Trong một lần trò chuyện cùng một bằng hữu văn nghệ- là một nhạc sĩ nổi tiếng và biết nhiều chuyện trong làng ca nhạc Việt Nam. Anh đưa ra một ý tưởng khá thú vị là xếp hạng các nhạc sĩ viết ca khúc theo kiểu võ lâm kiếm hiệp. Trong võ lâm ( rừng võ ) có Võ Lâm Ngũ Bá gồm Vương Trùng Dương chiếm ngôi bá chủ, còn lại là Tây Độc, Đông Tà, Bắc Cái, Nam Đế. Xếp hạng tương tự thì ở trong nhạc lâm ( rừng nhạc) của Việt Nam, thì nhạc sĩ Phạm Duy hạng nhất, bốn vị trí kia thì nhạc sĩ Anh Bằng và nhạc sĩ Lam Phương chiếm giữ; còn lại hai chỗ thì có thể là Hoàng Thi Thơ, Phạm Đình Chương, Trịnh Công Sơn…
Theo sự xếp hạng kiểu này thì muốn ở vào vị trí trong năm chỗ cao nhất thì phải nổi tiếng và có nhiều ca khúc được yêu thích và có nét đặc biệt. Và như vậy thì nhạc sĩ Anh Bằng và Lam Phương xứng đáng được xưng tụng là nhị bá trong Nhạc Lâm Ngũ Bá.
Nhạc sĩ Anh Bằng sinh năm 1926, lớn hơn nhạc sĩ Lam Phương sinh năm 1937. Một người trưởng thành ở miền Bắc rồi di cư vào Sài Gòn năm 1954 và người kia sinh ở Rạch Giá tỉnh Kiên Giang của Miền Nam rồi cũng lên Sài Gòn lập nghiệp.
Ghi dấu sự kiện lịch sử chia đôi đất nước tháng 7 năm 1954, Anh Bằng có bản Nỗi Lòng Người Đi diễn tả nỗi nhớ của chàng trai phải từ giã Hà Nội, chia tay người tình để vào Sài Gòn. Lam Phương thì tưởng tượng cảnh biệt ly để viết bản Chuyến Đò Vĩ Tuyến.
Kể từ năm 1954 cho đến cuối tháng 4 năm 1975, Miền Nam với chính thể Việt Nam Cộng Hòa tự do trở thành miền đất no lành để nhiều đóa hoa nghệ thuật nở rộ trong đó riêng về ca nhạc đã có hàng ngàn ca khúc được sáng tác và vẫn còn được yêu thích cho đến hôm nay tại hải ngoại và ngay cả ở trong nước- người ta gọi đó là Dòng Nhạc Sài Gòn .
Dòng Nhạc Sài Gòn ( 1954- 1975) đã có sự góp mặt của hai nhạc sĩ nổi tiếng Anh Bằng và Lam Phương với nhiều ca khúc thì khi di tản sang Hoa Kỳ cuối tháng 4 năm 1975, hai ông vẫn dồi dào sáng tác trong suốt mấy chục năm ở hải ngoại, cho ra đời những bài hát được ưa thích.
Ở trong nước, gần gũi quê hương cùng với sự tưởng tượng phong phú và tình cảm nồng nàn của thời tuổi trẻ, trung niên giúp cho sự sáng tác dễ dàng; nhưng khi sang xứ người hoàn cảnh xa lạ và mặc dù tuổi tác đã cao mà hai nhạc sĩ này vẫn còn giữ được phong độ. Đó là điều đặc biệt của Anh Bằng và Lam Phương.
Nhạc sĩ Anh Bằng là người thành lập ra trung tâm băng nhạc Asia giữa thập niên 80 ở hải ngoại, ông có cơ hội để phổ biến những nhạc phẩm mới của ông. Đây cũng là một điều kiện thuận lợi và là sự kích thích để có thêm nhiều cảm hứng mà viết nhạc.
Trong một lần tâm sự, Anh Bằng nói rằng mình tuổi đã già, làm gì mà có chuyện yêu đương trai gái nữa cho nên ông phải tìm cảm hứng từ những bài thơ để phổ nhạc. Thí dụ như bản Anh Còn Nợ Em, lời thơ của Phan Thành Tài, ông đã đưa vào ca khúc rất thành công. Không biết nguyên tác bài thơ ra sao và ông đã sửa đổi như thế nào; mặc dù lập lại câu thơ hai lần trong mỗi đoạn nhạc, nhưng nghe rất tự nhiên và đầy cảm xúc. Chính sự lập lại đó là đặc điểm của ca khúc và trở thành một thí dụ để những người muốn phổ thơ học hỏi.
