Một buổi trình diễn nhạc rock trong Festival MIDI Music, công viên Haidian, Bắc Kinh, 01/05/2015.
Reuters/Grace Liang
Báo Pháp ngày cuối tuần (10/10/2015) có khá nhiều bài viết về Trung Quốc liên quan đến nhiều lãnh vực : kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại. Đặc biệt, tờ Libération quan tâm đến một khía cạnh văn hóa cho đến giờ ít ai để ý tới đó là tại Trung Quốc, giới nhạc rock – niềm đam mê của giới sinh viên trong nước - đang trở thành nạn nhân của chính sách « bài phương Tây » do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xướng, nhất là ngay tại thủ đô.
« Bắc Kinh đập vỡ các sàn diễn » là nhận định đầu tiên, và cũng là tựa đề bài viết. Tờ báo cho rằng năm 2015 là một năm đen đủi của nền nhạc rock Trung Quốc. Từ đầu năm đến nay, nhiều tụ điểm nhạc rock đã bị đóng cửa, chí ít 4 trong tổng số 15 chương trình biểu diễn bị hủy…. dưới nhiều cớ khác nhau, như san lấp mặt bằng xây cao ốc, có ma túy, khó khăn kinh tế hay bị cảnh sát sách nhiễu.
Tờ báo lấy ví dụ như điểm chơi nhạc XP theo dòng post-punk của nhóm Maybe Mars tại Mỹ đã đóng cửa. Michael Pettis, chủ nhân câu lạc bộ thì giải thích là ông cho đóng cửa để mở phòng tranh ảnh như mơ ước từ lâu. Nhưng trên thực tế, việc đóng cửa câu lạc bộ này xảy ra, ngay sau khi một đoàn cảnh sát đến làm việc trong khi đang có buổi trình diễn của một ban nhạc rock Nhật Bản.
Mùa xuân rồi còn tệ hại hơn : hai chương trình liên hoan nhạc rock lớn hồi tháng 5/2015 của hai ban nhạc lớn nhất tại Trung Quốc Strawberry và Midi cũng đã bị hủy do không có được giấy phép tổ chức cần thiết, trong khi những năm trước đều được phép. Libération nhắc rõ chỉ riêng hai ban nhạc này họ đã có thể thu hút đến hơn 200.000 khán giả ngay tại Bắc Kinh.
Nhạc rock Trung Quốc giờ không chỉ nổi danh trong nước, với thành phần hâm mộ chính là giới sinh viên, mà cũng bắt đầu gây được sự chú ý của nhiều hãng quốc tế lớn như Tuborg, Intel.
Bởi vì nhạc rock đến từ phương TâyTừ những nhận định chung đó, Libération cho rằng giới tổ chức các chương trình biểu diễn âm nhạc (livehouse) và các liên hoan tại Bắc Kinh hiện nằm trong vô số các nạn nhân của chính sách chỉnh đốn ý thức hệ do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng kể từ khi lên cầm quyền năm 2012.
Chủ tịch Trung Quốc công khai quan điểm bài « tư tưởng và văn hóa phương Tây » đương nhiên trong đó có nhạc rock. Trong bài diễn văn hồi tháng 10 năm 2014, Chủ tịch Tập quy định là giới nghệ sĩ phải chuyển tải các « giá trị xã hội chủ nghĩa » và không nên phổ biến « sự hôi hám của đồng tiền ».
Theo Bộ Văn hóa, giới nghệ sĩ cũng không nên « khêu gợi tính tục tĩu, bạo lực, tội ác hay đe dọa xã hội ». Chính là căn cứ vào quy định này, các nhà kiểm duyệt hồi tháng 8/2015 đã công bố danh sách 120 bản nhạc bị cấm hát. Những ai không tuân lệnh, dám lên chương trình cho những bản nhạc này trong các mục giải trí Trung Quốc hay Đài Loan cho dù đó là một chương trình lớn, đều có nguy cơ bị « trừng phạt nghiêm khắc ». Một điểm mới nữa là, Bắc Kinh sở hữu cả một đạo quân « cảnh sát tin học », chuyên trách truy lùng những nội dung được cho là « bất chính » trên những trang mạng lớn như Alibaba hay Tencent.
Bài viết cho rằng, trong một xã hội theo kiểu Orwell, nơi mà việc khóa chặt tự do ngôn luận và các án phạt nặng nề đạt con số kỷ lục, thì chẳng có gì phải lấy làm ngạc nhiên là các quan chức địa phương luôn có xu hướng càng lấy ít rủi ro chừng nào càng tốt chừng nấy. Theo giải thích của ông Pierre-Alexandre Blanc, một nhà tổ chức đại nhạc hội tại Bắc Kinh « Cảnh sát khu vực chẳng được lợi ích gì khi cho phép tổ chức một buổi biểu diễn nhạc rock (…). Lúc nào cũng có thể xảy ra vấn đề hay tai nạn trong việc tổ chức và nếu như vậy mọi trách nhiệm lại rơi lên đầu anh ta ».
Theo RFI