Thèm ngọt là một nhu cầu thiết yếu của cơ thể, để củng cố năng lượng.
Carbohydrate hay Glucide là những hợp chất bao gồm đường (sugar), bột đường hay tinh bột (amidon, starch) và chất xơ (fibre).
Những chất nầy rất cần thiết cho chúng ta để sống. Nhưng ngọt quá đôi khi cũng nguy hiểm lắm!
Đường đơn giản (hay đường hấp thụ nhanh) Đây là đường thiên nhiên theo nghĩa thông thường mà chúng ta hiểu… Những chất tạo vị ngọt nầy được thấy trong bánh, kẹo, chè, chocolat hoặc trong các loại nước ngọt như Pepsi, Coca, Soda, Seven Up, v.v…
Đường mía (saccharose), đường trái cây (fructose), đường sữa (lactose) là những thí dụ điển hình.
Trong ruột, đường đơn giản chuyển thành glucose và được hấp thụ vào máu một cách rất nhanh chóng.
Khi đường huyết glycémie tăng, lập tức tụy tạng sẽ tiết ra insuline để giúp tế bào hấp thụ glucose vào đồng thời kéo đường huyết xuống mức bình thường.
Đường phức tạp (hay đường hấp thụ chậm)
Vị hơi ngọt và gồm bột đường (tinh bột) và chất xơ.
Tinh bột được thấy trong bánh mì, khoai tây, cơm, gạo, ngũ cốc và trong các loại pasta như nouille, macaroni, spaghetti, v.v…
Chất xơ có nhiều trong rau, cải, hoa quả, đậu, trong hạt dẻ (walnuts) cũng như trong các loại cereal làm từ hạt thô (wholemeal grain, grain entier)…
Đường phức tạp cần sự tác động của một số enzymes để chuyển ra thành glucose rồi mới được hấp thụ vào máu. Bởi lý do nầy mà đường huyết tăng lên chậm hơn so với đường đơn giản.
Đường phức tạp rất cần cho các hoạt động biến dưỡng của cơ thể.
Đường đơn giản và đường phức tạp không thể thay thế lẫn nhau được.
Một gram đường cho ra 4 calories. Năng lượng dư thừa sẽ được dự trữ dưới dạng glycogen và mỡ… Do đó, ăn ngọt thường xuyên quá, mập ra cũng dễ hiểu thôi.
Tình trạng béo phì dễ dẫn đến các bệnh tim mạch, tăng huyết áp và tiểu đường. Ngoài ra, việc ăn nhiều đường, kể cả đường thiên nhiên như đường trái cây và mật ong cũng vậy, có thể đưa đến tình trạng hư răng nếu không chịu súc miệng đánh răng kỹ lưỡng.
Ăn nhiều bánh kẹo ngọt cũng có thể làm chất triglyceride (một loại chất béo xấu trong máu) gia tăng.
Người bị bệnh tiểu đường có thể dùng đường được không? Theo l’Association Canadienne du Diabète, thì họ vẫn có thể ăn ngọt được, nhưng phải ăn một cách điều độ chừng mực và vừa phải thôi. Họ cũng có thể thay thế đường bằng cách ăn trái cây, rau cải, hoặc bằng các sản phẩm của sữa.
Trong một ngày họ không được ăn quá giới hạn tối đa 10% calories từ các thức ăn ngọt.
Biết rằng 1gr đường cho 4 calories.
Trên đây là những chỉ dẫn chung chung mà thôi. Bệnh trạng mỗi người mỗi khác, nên chỉ có bác sĩ điều trị mới có thẩm quyền quyết định.
Theo khuyến cáo của American Heart Assocation: Added sugar (đường thêm vào)
– đàn ông tối đa: không nên dùng hơn 9 muỗng café/ngày
– đàn bà tối đa: không nên dùng hơn 6 muỗng café/ngày.
Thực tế cho thấy người Mỹ dùng lối 22 muỗng added sugar/ ngày.
Các nhà khoa học Âu Mỹ đều nói không có mối liên hệ trực tiếp cho thấy đường là nguyên nhân gây ra diabetes type II. Nhưng về mặt sinh lý học, rất có thể đường gây ra diabetes một cách gián tiếp, chẳng hạn như trong trường hợp chúng ta thường tiêu thụ thức ăn thức uống có chỉ số đường huyết (glycemic index) cao, khiến tụy tạng bị mệt mỏi và trở nên yếu đi, vì phải thường xuyên tiết insuline.
