Elias Konstantopoulos bị chứng viêm giác mạc sắc tố dẫn đến mù lòa vĩnh viễn. (Credit: AFP) .Các nhà nghiên cứu Úc đang phát triển loại mắt mô phỏng sinh học có thể phục hồi thị lực cho người mắc bệnh viêm giác mạc sắc tố và trong tương lai sẽ áp dụng cho những người bị mù lòa do những nguyên nhân khác như chứng thoái hóa hoàng điểm
Australia là một trong những nước dẫn đầu thế giới trong công nghệ phát triển mắt mô phỏng sinh học. Tiến sĩ Penny Allen hiện là bác sĩ phẫu thuật võng mạc/thủy tinh thể tại Bệnh viện Hoàng gia Chuyên khoa Tai-Mắt tiểu bang Victoria, đồng thời là người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho Tổ chức Bionic Vision Australia. Nhóm nghiên cứu của bà hướng tới sử dụng các thiết bị cấy ghép tinh vi phục hồi thị lực cho những bệnh nhân mắc các chứng loạn dưỡng võng mạc như viêm võng mạc sắc tố, một hiện tượng chuyển hóa bất thường do di truyền trong lớp tế bào võng mạc. Bệnh nhân mắc bệnh này mất các tế bào biến ánh sáng thành hình ảnh trong suốt cuộc đời.
Thiết bị nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Allen sử dụng có một số đặc điểm giống tai mô phỏng sinh học. Thiết bị thu ánh sáng và sau đó thông qua điện cực liên kết với tế bào thần kinh đưa thông tin ánh sáng tới não bộ.
Theo tiến sĩ Allen, trên toàn thế giới hiện có ít nhất 19 nhóm nghiên cứu đang thực hiện các dự án nỗ lực phục hồi thị lực bằng phương pháp kích điện lên võng mạng, dây thần kinh thị giác hoặc vùng vỏ não chẩm. Thiết bị đầu tiên của Bionic Vision Australia có 22 điện cực kết nối với một camera trên một bộ kính được đưa vào đáy mắt.
“Đây là một máy ảnh kỹ thuật số chụp các hình ảnh, sau đó hình ảnh được mã hóa và chiếu tới các điện cực nằm ở dưới võng mạc,” tiến sĩ Allen giải thích. “Thiết bị mẫu đầu tiên có dây dẫn nhưng thế hệ tiếp theo sẽ là thiết bị vô tuyến.”
Miếng ghép là một tấm silicon có kích cỡ 8x 16mm được đưa vào vùng trên màng mạch (suprachoroidal space), giữa màng cứng mắt và lớp mạch máu sâu dưới võng mạc. Thử nghiệm công nghệ này đã thành công giúp người mù hoàn toàn có thể nhìn thấy đường thẳng, số và chữ cái đơn giản. Vị trí đặt thiết bị rất quan trọng. Tiến sĩ Allen và các nhóm nghiên cứu khác như nhóm Second Sight tại Mỹ vẫn đang thử nghiệm tìm vị trí đặt thiết bị cấy ghép này.
“Một trong những câu hỏi chưa có lời giải là tìm vị trí tối ưu nhất để đặt thiết bị. Liệu có phải là trước võng mạc, đặt thiết bị trên bề mặt võng mạc bên trong mắt, như phương pháp nhóm Second Light đang áp dụng?” tiến sĩ Allen đặt câu hỏi. “Hay tách võng mạc và đặt thiết bị vào vùng cận võng mạc theo phương pháp của một trong các nhóm nghiên cứu Đức đang thực hiện? Hoặc có thể áp dụng phương pháp chúng tôi đang thực hiện, đặt thiết bị vào vùng trên màng mạch?”
Phương pháp đặt thiết bị ở vùng trên màng mạch có một số thuận lợi. Các nhà nghiên cứu không phải tách võng mạc và có thể tăng mức độ ổn định của thiết bị sau khi cấy vào mắt.
“Chúng tôi luôn nghĩ rằng vị trí này quá xa các yếu tố thần kinh trong võng mạc. Tuy nhiên, cả ba bệnh nhân tham gia thử nghiệm lâm sàng đều có phản ứng với kích thích điện cực. Như vậy, chúng tôi có bằng chứng xác thực cho phương pháp này,” bà Allen cho biết.
Cho đến nay, cơ thể các bệnh nhân được cấy thiết bị chưa có phản ứng đào thải. Tổ chức Bionic Vision Australia hi vọng nguy cơ nhiễm khuẩn chỉ tương đương với nguy cơ trong phẫu thuật thủy tinh thể.
Mặc dù thử nghiệm mới ở bước đầu, tiến sĩ Allen thừa nhận giá thành thiết bị này khó có thể thấp nên việc triển khai rộng rãi trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe phải mất thời gian khá dài.
“Thực tế là nghiên cứu này giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn,” tiến sĩ Allen cho biết. “Nghiên cứu hỗ trợ những người bị mù hoàn toàn. Phục hồi thị lực cho người mù sẽ mang lại lợi ích tài chính cho cộng đồng. Rõ ràng công nghệ sẽ không rẻ nhưng lợi ích của nó thật tuyệt vời.”
Source: ABC Australia