I. Chuyện người mẹ tưới xăng đốt con ở Bình ThuậnChị Nguyễn Thị Duy (cô ruột của cháu Linh) kể: “Gia đình cháu tui bị xáo trộn từ lâu rồi. Mẹ cháu là người hung dữ lại có tính lăng nhăng. Em trai tui buồn lắm, nhiều lần đánh ghen với vợ nhưng mỗi khi cãi nhau là nó (mẹ cháu Linh) lại làm dữ chớ không vừa. Nó đã từng đâm chồng bị thương ở sườn. Cũng nhiều lần nó ngang nhiên dẫn nhơn tình về nhà chớ có coi chồng ra gì đâu, sau đó nó bỏ đi theo nhơn tình cả năm trời. Hai năm trước, khi em tui mất, nó bị nhơn tình bỏ, bèn trở về làm bộ khóc lóc. Tui vẫn cho nó dự đám táng bởi vì nghĩ dẫu gì nó cũng là mẹ của 3 đứa cháu mình. Nào ngờ nó nhẫn tâm tưới xăng đốt cháu tui mới 12 tuổi con ruột của nó như vậy…”.
Phải bỏ học đi bán vé số đem tiền về cho mẹ
Chiều ngày 24/8/2015, dân chúng tại thị trấn Chợ Lầu (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) bàng hoàng khi nghe tin cháu Nguyễn Thị Kim Linh (12 tuổi) bị chính mẹ ruột tưới xăng đốt cháy như cây đuốc.
Cháu Linh là đứa con thứ hai, trên cháu còn một đứa anh 14 tuổi và sau cháu là đứa em gái 10 tuổi. Các cháu mới mồ côi cha hai năm nay, cháu Linh bị mẹ bắt phải bỏ học đi bán vé số để có tiền đem về cho mẹ, còn cháu Đức anh ruột nó cũng phải bỏ học đi chăn bò thuê cho người ta để bớt được một miệng ăn mà cũng có chút tiền đưa cho mẹ. Cháu Linh đi bán vé số dạo nên chẳng xa lạ gì với dân chúng trong thị trấn Chợ Lầu nhỏ bé, không ai ngờ cháu lại bị mẹ tưới xăng đốt tội nghiệp như vậy.
Sau khi nghe tin, nhiều bà con trong thị trấn đã bỏ cả hàng quán, chạy tới Bệnh viện Chợ Lầu – nơi cháu bé được đưa tới cấp cứu – để nghe ngóng tin tức. Rồi họ quyên góp, người một trăm ngàn, người vài chục ngàn để giúp cháu chuyển vào Bệnh viện Nhi Đồng Sài Gòn chạy chữa, Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận không có phương tiện điều trị bỏng.
Chị Nguyễn Thị Duy cô ruột cua cháu Linh thất thần kể lại: “Tui đang phụ bán phở cho người mợ thì có mấy người quen chạy tới nói: “Con Linh cháu chị bị mẹ nó tưới xăng đốt, đã đem đến bịnh viện rồi”. Nghe vậy tui nghĩ chắc có gì đó lầm lẫn, có lẽ mẹ nó đánh nó lỡ phạm chỗ nào vậy thôi bởi vì mẹ nó thường đánh các con rất dữ. Tui định dọn tiếp cho xong rồi mới đi thì lại có nhiều người khác chạy tới báo tin tiếp, họ nói: “Mẹ nó tưới xăng đốt nó gần chết, chị mau lên đi…”. Nghe vậy tui hoảng hồn bỏ hết mọi thứ đó rồi chạy tới bịnh viện. Đứng ngoài cửa kiếng nhìn vô thấy cháu đang nằm trên giường cứu cấp, toàn thân cháy đen mà tui muốn xỉu, thương tới đứt ruột”.
“Cháu bị con mẹ ác nhơn thất đức đó đốt chiều ngày 24/8, hàng xóm láng giềng đem vô bịnh viện Chợ Lầu. Ở đây chỉ tạm cứu cấp chớ không đủ khả năng chữa bỏng. Sáng hôm sau họ chuyển cháu vô Bệnh viện Nhi Đồng 1 ở Sài Gòn”. Và chị kể tiếp: “Ở trỏng có một mình tui trông nom cháu chớ có ai nữa đâu. Cha nó mất hai năm nay rồi, còn phía bên bà ngoại nó thì cũng chẳng ai thèm hỏi lấy một câu”.