Gs Jim Mann thuộc Đại Học Otago (New Zealand) cũng nhận định rằng đường gây béo phì và tình trạng nầy sẽ dẫn tới diabetes. Mập bụng (abdominal obesity) là một nguy cơ làm xuất hiện bệnh tiểu đường type II.
Trong thực tế, rất khó tách rời ảnh hưởng của đường trong bệnh diabetes. Thêm đường vào thức ăn thức uống chỉ làm tăng calories chớ chẳng làm gia tăng giá trị dinh dưỡng của sản phẩm.
Các khảo cứu về bệnh tiểu đường những năm gần đây nghi ngờ các loại nước ngọt có gaz như Coca, Soda, Pepsi, Seven Up, v.v… đã dự phần quan trọng trong sự xuất hiện của bệnh diabetes.
Vậy thì đường fructose có tốt hơn không?
Fructose là đường trích từ trái cây.
Fructose ảnh hưởng ít hơn các loại đường khác trong việc làm gia tăng đường huyết, vì vậy từ trước tới giờ các bệnh nhân tiểu đường thường được khuyên nên sử dụng đường fructose để tạo vị ngọt, nhưng ngày nay thì fructose mất dần sự sáng chói của nó.
Được biết ảnh hưởng của fructose không mấy quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết, vì nó không kích thích sự tiết insuline, và tai hại hơn nữa là nó làm tăng hàm lượng loại chất béo xấu triglyceride lên.
Sự gia tăng triglyceride trong máu là một yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Thí nghiệm trên súc vật cho thấy fructose còn làm tăng sự kháng insuline, đồng thời cũng làm thay đổi hiện tượng dung nạp glucose và hiện tượng cao máu.
Thí nghiệm lâm sàng sơ khởi thực hiện ở người còn cho biết fructose làm tăng cân do tác dụng xấu trên hàm lượng của hai hormones liên hệ tới sự no (satiété) và sự đói (appétit)… Đó là hormones leptine và ghréline.
Fructose có chỉ số đường huyết (index glycémique-IG) rất thấp, lối 22, nên làm tăng glucose trong máu lên chậm so với đường sucrose (đường mía) có IG lối 67.
IG là vận tốc chuyển hóa của một chất bột đường carbohydrate ra thành glucose để được hấp thụ vào máu. IG càng cao, đường huyết càng tăng nhanh.
Về mặt tạo năng lượng, 1 gram fructose cho ra 3 calories, trong khi 1 gram sucrose tạo ra 4 calories.
Trong cơ thể, năng lượng dư thừa sẽ được chuyển ra thành mỡ.
– Fructose thiên nhiên trong trái cây chiếm một tỉ lệ không đáng kể. Nếu sử dụng một cách bình thường sẽ không hại gì đến sức khỏe.
Trong rau quả, fructose (và một vài loại đường khác) luôn luôn phối hợp với một số dưỡng chất khác để giúp cho việc hấp thụ được dễ dàng.
Lấy thí dụ, các chất xơ trong trái cây làm chậm lại sự hấp thụ của đường, cũng như sự hiện diện của các bần tố oligoéléments như chrome, magnesium sẽ giúp vào tác động chuyển hóa của đường.
– Fructose tự do là dạng đường được cho thêm vào (added sugar) trong thức ăn thức uống để tạo vị ngọt. Người ta thường sử dụng sirop bắp với hàm lượng fructose cao (high fructose corn sirup – HFCS).
Tại Canada, kỹ nghệ thực phẩm cố tình tránh né danh từ HFCS, và họ thay thế bằng cụm từ Sugar/glucose-fructose trên các nhãn hiệu của sản phẩm.
HFCS được cho thêm vào sản phẩm để tạo vị ngọt nhưng không có kèm theo những dưỡng chất khác để giúp vào tác động chuyển hóa.
Tại Hoa Kỳ và Canada lối 40% thức ăn và thức uống biến chế công nghiệp đều có chứa HFCS.
