WESTMINSTER, California (NV) - Tang lễ cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Giác Nhiên được chuẩn bị long trọng với nghi thức phát tang lúc 10 giờ sáng Thứ Bảy, 8 Tháng Tám, tại trụ sở nguyên thủy của Tổ Đình Minh Đăng Quang, Westminster.
Trụ sở Tịnh Xá Minh Đăng Quang, Westminster. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Hòa Thượng Thích Minh Tuyên, viện chủ Tổ Đình Minh Đăng Quang, chủ trì buổi lễ, tán thán công đức của Đại Lão Hòa Thượng Pháp Chủ cùng với các chư tăng ni, và đồng bào Phật Tử.
"Ngài bỏ cả đời hy sinh, tu tập và quảng bá Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới. Từ hơn 50 năm nay, hàng ngàn môn đồ pháp quyến theo chân ngài để phát triển đạo pháp," Hòa Thượng Thích Minh Tuyên tuyên bố bắt đầu buổi lễ.
"Công đức vô lượng của Ngài luôn ở trong lòng các người con Phật. Ngài trụ thế 93 năm, hạ lạp 60 năm,"" hòa thượng nói thêm.
Sau đó hòa thượng viện chủ hợp cùng các chư tăng ni và đồng bào Phật tử cử hành lễ cúng cơm Ngọ.
Di ảnh cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Giác Nhiên. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Trước đó, lúc 8 giờ sáng, lễ phát tang được cử hành trọng thể. Hàng trăm môn đồ pháp quyến (đệ tử) chít khăn tang màu áo cà sa. Trong số người chịu tang, có ông Nguyễn Hữu Nghĩa, 39 tuổi, gọi Đại Lão Hòa Thượng bằng Ông.
"Tôi từ bé, theo chân Hòa Thượng và coi Ngài như 'Ông Nội,' luôn đi theo và chụp hình, quay phim khi Ngài đi giảng pháp, cũng như những khi Hòa Thượng đi ủy lạo cho những người kém may mắn," ông Nghĩa nói.
Ông Minh Tấn Võ Trung Tín, huynh trưởng cố vấn Gia Đình Phật Tử Trúc Lâm kể những ngày đầu của Tổ Đình Minh Đăng Quang, Westminster.
Hòa Thượng Thích Minh Tuyên (phải) tại buổi lễ. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
"Hòa Thượng đi đâu là Gia Đình Phật Tử Trúc Lâm đi đó. Tôi còn nhớ lúc đầu, Hòa Thượng muốn mua một căn nhà trên đường Edinger và Bristol ở Santa Ana để làm chùa, nhưng thành phố Santa Ana không cho. Hòa Thượng mới về mua căn nhà hiện nay, khi ấy giá chỉ có $105,000," ông Tín nói.
Ông cho biết khi ấy, ông có công việc làm, nên giúp Hòa Thượng tạo mãi cơ sở và thành lập Gia Đình Phật Tử Trúc Lâm vào ngày Rằm Tháng Bảy, 1977.
Ông Tín cho biết: "Hòa Thượng là đệ tử đầu tiên của Tổ Đình Minh Đăng Quang, khi xưa Thượng Tọa Thích Quang Minh là pháp chủ. Thời gian ấy người Việt chống Pháp, Thương Tọa mượn các chùa để thuyết pháp, hình thức khất sĩ để chiêu mộ vận động kháng chiến chống Pháp. Trong số các đệ tử thời đó có 'Sư Giác Nhiên.'"
"Sau người Pháp phát giác âm mưu kháng chiến, Thượng Tọa Thích Quang Minh bị Pháp giết," ông Tín kể.
Một người khác rất gần với Trưởng Lão Hòa Thượng, là Thượng Tọa Thích Minh Bình.
Các môn đồ pháp quyến tại buổi lễ. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
"Tôi là đệ tử của Ngài từ năm 1969 ở Châu Đốc. Ngài là người từ bi, hỷ xả, tha thứ hết cho mọi người, thể hiện tứ vô lượng tâm, trọn vẹn như lời Đức Phật dạy," thượng tọa nói.
