Ông bà Nguyễn Thượng Chánh bên dòng sông Saint Laurent ( Montreal)
Ngày nay, đi du lịch là chuyện rất thường tình và rất dễ dàng đối với người Việt Nam sống tại hải ngoại.
Đi du lịch thì vui nhưng đôi khi cũng gặp phải nhiều chuyện bực mình phiền toái lắm.
Tình hình mới, biện pháp mớiNhững năm gần đây, tình hình dịch bệnh trên thế giới có nhiều biến đổi. Nào là dịch bệnh long móng lở mồm ở heo, bò, dê, cừu; bệnh viêm phổi cấp tính và trầm trọng SARS ở người; bệnh bò điên; dịch cúm gia cầm H5N1; đại dịch cúm heo A (H1N1), Ebola, Viêm phổi Trung Đông (Mers CoV), v.v…
Ngoài ra còn có nỗi lo sợ khủng bố sinh học (bioterrorism), và nhất là mối đe dọa thật sự của nhóm Hồi Giáo, ISIS…
Tình hình mới thì phải có biện pháp mới. Trong bối cảnh nầy, trước lúc bước lên phi cơ là chúng ta bị bắt buộc phải tuân hành theo nhiều sự ràng buộc mới về mặt kiểm soát an ninh.
Đặc biệt nhứt là trước khi bước lên máy bay Hoa Kỳ.
Hành lý xách tay lên phi cơQuy định có thể thay đổi khác nhau tùy theo hãng hàng không, nhưng thường chúng ta được phép đem hai món, 1 standard article và 1 personal article nặng không quá 10kg cho mỗi món.
Hành lý xách tay:
Cho xách tay lên phi cơ 1 hành lý và 1 vật dụng cá nhân.
Hành lý có kích thước tối đa: 23cm x 35 cm x 56cm (hay cộng chung là 114cm)
Ngoài hành lý xách tay ra, hành khách còn có thể mang lên phi cơ những món sau đây:
– Áo lạnh, áo khoác ngoài
– Bóp nhỏ của phụ nữ
– Tã cho em bé
– Xe đẩy em bé, loại xếp lại được
– Máy MP3 và cell phone…
Cấm đem lên theo hành lý xách tay:
– Air Canada cấm đem nhiều hơn 100ml/100gr chất lỏng hay gel trong hành lý xách tay
– Các vật dụng sau đây bị cấm đem theo hành lý xách tay. Phải gởi chúng theo hành lý ký thác tại quầy vé checked baggage:
* vật dụng bén nhọn
* dao cạo loại thẳng, lưỡi dao cạo, dao cạo râu, cắt móng tay
* kéo nhọn
* dụng cụ cắt hộp
* búa bén
* các loại dao, dao xếp, dao săn, dao nhà bếp, dao cắt thịt
* tournevis, cưa, khoan
* phi tiêu, cung tên, lưỡi câu
Hành lý ký gởi:
Air Canada quy định: 1 valise nặng 23kg (50lb), chiều dài tổng cộng tối đa 158cm (62in). Valise thứ 2 tính $20 CAD.
Hãng hàng không Hoa Kỳ tính thêm 25$ cho cái valise đầu tiên… (giá mấy năm trước).
Lúc xuống phi cơCũng lắm chuyện bực mình, nhưng vẫn đỡ hơn lúc chuẩn bị lên phi cơ.
Nào là chờ làm thủ tục nhập cảnh với immigration, chờ lấy hành lý, có khi nó lạc đâu mất, xét hỏi của quan thuế v.v…
Nếu phải chuyển đổi phi cơ (connecting flight) thì cũng có những sự hồi hộp khác.
Lỡ mình đến trễ thì kể như mệt lắm, stress lắm.
Tại phi trường lạ, mới đến lần đầu tiên, chẳng hạn như Chicago hay Los Angeles, rộng lớn mênh mông hổng biết đâu là đâu. Phi trường Miami, cũng không kém. Mỗi hãng máy bay đậu một ngõ khác nhau, xa lắc, và có nhiều levels, rồi còn xe lửa không người lái sky train ở tầng 3 đưa khách đến nơi mướn xe (car rental) ở đầu kia của phi trường.
Nội cái việc hỏi thăm đường và xe bus nào dẫn đến đúng terminal, và tìm cái gate lên phi cơ, hay quầy công ty hàng không để điều chỉnh lại vé cũng đủ hụt hơi rồi.