HFCS có thể được chế biến thành nhiều loại đường có độ ngọt khác nhau bằng cách thay đổi tỉ lệ glucose-fructose.
Thông thường, trái cây có chứa một tỉ lệ glucose-fructose bằng nhau 50/50, nhưng hầu như kỹ nghệ nước ép trái cây thường có khuynh hướng cho thêm HFCS trong sản phẩm để giúp tăng độ ngọt lên.
HFCS được thấy trong trong các loại nước ngọt như Coca, Pepsi, Seven Up, soda, iced tea, chocolate, yogurt, bánh mì sandwich, ketchup, tomato soup, cereal ăn sáng, thỏi cốm ngọt (energy bars, barres tendres, chewy granola bars), trong các loại bánh kẹo, và trong mật ong (honey) được pha HFCS một cách bất hợp pháp v.v…
Tóm lại, món nào ngọt là có high fructose corn sirup (HFCS) trong đó.
Ảnh hưởng của HFCS lên sức khỏe Một sự tiêu thụ bình thường fructose sẽ không có hại gì, nhưng ngược lại, một sự thặng dư hay tiêu thụ quá tải đường fructose dưới dạng HFCS sẽ là nguyên nhân của nhiều thứ bệnh như tim mạch, béo phì và tiểu đường type II.
Thông thường chất bột đường carbohydrate tiêu thụ sẽ được chuyển thành đường đơn glucose. Vào máu, glucose sẽ kích thích tuyến tụy tạng tiết hormone insuline giúp đem glucose vào tế bào để tạo năng lượng đồng thời cũng giúp vào việc điều chỉnh đường huyết glycémie ở mức độ thích hợp.
Riêng fructose được chuyển hóa tại gan. Một sư tiêu thụ quá nhiều fructose sẽ làm cho gan không chu toàn được nhiệm vụ tạo năng lượng và thay thế vào đó là sự tạo ra những chất mỡ xấu triglycerides và được thải vào máu. Đây là yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim mạch.
Cá loại thức uống như Soda, Coca, Pepsi, 7 Up đều có chứa rất nhiều high fructose corn sirup (HFCS).
Từ hơn 20 năm nay, HFCS đã được kỹ nghệ thực phẩm sử dụng hết sức rộng rãi trong thức ăn thức uống sản xuất theo lối công nghiệp.
Vào cơ thể, HFCS sẽ tạo ra các chất reactive carbonyls và làm tổn hại tế bào bêta của tụy tạng (nơi sản xuất insuline) và dẫn tới bệnh tiểu đường type II.
Các thí nghiệm sơ khởi ở người cho thấy, fructose cũng làm tăng cân, gây béo phì do tác dụng xấu trên liều lượng của hai loại hormones liên hệ đến sự no và sự đói. Đó là hormone leptin và hormone ghrelin.
Một khảo cứu của Gs Luc Tappy, Lausanne Univ School of Biology & Medicine (Thụy Sĩ), cho thấy ảnh hưởng chuyển hóa đường fructose có hơi khác biệt tùy theo giới tính. 12 tham số parameters chuyển hóa fructose (như tăng triglyceride, tăng glucose…) xuất hiện nhanh hơn ở nhóm thanh niên so với nhóm phụ nữ tham dự trong cuộc thí nghiệm.
Vậy tại sao có sự thặng dư fructose? Vấn đề thặng dư ở đây là do fructose tự do mà ra. Đó là high fructose corn sirup (HFCS) được cho thêm vào thức ăn hoặc thức uống để tạo vị ngọt.
Trước những năm 70, Hoa Kỳ sử dụng toàn đường mía và đường củ cải (sucrose-saccharose), nhưng từ những năm 80 chánh phủ Hoa Kỳ cho tăng giá đường lên và đồng thời tài trợ ngành trồng bắp trong xứ. Nhờ đó mà giá bắp được giữ thật thấp.
Kỹ nghệ thực phẩm không còn cách nào khác hơn là phải chọn nguồn đường rẻ tiền được sản xuất từ bắp. Đó là lý do xuất hiện high fructose corn sirup (HFCS).
HFCS là một loại đường dễ hòa tan, dễ sử dụng và đồng thời nó cũng có thời hạn dùng dài hơn so với các loại đường khác.