“Nhìn thấy cháu nằm thoi thóp trong phòng cách ly, tui vừa đau đớn lại vừa uất hận. Hùm dữ còn không nỡ ăn thịt con mà sao con mẹ nó lại tàn nhẫn, đốt con như vậy. Cháu tui giờ không hiểu sống chết ra sao, con mẹ nó thiệt đúng không phải con người!…”.
Theo tìm hiểu của các phóng viên, chiều ngày 24/8/2015, cháu Linh đi bán vé số về, bị ế mất 5 vé nên bị mẹ mắng chửi. Cháu làm thinh không nói một tiếng nào cả nên mẹ cháu lại càng tức giận. Sau, thị nghĩ, vé số bán ế thường hay trúng, may ra nhờ trời trong 5 tấm vé đó có tấm trúng độc đắc 1,5 tỉ hay ít nhứt cũng vài chục triệu thì thiệt là hên. Thị rất hy vọng, coi như sắp bỏ tiền vô túi tới nơi. Nhưng đến 16 giờ 30, đài Bình Thuận xổ thì chẳng trúng một tấm nào cả. Ngay hai số cuối, trúng hạng bét 100 ngàn đồng, cũng không được luôn. Thị tức giận bèn đưa tờ 50 ngàn cho đứa em của cháu Linh, là cháu Ngân mới 10 tuổi, bảo đem theo chiếc bịch ny-lông ra cây xăng mua 1 lít xăng đem về có việc. Thị dặn: “Một lít xăng chắc cỡ 21 hay 22 ngàn đồng gì đó, nhớ lấy lại tiền thối chớ không thôi hễ quên là tao oánh chết”. Cháu Ngân không biết gì cả, cầm theo chiếc bịch ny-lông chạy đi. Lúc nó đem xăng về thì chị nó là cháu Linh đang bị mẹ bắt đứng khoanh tay úp mặt vô tường, khóc thút thít. Mẹ nó mở bịch ny-lông, tưới xăng lên đầu cháu Linh, chảy ào ạt xuống cả quần áo rồi bật quẹt đốt. Lửa bùng lên, cháy dữ dội, thân hình nó giống như cây đuốc. Cháu Linh đau quá, kinh hoảng ôm chầm lấy mẹ, kêu khóc cầu cứu: “Má ơi, cứu con…” Lửa cháy sang cả mẹ nó. Mụ vội vàng đẩy nó ra và quay lưng định dập lửa ở phía trước bụng. Nó quýnh quáng ôm chặt lấy mẹ ở phía đằng sau: “Má ơi, cứu con…” Người mẹ cố gỡ. Đứa con cố ôm. Vậy là cả hai mẹ con cùng cháy nhưng mụ bị cháy ở lưng và lan xuống dưới mông. Mụ hét lớn, vung tay đánh con: “Buông tao ra! Bớ hàng xóm, cứu tui…”.
Hàng xóm láng giềng nghe tiếng kêu khóc la hét, bèn chạy sang xem có chuyện gì thì thấy lửa đang cháy bừng bừng, bèn vội vàng tìm cách dập lửa. Một anh hàng xóm nhà ở bên cạnh cho biết: “Khổ, trong lúc cuống quýt không kiếm đâu ra được miếng nước, tui phải chạy về nhà mình lấy nước chạy qua tạt vô hai mẹ con. Nhiều người cũng làm như vậy, rất lâu sau rồi lửa mới tắt. Tui đâu có biết lửa là do chính bả tưới xăng đốt con và cả bả cũng bị cháy…”.
Chị Duy (cô ruột của cháu Linh) khóc và nói: “Tui thì nghèo, phải đi phụ việc, rửa chén cho quán phở của người mợ, nhân thân nhất thiết có được 300 ngàn đồng và đi “vay nóng” thêm được 2 triệu đồng để đóng viện phí cho cháu. Tui nghe nói chữa bỏng là lâu lắm, chưa biết hết tiền rồi sẽ ra sao. Cháu tui không có bảo hiểm y tế, còn tui thực sự cũng không biết vay mượn ở đâu để lo cho cháu. Tui nghèo, có gì thế chấp được đâu…”.