Kinh nghiệm, trước khi đi nhớ vô Internet tìm cái bản đồ Airport terminal map của nơi mình sắp đến, in ra, nghiên cứu kỹ là được. Coi cho kỹ tên phi trường là gì.
Lỡ vuột chuyến bay thì đành phải ngủ ngồi, ngủ gà, ngủ gật qua đêm tại phi trường để chờ bắt chuyến bay vào ngày hôm sau.
Bởi vậy, nếu khởi hành bằng những chuyến bay quá trễ trong ngày chúng ta có nhiều nguy cơ có thể bị vuột connecting flight lắm…
Kiểm khuyển (detector dog)Cơ Quan Biên Phòng Canada (Canada Border Services Agency – CBSA) có một đội ngũ kiểm khuyển gồm 72 con chó và được phân phối rải rác tại những cửa khẩu xung yếu của lãnh thổ Canada.
Địa bàn hoạt động của đội kiểm khuyển bao gồm nhiệm vụ kiểm soát du khách và hàng hóa đến bằng đường hàng không, bằng đường biển hay đường bộ. Chó cũng còn làm việc trong các kho của Canada Post để phát giác hàng hóa bị cấm hoặc hàng lậu, v.v… được gởi theo đường bưu điện.
Tại Canada, giống chó nhỏ con Beagle được sử dụng vào việc kiểm soát thịt thà cá mắm hoa quả nhập bất hợp pháp tại các phi trường và không quên là chó cũng rất hữu hiệu trong việc phát giác ra cần sa ma túy giấu trong hành lý. Chó giống Labrador Retriever thì được dùng để tìm vũ khí, chất nổ, tiền bạc và ma túy, v.v…
Nhờ thái độ ôn hòa, điềm tĩnh lúc làm việc nên chó được thả cho chạy tự do giữa các hàng du khách và hành lý trong lúc chờ đợi để hoàn tất thủ tục nhập cảnh tại các phi trường lớn ở Canada.
Cách làm việc của chó rất hữu hiệu, đặt biệt là không làm náo động phi cảng, gây ra cảnh xáo trộn hoang mang cho hành khách. Các xách tay mang trên vai và thậm chí hàng hóa giấu trong người cũng đều bị chó phát hiện tuốt luốt.
Chó sống với một người chủ duy nhứt là inspector. Chó về hưu sau thời gian làm việc 8 – 10 năm.
Welcome to CanadaĐồng bào ta mỗi khi đi du lịch, nhất là đi Việt Nam, lúc trở qua Canada thường mang theo về nhiều quà kỷ niệm cũng như nhiều loại thức ăn đặc sản của quê hương.
Một số sản phẩm nầy có thể chứa những loại sâu bọ, côn trùng, ký sinh trùng hoặc mầm bệnh có hại cho nông nghiệp và môi sinh Canada. Phần đông du khách đều ngay tình, vì không am tường luật lệ nên không khai báo đúng phép lúc phi cơ đáp xuống phi trường. Tuy nhiên cũng có một số ít người, mặc dù biết rõ loại hàng nào bị cấm nhập, loại nào không bị cấm, nhưng họ vẫn cố tình đánh liều mang vào Canada, trước để làm kỷ niệm và sau là để biếu xén bạn bè luôn thể. Nếu may mắn thì sẽ qua được xét hỏi một cách êm xuôi trót lọt, bằng không nếu bị khám kỹ, hoặc xui xẻo hơn là gặp nhầm đúng phiên trực của chó thì kể như vừa bị mất của mà lại còn phải chịu rất nhiều điều rắc rối nữa.
Thông thường hàng vi phạm sẽ bị tịch thu để hủy bỏ, đôi khi du khách còn phải nộp phạt một số tiền nữa. Nếu vi phạm nặng có thể bị truy tố ra tòa, nhưng trong thực tế trường hợp này hiếm thấy xảy ra.
Tại sao cấm? Canada là một quốc gia rộng lớn với tài nguyên thiên nhiên phong phú nhưng dân số chỉ có khoảng 36 triệu người mà thôi.
