Trong những năm gần đây, khi ông Đỗ Đức Ngọc (chưởng môn Khí Công Y Đạo sáng lập năm 1997 ở VN và năm 2003
ứng dụng tại Canada) di cư từ Việt Nam qua Gia Nã Đại sinh sống, website bao gồm các công trình nghiên cứu, giảng
dạy, thực hành, chữa trị của ông được hàng triệu lượt viếng thăm tham khảo! Với quan điểm khiêm tốn,sáng suốt và rộng
rãi chấp nhận tất cả các phương pháp chữa bệnh Đông và Tây Y nói chung, ông tự nhận chuyên môn của mình chỉ là Y
học bổ sung mà thôi dựa trên 3 nguyên tắc chính: Tinh (thức ăn tốt), Khí (không khí thở vào kết hợp hoá giải thức ăn thành
năng lượng) và Thần (tinh thần do năng lượng nâng cao) đã có từ ngàn năm trước do tổ tiên chúng ta truyền lại. Tôi vốn là
dân ghiền đọc nhiều tài liệu phong phú tích lũy hàng chục năm do chính ông viết và kể lại có những trường hợp rất đặc
biệt, đồng thời người Pháp đã bắt đầu chấp nhận Y Học bổ sung càng ngày càng nhiều và chịu khó áp dụng các phương
pháp như thôi miên chống đau, ngồi thiền chữa bệnh, tập thể thao hay khí công, tài chi v.v… thay vì dùng thuốc tây.
Ảnh chụp tượng trưng vị BS đang cầm bảng ghi “Thôi miên”.
Nguồn gốc của sự thôi miên bắt đầu từ thế kỷ thứ 18 do bác sĩ danh tiếng người Đức tên là Franz Anton Mesmer hành
nghề ở thủ đô Paris. Động từ tiếng Anh “to mesmerise” có nghĩa là thôi miên, mê hoặc, quyến rũ bắt nguồn từ đây. Vị BS
này muốn tìm cách giải thích hữu lý những hành động xảy ra chung quanh hiện tượng “lên đồng” hay còn được gọi là “ma
thuật”. Ông cho nó định nghĩa là một nguồn năng lượng nam châm thu hút tự nhiên do vũ trụ tạo ra có thể dùng để chữa
bệnh.
Chúng ta hãy trở lại thủ đô Paris, nơi có một bệnh viện lớn gồm nhiều cơ sở chữa trị tên gọi là AP- HP (l’Assistance
publique, Trợ giúp công chúng, Hôpitaux de Paris, bệnh viện Paris). Nơi đây tựu tập khoảng 60 vị BS có sử dụng thường
xuyên đến ngành Y Học Bổ Sung (Médecine complémentaire) như thôi miên, nắn xương (Ostéopathie), châm cứu v.v…
Thôi miên được dùng lại rộng rãi (từ thế kỷ thứ 18 đến nay) hiện giờ và khái niệm thông thường định nghĩa như sau dựa
trên những câu hỏi thắc mắc của người dân (kiến thức y học):
1.Thôi miên có phải là giấc ngủ hay không?Không phải, thôi miên là một tình trạng mà ý thức của cơ thể bị thay đổi. Khi chúng ta lái xe về nhà một cách ngon lành,
không cần suy nghĩ quẹo trái quẹo phải hay tự nhủ phải đi con đường nào, là chúng ta đang ở trong trạng thái “thôi miên”.
Chuyên gia về chữa trị tâm thần não bộ và là tâm lý gia giải thích đó là một trạng thái tỉnh thức đặc biệt tự nhiên của con
người đang cảnh giác nhưng nó vẫn có phần “lơ đãng” trong đó.
2. Vậy thôi miên dùng làm gì?Một nhân viên đào tạo thành thạo công việc thôi miên bệnh nhân sẽ làm gia tăng bội phần trạng thái tâm lý đặc biệt này
nhằm giúp họ giảm cơn đau đớn, nhức đầu, bị đánh thuốc mê, khi bị phỏng nặng…trong cơ thể. Riêng về bộ thần kinh thì
làm an tâm, hết lo âu, xóa bỏ cơn ghiền rượu hay thuốc lá. Trong bệnh viện, thôi miên can thiệp vào những ca bệnh lý làm
giảm đau đớn gây ra khi đặt ống dẫn vào mạch máu hay một chỗ nào đó trong cơ thể nhằm bơm dung dịch thuốc lâu dài
hay hút ra chất lõng dư thừa gây bệnh (pose de catheter), giúp sản phụ đỡ đau khi lâm bồn, làm bệnh nhân không thấy đau
khi được giải phẫu…
Trẻ em bệnh nhân được dạy áp dụng thôi miên để “làm ngủ đi một vùng đau đớn” trong cơ thể. Điều này xảy ra tại BV
Robert-Debré ở Paris đối với bệnh nhân từ 4 hay 5 tuổi trở lên bị bệnh ung thư máu trắng, bạch cầu (leucémie). Bà BS nhi
khoa Chantal Wood cho biết bà dùng một chiếc găng tay thần kỳ vô hình dạy cho em bé xỏ nó vào tay giúp em không thấy
cảm giác gì nhiều nơi đây, rồi em sẽ đưa cảm giác “ngủ” nơi tay đến cùi chỏ hay ở lưng để không thấy đau khi được y tá
trích chất lõng cơ thể ra đem đi làm phân tích trị liệu y-dược. Bà còn nói thêm với một âm điệu cho phép như sau: “Con sẽ
cảm thấy như có cát nóng đặt trên lưng con, con đem nó đặt trên bụng, nhờ vậy ruột con ấm lên thật dễ chịu”. Chantal cho
biết trẻ con có khả năng tài tình hơn người lớn khi chúng nó tưởng tượng nhiều thứ do BS gợi ý; tuy vậy phải có sự hợp tác
đắc lực giữa bệnh nhân và người hướng dẫn thôi miên thì kết quả khả quan hơn. Mỗi người đều có thể tự thôi miên lấy
nhưng không phải tất cả các cuộc giải phẫu nào cũng ứng dụng phép trị bổ sung này được.