Đường hóa học và các chất thay thế đường Đây là những chất có vị ngọt nhưng tạo ra rất ít calories.
Người ta chia chúng ra làm 2 nhóm:
1. Nhóm có tính dinh dưỡng: Xylitol, Sorbitol và Mannitol, là những chất được làm từ trái cây. Người ta còn gọi những chất nầy là đường rượu (sucre alcoolique). Chúng có vị ngọt, nhưng lại có thêm tính nhuận trường. Ăn trên 30gr/ngày có thể bị tiêu chảy… Mỗi gram của các chất này chỉ cho 2 calories, trong khi đường cát cho 4 calories. Các loại đường này không mấy phổ biến, chỉ được sử dụng trong một số sản phẩm, chẳng hạn như trong kẹo chewing gum.
2. Nhóm không có tính dinh dưỡng: Những chất này không tạo ra năng lượng, nhưng lại có vị ngọt gấp cả trăm lần đường cát. Chúng thường được đựng trong các bao nho nhỏ màu xanh, vàng hoặc hường để chúng ta bỏ vào cà phê.
Kỹ nghệ thực phẩm cũng sử dụng các loại đường hóa học này để tạo vị ngọt cho các loại sản phẩm nhược năng lượng (hypocaloric) và các thực phẩm diet. Đây là những chất tổng hợp hóa học để tạo vị ngọt (édulcorant synthétique) và thường được phân chia ra làm hai nhóm:
* nhóm thế hệ thứ nhất: saccharine, sodium cyclamate, aspartame.
* nhóm thế hệ thứ nhì: sucralose (Splenda), acésulfame-potassium (Sunnet, Sweet One, Acek)), neotame, alitame.
Thông dụng nhất, là chất aspartame mà chúng ta thấy trong các thức ăn thức uống diet.
Tuy nhiên cũng có dư luận cho rằng ăn thường xuyên các loại đường hóa học sẽ không tốt cho sức khỏe.
Phe chống đối đường hóa học quả quyết aspartame gây nhức đầu (migraine) cũng như gây cancer não.
Được biết một phần aspartame sẽ chuyển thành methanol trong bao tử và sau đó sẽ phân hóa thành formaldehyde và acide formique là chất độc hại đối với hệ thần kinh.
Họ còn nói aspartame trong cơ thể còn bị phân cắt ra thành acide aspartique và phénylalanine.
Đối với những người bị bệnh phenylketonuria (PKU), là một bệnh rất hiếm thấy do sự lệch lạc của một gene, khiến cơ thể không tạo ra được enzyme để khử chất phenylalanine, do đó chất nầy tăng nhiều trong máu và gây tổn hại đến hệ thần kinh trung ương.
Thí nghiệm cho thấy chất saccharine (Twin, Sweet N Low) ở liều lượng thật lớn có thể gây cancer bọng đái ở loài chuột.
Ngày nay tại Canada, saccharine và sodium cyclamate (Sucaryl, Twin sugar) bị rút ra khỏi danh sách các chất phụ gia và bị cấm sử dụng trong kỹ nghệ, nhưng vẫn còn được cho phép sử dụng với liều lượng nhỏ để chúng ta tự bỏ vào cà phê.
Phe cổ võ chất aspartame lẽ đương nhiên là giới kỹ nghệ thực phẩm, chánh phủ, FDA, Health Canada, các trung tâm nghiên cứu trong các đại học, National Cancer Institute Hoa Kỳ, Tổ chức Autorité Européenne de Sécurité des Aliments EFSA, Tổ chức y tế thế giới OMS, tổ chức Lương nông FAO thuộc Liên Hiệp Quốc… tất cả đều khẳng định trong điều kiện sử dụng bình thường, aspartame rất an toàn cho sức khỏe cũng như chẳng có mối liên hệ nào với bệnh cancer cả.
Trên thế giới, aspartame (Nutrasweet, Equal, Egal, Canderel…) được sử dụng rộng rãi trong khoảng 6000 loại mặt hàng và sucralose có mặt trong lối 4000 sản phẩm.
