Cá mút đá đã xuất hiện trở lại ở một số con sông nước Anh.
LONDON - Cá mút đá, một loài cá kỳ lạ tồn tại từ thời tiền sử, đã được bắt gặp ở một số con sông nước Anh, sau khi biến mất từ những năm 1800, khiến nhiều ngưởi tưởng rằng chúng đã tuyệt chủng.
Cá mút đá có hình dáng giống loài rắn, sinh sống từ cách đây 200 triệu năm, trước cả loài khủng long, và là động vật có xương sống lâu đời nhất thế giới. Trước đây, cá mút đá là loài rất thường thấy trên các con sông ở Anh.
Điểm đặc biệt ở loài "hóa thạch sống" này là chúng có những chiếc răng sắc như dao cạo, xếp thành vòng tròn thay vì mọc thành hàm. Cá mút đá đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi ô nhiễm trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp Anh, và việc xây dựng đập nước đã ngăn cản chúng di cư. Hiện nay, cá mút đá vẫn đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng ở châu Âu.
Tuy nhiên, theo Cơ quan bảo vệ môi trường của Anh, loài cá này đang dần quay trở lại các con sông ở nước này, nhờ mức độ ô nhiễm trong nước sông đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 100 năm qua, và các đập nước đang được xóa bỏ dần dần.
Nhà chức trách cũng thử nghiệm các biện pháp bảo vệ, bao gồm thử nghiệm sử dụng những viên gạch có chóp rộng hình nón, giúp cá mút đá có thể phần miệng giống giác hút để neo giữ cơ thể khi bò về phía trước. Những thử nghiệm ban đầu trên sông Derwent ở Yorrkshire đã có nhiều kết quả khá tốt.
Cá mút đá có vai trò rất quan trọng trong việc xử lý chất thải hữu cơ và rong rêu ở các con sông, đồng thời cũng là nguồn thức ăn cho các loài cá khác. Sinh vật mang hình dáng kỳ lạ này từng được coi là món ăn xa xỉ dành cho những vị vua và hoàng hậu người Anh, người Viking và La Mã. Từng có truyền thuyết kể rằng, Vua Henry I của Anh đã chết sau khi ăn quá nhiều cá mút đá.
Theo báo Viễn Đông