Một phụ nữ đang viếng đền Erawan ngày 20/8
‘Phật bốn mặt’, mộ ‘chị Sáu’ cũng như một số điểm đến tâm linh khác được nhiều người Việt tin rằng ‘cầu gì được nấy và rất linh ứng’.
Nhân vụ đền Erawan tại Bangkok, Thái Lan, bị đánh bom, một người bạn làm công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh cho tôi biết rằng đây là một trong những điểm được du khách Việt Nam yêu thích nhất tại Bangkok.
Dù các công ty không hề đưa đền Erawan vào danh sách tham quan trong chương trình tour của họ.
Đơn giản vì với người Việt, đền Erawan được biết đến với tên gọi dân dã hơn là ‘Phật bốn mặt’, cho dù thực ra tượng thờ không phải là của Phật giáo.
Những người Việt mà tôi có dịp gặp tại đền Erawan vào chiều 19/8 giải thích lý do họ đến đây dù đã được Đại sứ quán Việt Nam cảnh báo nguy hiểm.
“Phật bốn mặt rất linh thiêng, người quen, bạn bè tôi đều bảo họ cầu gì được nấy. Người cầu tình duyên, người cầu làm ăn. Có điều mình cầu được điều gì thì nhớ phải quay lại đây trả lễ kẻo bị phạt”, bà Nguyễn Thị Hoa, nói với tôi.
Người ta càng tin vào uy lực của Phật vì tượng thần trong đền chỉ bị mẻ một chút ở cằm sau vụ đánh bom khiến ít nhất 20 người chết hôm 17/8.
Chuyện “Phật bốn mặt’ linh ứng như thế nào còn được báo trong nước ghi nhận.
Hôm 18/8, báo Thanh Niên đăng bài ‘Tuyển muay Việt Nam thoát chết sau vụ nổ bom ở Bangkok’.
Bài báo dẫn lời một thành viên của đội muay Việt Nam nói:
“Hôm trước ngày xảy ra vụ nổ, chúng tôi đã đến đền Erawan này ngay trung tâm Bangkok và cũng gần điểm thi đấu ở sân vận động quốc gia để thắp hương và hi vọng nếu được phù hộ sẽ trả lễ ngay sau đó”.
“Sở dĩ chúng tôi đến đây vì được biết ngôi đền này rất linh, ngay tuyển bóng đá Thái Lan trước khi thi đấu vòng loại World Cup 2018 vừa rồi với tuyển Việt Nam, huấn luyện viên Kiatisak cũng đã đưa cả đội đến đây để thắp hương. Và đúng là có chút may mắn thật khi võ sĩ Thanh Trúc đã xuất sắc thắng knock-out võ sĩ người Pháp ngay hôm sau”, bài báo trích dẫn lời người này.
Những người đến viếng mộ Võ Thị Sáu tại Côn Đảo tin rằng mình cầu gì được nấy
'Đừng vô lễ với ‘chị Sáu’
Về chuyện linh ứng, tôi chợt nhớ lại trong những lần có dịp đến Côn Đảo trước đây không khỏi chạnh lòng khi thấy mộ ‘chị Sáu’ (Võ Thị Sáu) luôn được người đến viếng khói hương, đặt hoa quả nhiều hơn mộ những liệt sĩ khác tại cùng nghĩa trang.
Hầu hết người đến viếng mộ ‘chị Sáu’ đều chọn thời điểm nửa đêm để lời cầu khấn được linh nghiệm.
Một nữ nhà báo kể với tôi rằng đã ‘chứng kiến một con tàu từ Côn Đảo về TP Hồ Chí Minh suýt bị nhấn chìm giữa biển vì ‘thủy thủ đoàn nói đùa vô lễ với ‘chị Sáu’.
Ngoài ‘chị Sáu’, một trong những điểm đến tâm linh khác của người Việt là chùa Linh Ứng-Bãi Bụt ở Đà Nẵng.
Theo truyền thuyết, ngôi chùa này có tượng Phật được dân chài ven biển phát hiện từ thời vua Minh Mạng và lập am thờ tự.
Trên mạng Internet, có nguồn tin cho biết ngôi chùa đã vinh dự đón tiếp chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và các quan chức cấp cao về tham quan vào ngày 21/3/2009.
Cũng có thông tin là nhiều quan chức cao cấp của Việt Nam thường đến nhờ sư trụ trì gieo quẻ trước những sự kiện quan trọng.
Cách đây khoảng hai tháng, một facebooker nổi tiếng đã gây tranh cãi khi post ảnh tượng ông Hồ Chí Minh được thờ trong một ngôi chùa ở Côn Đảo dưới dòng chữ ‘U Minh Giáo Chủ’.
Nhiều người đã đặt câu hỏi: Đây là giáo phái gì và liệu đưa tượng ông Hồ vào chùa tại các địa phương nên được nhìn nhận thế nào cho phải đạo?
Có vẻ như niềm tin, phó thác mọi sự cho thánh thần dường như đang ngự trị trong đời sống người Việt, từ quan chức đến người dân.
Cho nên không có gì lạ khi người ta bất chấp cảnh báo về nguy hiểm, tốn hàng trăm đôla để lặn lội qua viếng ‘Phật bốn mặt’ ở Bangkok.
Ben Ng gửi cho BBC từ Bangkok, Thái Lan