Một số công ty của Úc đang đùa giỡn với pháp luật khi cung cấp các cơ hội thực tập không hưởng lương dài hạn cho sinh viên và người tìm việc.
.Một công ty luật của Australia gần đây mời gọi sinh viên trả mức phí 22.000 đô la Úc để được thực tập tại công ty. Hơn nữa, trong một số trường hợp, có công ty đã bán đấu giá các vị trí thực tập.
Sinh viên đại học và học viên cao học phải đối mặt với nạn bóc lột thông qua thực tập không hưởng lương. (612 ABC Brisbane: Blythe Moore)
Giáo sư Andrew Stewart từ Khoa Luật thuộc Đại học Adelaide là đồng tác giả của bản báo cáo 'Lấy kinh nghiệm hay bị bóc lột?' cho Tổ chức Thanh tra Công bằng Lao động (Fair Work Ombudsman). Ông nhận định hiện tượng tuyển thực tập sinh này có thể là bất hợp pháp.
"Tôi e rằng chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp những người tìm việc được yêu cầu phải trả tiền để có việc làm," ông Stewart trả lời phỏng vấn trong chương trình 702 ABC Sydney.
"Một số cơ quan môi giới thu được hàng ngàn đô la lệ phí khi tìm vị trí thực tập không lương cho sinh viên hoặc người tìm việc."
Đặc biệt, hiện tượng này thường xảy ra trong cộng đồng sinh viên quốc tế bởi kinh nghiệm làm việc có thể 'thêm điểm' cho hồ sơ xin cấp thẻ định cư dài hạn.
Thực tập không lương kéo dài hàng tháng trời và thực tập sinh phải làm những công việc có lợi cho công ty/ tổ chức có thể coi là hành vi bóc lột lao động.
"Hiện có một lập luận gần như chắc chắn rằng đây là việc làm trái pháp luật", giáo sư Stewart cho biết.
Nếu không có thực tập sinh làm không công, công ty/ tổ chức sẽ phải thuê người thực hiện nhiệm vụ mà thực tập sinh làm, do vậy, công ty đã vi phạm pháp luật.
"Nếu tổ chức Fair Work Ombudsman phát hiện thấy nghi vấn, có thể công ty/ tổ chức vi phạm sẽ bị kiện ra tòa ," Giáo sư Stewart nói.
Thế nào là công bằng và không công bằng?
Theo giáo sư Stewart, điều quan trọng là phải phân biệt rõ giữa một vị trí là một phần của khóa đào tạo và vị trí làm việc không được trả lương.
"Nhiều sinh viên đại học hoặc học viên các khóa học nghề (TAFE) và các chương trình đào tạo sẽ cần có yếu tố kinh nghiệm làm việc," ông nói
Hi vọng rằng các cơ sở giáo dục sẽ có biện pháp theo dõi và giám sát phù hợp để đảm bảo việc thực tập phục vụ đúng mục đích đào tạo.
"Theo Luật Công bằng Lao động, việc thực tập không hưởng lương vì mục đích trên là là hoàn toàn hợp pháp," giáo sư Stewart giải thích. "Những gì chúng ta nhận thấy là hiện tượng gia tăng các trường hợp thực tập không lương để lấy kinh nghiệm bên ngoài các khóa học đào tạo. Việc đó không chỉ không phù hợp mà còn phạm pháp."
Nếu thực tập sinh được yêu cầu quan sát người khác làm việc và làm một số việc hữu ích cho công ty/ tổ chức trong một môi trường đào tạo thì việc này là hợp pháp.
Giáo sư Stewart cũng cho rằng trường hợp thực tập sinh bị bóc lột không bao gồm những người không đủ khả năng làm việc trong thời gian dài mà không được trả công.
"Đây không chỉ là vấn đề công bằng và các tiêu chuẩn công nghiệp, đây là một câu hỏi về vấn đề dịch chuyển lao động trong xã hội," ông nói.
"Những người từ thành phần kinh tế xã hội thấp hơn đã phải đối mặt với đủ mọi khó khăn để tìm được việc trong một số ngành nghề có uy tín cao, tình trạng bóc lột lao động kiều này chỉ làm tăng rào cản cho họ."
Theo ABC