Tuần vừa rồi, Cá có viết bài College vs University và nhận được rất nhiều phản hồi từ các bạn. Rồi các tuần trước đó nữa, Cá viết về nhiều đề tài khác nhau, nhưng đều nhận được sự quan tâm từ các bạn, cho nên, Cá thực sự rất vui vì điều này. Hơn nữa, những chủ đề của Cá viết vì còn nhiều thiếu sót, cho nên rất may mắn lại được các bạn bổ sung hay đưa ra thảo luận. Rất tuyệt vời, cám ơn các bạn rất nhiều. Tuy nhiên, có hai điều mà Cá muốn chia sẻ kỹ hơn một chút.
Đầu tiên, các bạn thông cảm cho Cá, dù sao Cá cũng đã sống ở đất nước cong cong hình chữ S nhiều hơn là ở Mỹ, cho nên cái cách viết/nói chuyện của Cá nó cũng vẫn ‘cong cong, vòng vèo’ như thế. Kết quả là Cá nhận thấy có nhiều bạn đọc bài của Cá xong lại hiểu nhầm ý của Cá chút xíu. Ví dụ, có lần Cá nói tiếng Anh Ấn khó nghe cho người học tiếng Anh-Anh hay Anh-Mỹ, nhưng không có nghĩa Cá chê tiếng của họ. Hoặc như trong bài vừa rồi, mục đích của Cá là mong những bạn nào muốn tìm trường để du học Mỹ thì không nên chỉ nhìn vào tên College hay University mà vội nghĩ là College kém hơn University, vì ở Việt Nam, có rất nhiều nơi vẫn luôn dịch College là cao đẳng mà không cần tìm hiểu trước xem trường đó có thật sự là cao đẳng không. Có lẽ cách giải thích của Cá chưa rõ ràng lắm chăng khiến một số độc giả lại tưởng Cá nói College là cao đẳng. Nhưng hi vọng, sau khi đọc bài đó kỹ hơn một chút thì chắc các bạn cũng biết ý thực sự của Cá là gì phải không.
Điều thứ hai, như Cá đã nói từ trước, tất cả những chia sẻ của Cá đơn giản dựa trên trải nghiệm của riêng Cá, và Cá không bao giờ khẳng định hay tuyên bố ‘hùng hồn’ những gì mình viết là hoàn toàn chính xác cho tất cả các trường hợp cả. Vì ở Mỹ, tuy hệ thống giáo dục dựa trên nhiều yếu tố chung, nhưng mỗi bang, mỗi địa phương lại có ít nhiều sự khác biệt. Do đó, trước khi Cá chia sẻ điều gì đó mà Cá không chắc có đúng với các bang khác không, Cá sẽ luôn nói rõ là ở bang của Cá, chứ không phải là ở Mỹ, cho nên các bạn đừng hiểu nhầm là Cá lúc nào cũng đang nói đến cả một hệ thống giáo dục của Mỹ nha. Tuy nhiên, có những thông tin mà Cá chắc chắn là ở Mỹ thì Cá cũng sẽ nói rõ là ở Mỹ như thế.
Ngoài ra, Cá cũng nhận được một số thắc mắc của các bạn về vấn đề tài chính là tại sao bang này như thế này, nhưng bang khác lại như thế kia. Thật tình mà nói, cái này hoàn toàn nằm ngoài khả năng hiểu biết của Cá vì các chính sách giáo dục của từng bang hoàn toàn độc lập với nhau. Ví dụ bang Arizona không thể can thiệp vào bang Kentucky được. Nôm na có thể hiểu là nếu mỗi bang là một hộ gia đình, tuy đều là ‘hàng xóm’ sống trong cùng một khu nhà gọi là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, nhưng bố mẹ của bạn cho bạn bao nhiều tiền tiêu vặt hàng ngày thì mấy bác hàng xóm đâu thể can thiệp phải không nào. Như Cá thì chỉ có thể tìm hiểu, biết, và chấp nhận làm một người ‘con ngoan’ thôi, chứ cũng chưa có dám lên thắc mắc với ‘phụ huynh’ đâu. Tuy nhiên, đó chỉ là một lý do. Lý do thứ hai có thể xảy ra, đó là tùy vào tình hình tài chính của mỗi gia đình mà chính phủ (đối với trường công) hay văn phòng tài chính của trường (đối với trường tư) tài trợ tài chính cho mỗi người một khác.