Ý niệm về sự an toàn hoặc không an toàn của đường hóa học rất thay đổi tùy theo từng quốc gia. Alitame được sử dụng tại Mexico, Úc châu và Trung quốc, nhưng Canada và Mỹ thì cấm. Riêng neotame, một chất tạo vị ngọt anh em với aspartame, thì được FDA Hoa Kỳ chấp thuận từ 2002, nhưng Canada thì chưa cho phép.
Nói chung, các nhà dinh dưỡng đều đồng ý đường hóa học có thể giúp ích một phần nào cho con người, nhưng không thể xem chúng là một giải pháp thỏa đáng để giúp ta có một hàm răng tốt, để giảm cân, hoặc để kềm hãm bệnh tiểu đường.
Năm 2007, Bs Ramachandran Vasan (Mỹ), trong khảo cứu thực hiện trên 9000 ngàn người trung niên, đã cho biết có sự liên quan mật thiết giống như nhau, giữa sự tiêu thụ mỗi ngày trên một lon 355ml sođa loại regular (tức là có chứa đường) và loại diet (không có đường sugar free), cùng với sự xuất hiện của hội chứng biến dưỡng (metabolic syndrome) như tăng mỡ vùng bụng, cao máu, tăng hàm lượng chất béo xấu (triglyceride), giảm hàm lượng chất cholesterol tốt (HDL) và tăng đường huyết.
Tất cả các nhà khoa học kể cả Bs David Jenkins (St Micheael’s Hospital Toronto), đều bối rối trước khám phá quá mới mẻ nầy.
Bs R.Vasan, người thực hiện cuộc khảo cứu đăng trong tạp chí “Circulation: Journal of the American Heart Association”, cũng thắc mắc trước kết quả này. Ông ta đưa ra giả thuyết rất có thể những người uống một hai lon soda một ngày cũng là những người có khuynh hướng tiêu thụ nhiều calories, nhiều chất béo bão hòa và nhiều trans fat (là những chất béo xấu). Đồng thời họ cũng là những người ù lì ít chịu vận động
Một khảo cứu khác do Ts Susie Swithers (Purdue Univ. Indiana), đăng trong tạp chí “Behavioral Neuroscience” cho biết thức ăn thức uống nhược năng (nghĩa là chỉ có chứa đường hóa học saccharine hoặc aspartame) đều có khuynh hướng làm xáo trộn chức năng nhận biết calories của não.
Bình thường khi ăn ngọt thật sự, cơ thể sẽ nhận biết ngay số calories ăn vào để sau đó kích động biến dưỡng để đốt số năng lượng thặng dư và tăng thân nhiệt lên.
Trường hợp sử dụng đường hóa học saccharine để tạo cảm giác ngọt giả tạo, nhưng chẳng có calorie nào kèm theo, thì cơ thể tăng nhiệt độ rất ít và vì thế sẽ bị mập ra. Thí nghiệm đã được thực hiện trên loài chuột. Đây là một giả thuyết rất mới mẻ và trái ngược với ý niệm cũ, rằng việc sử dụng các chất tạo vị ngọt hóa học như aspartame, saccharine để giúp giảm cân.
Chuyện nước soda Thời đại nào, xã hội nào cũng thế, vị ngọt vẫn dễ hấp dẫn mọi người.
Các loại nước giải khát như Coke, Pepsi, Seven Up, Soda v,v… đều có chứa rất nhiều đường, mà đặc biệt là high fructose corn sirup (HFCS).
Rất nhiều khảo cứu cho biết việc uống quá thường xuyên các loại nước ngọt là nguyên nhân dẫn đến tình trạng béo phì, bệnh tim mạch và bệnh tiểu đường loại II tại Hoa Kỳ.
Tại Canada, từ 1977 đến 1997, số lượng nước ngọt có gas tiêu thụ đã tăng vọt lên 100% ở trẻ em theo tỉ lệ cứ 4 em thì có 3 em uống các loại nước có gas mỗi ngày.
Trong một số lớn các em, các loại nước giải khát có gas đã chiếm lối 10% calories trong tổng số nhu cầu năng lượng cần thiết trong ngày.
Đây quả là một tỉ lệ quá lớn đối với một loại thức uống chả có ích gì cho sức khỏe hết mà ngược lại chúng còn chiếm chỗ các thức uống cần thiết như sữa và các loại nước ép trái cây.
