không là bao nhiêu nên chuyện chia sẻ tiền lương phụ với cha mẹ thì hơi kẹt cho con quá… (gia đình Việt Nam)
Thống kê Canada cho biết năm 2006 có 43,5% trong số 4 triệu người trưởng thành tuổi từ 20-29 vẫn còn sống bám cha mẹ.
Nhóm thứ nhứt, chỉ sống một thời gian với cha mẹ mà thôi. Khi thành đạt hay có job tốt sẽ dọn ra. Nhóm thứ hai, tương lai đen tối hơn, không có job, hay chỉ làm có 15giờ/tuần, nên tiền lương cũng quá ít ỏi, chỉ đủ để xài lặt vặt mà thôi. Có kẹt thì “mượn” maman… chừng nào nhớ thì trả lại. Nhóm này không có dự kiến hay kế hoạch dọn đi.
Ngoài ra còn một lý do quan trọng đối với một số ít bậc cha mẹ Viêt Nam. Vốn liếng sinh ngữ Anh hay Pháp quá giới hạn, nên họ rất cần sự có mặt của cậu con trai trong gia đình để trả lời phone, thông dịch mỗi khi cần giao tiếp với người Canadien…
Không nói được tiếng Anh hay Pháp là một sự thiệt thòi to lớn… Mất tự tin nơi chính mình, tự ti mặc cảm, tất cả mọi việc lớn nhỏ đều phải trông cậy vào sự giúp đỡ của con của cháu… Mà con cái lớn lên tại xứ nầy, tâm tánh, tư duy cũng thay đổi theo văn hóa Âu Tây, khác hơn xã hội Việt Nam 50 năm về trước.
Cha mẹ cũng già rồi, trên 70, nên rất cần sự hiện diện của con để cảm thấy bớt hiu quạnh. Pa mẹ cũng bớt chiến tranh lạnh hay gây lộn với nhau khi có sự hiện diện của con.
Trước sau gì căn nhà cũng thuộc về nó mà thôi. Đi đâu cho mất công. Ai cũng có lợi hết.
Hiện tượng bám trụ nhà cha mẹ thường thấy nhiều nhứt ở các cậu độc thân, tuy nhiên các cô cũng không khá gì hơn… Năm 1981-2001, số phụ nữ còn ăn bám nhà cha mẹ đã từ 8% vọt lên 19%.
Trong video Les enfants tanguy – Reportage(1) cho chúng ta thấy sự thật ê chề đắng cay cả về phía cha mẹ cũng như phía đứa con bám trụ.
Nguyên nhân chính là sự suy thoái kinh tế chung của cả nước mà thôi. Mấy đứa nhỏ cũng chỉ là nạn nhân mặc dù có bằng cấp nhưng không tìm được việt làm thích hợp. Biết sao bây giờ?
Thôi thì đành phải về sống với cha mẹ. Tình trạng càng bi đát hơn nếu cha mẹ còn ở apt., ở nhà mướn, kinh tế tài chánh không mấy khả quan…
Hậu quả Con cái đã trưởng thành rồi nhưng vẫn còn ăn bám quá lâu trong gia đình cha mẹ cũng có thể có điểm tích cực cũng như tiêu cực, cả về phía cha mẹ lẫn phía con cái.
Hiện tượng Tanguy thường thấy tại những gia đình cha mẹ “có điều kiện tài chánh” khấm khá. Việc cha mẹ không chối từ Tanguy cũng chẳng khác gì khuyến khích con về ở vô thời hạn, vô điều kiện. Cậu em nghĩ rằng ổng bả cũng cần có mình bên cạnh để cảm thấy bớt hiu quạnh lúc tuổi già. Cha mẹ Việt Nam không cho con ở thì mang mặc cảm tội lỗi.
Về mặt xã hội, Tanguy bị xã hội đánh giá rất thấp. Các chủ nhân xí nghiệp thường xem kỹ coi cậu em còn sống tại địa chỉ cha mẹ hay sống tự lập tại một địa chỉ riêng. Nếu vẫn còn sống với papa maman, dù tuổi đã trên 30, thì họ đánh giá rất thấp: ứng viên chưa trưởng thành, chưa biết tự lập được, không có tính tháo vát một mình được…
Thế hệ boomerang (Generation boomerang) và gia đình phong cầm (famille accordéon) (Boomerang là tên một loại vũ khí của thổ dân Úc Châu, hình dáng cong cong và khi ném đến mục tiêu thì nó liền quay trở về vị trí ban đầu.)
Thế hệ boomerang là khái niệm mới xuất phát tại Âu Mỹ từ năm 2000 để ám chỉ con cái (đa số ở vào lớp tuổi 24-35) đã trưởng thành và sống riêng ngoài gia đình cha mẹ trong một thời gian nay vì hoàn cảnh khó khăn phải về tá túc trở lại nhà cha mẹ ruột.
Vấn nạn chim bay về tổ Boomerang rất phổ biến hiện nay tại hải ngoại(3).