Cháu Linh thật đáng thương rất cần sự chia sẻ của quý vị có lòng hảo tâm. Mọi sự giúp đỡ xin liên lạc với Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Nhi Đồng I, số 341 đường Sư Vạn Hạnh, phương 10, Sài Gòn, hoặc chị Nguyễn Thị Duy – cô ruột cháu Linh – số ĐT: 0169 511 2654.
II. Thời buổi này mà còn lạc hậuTrong cuộc nhậu, ông Kpă Phu buột miệng nói với Ksor Cheo: “Tao không đánh mày nhưng mày sẽ chết”, khiến Ksor Cheo nghĩ ông Kpă Phu có bùa phép “thư” người ta và sẽ dùng nó để giết chết mình. Muốn trừ “hậu họa”, Ksor Cheo đã tìm cách giết gia đình ông Kpă Phu…
Cả nhà ông Kpă Phu bị tấn công lúc nửa đêm
Khoảng 12 giờ đêm 24/8/2015, bà Nay Hyêir (40 tuổi, ở buôn Di-rét, xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đang ngủ say, bất ngờ bị kẻ lẻn vào nhà, dùng gạch đập nhiều lần vào đầu. Con trai bà là Nay Điêng (9 tuổi) đang ngủ cũng bị tên này đập liên tiếp.
Nghe tiếng Nay Điêng khóc thét, con rể bà Hyêir là anh Kpă Lúy đang ngủ ở phía trong bật dậy, chạy vội ra xem chuyện gì. Tên kia thấy có người tới, bèn vội vàng trốn ra ngoài sân, phóng lên chiếc xe máy, bỏ chạy mất hút trong đêm tối. Kpă Lúy la lối, gọi mọi người phụ với mình đưa giùm mẹ vợ và em vợ đến Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Pa cấp cứu.
Bà Hyêir được các bác sĩ chẩn đoán là chấn thương vùng đầu khá nặng, còn cháu Nay Điêng thì phải khâu nhiều mũi ở mặt, cả cổ và ngực cũng có thương tích.
Vào đêm xảy ra sự việc, buổi tối chồng bà Hyêir là ông Kpă Phu (48 tuổi) được người quen rủ đi uống rượu nên không có mặt ở nhà. Sáng hôm sau, không thấy ông Kpă Phu về, mọi người đi tìm để báo tin vợ và con trai ông gặp chuyện chẳng lành đang nằm bệnh viện, thì phát giác thi thể ông nổi lềnh bềnh trên mặt sông Ba – đoạn chảy qua xã Chư Ngọc.
Ngày 27/8/2015, tức 3 hôm sau, một người dân ở buôn Di-rét, xã Chư Ngọc, cho biết buổi tối xảy ra án mạng, họ có thấy ông Kpă Phu đi chung với Nay Loang và Ksor Cheo, có lẽ đến nhà Ksor Cheo để nhậu.
Ngay lập tức, Nay Loang và Ksor Cheo bị Công an gọi đến thẩm vấn. Ban đầu, cả hai đều quanh co chối tội, nhưng sau những chứng cớ đưa ra, Nay Loang và Ksor Cheo đành phải khai thật hành vi phạm tội của mình. Nguyên nhân của vụ án chính là những nhận thức hết sức lạc hậu – bóng ma của những hủ tục còn sót lại trong cộng đồng dân chúng nơi đây – mà các thanh niên như Ksor Cheo và Nay Loang trong thời buổi tương đối đã khá “văn minh” này đáng lẽ không nên có.
Đánh chết người để khỏi bị “thư”Mọi chuyện bắt đầu từ khoảng giữa tháng 3/2015. Trong một lần tụ tập, bà Nay Hyêir bỗng dưng “ngứa miệng” nói như phán: “Đến tháng 7, tháng 8/2015 sắp tới, dân buôn làng mình không phải đi làm cỏ mì nữa mà đến nhà Kpă Vaih có việc”. (Ghi chú: “Nay”, “Ksor”, hoặc “Kpă” v.v… là họ, còn “Điêng”, “Cheo”, hay “Loang” là tên. Những người này thuộc sắc tộc Jrai ở Gia Lai hoặc Kontum, theo mẫu hệ nên con cái theo họ mẹ, ví dụ con của ông Kpă Phu và bà Nay Hyêir là “Nay” Điêng chứ không phải “Kpă” Điêng. – ĐD).