Canada đã từng nếm mùi dịch bệnh trong lãnh vực chăn nuôi nên đã biết thế nào là tai họa cho nền kinh tế của quốc gia mình. Mấy năm gần đây, bệnh bò điên (BSE) ở tỉnh bang Alberta, tuy chỉ được xác nhận có 4 ca mà thôi (tính đến tháng 2, 2006) nhưng cũng đủ để gây thiệt hại khá nhiều cho nền kinh tế Canada phần lớn do việc mất quyền xuất cảng thịt bò cũng như việc phải giết bỏ một số lượng lớn súc vật bị nghi đã có liên hệ huyết thống hay có tiếp xúc với thú bệnh. Dịch cúm gà xảy ra vào cuối tháng 2 năm 2004 tại British Columbia cũng làm Canada thiệt hại khá bộn bạc.
Nhắc lại chuyện ngày xưa, hồi năm 1952, dịch bệnh Long Móng Lở Mồm (Foot and Mouth Disease) bộc phát tại Saskatchewan đã gây thiệt hại cho Canada trên $30 tỉ, tính theo thời giá ngày nay. Đây là một bệnh do virus gây nên và lây nhiễm rất cao ở heo, trâu bò và dê cừu. Bệnh nầy không làm chết người nhưng làm thiệt hại kinh tế vô cùng to lớn. Ngày đó, người ta đưa ra giả thuyết nguyên nhân dịch bệnh là do một du khách đến từ Âu châu mang theo một đòn saucisse có chứa mầm bệnh hiểm nguy nầy. Ngày nay, với việc cải tiến phương tiện giao thông vận tải và mở rộng mậu dịch quốc tế, Canada cần phải hết sức thận trọng đề phòng sự xâm nhập của các nguồn bệnh đến từ khắp mọi nơi trên thế giới.
Một đòn saucisse, một ổ bánh mì thịt, một khúc chả lụa, một gói khô bò, một túi táo nho, một cành hoa tươi, một chậu Bonsai xinh xắn, và thậm chí một cái trống bịt bằng da bò có vẻ vô thưởng vô phạt đều có thể đem theo mầm bệnh nguy hiểm cho nền nông lâm nghiệp Canada. Mấy năm trước đây, mọi người đều có nghe nói đến việc ai đó đã sử dụng vi khuẩn Bacillus anthracis của bệnh Than để gây hoang mang và rối loạn ở Hoa Kỳ. Đây là một bệnh nhiễm trùng cực kỳ nguy hiểm trong chăn nuôi và có thể lây nhiễm gây tử vong ở người. Trong điều kiện phát triển khó khăn, như khô hạn, vi khuẩn bệnh Than thường chuyển sang dạng bào tử (spores) để nằm chờ ở đó trong một thời gian rất lâu dài 2 – 3 chục năm. Trong thí dụ cái trống ở trên, nếu nó được làm từ những con bò đã chết vì bệnh Than (hay Nhiệt thán), và miếng da lại không được thuộc kỹ lưỡng trước khi sử dụng thì rất có thể bào tử còn nằm trong đó. Chỉ cần chờ hội đủ điều kiện về nhiệt độ và ẩm độ thích hợp thì chúng sẽ chuyển sang thể vi khuẩn gây bệnh.
Được mang vào hay không được mang vào? *Đến từ Hoa KỳĐến từ lục địa Hoa Kỳ và Alaska, cho nhập có giới hạn các loại trái cây nào mà Canada cũng có thể trồng được. Nếu đến từ Hawai hay Puerto Rico thì điều kiện sẽ gắt gao hơn. Đôi khi các nhân viên kiểm tra có thể đòi hỏi du khách phải xuất trình hóa đơn coi loại hàng nầy có phải thật sự mua từ Hoa Kỳ hay không.
Cho phép đem vô:
– Sữa và sản phẩm làm từ sữa
– Trái cây vùng ôn đới, những loại mà Canada có thể trồng được, cho nhập hạn chế. (Tham khảo Canada Border Service Agency-CBSA).
– Hoa kiểng trồng trong nhà: Phần lớn cho nhập nếu đến từ lục địa Hoa kỳ.
– Cây thông Noel (arbre de Noel), kết tràng nhánh thông (Couronnes de conifères): cho nhập nếu đến từ một số tiểu bang nào đó mà thôi.
– Thông để trồng và thảo mộc để trồng bên ngoài: cho nhập có giới hạn. (Tham khảo CBSA)
– Tất cả các loại thịt tươi, thịt đông lạnh, thịt biến chế: cho nhập có giới hạn.