5 lời khuyên nếu phải nuôi một đứa con Tanguy
1- Thiết lập một ngân sách chi tiêu (faites un budget)
2- Tìm hiểu lý do tại sao cậu ta phải trở về (sachez pourquoi il revient)
3- Đặt điều kiện (posez vos conditions)
4- Đòi tiền nhà hằng tháng (demandez un loyer)
5- Ấn định một thời hạn rõ rệt (fixez une date limite)
Sống chung với cha mẹ già thế nào cũng có đụng chạm Thường là bà mẹ vì thương con như hồi chúng còn trẻ nên bà gánh vác hầu như tất cả mọi chuyện. Từ nội trợ, lo cơm nước, dọn dẹp phòng ngủ mỗi ngày cho “con cái được khỏe” v.v… Mẹ làm với một tấm lòng bao dung.
Nếp sinh hoạt thường lệ (routine) của cha mẹ già vì vậy bị xáo trộn và con cái ở tạm cũng cảm thấy «mất tự do» và không được thoải mái như lúc chúng ở riêng muốn làm gì thì làm, muốn đi muốn về, muốn đón tiếp bạn bè lúc nào cũng được. Chúng cũng sinh bực bội, khó chịu… và buồn lòng,
“Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn. Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một cái, hỏi vài câu là thấy đủ rồi. Con tiêu tiền của cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền của con chẳng dễ chút nào. Nhà cha mẹ là nhà của con; nhà của con không phải là nhà cha mẹ. Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình”(2).
Con cái lúc đi sống riêng, lúc thì trở về sống với cha mẹ một cách bất thường. Nhân số gia đình lúc tăng lúc giảm như cái đờn phong cầm. Người ta gọi đây là gia đình phong cầm (famille accordéon).
Các nhà xã hội đều nhấn mạnh đến vấn đề mâu thuẫn thường hay xảy ra khi cha mẹ già sống chung vối con cái đã trưởng thành rồi.
Các cụ khó có thể tận hưởng tuổi già một cách thanh bình và trọn vẹn được. Con cái ở chung với cha mẹ mãi mãi thì sẽ khó trưởng thành và mất tánh tự lập đụợc. Mọi việc từ nhỏ tới lớn đều ỷ lại vào cha vào mẹ.
Rồi còn chuyện tìm vợ, tìm chồng, xây dựng gia đình nữa… Một vấn nạn rất phổ biến hiện nay tại hải ngoại là chim bay trở về tổ. Việc làm khó khăn, tình duyên lận đận là những nguyên nhân chính để cô chiêu cậu ấm quay về nhà cha mẹ để ở một thời gian miễm phí, ăn ngủ tự do và free. Gia đình cha mẹ không tránh khỏi bị xáo trộn. Tốn kém gia tăng, nhà cửa bừa bãi, bạn bè của con cái đến chơi.
Bà mẹ thường là nạn nhân đầu tiên: dọn dẹp phòng ngủ cho con, nấu nướng, quét nhà, quét phòng, giặc rửa, rửa ly rửa chén tối ngày mà không bao giờ dám than phiền và la rầy. Tức quá thì chỉa mũi dùi qua ông chồng. Bọn nhỏ ỷ có mẹ nên ỷ y, cứ việc sống tự do theo ý chúng nó.
Lâu ngày, thì phải có đụng chạm, điện xẹt giữa cha mẹ và con là vậy.
Gia đình trở thành địa ngục.
Kết luận “Tạ cảm ơn nước mắt sầu tuôn chảy
Thấm qua từng ngõ ngách của con tim
Như dòng nước cuốn trôi bao vẩn đục
Để tâm hồn còn lại với bình yên”.
(Thơ dịch ra Việt ngữ: ttk/ Diễn Đàn Thơ Văn)
Nguyễn Thượng Chánh, DVM
Montreal, 2015
_________________
Bài này được phỏng dịch từ 3 tài liệu sau đây.
Tanguy syndrome
http://www.urbandictiona...php?term=Tanguy+syndrome Phénomène tanguy autour du monde
http://fr.wikipedia.org/...%C3%A9nom%C3%A8ne_Tanguy Famille: 5 conseils pour vivre avec un tanguy
http://selection.readers...nguy#sEVTP6kjbtOIlBpM.97 Xem, nghe và đọc thêm:
1- Vidéo: Les enfants tanguy – Reportage (chuyện thật bên Pháp, nên xem!)
VIDEO 2- Audio-Video: Hiểu Đời/Tâm Sự Tuổi Già – Dương Trạch Tế (Nên Nghe)
VIDEO 3-
http://selection.readers...-la-generation-boomerang Tham khảo: NguyễnThượng Chánh
– Cha Mẹ Già Và Con Cái Tại Hải Ngoại
http://vietbao.com/a2319...va-con-cai-tai-hai-ngoai – Tuổi Già Trên Đất Lạ
http://vietbao.com/a226599/tuoi-gia-tren-dat-la – Phénomène Tanguy: ‘Mom’s Hotel’ attire de plus en plus de jeunes!
http://www.inspiration-m...s-en-plus-de-jeunes.html Sửa bởi người viết 30/06/2015 lúc 06:39:26(UTC)
| Lý do: Chưa rõ