Patrizio Buanne, ca sĩ crooner Ý phát hành album thứ tám - DR
Viva la Dolce Vita là tựa đề album thứ tám của ca sĩ crooner người Ý Patrizio Buanne. Với tập nhạc này, giọng ca baryton (baritone) chuyên hát nhạc pop La Tinh tiếp tục đà tiến hầu chinh phục thị trường quốc tế. Ngay từ khi được phát hành, album này chiếm hạng đầu thị trường Úc trong hạng mục bán cổ điển. Tập nhạc cũng vừa được trình làng tại Ý, nhằm hỗ trợ cho vòng lưu diễn châu Âu của anh nhân dịp hè năm 2015.
Album mới của Patrizio Buanne bao gồm 15 ca khúc, đa phần được ghi âm dưới dạng song ngữ, xen kẽ tiếng Anh, tiếng Ý và tiếng Tây ban Nha. Một nữa các bài bát là những tình khúc vang bóng một thời, chẳng hạn như bài Surender (Torna a Surriento, trong tiếng Việt là bài Trở về mái nhà xưa. Ca khúc nổi tiếng Smile của Charlie Chaplin, từng ăn khách qua giọng ca của ông hoàng crooner Nat King Cole. Bản bolero Quiereme Mucho của hai tác giả Gonzalo Roig (soạn nhạc) và Augustin Rodriguez (đặt lời) ….
Một nữa các ca khúc còn lại là những sáng tác mới chủ yếu khai thác hai dòng nhạc trữ tình của Ý và Tây Ban Nha. Chất giọng nam trung trầm (baryton / baritone) của Patrizio Buanne khi hát tiếng Anh, vay mượn phong cách của ông hoàng nhạc rock Elvis, nhưng từ điệu bộ khiêu gợi cho tới cách hất chữ cứng cựa lại làm cho người nghe liên tưởng đến một Tom Jones của thời vàng son.
Còn khi anh hát tiếng Ý, Patrizio Buanne không lấy hơi như các giọng ca đàn anh xuất thân từ dòng nhạc cổ điển (Andrea Bocelli) mà lại ngắt câu tách nhịp theo cách biểu diễn nhạc nhẹ. Tình khúc Que Sera de Mi, chơi theo phong cách criolla bolero, được phóng tác từ một bài hát nổi tiếng của Armenia (bài Ov Sirun Sirun) là một trong nhạc phẩm nổi trội nhất trích từ album này.
Sinh năm 1978, nam ca sĩ Patrizio Buanne tuy xuất thân từ một gia đình người Ý, nhưng anh lại sinh trưởng tại Áo, do bố mẹ anh lập nghiệp kinh doanh tại thủ đô Vienna. Từ thuở thiếu thời, Patrizio có năng khiếu ngoại ngữ, nhờ học giỏi mà nói được 5 thứ tiếng khác nhau. Gia đình anh phát hiện là cậu bé có lỗ tai âm nhạc, nhờ thính giác bén nhạy mà học nhạc rất dễ, phát âm ngoại ngữ rất chuẩn. Có lẽ cũng vì thế mà Patrizio luôn được gia đình khuyến khích. Cậu bé ôm ấp giấc mộng sân khấu, bắt đầu đi biểu diễn và thi hát từ năm 11 tuổi. Trong giai đoạn đầu, anh ghi âm hai album đầu tay khi anh còn học lớp trung học phổ thông tại Áo.
Sau khi đậu bằng tú tài, Patrizio Buanne rời thủ đô Vienna sang Ý vào năm 19 tuổi. Anh ghi tên vào trường đại học Roma, ban ngày theo học khoa ngoại ngữ, ban đêm đi hát tại các quán nhạc để kiếm sống, nhẫn nại chờ thời trong lúc tìm kiếm cơ hội tỏa sáng trong ngành công nghiệp giải trí. Nhờ liên tục tham gia các buổi casting cho đài truyền hình mà anh bắt đầu xuất hiện trong các chương trình ca nhạc như Domenica In hay là Momenti di Gloria (Giây phút Vinh quang). Giọng hát mượt trầm của anh lọt vào tai các nhà sản xuất, anh ký hợp đồng ghi âm đầu tiên để phát hành các album tại Ý.
Đĩa hát đầu tay, Patrizio Buanne ghi âm năm anh 18 tuổi, nhưng mãi tới hơn sáu năm sau đó, sự nghiệp của anh mới thật sự cất cánh, sau khi Patrizio Buanne ký hợp đồng ghi âm chuyên nghiệp với kênh truyền hình nước Ý thuộc tập đoàn Mediaset. Năm 2005, tức cách đây vừa đúng 10 năm, giọng ca crooner này có cơ hội tỏa sáng nhờ album đề tựa The Italian, chủ yếu bao gồm các bài hát lãng mạn của Ý ghi âm với dàn nhạc giao hưởng Luân Đôn (The Royal Philharmonic Orchestra).
Tập nhạc này lọt vào Top Ten thị trường Anh quốc, hạng 7 tại Áo và Phần Lan, hạng 5 tại Hoa Kỳ trong hạng mục crossover, hạng tư tại Nam Phi, hạng nhì tại Úc và New Zealand. Còn tại châu Á, album này đạt tới mức đĩa bạch kim trên các thị trường Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Đài Loan. Sau hơn một thập niên đợi chờ, sự nghiệp quốc tế của Patrizio Buanne cuối cùng cũng được lăng xê.
Trong vòng một thập niên liền, Patrizio Buanne ghi âm tổng cộng 6 album (không kể tới hai tập nhạc đầu tay ghi âm tại Vienna). Nhờ vốn liếng ngoại ngữ, và tài năng hiểu trong cách phóng tác các ca khúc trữ tình La tinh, anh thường ghi âm khá nhiều bài hát dưới dạng song ngữ, thường là tiếng Anh và tiếng Ý, cộng thêm các phiên bản tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha.
Thể loại sở trường của anh là dòng nhạc crooner Anh Mỹ những năm 1950, hát nhạc xưa nhưng với cung cách của giới trẻ thời nay, anh có làn hơi khỏe khoắn đầy đặn nhưng không nhất thiết phải luyến láy trên mỗi chữ cuối câu. Dòng nhạc La Tinh (tiếng Tây Ban Nha) không hẳn là những gì anh yêu thích nhất, nhưng khi trình bày các ca khúc trữ tình tiếng Ý, anh thường hát đúng theo phong cách của người dân vùng Napoli (canzone napoletana), vốn là nguyên quán của gia đình anh, với lối phát âm chuẩn mực, bỏ dấu đúng chỗ.
Các bản bolero cũng như ballad mà anh từng ghi âm trên CD thường có lối hoà âm theo bậc thang, dần dần đi từ những cung trầm lên tới những nốt cao nhất mà vẫn không bị đuối hơi. Nơi giọng ca này, người nghe có thể nhận thấy một lối trình bày khác với các nhóm pop cổ điển như Il Divo và Il Volo. Các ca khúc tiếng Ý của anh cũng có những bản phối khá mộc, nhưng đủ để nói lên những rung động thổn thức của một trái tim rạo rực, đam mê ray rức.
Theo RFI