Theo vietnamnet.vn, Ông Phạm Văn Hát ở xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương đã tự sáng chế hàng loạt máy móc nông nghiệp, giúp nông dân bớt cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”.
Được biết, ông Phạm Văn Hát từng xuất khẩu lao động sang Israel vào năm 2010. Tại Israel, ông Hát đã sáng chế ra máy rải phân tự động, và được nhà nước Israel cấp bằng sáng chế.
Ông Hát cho biết cảm xúc lúc đó: “Khi tôi cải tiến thành công chiếc máy rải phân tự động, khi ấy trời đã sắp tối nhưng ông chủ vẫn đem máy ra cánh đồng thử. Máy chạy đến đâu rải đều lên luống một lớp phân đều như nhau. Bất ngờ và cảm kích, bố con ông chủ trang trại ôm chầm lấy tôi và cầm luôn bình xịt sơn xịt lên máy dòng chữ: “Máy của Hát”. Lúc đó, ông chủ đã thưởng cho tôi 5.500USD, điện thoại và máy tính.”
Sau khi trở về Việt Nam, ông Phạm Văn Hát đã mở xưởng cơ khí và sáng chế ra máy ép luống soi rạch trồng rau các loại và bộ ép luống chuyên dùng cho cà rốt; cải tiến một số bộ phận của máy làm đất như chế tạo cày hai lưỡi thay thế cho cày một lưỡi, cày bốn lưỡi thay thế cho cày ba lưỡi; robot đặt hạt tự động; máy đặt hạt kéo tay áp dụng cho nhiều loại hạt như ngô, đậu tương, hạt củ đậu, hạt đậu đen, đậu xanh,…
Ông cho biết, những chiếc robot đạt hạt tự động đã mang lại năng suất cao cấp 30-40 lần lao động thủ công, khoảng cách giữa các hạt được điều chỉnh tùy theo từng loại cây giống, tiết kiệm từ 20% đến 30% hạt giống so với phương pháp thủ công. Đồng thời, giúp nông dân giảm chi phí đầu tư tới 600.000 đồng/sào. Robot đặt hạt tự động được nhiều nông dân ở Hải Dương, Hà Nội, Lâm Đồng… đến đặt mua, tới nay đã có 40 robot được bán ra.
Được biết, ông Phạm Văn Hát chỉ học đến trình độ lớp 7. Nhưng với niềm đam mê sáng chế khoa học, nên ông đã chế tạo được nhiều máy nông nghiệp hữu ích cho bà con nông dân.
SBTN