– Thịt rừng: cho nhập với điều kiện cần phải có giấy phép săn bắn.
– Mỡ của súc vật.
*Đến từ bất kỳ quốc gia nào khác ngoài Hoa Kỳ Gần đây các biến cố bệnh Bò điên, bệnh Long Móng Lở Mồm, bệnh Dịch Cúm gà (Avian Influenza) cũng như nỗi lo ngại về nguy cơ khủng bố sinh học (Bioterrorism) đã bắt buộc chính phủ Canada siết chặt hơn nữa luật lệ kiểm soát người và hàng hóa tại các cửa khẩu.
* Cho phép đem vào Canada các loại fromage, nhưng cấm các loại fromage đựng trong dung dịch lactoserum, như loại Fromage Feta chẳng hạn. Cấm đem sữa, beurre, nhưng sữa và thức ăn cho các cháu bé thì được cho phép với điều kiện là phải đựng trong lon hộp có nhãn hiệu thương mãi đàng hoàng.
Tất cả các loại thịt thà đều bị cấm, kể cả thịt tươi cũng như thịt biến chế, jambon, saucisse, khô bò, v.v…
* Cho phép đem hạt giống nhỏ 500gr/người, đối với hạt giống lớn (như đậu): 5kg.
* Cho phép nhập các loại hoa đã cắt và kết thành bó không có mục đích để gầy giống, không có sâu bọ côn trùng hay còn dính đất cát.
* Cho phép nhập tất cả các loại trái cây tươi vùng nhiệt đới (xứ nóng). Nhưng cấm các loại trái cây tươi như táo, nho …vùng ôn đới (xứ lạnh).
* Cho phép nhập các loại trái cây và rau cải đã được đông lạnh, trái cây đóng hộp, hoặc trái cây đã được rút bỏ nước (deshydraté).
* Cho phép nhập có giới hạn một số rau cải tươi nhưng không được còn rể, không dính đất cát. (Tham khảo CBSA)
* Cho nhập tất cả các loại rau mùi (fines herbes), gia vị khô, trà, café, v.v… Kẹo và bánh trái đều được cho phép mang vào Canada, nhưng bánh không được có nhân thịt. Các đồ vật lưu niệm, hình tượng bằng gỗ, đều được cho phép, với điều kiện gỗ không còn vỏ, sạch sẽ, không có dính đất cát sâu bọ côn trùng.
* Cho phép mang vào những sản phẩm bằng da với điều kiện da phải được thuộc kỹ lưỡng rồi (complètement tannés).
Cấm ngà voi, sừng tê giác, da cọp, móng cọp, da cá sấu, nanh heo rừng, đồi mồi, da gấu, mật gấu, hoa lan, cây xương rồng (cactus) v.v… Tất cả các sản phẩm nầy đều bị chi phối bởi luật lệ của CITES, là luật bảo vệ các loài động vật và thực vật hiếm, có nguy cơ bị diệt chủng. Cần phải có giấy phép của CITES mới nhập được. Cấm nhập rùa và trứng rùa để ấp vì chúng có thể mang vi khuẩn Salmonella. Phải có permis của Cơ Quan Kiểm Tra Thực Phẩm Canada (CFIA) mới được cho vô. Rùa cũng chịu sự chi phối của CITES.
* Cho phép nhập tất cả các loại thủy sản, tôm cá tươi hay khô, ngoại trừ 2 loại: cá Nóc (poisson globe, puffer fish) và cua Tàu (chinese mitten crab, có tên khoa học là Eriocheir sinensis).