Công ty Coca Cola và Pepsi Cola không ngừng tìm mọi cách để xâm chiếm thị trường và khai thác thị hiếu hảo ngọt của dân chúng, đặc biệt là trẻ em, sinh viên học sinh.
Nước ngọt nhược năng (diet, zero calorie) có tốt không? Thay thế nước ngọt có gas và nhiều đường bằng loại nước ngọt nhược năng hay nước kiêng (diet): Diet Coke , Coke zero, Diet Pepsi, v,v… là những thức uống chứa toàn chất ngọt hóa học như Aspartame, Acesulfame potassium không phải là một giải pháp tốt đẹp cho sức khỏe như mọi người thường lầm tưởng đâu.
Trên lý thuyết, nước giải khát diet ít nhiệt năng sẽ giúp bớt đi tác hại của sự tăng cân, của bệnh tiểu đường loại II và của bệnh cao máu.
Thực tế cho thấy có thể là ngược lại. Tạp chí Circulation số tháng 7/2007 của American Heart Association có đăng bài khảo cứu giá trị liên quan đến ảnh hưởng của hai loại nước ngọt, loại có đường và loại diet, trên sự xuất hiện của triệu chứng biến dưỡng (metabolic syndrome).
Theo định nghĩa, triệu chứng biến dưỡng được xác định bởi các dấu hiệu sau đây:
– Dư cân (nguy cơ béo phì).
– Có hàm lượng insuline cao (nguy cơ bệnh tiểu đường)
– Có hàm lượng chất béo glyceride cao (nguy cơ bệnh tim mạch)
– Có áp huyết cao (nguy cơ bị tai biến mạch máu não)
Ngoài ra, hội chứng biến dưỡng còn làm tăng thêm nguy cơ bị đứng tim (heart attack), tiểu đường, hoặc có thể dẫn đến một vài loại ung thư.
Qua kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học nhấn mạnh thêm một điểm là dù cho có uống nước ngọt loại nhược năng (diet) đi nữa thì sự nguy hiểm cho sức khỏe cũng y như mình uống nước ngọt có đường (regular).
Khuyến cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) và Cơ Quan Lương Nông Quốc Tế (FAO) vừa phối hợp nghiên cứu và đồng khuyến cáo mọi người nên cắt giảm số calories do đường mang vào xuống dưới mức 10%.
Nói một cách dễ hiểu, nếu tổng số nhu cầu của một người là 2000 calories/ngày, thì calories do đường tinh chế tạo nên phải thấp hơn 200.
Được biết, 1gr đường cho 4 calories, 1 muỗng café đường có khoảng 16 calories, và 1 lon Coke regular chứa lối 9 muỗng đường tương đương với 145 calories.
Mục đích của Liên Hiệp Quốc là nhằm giúp ngăn chặn phần nào các loại bệnh mạn tính cũng như các bệnh về tim mạch, bệnh béo phì, bệnh tiểu đường và một vài loại cancer.
Chắc chắn là khuyến cáo nầy không làm hài lòng kỹ nghệ bánh kẹo và kỹ nghệ nước ngọt. Một tài liệu khảo cứu được phổ biến trong tạp chí JAMA (August 2004) cũng kết luận các loại nước ngọt classic hay regular như Coke, Pepsi, Soda… vì chứa quá nhiều đường nên là một trong nhiều nguyên nhân chính yếu làm gia tăng sự xuất hiện của bệnh tiểu đường type II ở Hoa Kỳ.
Các nhà dinh dưỡng thường xếp các loại thức ăn thức uống bán trong máy (bánh, kẹo, chip, chocolat, Coca Pepsi, v.v…) vào nhóm tạp phẩm (junk food), không bổ dưỡng vì chứa nhiều calorie rỗng (empty calorie), nhiều đường, nhiều caffeine, nhiều gas và chất hóa học… nhưng lại không có hoặc có rất ít vitamins.
Tóm lại, sự tiêu thụ quá thường xuyên các loại nước có gas (loại diet hay nước ngọt có đường regular) cho thấy đó là một thói quen phản ảnh một lối sống không lành mạnh và rất có thể dẫn tới nhiều vấn đề sức khỏe trong tương lai.
