Khiêu vũ trở nên phổ biến tại các công viên và được xem như là một môn thể thao rèn luyện sức khỏe ở Sài Gòn (Credit: ABC) .Không chỉ có mặt ở các vũ trường ồn ào, hay trong những bữa tiệc sang trọng, trung tâm văn hóa, quán bar, v.v… khiêu vũ xuất hiện ngày càng nhiều ở các công viên tại Sài Gòn, nơi người ta xem nó như một môn thể dục để rèn luyện sức khỏe.
Vui mà khỏeỞ tuổi 82, những bước chân của bác Cư vẫn còn rất nhanh nhẹn với điệu bebop, valse… Và để có được sức khỏe leo bộ lên tầng ba một cách nhẹ nhàng, từ 6 năm nay mỗi sáng bác đi bộ hơn cây số ra công viên Gia Định để khiêu vũ. Bác Cư cho biết: “Trước đây bác tập thái cực quyền, thể dục gậy, quạt, nhưng để bảo vệ sức khỏe thì không gì tốt bằng khiêu vũ.”
Anh Trương Quang, 50 tuổi, làm lái xe đến với khiêu vũ được gần hai năm, kể: “Trước đó buổi tối thường chạy bộ trong công viên. Tại đây thấy có nhiều người khiêu vũ ban đầu tò mò vào xem, tìm hiểu, nhưng sau đó anh chuyển sang khiêu vũ thay vì chạy bộ và rủ vợ cùng tham gia.”
“Khiêu vũ vận động toàn thân, nhưng không phải gắng sức nhiều như các môn thể thao khác, thích hợp với người lớn tuổi. Ngoài rèn luyện sức khỏe, còn giúp vui, sảng khoái, giảm stress, luyện trí nhớ,” anh Quang nói về ích lợi của khiêu vũ.
Từng đi học khiêu vũ ở nhà văn hóa quận, nhưng không có bạn nhảy nên cô gái TTM Triệu đành ngưng. Một lần cùng với những người bạn ra công viên chơi buổi tối đã đưa cô trở lại với lớp khiêu vũ.
“Thầy dạy nhiệt tình, không phải lo bạn nhảy, được học trong một không gian thoáng mát, trong lành thật thú vị,” Mỹ Triệu nói. Anh Nguyễn Phi Long, người hướng dẫn khiêu vũ tại công viên Gia Định, giải thích: Ở đây nhóm anh chỉ dẫn 12 điệu, thứ hai tập cơ bản, thứ ba ôn lại, thứ tư, thứ sáu tập “phăng”, cứ thế xoay vòng hội viên muốn học vào lúc nào cũng được.
Do vậy, khiêu vũ tại công viên không thể gọi là lớp, mà đúng hơn là CLB - người đi trước hướng dẫn người mới vào. Học phí chủ yếu đủ cho việc chuẩn bị đĩa nhạc, âm thanh, thuê mặt bằng.
“Kép” nhảy công viênỞ các vũ trường sang trọng, ồn ào chuyện thiếu ‘kép’ nam không có gì phải bàn, và các CLB ở công viên cũng có tình trạng tương tự. Chị Ngọc một hướng dẫn khiêu vũ tại công viên Lê Thị Riêng, quận 10 cho biết: “Có khoảng 20% người tham gia khiêu vũ vợ chồng thực sự, 70% các đôi cặp bồ với nhau và còn lại 10% phải dùng đến kép.”
Chị Ngọc giải thích thêm: “Các anh nam không đi cùng vợ thì đã có ‘đào’. Trong khi đó nhiều chị lớn tuổi muốn biết khiêu vũ, kết hợp rèn luyện sức khỏe, giữ vóc dáng lại đi một mình nên cần người dìu nhảy. Giá cả do các cặp tự thỏa thuận với nhau, thường 30–100 nghìn/buổi, có người trả 700 nghìn đến 1 triệu đồng/tháng. Thù lao tùy vào người dìu có hợp hay không và khả năng tài chính của từng người.”
Với kinh nghiệm nhiều năm hướng dẫn khiêu vũ, anh Long cho biết: “Ở các lớp, các CLB khiêu vũ nữ chiếm đa số, nên luôn thiếu bạn nhảy nam lẽ đương nhiên. Trong khi người mới học khiêu vũ lại cần người dìu. Bên cần dìu, bên có thêm một ít thu nhập, đây là thỏa thuận giữa cá nhân với nhau, các CLB không chủ trương điều này.”
Chị Bích Ngân thật thà chia sẻ việc thuê kép: “Do đi học khiêu vũ một mình nên chị cần người dìu để học nhanh hơn. Ban đầu không biết ở đây có người dìu, những buổi đầu tập thấy chị có một mình nên có người giới thiệu mới biết. Chi phí trả cho người dìu chỉ ở mức tượng trưng, vì họ cũng có nhu cầu luyện sức khỏe như mình. Và mọi chuyện kết thúc ngay tại sân tập.”
Khiêu vũ bình dânKhiêu vũ được người Pháp đưa vào Việt Nam vào cuối thể kỷ 19 và người Việt Nam thận trọng tiếp nhận. Trước năm 1975, tại Sài Gòn khiêu vũ phổ biến tại các vũ trường trong giới trung và thượng lưu. Sinh viên, học sinh, giới bình dân hơn chỉ có thể tổ chức khiêu vũ trong trường học, tiệc ở gia đình, hoặc quán ăn.
Sau ngày biến cố lịch sử 30/04/1975, khiêu vũ bị xem như “sản phẩm của thực dân, đế quốc, ngụy quyền, tư sản”… nên không còn đất sống. Đến khoảng 1985, khiêu vũ mới trở lại theo phong trào múa hát tập thể, bắt đầu từ Nhà Văn hóa Lao động TPHCM lúc bấy giờ. Và từ đây khiêu vũ lan dần xuống nhà văn hóa các quận, huyện.
Theo anh Long: “So với khiêu vũ phía Bắc, khiêu vũ ở phía Nam có bước nhảy đơn giản, không cầu kỳ, dễ tập. Đây là sự kế thừa khiêu vũ giao tiếp ở Sài Gòn trước năm 1975.”
Nhưng khiêu vũ trở nên phổ biến tại các công viên và được xem như là một môn thể thao rèn luyện sức khỏe ở Sài Gòn từ sau năm 2005. Ngày nay khiêu vũ còn xuất hiện trong cả các quán nhậu, phòng hát karaoke, quán cà phê hát cho nhau nghe.
Source: ABC Australia