“Theo cố Gs Đỗ Tất Lợi, có lối 60 loài cá nóc. Đặc tính của chúng là có thể phình bụng to ra lúc cảm thấy bị đe dọa. Có vào khoảng 30 loài cá nóc có chứa độc tố tetradotoxin rất nguy hiểm, ăn vào có thể chết. Ở Việt Nam, một số ít cá nóc sống trong nước ngọt, như cá nóc mít, và cá nóc vàng. Phần lớn các loại cá nóc đều sống ở vùng nước mặn ngoài biển. Cũng có con lổm chổm gai trên lưng và được gọi là cá nóc nhím. Hình như độc tố của cá nóc nằm trong buồng trứng, trong gan, hoặc trong ruột cá? Tại Việt Nam, độc tố của cá nóc rất cao từ tháng 2 đến tháng 7, là mùa đẻ trứng. Độc tố không bị nhiệt phá hủy, cho nên dù có nấu chín vẫn có thể bị ngộ độc như thường…
…Thói quen của dân đánh cá là hay đập chết cá nóc ngay trên thuyền làm cho buồng trứng và ruột gan bị dập, độc tố ngấm vào thịt. Trường hợp móc bỏ hết ruột gan ra cũng vẫn có thể bị ngộ độc như thường. Triệu chứng ngộ độc bắt đầu bằng sự tê môi, tê lưỡi, cảm giác như kiến bò trong các đầu ngón tay và ngón chân, đồng tử giãn nở, tay chân bị tê liệt, thân nhiệt và áp huyết bị giảm xuống. Nếu không chữa trị kịp thời, thì bệnh nhân sẽ bị tê liệt hoàn toàn, cứng hàm dưới, hôn mê và chết vì liệt hô hấp. Tại Việt Nam, ngộ độc cá nóc vẫn thường xảy ra hằng năm. Tuy nổi tiếng là rất độc có thể làm chết người nhưng tại Nhật Bản, cá nóc là một món ăn thượng đẳng. Đây là món Fugu rất đắt tiền chỉ có bán tại những nhà hàng đặc biệt mà thôi. Đầu bếp muốn biến chế món nầy cần phải có giấy phép chứng nhận đã nắm vững kỹ thuật làm cá nóc”. — (trích Gs Đỗ Tất Lợi)
Cua Tàu bị cấm nhập vì có thể làm tổn hại môi sinh. Trớ trêu thay đây lại là một món hẩu xực của dân nhậu.
Xuất phát từ Trung quốc, cua theo người di dân đi tha phương cầu thực khắp cả năm châu bốn biển.
Cua Tàu đã có mặt tại Âu châu từ 5 – 6 chục năm nay rồi. Gần đây, năm 1993 báo cáo nói rằng ngư dân đã tìm được loại cua nầy tại vịnh San Francisco. Có thể nó đã nhập lậu vào Hoa Kỳ chăng? Cua Tàu cũng thấy xuất hiện tại Quebec.
Đặc điểm cua Tàu có 2 càng thật to và được bao phủ bởi những chùm lông sậm màu và dầy đặc. Tác hại của chúng đối với môi sinh thật là nghiêm trọng.
Cây cỏ mọc dưới nước, tôm tép con và tất cả những sinh vật nhỏ sống trong nước đều bị loài cua này thanh toán hết. Các mồi móc câu của ngư dân cũng đều bị cua đớp luôn, và nếu vướng vào lưới cá thì kể như phải mất cả buổi cũng chưa chắc gỡ hết cua ra được, có khi phải thay lưới mới. Cua cái đẻ ở vùng ven biển cũng như các cửa sông, cua con lần mò trở vô các sông ngòi nước ngọt để tăng trưởng. Đặc điểm khác của giống cua Tàu là đẻ rất nhiều và tăng trưởng cũng rất nhanh. Cua đi tới đâu thì phá hoại tới đó.
Chúng di chuyển thành từng đàn, và hễ gặp chướng ngại vật thì tránh sang hướng khác, có khi bò lổn ngổn ngay trên đường, và vào cả trong những nhà nằm dọc hai bên lộ. Đôi khi chúng bám dày đặc vào các lưới chắn và làm tắt nghẽn các hệ thống thoát nước.
Tại sao phải khai báo?Khai báo là một sự bắt buộc theo luật định.
Luật bắt buộc du khách khi vừa bước xuống phi cơ phải khai báo những hàng hóa, thực phẩm, thịt, sữa, rau cải, hoa quả, cây cối, da thú và những sản phẩm kỷ niệm làm từ các loài động vật hoặc thực vật hiếm quý mà họ mang theo.
Nếu không khai báo nhưng lỡ bị nhân viên quan thuế phát giác ra thì rất phiền phức.
Sau đây, người gõ xin tóm lược những điều chính yếu của tài liệu Be Aware and Declare của chánh phủ Canada về những gì bạn cần phải khai báo trong mẫu Canada Border Services Agency (CBSA). Declaration Card được phát lúc bạn còn ngồi trong phi cơ.
Phải khai báo những gì? – Thịt và sản phẩm làm từ thịt (meat & meat products), sandwich: Sợ bị bệnh long móng lở mồm. Khô bò là món nhiều người thường hay đem về nhất.