Câu nói của bà Hyêir cứ luẩn quẩn trong tâm trí mọi người, bởi nó ám chỉ đến thời điểm nói trên, gia đình Kpă Vaih sẽ có người chết. Ngoài ra, cách đây 4 năm, trong lúc tức giận, ông Kpă Phu đã dùng dao chém vào cầu thang nhà sàn của mẹ anh Kpă Vaih. Theo quan niệm của người Jrai, chém vào cầu thang nhà sàn là hành vi có tội. Vì vậy, ông Kpă Phu đã bị dân làng đem ra xét xử, phạt vạ 1 con heo và 5 ghè rượu. Cũng tại lễ phạt vạ này, ông Kpă Phu đã hứa là sẽ không tái phạm nữa.
Dù chuyện đã qua 4 năm rồi nhưng nó cũng đánh dấu sự mâu thuẫn giữa hai gia đình. Bây giờ lại thêm lời “phán” của bà Hyêir khiến ai nấy đều lo lắng. Và thật trùng hợp, sau nhiều tháng chịu đựng chứng ung thư gan mà không có tiền chữa trị, đến ngày 11/8/2015, anh Vath đã tử vong do bệnh nói trên. Lúc này, gia đình anh Vaih và dân làng đều cho rằng anh Vaih chết là vì bị bà Hyêir dùng bùa phép “thư”, giết hại. Do vậy, cả làng đã kéo nhau đến nhà bà Hyêir, buộc gia đình bà phải chịu trách nhiệm về cái chết của anh Vaih. Trước sức ép của dân làng, gia đình bà Hyêir đành chấp nhận nộp phạt 1 con bò, 8 ghè rượu cùng các chi phí mai táng, làm nhà mồ cho anh Vaih.
Tuy nhiên, sự việc không dừng ở đó. Sau khi chôn cất anh Vaih xong, vài ngày sau, ông Kpă Phu đến nhà chị Ksor Điên (vợ anh Vaih) để uống rượu làm nhà mồ theo phong tục địa phương. Trong lúc nhậu, ông Kpă Phu rót một ly rượu mang tới mời Ksor Cheo cùng uống. Sẵn ý nghĩ gia đình ông Kpă Phu có bùa phép “thư” nên Ksor Cheo không uống mà cầm ly rượu đổ xuống đất. Bị Cheo xem thường trước mặt mọi người hiện diện trong cuộc lễ, ông Kpă Phu tức giận đe dọa: “Mày coi chừng sẽ chết đó”. Nghe vậy, Ksor Cheo hỏi lại: “Anh đánh em à?”. Ông Kpă Phu trả lời: “Tao không đánh mày nhưng mày sẽ chết”. Chính câu nói đó đã “củng cố” thêm niềm tin trong đầu óc Cheo là gia đình ông Kpă Phu có bùa phép hại người. Để trừ hậu họa cho mình và cho dân làng, Cheo nảy sinh ý định giết cả nhà ông Kpă Phu.
Khoảng 22 giờ cùng ngày, Cheo chạy chiếc xe máy chở bà Hyeir vợ ông Kpă Phu về nhà. Sau đó, Cheo quay lại nhà chị Vaih chở ông Phu và Nay Loang về nhà Cheo để uống rượu tiếp. Nhậu hết nửa lít rượu, Cheo lại chở cả hai đến chân cầu Tóa Lóa trên quốc lộ 25 bày ra uống tiếp. Tại đây, Cheo bảo ông Phu và Loang đi bẻ củi, đốt lửa, còn Cheo thì đi mua rượu và bắt gà về nướng, ăn nhậu với nhau. Mọi người vui vẻ uống rượu mà không hề biết một kế hoạch giết người đã hình thành trong đầu óc Cheo. Cheo lên xe máy nhưng không đi bắt gà và mua rượu như đã nói, mà chạy xe đến nhà bà Hyeir. Tới sân, Cheo tắt máy xe, nhặt một cục gạch rồi lên cầu thang (ban ngày, kể cả ban đêm, nhà người Jrai thường không đóng cửa). Thấy bà Hyêir và cháu Nay Điêng đang ngủ gần cửa, Cheo cầm cục gạch đập nhiều lần vào đầu hai mẹ con, cho đến khi anh Kpă Lúy thức dậy mới bỏ chạy.
