Trong số những nhạc sĩ sáng tác có ca khúc nổi tiếng mà cuối đời sống quạnh hiu và qua đời trong một đám tang ít người thăm viếng là nhạc sĩ Thanh Bình. Ông tên thật là Nguyễn Ngọc Minh sinh năm 1932 tại Bắc Ninh, thời trẻ lang thang các vùng Hải Phòng, Sầm Sơn, Thanh Hóa rồi di cư vào Miền Nam năm 1954.
Trước khi trở thành nhạc sĩ viết ca khúc, Thanh Bình là nhà văn có một số truyện ngắn và viết tin văn nghệ cho một số báo tại Hà Nội.
Tổng số ca khúc của nhạc sĩ Thanh Bình khoảng hơn chục bài và có 3 bài giá trị và nổi tiếng là Những Nẻo Đường Việt Nam, Lá Thư Về Làng, Tình Lỡ được nhiều ca sĩ thu băng trong nước trước năm 1975 và qua hải ngoại vẫn tiếp tục thu âm.
Bản Những Nẻo Đường Việt Nam lời ca như sau:
Những nẻo đường Việt Nam.Suốt từ Cà Mâu thẳng tới Nam Quan. Ôi những nẻo đường Việt Nam.
Những nẻo đường về đâu? Ánh chiều chìm sâu bờ lúa nương dâu. Ôi những nẻo đường về đâu?
Ơ, ta đắp đường làng ta.Nhắn ai đi chớ quên quê nhà. Con đường về thôn vui quá.
Ơ, ta bước trên đồi cao.Xóm nghèo ánh trăng soi lối vào. Những nẻo đường gặp gỡ duyên nhau.
ÐK:
Yêu là yêu là yêu không bờ bến rồi.Yêu là yêu là yêu những nẻo đường ơi
Yêu là yêu là yêu không bờ bến rồi. Sao người ơi đành tâm chia đường cách đôi?
Bài hát Những Nẻo Đường Việt Nam đã từng được hợp ca trên đài phát thanh Sài Gòn, ca ngợi tình yêu đất nước và được hát trong những đêm lửa trại của sinh viên học sinh trước năm 1975. Qua hải ngoại được thu băng qua tiếng hát Duy Khánh- Hương Lan; Việt Dzũng- Tuấn Minh- Thế Sơn- Như Quỳnh- Mạnh Đi- Mỹ Huyền; Thanh Thúy.
Nét nhạc phong phú, truyền cảm và lời ca đậm chất quê hương; mặc dù đã sáng tác mấy chục năm trước, ngày hôm nay hát và nghe ca khúc này vẫn thấy lòng rung động tình yêu quê nhà Việt Nam.
Bản Lá Thư Về Làng lời ca như sau:
Từ miền Nam viết thư về thăm xóm làng, sắc son gởi thăm mấy hàng, thăm bà con dãi dầu năm tháng. Từ Tiền Giang thương qua Đèo Cả thương sang, đêm đêm nhìn vầng trăng sáng, thương những già hôm sớm gian nan. Em thơ ơi có còn học hành sớm tối. Áo nâu tươi gái làng còn che môi cười. Và đàn bò còn nghe chim hót lưng đồi, nhớ nhung rồi thương quá lắm bé thơ ơi.
(chuyển qua âm thể trưởng)
Ruộng vườn yêu ơi, thôn làng ruộng vườn yêu ơi. Từ ngàn trùng khơi nhắn qua non sông suối đồi. Ruộng vườn yêu ơi, thôn làng ruộng vườn yêu ơi, có sớm ta về làng làng xóm xóm yên vui.
Đẹp màu tre tươi, ơi là đẹp màu tre tươi. Đường về làng tôi lúa đồng ngọt ngào đón cười. Và người yêu quê đau sầu từ ngày anh đi. Có sớm ta về mừng mừng ướt má hoen mi.
Âm điệu nhẹ nhàng, vẫn là nỗi nhớ quê hương xa cách với nét đẹp thôn làng êm đềm. Khi qua hải ngoại, thời chưa có Internet,hát và nghe lại ca khúc này vẫn đúng tâm trạng của người xa xứ khi những lá thư thăm hỏi từ Hoa Kỳ, Canada, Âu Châu vượt trùng dương đến người thân ở Việt Nam xa xôi thập niên 70,80,90.