Có thể giải thích như thế này. Ở Mỹ (cái này là ở Mỹ nha), ở cấp bậc đại học (undergraduate level) theo Cá được biết, thường có hai loại hỗ trợ tài chính: Merit-based và Need-based. Merit-based, tức là bạn phải dùng thực lực của mình (điểm GPA, điểm SAT hay ACT, bài luận, hùng biện v..v..) để ‘tranh giành con mồi’ với các đối thủ khác, làm sao để ‘con mồi’ về tay mình. Và khi đó, bạn có thể tự hào, bước lên ‘đài vinh quang’ rồi đó. Còn Need-based thì không phụ thuộc vào năng lực, mà bạn đơn giản chỉ cần điền đơn xin trợ cấp mà thôi. Phần lớn khi xin hỗ trợ tài chính need-based, ai cũng có cơ hội được nhận hỗ trợ, ít nhiều tùy thuộc vào ‘gia cảnh’ của bạn.
Nhưng đó là lý thuyết. Thực tế, đối với sinh viên quốc tế như Cá hay các bạn, không phải trường nào cũng hào phóng cấp hỗ trợ tài chính dạng need-based cho mình, mà đa số sinh viên quốc tế phải dựa vào merit-based scholarships – tức là thi xin học bổng từ trường hay học bổng ở ngoài.
Liên quan tới chuyện tài chính, nếu không có đủ khả năng tài chính theo học tại các trường college/university bốn năm, như các bạn độc giả kỳ trước đã nhắc đến một sự lựa chọn tiết kiệm chi phí khá phổ biến cho cả Mỹ và quốc tế, đó là community college. Community college (CC), cái này mới có thể hiểu là cao đẳng vì thời gian theo học ở các trường CC chỉ có hai năm, tương đương hệ cao đẳng ở Việt Nam mình. Học phí trung bình một năm ở các trường CC rẻ hơn học phí trung bình một năm ở các trường đại học bốn năm. Mặc dù Cá không học ở CC bao giờ, nhưng theo những gì Cá biết từ trường của bạn Cá và tìm hiểu nhanh trên mạng, thì học phí một năm của CC dành cho sinh viên quốc tế trung bình khoảng $7000-8000 một năm. Để chắc chắn, các bạn nên vào tham khảo kĩ ở trang web của trường mình muốn học, email liên lạc với nhân viên phụ trách vấn đề tài chính của trường đó, hoặc/và các trang uy tín về các trường đại học ở Mỹ như trang US News and World Report. Dĩ nhiên số tiền này chưa bao gồm chi phí ăn ở của các bạn, nhưng dù sao thì số tiền cũng sẽ nhỏ hơn so với số tiền mà bạn phải chi trong hai năm đầu khi học ở trường bốn năm, dù trường công hay tư. Cá không biết rõ là nhỏ hơn cụ thể bao nhiêu vì còn tùy thuộc vào nơi bạn ở (rural – nông thôn hẻo lánh, suburban – ngoại thành, hay urban – thành phố lớn, đô thị như Cá đã nói ở mấy bài đầu), hay là nhu cầu chi tiêu cá nhân.
Cao đẳng cộng đồng tuy là một cách tốt để tiết kiệm chi phí học nhưng không có nghĩa phù hợp cho tất cả mọi ngườiSau khi tốt nghiệp CC, bạn thường có hai sự lựa chọn: một là chuyển tiếp lên đại học bốn năm, hai là đi làm với tấm bằng Associate degree, không phải là Bachelor’s degree như ở đại học bốn năm.
Để nói rõ hơn về CC thì chắc các bạn phải mất thêm nửa ngày để đọc mất, cho nên Cá xin phép tạm dừng ở đây. Trong bài kế tiếp, Cá sẽ giải thích cụ thể và cặn kẽ hơn về CC, cũng như giúp bạn hiểu hơn một chút về hai loại bằng Associate in Arts (AA) và Associate in Science (AC) như một số bạn độc giả thắc mắc. Xin chào các bạn và chúc các bạn một cuối tuần vui vẻ.
Source: VOA