Phòng bệnh không chỉ là việc thay thế nước ngọt có đường bằng loại nước diet mà thôi, nhưng còn cần phải sửa đổi lối sống của chúng ta chẳng hạn như chỉ dùng những thức ăn thức uống trong lành, tinh khiết, bỏ rượu, bỏ thuốc cũng như cần phải chuyên cần vận động và tập thể dục.
Bệnh tiểu đường không thể trị dứt được Một số thầy thuốc thiên nhiên và Đông y quả quyết rằng bệnh tiểu đường type II có thể trị dứt được. Nếu đúng vậy, chúng ta tự hỏi tại sao số người bị tiểu đường tại Trung Quốc và tại Việt Nam (những quốc gia rất mạnh về thuốc Bắc và thuốc thiên nhiên) không giảm đi chút nào hết mà ngược lại càng ngày càng có khuynh hướng tăng thêm lên mãi vậy?
Cho đến hôm nay, thì phíaTây y vẫn khẳng định bệnh tiểu đường không thể nào trị dứt được. Bệnh chỉ có thể được kiểm soát (control), nghĩa là giữ đường huyết ở một mức có thể chấp nhận được mà thôi, bằng cách theo một nếp sống lành mạnh như kiêng ăn, vận động, tập thể dục, giảm cân, bỏ thuốc lá, và mỗi ngày phải uống các loại thuốc Tây hạ đường huyết hoặc chích insulin suốt đời.
Mục tiêu của việc trị liệu bệnh tiểu đường là giúp ổn định đường huyết glycemie và ngăn ngừa các biến chứng. Trong tất cả mọi trường hợp, sự theo dõi của bác sĩ điều trị là điều rất cần thiết.
Kết luận Một chế độ dinh dưỡng quá cao nhiệt năng (higher calorie diet), nói theo kiểu người mình là bơ sữa hơi nhiều, đớp hít hơi kỹ, lối sống quá nhàn rỗi, tà tà, ít chịu vận động sẽ đưa đến tình trạng béo phì (obesity).
Đây là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tiểu đường của phần đông người Việt tại hải ngoại.
Hy vọng trong một vài chục năm nữa khi kỹ thuật trị liệu tiểu đường bằng tế bào gốc (stem cell) được hoàn chỉnh hơn, lúc đó chúng ta mới biết là bệnh tiểu đường có thể trị dứt được hay không!
Thôi bây giờ bạn cứ “quẳng gánh lo đi và vui sống”, chớ bận tâm làm chi với bệnh tiểu đường, nhớ kiêng cử trong ăn uống, cũng như đừng quên đo đường huyết mỗi ngày và uống đều đặn thuốc Metformin nhé!
Nguyễn Thượng Chánh, DVM
______________
Tài liệu tham khảo: *Matthias B. Schulze et al, Sugar- Sweetened Beverages, Weight Gain, and Incidence
Of Type 2 Diabetes in Young and Middle-Aged Women; JAMA, August 25, 2004, No 8
http://jama.ama-assn.org...ntent/abstract/292/8/927 *Passport santé.net. Sucré sans sucre et sans danger?
http://www.passeportsant...e.aspx?doc=edulcorant_do *Nguyễn Thượng Chánh-Nuoc-lanh-tuyet-voi
http://vietbao.com/a160802/nuoc-lanh-tuyet-voi – Nguyễn T Chánh & Nguyễn N Lan – Người Việt hải ngoại và bệnh tiểu đường
https://trangvhntnguonco...goai-va-benh-tieu-duong/ *Susie Swithers,Terry Davidson. Study: Artificial sweetener may disrupt body’sabilityto count calories. Behavorial NeuroScience, Purdue Univ. Indiana. July 2004
http://www.purdue.edu/UN...9.Swithers.research.html *Bệnh đái tháo đường gia tăng ở Việt Nam
http://tieuduong360.com/...tang-o-viet-nam_275.html Xem thêm:
-Vidéo: High Fructose Corn Syrup (Michael Pollan. New York Times) 15 phút
VIDEO -Video:Where is added sugar hiding?
http://www.cnn.com/video...-gupta-calories-food.cnn Sửa bởi người viết 19/07/2015 lúc 11:12:50(UTC)
| Lý do: Chưa rõ