Sau khi đánh vợ con ông Kpă Phu bị thương nặng, Cheo quay lại chân cầu Tóa Lóa. Thấy ông Phu và Loang đang ngồi gần đống lửa, Cheo bèn kiếm một cục đá lớn, bất ngờ giáng liên tiếp vào sau ót ông Phu. Nay Loang thấy vậy giữ tay Chao lại, ngăn cản. Nhưng Cheo như con thú dữ, quyết tâm đánh chết ông Phu. Thấy ông Phu đã chết, Cheo giải thích cho Loang hiểu lý do mình phải giết ông Phu rồi nhờ Loang giúp mình đưa xác ông Phu lên xe máy, chở tới vứt xuống sông Ba. Sau đó Cheo chở Loang đi tắm và rửa sạch các vết máu trên xe rồi về nhà mình nhậu tiếp như chưa có chuyện gì xảy ra.
Sáng 25/8, không thấy ông Kpă Phu về, mọi người đi tìm. Khi đến chân cầu Tóa Lóa, họ thấy có cục đá dính máu. Lần theo vết xe gắn máy, ra tới bờ sông Ba, họ tìm thấy thi thể ông Phu nổi trên mặt nước và có người nói buổi tối hôm trước họ trông thấy ông Kpă Phu đi với Ksor Cheo và Nay Loang.
Ngày 28/8, Ksor Cheo bị Công an tỉnh Gia Lai bắt giữ về tội giết người. Nay Loang cũng bị bắt do không tố giác tội phạm.
III. Chuyện tay giám đốc công ty và … 5 lạng vàng“Từ khi tôi lượm được vàng, cuộc sống gia đình tôi khốn khổ hơn. Do không chấp nhận đưa vàng cho nhà máy, tôi bị đình chỉ công việc ngay trong ngày. Không bao lâu sau thì tôi nhận được quyết định cho nghỉ chính thức”, chị Tuyết Mai cho biết như vậy.
Bị xem như tội phạm vì nhặt được của rơiChị Phạm Tuyết Mai (tạm trú tại khóm 3, phường Tân Xuyên, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau), kể: “Khoảng 15 giờ ngày 4/8/2014, trong lúc phân loại rác tại băng chuyền số 4 của Nhà máy Xử lý rác thành phố Cà Mau thuộc Công ty Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý (phường Tân Xuyên, thành phố Cà Mau), thì tôi thấy có cái bóp da nằm lẫn trong đống rác. Thấy cái bóp còn khá mới, nên tôi cầm lên để trên băng chuyền. Đến giờ giải lao, tôi mở ra xem thì thấy có nhiều vàng và nữ trang trong đó. Ngay lập tức tôi có nói cho những người làm chung biết chuyện và đem cất đi. Hơn 20 công nhân đang làm việc xúm lại mừng cho tôi, nhưng không ai biết đó là vàng thật hay vàng giả. Và chỉ ít phút sau, tôi bị lãnh đạo nhà máy lập biên bản giữ lại số tài sản nói trên”.
(H.6: Nhà máy xử lý rác Công Lý, Cà Mau)
Nguyễn Tiến Tân, giám đốc nhà máy, đã cho 2 bảo vệ xuống băng chuyền để thu số vàng mà chị Mai nhặt được. Hai người bảo vệ xuống chỗ chị Mai đang làm, một người đè chị Mai xuống đất, một người giựt chiếc bóp rồi dẫn chị lên văn phòng. Chị Mai cho biết: “Tôi bị áp giải, giữ lại tại văn phòng không cho đi vệ sinh. Tôi không đồng ý việc đối xử với công nhân như tội phạm chỉ vì lượm được của rơi. Chồng tôi cũng làm tài xế trong công ty, gọi điện thoại cho công an phường 9 nhờ can thiệp nhưng bị đuổi ra ngoài”.