Bản Tình Lỡ bỗng dưng đồi chủ đề và nét nhạc lời ca trở nên ray rức :
“Thôi rồi còn chi đâu em ơi; có còn lại chăng dư âm thôi, trong cơn đau thương men đắng môi. Yêu rồi tình yêu sao chua cay, men nào bằng men thương đau đây, hỡi người bỏ ta trong mưa bay.
Phương trời mình đi xa thêm xa, nghe vàng mùa thu sau lưng ta, em ơi em ơi thu thiết tha. Ơi người vì ta qua phong ba, có còn gì sâu trong tâm tư, mắt lệ mờ hoen dư âm xưa.
Một vầng trăng vỡ đã thôi không theo nhau. Cuộc tình đã lỡ với bao nhiêu thương đau, hết rồi thôi đã không còn gì,chỉ còn hiu hắt cơn sầu không nguôi. Con đường mình đi sao chông gai, bước vào đời nhau bao lâu nay, em ơi em ơi sao đắng cay. Thôi đành vùi sâu tâm tư thôi, hết rồi còn chi đâu em ơi, hết rồi chi đâu em ơi”.
Ca khúc Tình Lỡ được Khánh Ly hát trong cuốn phim Nàng của đạo diễn Lê Mộng Hoàng và các tài tử Thẩm Thúy Hằng, Trần Quang, La Thoại Tân vào năm 1970. Giấy phép xuất bản ca khúc này được ghi trong bản nhạc là ngày 9-9-1969 tại Sài Gòn do chính nhạc sĩ Thanh Bình tự in và phát hành.
Lời ca có những câu rất hay như “ Nghe vàng mùa thu sau lưng ta, phương trời mình đi xa thêm xa; những từ ngữ có vẻ được viết ra thời thập niên 60, 70 của dòng văn nghệ Sài Gòn.
Cho nên có bài viết ở trong nước mới đây cho rằng tác giả hoàn thành ca khúc này vào năm 1954 khi chia tay người yêu để di cư vào Miền Nam, cũng là điều đáng suy gẫm.
Vào năm 1976, khi chế độ Cộng Sản cấm đoán tất cả dòng nhạc vàng Sài Gòn thì trong một cuốn phim do họ thực hiện chiếu tại rạp,bỗng dưng có một đoạn trích dẫn bản Tình Lỡ của Thanh Bình với giọng ca Khánh Ly làm cho khán giả có một đôi phút thưởng thức thoải mái bài hát truyền cảm này.
Dầu vậy tên tuổi của tác giả ca khúc Tình Lỡ vẫn ít người biết tới. Một hai năm trở lại đây, 2013, 2014, một số ca sĩ nổi tiếng trong nước thu âm lại bản này và một số ca sĩ hải ngoại cũng bắt chước theo .
Tuy vậy khi nhạc sĩ Thanh Bình nằm xuống vào ngày 23 tháng 5 năm 2014 trong cảnh nghèo khó, thì đám tang của ông rất hiu quạnh, ít người thăm viếng. Những ca sĩ nổi tiếng ở trong nước nhờ vào ca khúc Tình Lỡ không thấy đến viếng ông lần cuối.
Đường tình duyên của ông đầy trắc trở, có một đứa con gái thì bị tù tội lúc ông mất không về dự tang cha.
Nghệ danh của ông là Thanh Bình, nhưng cuộc đời của ông tính cho đến cuối đời thì chẳng thấy thanh bình chút nào. Có lẽ đó là ước mơ thấy được quê hương và dân chúng được thanh bình chăng. Mặc dù bản Tình Lỡ nổi tiếng nhưng bản Những Nẻo Đường Việt Nam của ông vẫn được xem là một trong những ca khúc tuyệt tác về chủ đề ca ngợi nét đẹp quê hương.
Viết nhạc quê hương hay và nhạc tình cũng hay, viết không nhiều nhưng cũng đủ để lại trong lòng khán giả sự cảm phục tài năng nhạc sĩ Thanh Bình.
SBTN