– Crème, sữa, fromage và sản phẩm làm từ sữa (cream, milk, other dairy products): Sợ bị bệnh long móng lở mồm.
– Cây cối, hoa cắt thành bó (plants, trees, cut flowers and their soil, may require and import permit): Sợ sâu bọ côn trùng, ký sinh trùng nématodes trong đất.
– Gỗ và sản phẩm làm từ gỗ (wood and wood products): Sợ sâu bọ (pest).
– Trái cây và rau cải (fruits & vegetables, may require an import permit): Sợ côn trùng, sâu bọ (pest).
– Chó mèo, chim và thú vật sống (require an import permit or vaccination documentation): Sợ những bệnh của thú vật.
– Lông chim (feathers and down): Sợ mang mầm bệnh của thú vật.
– Hạt giống và hạt dẻ (seeds and nuts): Sợ có mang ký sinh trùng nématode trong đất.
CITES là gì?Đây là một Tổ Chức Quốc Tế (Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora). Tổ chức nầy có nhiệm vụ kiểm soát sự mua bán và đổi chác những loài động vật và thực vật hiếm quý có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Nanh heo rừng, ngà voi, đồi mồi, sừng tê giác, da cá sấu, da cọp, hổ cốt, cây xương rồng, hoa lan orchidée, mật gấu… đều nằm trong danh mục của CITES.
Những cơ quan trách nhiệm kiểm soát:
1- Canada Border service Agency CBSA. Tel: 1 800 959 2036
http://www.cbsa- asfc.gc.ca/contact/menu- eng.html
2- Canadian Food Inspection Agency CFIA. Tel: 1 800 442 2342
http://www.inspection.gc.ca/about- the- cfia/contact- us/eng/1299860523723/1299860643049
Kết luậnTheo ý riêng của tác giả, muốn cho cuộc du lịch được vui vẻ thuận buồm xuôi gió, khỏi bị phiền phức bực mình và bị mất thì giờ vô ích, thì tốt hơn hết chúng ta đừng có đem về đồ quốc cấm, đồ lưu niệm (như ngà voi, răng cọp, nanh heo rừng, sừng tê giác, đồi mồi…), cây cỏ, đất cát trong chậu, trống làm bằng da bò (sợ mang bào tử vi khuẩn bệnh than anthrax), rau quả hay bất kỳ một loại thực phẩm nào vào Canada hết kể cả khi trở về từ Hoa Kỳ…
Thôi thì nhập gia phải tùy tục.
Xin chúc tất cả bà con cô bác thượng lộ bình an, đi tới nơi về tới chốn.
Nguyễn Thượng Chánh, DVM_____________________
Tham khảo:Công dân Canada muốn biết rõ thêm chi tiết về du lịch
– Bon Voyage But… Essential Information for Canadian Travellers 2011/2012
http://travel.gc.ca/travelling/publications/bon- voyage- but
– Du khách muốn đến viếng thăm Canada:
Visit Canada
http://www.cic.gc.ca/english/visit/– Air Canada. Carry-on baggage
http://www.aircanada.com...o/airport/baggage/carry- on.html
– US Airways Baggage Policies
http://airtravel.about.c...ckingadvice/a/usbags.htm– What Can I Bring Into Canada in Terms Of Food, Plant, Animal and Related Products?
http://www.beaware.gc.ca/english/brirape.shtmlDu lịch Mỹ – Những thứ bị cấm và cho mang theo khi nhập vào nước Mỹ
http://www.dulichhoanmy.com/tu- van- du- lich/10155- tu- van- du- lich- my- – – nhung- thu- bi- cam- va- cho- mang- theo- khi- nhap- vao- nuoc- my.html
Du lịch Việt Nam ảo tưởng hay lừa dối?
https://www.saigonecho.com/index.php/doi- song/tai- lieu/16840- du- lich- viet- nam- ao- tuong- hay- lua- doi
– Bùi Văn Phú – Quà Quê Nhà
https://vietbao.com/a239302/qua- que- nha
– Thảo Huệ. Khiếp vía với mắm tôm, thịt chó rơi vãi ở sân bay Budapest
http://vietnamnet.vn/vn/doi- song/112499/khiep- via-voi-mam- tom–thit-cho-roi-vai-o-san-bay-budapest.html