Số tài sản trong bóp gồm 2 chỉ vàng 24K và 4,738 lượng vàng 18K. Sau đó chị Mai đã ký tên giao nộp toàn bộ số vàng nói trên cho công an thành phố Cà Mau để đơn vị này giúp tìm chủ nhân trả lại. Công an thành phố Cà Mau đã đăng thông báo trên báo chí tìm chủ sở hữu số tài sản do chị Mai nhặt được.
Nhưng đến nay không có ai đến nhận là chủ tài sản, nên chị Mai đã làm đơn yêu cầu được chia một phần tài sản nhặt được.
Tiếp xúc với các phóng viên, chị Mai nghẹn ngào, kể: “Từ khi tôi lượm được vàng, cuộc sống gia đình tôi khốn khổ quá chừng. Do không chấp nhận đưa vàng cho nhà máy, tôi bị đình chỉ công việc ngay trong ngày. Không bao lâu sau thì tôi nhận được quyết định cho nghỉ chính thức”. Chị chia sẻ: “Tôi là lao động chính trong nhà. Chồng tôi bị bệnh không làm việc được. Khi bị đuổi, tôi phải làm thuê đủ thứ việc để lo cho chồng con. Có lúc thì tôi ráp quần áo gia công, khi không có việc thì ai thuê gì làm nấy. Nhưng giờ thì gia đình quá túng quẫn, bởi công việc làm thuê của tôi không ổn định. Tôi buộc phải gửi con về cho mẹ ruột tôi nuôi giúp, không còn học ở thành phố Cà Mau được nữa”.
Vợ chồng chị Mai quê ở huyện Đầm Dơi, lên thành phố Cà Mau sinh sống đã nhiều năm. Trước khi nhặt được vàng, chồng chị Mai lái xe tải chở rác trong khuôn viên nhà máy để dây chuyền đưa vào nhà máy xử lý. Công việc không nặng, lương không cao nhưng bù lại có nhà tập thể cho gia đình ở. Thế rồi chồng chị Mai bị bệnh, đau thần kinh tọa, buộc phải nghỉ việc. Ngày nào khỏe, anh đi làm mướn, phụ hồ, phát cỏ…, còn chị Mai làm công nhân phân loại rác tại nhà máy nên cuộc sống của vợ chồng chị tạm ổn, có tiền cho con trai đi học tại trường Cấp 2 Nguyễn Thị Minh Khai (phường 9, thành phố Cà Mau).
Lý luận của Nguyễn Tiến Tân, giám đốc nhà máyGiải thích lý do tranh chấp tài sản nhặt được giữa nhà máy với công nhân của mình, Nguyễn Tiến Tân giám đốc nhà máy, cho rằng tài sản đã vào đến nhà máy là của… nhà máy. Giám đốc Tân khẳng định: “Cơ quan chức năng đã giải thích cho công nhân Phạm Tuyết Mai thấy cái sai. Lãnh đạo nhà máy đảm bảo việc nhà máy quyết định như thế là làm đúng 100%. Khi rác vô nhà máy là tài sản của nhà máy. Công nhân vào làm, thậm chí cây cỏ, rác… cũng không được mang ra chứ đừng nói là vàng”.
Tuy nhiên, khi sự việc được chuyển sang TAND thụ lý, thì bất ngờ, ngày 31/8/2015, giám đốc Nguyễn Tiến Tân xác nhận: “Công ty Công Lý đã có văn bản gởi công an thành phố Cà Mau đề nghị giải quyết theo pháp luật, tức có thể giao tài sản cho chị Mai hoặc xung vào công quỹ theo pháp luật quy định và Công Lý không tranh chấp”.
Như thế, tức phía Công Lý thừa nhận nhà máy không còn tranh giành số tài sản nói trên. Ngoài ra, giám đốc Nguyễn Tiến Tân cũng nói đãi bôi: “Nếu được giải quyết rằng số vàng đó là tài sản của nhà máy thì chúng tôi cũng chia đều cho công nhân đứng cùng băng chuyền với chị Mai hôm đó”.
