WESTMINSTER (NV) - Nhạc sĩ Lê Quang là một trong vài tên tuổi nổi tiếng trong làng ca nhạc Việt Nam hiện nay, anh có khoảng trên 300 tác phẩm âm nhạc.
Nhắc lại kỷ niệm thời niên thiếu, nhạc sĩ Lê Quang tâm sự: “Thập niên đầu 80 là những năm tháng ở Việt Nam đời sống còn nhiều khó khăn, lúc đó tôi chỉ là một người trẻ mới lớn, đang học bậc trung học, vì còn trong thời bao cấp, nên hầu như giới thanh niên không có nhiều thứ để giải trí, ngoài phong trào nhạc đường phố, tức là tối tối mấy anh em tụ tập, ngồi ngoài hàng hiên nhà, dưới những ngọn đèn đường, ôm đàn hát hò, và tôi lớn lên từ phong trào nhạc như thế.”
Nhạc sĩ Lê Quang (Hình: Nhạc sĩ cung cấp)
Anh kể tiếp: “Lúc đó tôi đang học trường Tenleman (Cô Giang cũ), trong trường có một nhóm các bạn có khiếu về âm nhạc, thích đàn ca, nên chúng tôi họp lại thành lập ban nhạc của trường, rồi cũng từ ban nhạc đó, chúng tôi tham dự các cuộc thi về ca nhạc của giới sinh viên học sinh trong thành phố Sài Gòn, và ban nhạc chúng tôi đoạt được một số giải.”
Vì nhu cầu mưu sinh của đời sống, sau khi rời ghế nhà trường, anh tạm chia tay với âm nhạc trong khoảng bốn năm.
Anh tâm sự: “Có lẽ cái nghiệp của mình là âm nhạc, bởi vậy sau thời gian tạm dừng chân, gặp lại một số anh em 'rủ rê' tham gia ban nhạc 'Da Vàng' của anh Ðạt (hiện đang sống tại California), tôi nhớ là chúng tôi đoạt được giải nhì trong cuộc thi đó.”
Trong ban nhạc anh là người “chơi” bass, sau đó vì nhu cầu cần nhạc mới, và biết là Lê Quang có khả năng sáng tác, nên họ khuyến khích anh viết nhạc, thể loại nhạc anh viết lúc ấy là ballard.
“Có một thời gian, khoảng vài năm tôi làm quán cafe Nhạc Sĩ, khi đó có khoảng 7 nhạc sĩ như Trịnh Công Sơn, Thanh Tùng, Từ Huy, Tôn Thất Lập... Lúc đó tôi có cơ hội tiếp xúc với các nhạc sĩ ấy mỗi ngày, và lúc ấy hầu như họ cho trình làng khá nhiều các sáng tác mới, tôi đã tận dụng cơ hội quý báu đó, để quan sát, học hỏi ở mỗi người những điều hay, mới lạ khác nhau.” Lê Quang tâm tình.
Anh cho biết ca khúc đầu tiên của anh là “Ði Về Nơi Xa,” “Mỗi bài hát là một câu chuyện, một tình huống, hay hoàn cảnh khác nhau, và dĩ nhiên trong đó có cả những tình cảm phát xuất từ đời sống riêng của mình, thông thường khi tôi viết một bài nhạc là tôi nghĩ ngay đến 'đứa con' này sẽ giao cho ca sĩ nào hát thích hợp.” Lê Quang chia sẻ.
Nhạc sĩ cho biết cho đến ngày hôm nay, mặc dù công nghệ tiên tiến, người nhạc sĩ có thể viết nhạc ngay trên bàn phím, thế nhưng với anh, nhạc được viết bằng chữ viết tay nắn nón vẫn hay hơn, vì lột tả được tình cảm thật đến từ trái tim và khối óc của người sáng tác, .”.. Nhất là chữ 'yêu' cần phải viết bằng tay, mới tròn đúng ý nghĩa.”
Những nhạc phẩm do Lê Quang sáng tác gồm: Bốn Mùa Và Em, Biển Sâu, Chỉ Riêng Mình Anh, Bước Chân Thời Gian, Cao Nguyên Mùa Ðông, Bốn Ngàn Năm Rực Rỡ Gấm Hoa, Cho Một Ngày Bình Yên, Cho Tim Em Nhớ Anh...
Ðời sống âm nhạc của anh là những bài tình ca đằm thắm, những bài hát mang tính nhân bản, dạt dào tình yêu quê hương, ca tụng nét đẹp của dãy non sông hình chữ S, và đau trong niềm đau chung của cả hơn 90 triệu người dân Việt Nam...
“Tình yêu là chất liệu cần thiết, thúc đẩy tôi tiếp tục sáng tác cống hiến cho đời.” Nhạc sĩ Lê Quang khẳng định.
Ðức Tuấn/Người Việt