Những bài thơ cũ như Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan, Nhà Tôi của Yên Thao thập niên 40, 50 thời chiến tranh, Anh Bằng đã chuyển thành các bài hát Chuyện Hoa Sim, Chuyện Giàn Thiên Lý và được đón nhận nồng nhiệt, giúp cho số băng đĩa bán được rất nhiều.
Trên mạng Internet, có trang viết về nhạc sĩ Anh Bằng ghi ra những ca khúc của ông thì ông cho biết rằng còn thiếu sót rất nhiều. Con số ca khúc thực sự lên tới hơn năm trăm bài và vị nhạc sĩ bảo là còn rất nhiều ca khúc mới chưa phổ biến.
Mặc dù bị điếc tai nhưng điều này vẫn không cản trở sự sáng tác của ông, và vẫn đều đều cho ra bài hát mới; đây cũng là một đặc điểm của nhạc sĩ Anh Bằng.
Nhạc sĩ Lam Phương với bản nhạc đầu tay lúc 15 tuổi là Chiều Thu Ấy rồi tiếp nối là Kiếp Nghèo, Khúc Ca Ngày Mùa đã đưa tên tuổi ông lên đỉnh cao. Thời Dòng Nhạc Sài Gòn , Lam Phương rất thành công về nghệ thuật lẫn tài chánh trên con đường ca nhạc. Biến cố 30/4/1975 ông cùng gia đình ra đi với hai bàn tay trắng. Có lúc ông ở Hoa Kỳ, có lúc ông ở Paris nước Pháp rồi trở lại Quận Cam cho đến hôm nay. Đường tình sau này của người nhạc sĩ tài hoa trắc trở, cho nên ông đã có những ca khúc buồn da diết. Đó cũng là điểm đặc biệt của nhạc sĩ Lam Phương, nỗi thất tình không phân biệt tuổi tác, và đó là nguồn cảm hứng để các bài hát của ông được đón nhận.
Ông tâm sự rằng sáng tác một ca khúc khá mau, để tình cảm tuôn chảy qua các câu nhạc và lời ca. Nếu có bị bế tắc để không hoàn tất thì ông bỏ luôn bài hát dang dở đó, không gắng sức hoặc chờ một lúc nào đó mà tiếp tục. Cho nên dòng nhạc của Lam Phương rất tự nhiên. Lời ca trong các bài hát của ông sau này rất thấm thía đầy ý nghĩa so với thời còn ở Sài Gòn; có lẽ tuổi đời cùng kinh nghiệm đau thương đã tạo nên điều ấy.
Lam Phương không bao giờ viết chung ca khúc với ai và cũng không phổ thơ hoặc mượn lời của người nào. Đây cũng là một đặc điểm của ông. Ông bảo rằng mình không đủ tài năng để diễn tả lời thơ của thi sĩ, sợ họ không vừa ý.
Sự nghiệp sáng tác của Lam Phương khoảng 200 bản, nhưng đa số đều được đón nhận nồng nhiệt. Thật ra có vài chục bài hát được quần chúng ưa thích thì cũng là điều hiếm có trong làng âm nhạc, không riêng gì tại Việt Nam mà tính luôn cả thế giới nữa.
Sau cơn tai biến mạch máu não vào năm 1999, Lam Phương sức khỏe suy kém, phải ngồi xe lăn và nói năng khó khăn. Ông bảo rằng đã ngưng viết nhạc vì sức khỏe không cho phép. Sáng tác cuối đời của ông là Hạnh Phúc Mang Theo “ Ai đã đem hoang tàn đổ nát, đem ái ân xa mãi tình em. Còn mong chi khi mộng dở dang, tình chưa vui lệ đã dâng tràn.”.
Viết về hai nhạc sĩ lớn Anh Bằng và Lam Phương cần cả một cuốn sách. Bài viết này chỉ là gợi lên để bàn luận câu chuyện văn nghệ cho vui.
Anh Bằng đã sắp bước vào tuổi 90 , Lam Phương cũng xấp xỉ bát tuần. Đời thường gọi hai ông là hai cụ già, nhưng đối với người yêu nhạc hai ông vẫn còn trẻ vì những tâm tình đã dàn trải qua những ca khúc.
Hai ông cũng là chứng nhân của lịch sử Việt Nam từ những năm 1940 cho đến năm nay 2015, từ trong nước cho đến hải ngoại. Sự sáng tác dồi dào, mỗi người mấy trăm ca khúc đủ mọi đề tài từ quê hương, thời sự cho đến tình yêu đôi lứa. Sự hội ngộ giữa hai dòng nhạc Anh Bằng và Lam Phương trong cuốn băng Asia 77 sắp thực hiện là một điều thú vị cho giới yêu nhạc Việt Nam.
SBTN