Chị Tuyết Mai sẽ nhận được 68 triệu đồng
Ngày 31/8, trao đổi với các phóng viên, công an thành phố Cà Mau cho biết đã thống nhất cách xử lý 5 lượng vàng mà chị Phạm Tuyết Mai nhặt được theo Điều 241 Bô Luật Dân sự, nghĩa là chị Mai sẽ nhận được 10 tháng lương tối thiểu (tương đương với 27 triệu đồng) cộng với 50% của số vàng còn lại sau khi trừ đi 10 tháng lương tối thiểu (50% này tương đương với 41 triệu đồng). Như vậy tổng cộng chị Mai sẽ nhận được 68 triệu đồng; 50% tức 41 triệu đồng còn lại sẽ sung vào ngân sách nhà nước.
IV. Chùa cũng tàn nhẫn luôn!Sau khi xảy ra chuyện vị sư trong ngôi chùa ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng bị mất hơn một triệu đồng (tương đương với khoảng 50 đô la Mỹ), hai tiểu tăng được cho là bị bắt ép phải nhúng tay vào chảo nước đang sôi để chứng minh rằng mình trong sạch, không ăn trộm tiền. Hai tiểu tăng này bị bỏng nặng đã bỏ về nhà điều trị, nhưng vị sư trụ trì nói rằng việc nhúng tay đó hoàn toàn “tự nguyện”. Các “sư lớn” còn khôn khéo hơn nữa là họ nhúng tay vào chảo nước chưa sôi trong khi hai tiểu tăng thì phải nhúng vào chảo nước đang sôi!..
Trưa 14/3, tại chùa Tăng Du (xã Vĩnh Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng), sư Triệu Pi Lép (22 tuổi) phát giác mình bị mất 1,1 triệu đồng. Các thành viên trong chùa được tập hợp để các “à cha” (tiếng Miên, sư dạy chữ trong chùa) hỏi từng tăng sinh, nhưng không ai biết.
Gần tối, khi sư trụ trì đi vắng, các sư lớn kêu mọi người nhúng tay vào chảo nước đang sôi. Các sư cho rằng ai không trộm tiền thì nhúng vào nước sôi hai bàn tay vẫn bình thường, ngược lại sẽ bị bỏng, lột da rất đau đớn. Sau đó, từng người được đưa vào một phòng kín có rèm che để chất vấn. Hai tiểu tăng Thạch Lộc (18 tuổi) và Thạch Mai (15 tuổi) vào sau cùng, cho thắp nhang thề độc là không trộm tiền.
Theo tiểu tăng Thạch Lộc, các sư đàn anh đã buộc họ phải nhúng tay vào chảo nước sôi đang đun trên bếp gas. Ba ngày sau, cả hai tiểu tăng đã trốn về nhà.
Sau hơn một tuần lễ điều trị tại Khoa ngoại Bệnh viện Đa khoa thị xã Vĩnh Châu, bàn tay bị bỏng của tiểu tăng Thạch Mai da đã khô. Các bác sĩ cho biết, tiểu tăng này bị bỏng cấp độ 2, chiếm khoảng 6% diện tích da toàn thân. Riêng tiểu tăng Thạch Lộc cũng bị bỏng 2 bàn tay nhưng nhẹ hơn và đã xuất viện vào chiều 23/3 (tức sau 9 ngày điều trị).
Đại đức Hoành Na – trụ trì chùa Tăng Du – cho biết để xảy ra sự việc thật là đáng tiếc do thời điểm đó ông đi vắng, tuy nhiên, chuyện hai tăng sinh Thạch Lộc và Thạch Mai nhúng tay vào chảo nước sôi là hoàn toàn tự nguyện chứ không bị ai ép buộc. Đại đức nói: “Trước đó, nhiều lần sư Thạch Mai qua ngủ chung với sư Triệu Pi Lép. Nên khi nghe tin sư Lép mất tiền, sư Thạch Mai tự nguyện nhúng tay vào nước sôi để chứng minh rằng mình trong sạch”.
Đại đức Hoành Na cũng cho hay đã mời chính quyền địa phương, công an xã, cùng gia đình hai tăng sinh đến họp, tìm cách giải quyết thấu tình đạt lý. Hiện sư Triệu Pi Lép đã đến gia đình và bệnh viện xin lỗi hai tiểu tăng, hứa sẽ chi trả tiền điều trị. Các cơ quan chức năng của tỉnh đang phối hợp để điều tra, làm rõ sự việc này.
Đoàn Dự ghi chép