"Khi lâm bịnh, Hòa Thượng dặn dò các đệ tử tiếp tục con đường đạo hạnh. Ngài có khoảng trên 4,000 người kể cả ở Mỹ và Việt Nam, xuất gia theo bước chân tu của Ngài," thượng tọa nói thêm.
Nói xong, vị thượng tọa lấy bài thơ sáng tác khi xúc động bên giường bệnh của vị pháp chủ.
Thượng tọa đọc lời bài thơ: "Thầy đã ra đi lúc nửa đêm, lòng con quặn thắt thân nhũn mềm; Còn đâu ngày tháng Ngài kêu gãi, Gãi ở đâu nè, gãi sáng đêm; Rồi kể từ nay gãi có còn, lời thầy vàng ngọc tấm lòng son; Thân thầy còn đó nơi nào gãi, Gãi gãi chia ly gãi có còn?"
"Tôi là người nắm tay Hòa Thượng cho đến khi Ngài trút hơi thở cuối cùng, thâu thần, nhập diệt lúc 10 giờ 29 phút tối Thứ Ba, 3 Tháng Tám. Tôi nhớ mãi!" vị đệ tử nói.
Thượng Tọa Thích Minh Bình (trái) và một người cháu. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Trong khi đó, một tấm ảnh lớn của Đại Lão Hòa Thượng chụp chung với hàng trăm đệ tử được các em trong Gia Đình Phật Tử Trúc Lâm đem cho mọi người chiêm ngưỡng. trên tấm ảnh có ghi những lời Phật dạy mà Hòa Thượng khuyên nhủ mọi người nên giữ trong lòng và thực hành.
Nói về các công đức của Hòa Thượng Thích Giác Nhiên, ông Trần Văn Hương, 76 tuồi, cư dân Santa Ana cho biết: "Tôi là soạn giả của ba tuồng cải lương. Trong đó, tuồng thứ nhất là 'Diệu Lý Minh Đăng' tức tiểu sử Tổ Sư Minh Đăng Quang khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ. Tuồng thứ hai là 'Đại Sử Phật Tổ Thích Ca,' gồm 300 diễn viên, rất phong phú."
"Sau cùng là tiểu sử của Hòa Thượng Thích Giác Nhiên, nhan đề 'Diệu Lý Nhiên Đăng' dự trù cúng dường, đâu ngờ Thầy đã sớm ra đi," ông Hương nói.
Một Phật tử tìm hình vị pháp chủ. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Cũng theo soạn giả các tuồng cải lương liên quan đến Tổ Đình Minh Đăng Quang, "Hòa Thượng từng bảo lãnh cho 6,000 người Việt tị nạn, 100 sư qua Mỹ học đạo và 50 sư cô. Trong khi Hiệp Hội Cứu Trợ Tị Nạn Đông Dương của tôi, cùng Hòa Thượng giúp được 2,800 người từ Thái Lan đi tị nạn."
Lúc 12 giờ trưa, kim quan của cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Giác Nhiên được đưa về phòng số 5 của Peek Family Funeral Home với bốn xe mô tô dẫn đường.
Theo chương trình của ban tổ chức tang lễ, ngày Thứ Bảy, 8 Tháng Tám đến Thứ Ba, 11 Tháng Tám, dành cho thăm viếng.
Lễ di quan lúc 12 giờ trưa đến 2 giờ chiều Thứ Ba, 11 Tháng Tám.
Lễ tống biệt lúc 10 giờ sáng Thứ Sáu, 14 Tháng Tám, sẽ đưa kim quan của ngài về từ biệt Tổ Đình Minh Đăng Quang, nơi Ngài từng sinh sống, hành đạo suốt hơn 30 năm. Sau đó kim quan của Ngài được đưa ra phi trường Los Angeles, để làm lễ "Trà Tì" (hỏa táng) tại Việt Nam.
Hiện diện trong buổi lễ có các phái đoàn chư tăng ni từ Pháp, Úc và các tiểu bang khác tại Hoa Kỳ đông đảo về tham dự.
Mọi chi tiết, liên lạc ban tổ chức tang lễ, điện thoại (714) 895-1218, (714) 437-9511, (714) 759-0752.
Linh Nguyễn/Người Việt