3. Nếu bệnh nhân tỉnh dậy lúc đang bị giải phẫu?Thật ra, thôi miên đi kèm theo thuốc dùng với độ lượng ít hơn, gọi là “thôi miên trợ dược” (hypnosédation). Kỹ thuật kết
hợp y khoa bổ sung và thuốc men, vừa thôi miên vừa cho thuốc vào tĩnh mạch và gây mê ở chỗ đau đang chữa trị. Các BS
chuyên gia gây mê tại BV bên Bỉ cho biết. Bệnh nhân nghe tiếng động, họ sẽ trả lời bằng cách quơ tay tượng trưng khi BS
hỏi han nhưng tâm hồn họ ở chỗ khác nên không thấy đau và không bị căng thẳng hoặc lo âu! Nếu bị đau thật sự, họ ra dấu
theo quy ước trước và BS sẽ tăng liều thuốc giảm đau. Ngoài ra, các số liệu hiện ra trên màn ảnh máy điện toán cũng giúp
cho các nhân viên điều trị phản ứng tốt.
Dù sao đi nữa, vẫn có thể gây mê toàn diện nếu cần thiết. Các BS cho biết trong vòng 10 năm chỉ có 18 lần phải gây mê
toàn diện mà thôi trong các cuộc giải phẫu thẫm mỹ, tai mũi họng, sản khoa v.v… Năm 2009, nữ hoàng Fabiola vương
quốc Bỉ cũng đã được giải phẫu trong sự thôi miên giảm đau.
4. Bệnh nhân sẽ mau hồi phục sức khoẻ sau giải phẫu?BV phối hợp đại học y khoa cho sinh viên thực tập tại Bỉ đã thực hành 7000 ca giải phẫu có thôi miên can thiệp vào. Một
báo cáo kết quả sau 200 trường hợp xảy ra như sau: máu chảy ra ít sau đó, tình trạng tốt (ít ói mữa, ít đau đớn, sinh hoạt
bình thường nhanh hơn)… nên thuốc men trợ lực ít dùng tới. Nếu cẩn thận hơn nữa, áp dụng thôi miên trước khi giải phẫu
thì càng tốt lắm (theo Mount Sinai school of medecine ở New York).
5. Chuyện gì xảy ra trong não bộ khi đó?Các kỹ thuật tân tiến chụp được bộ óc giúp ta thấy thôi miên cho kết quả có nghĩa lý. Vùng vỏ não bộ đặc biệt (cortex
cérébral) khi đau với trạng thái không dùng và có dùng biện pháp bổ sung khác nhau thật sự. Các chuyên gia ngành Y
không giải thích được vì sao tuy họ biết là có hiện tượng “neurotransmetteurs, sứ giả tế bào não chuyển lệnh” do thôi miên
làm chận đứng cơn đau, các “sứ giả” quan trọng này không ai biết tung tích.
6. Thôi miên có được luật lệ cho phép ứng dụng chính thức?Tại Pháp, câu trả lời là chưa. Chương trình giảng dạy tại các đại học Y khoa chưa có môn này, nhưng các BS và Nha sĩ có
thể lấy thêm bằng cấp bổ sung này dưới dạng DU (Diplôme Universitaire, bằng cấp đại học có từ năm 2001) rồi ghi chú
thêm vào bảng hiệu cho phòng mạch của mình. Ngoài ra các vị nào chuyên chăm sóc bệnh nhân muốn học hỏi thêm cũng
được toại nguyện kèm theo một thứ “cẩm nang” phải tôn trọng khi hành nghề thôi miên.
Tóm lại, phương pháp y học bổ sung bằng cách dùng lời nói hướng dẫn bệnh nhân đi vào một vùng “an toàn nhất” (gần
như là “lên đồng” đã nói ở đầu bài) theo chính họ thấy nên tránh bị đau khổ nhờ sự nghiên cứu trước hồ sơ cá nhân (tiểu
sử) và bệnh lý đang phát triển rất tốt đẹp (à la mode) tại Pháp, nhất là trong các BV lớn ở thủ đô Paris. Các chương trình
giảng dạy đều có người theo học (từ nhân viên y khoa cho đến sinh viên) đông đến độ phải tổ chức nhiều khóa liên tiếp.
Một nữ BS cho rằng quỹ An Toàn xã hội (bảo hiểm bệnh hoạn) không công nhận thôi miên (để trả tiền lại cho bệnh nhân
khi họ đến phòng mạch) là rất tiếc vì nó chữa khỏi một số bệnh thông thường như nhức đầu kinh niên, đau nhẹ trong cơ
thể (chân, tay, vai, bụng…). Bà còn xem rằng đây là Y khoa “thật sự” chứ nào là “bổ sung” vì nó có tác dụng điều trị dứt
bệnh.
Nguyễn Thị Ngọc Diễm