GSTS Nguyễn Lân Dũng: "Không thể không công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân Việt Nam" (Credit: ABC) .Hiện nay, một số miền quê Việt Nam đang đối diện với tình trạng người nông dân không còn thiết tha với việc trồng lúa. Nhiều người bỏ đồng ruộng lên thành phố bất chấp công việc ở thành phố bất ổn, lương thấp và cạnh tranh cao.
Hiện tượng nông dân bỏ ruộng khiến các nhà khoa học nông nghiệp cảnh báo Việt Nam sẽ gặp tình trạng mất an ninh lương thực trong tương lai gần.
Để tìm hiểu về nguyên nhân cũng như đưa ra một vài giải pháp giải quyết tình trạng trên, Radio Australia phỏng vấn GS TS Nguyễn Lân Dũng.
GS TS Nguyễn Lân Dũng là nhà nghiên cứu sinh học và các vấn đề nông nghiệp hàng đầu Việt Nam và là Đại biểu Quốc hội. Ông hiện là Phó Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, chủ nhiệm chương trình tự nguyện đưa KHKT vào hộ nông dân. Ông đã đưa nhiều ý kiến quan trọng để hoàn thiện bộ sách giáo khoa sinh học được đánh giá rất cao tại Việt Nam.
GS TS Nguyễn Lân Dũng tham gia chuyên mục truyền hình nổi tiếng "Hỏi gì đáp nấy" chuyên giải đáp một cách thiết thực mọi thắc mắc của nông dân.
Radio Australia: Thưa ông, về vĩ mô, việc người nông dân bỏ ruộng hiện nay xuất phát từ những lý do gì?
Nguyễn Lân Dũng: Trước hết xin nói là nếu số đông rời bỏ ruộng đồng thì là làm sao nông nghiệp nước ta có những thành tích đáng kể trong nông nghiệp trong những năm vừa qua. Theo tôi, hiện tượng nông dân bỏ ruộng có hai nguyên nhân chính:
Một là do yêu cầu công nghiệp hóa, đô thị hóa, một lượng lớn diện tích đất màu mỡ mà dân gọi là ‘bờ xôi ruộng mật’ đã biến thành khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị mở rộng, hoặc sân gôn. Trong thời gian 2001-2006 chúng ta đã mất tới 48% diện tích đất trồng. Bình quân mỗi năm mất đi tới 50-70 nghìn ha đất trồng. Chỉ trong vòng 15 năm (1993-2008) đã có tới 500 ngàn ha đất nông nghiệp màu mỡ bị chiếm dụng cho các mục đích khác.
Hai là một số ruộng bị bỏ hoang vì sản xuất lúa không có lãi. Lấy một ví dụ cụ thể ở Quảng Bình: vụ hè thu năm 2012, Quảng Bình gieo cấy được 14.500 ha (đạt 85% kế hoạch), có nghĩa là có gần 2.600 ha diện tích đã bị bỏ hoang. Theo ông Nguyễn Văn Tư (nông dân huyện Bố Trạch) thì có nhiều nguyên nhân, nhưng “chung quy lại là do giá vật tư phân bón, thuốc trừ sâu... tăng cao, trong khi đó, giá thóc hạ và khó bán. Nông dân sản xuất chỉ cầm chắc lỗ nên người ta bỏ ruộng thôi”.
RA: Người nông dân ngày nay cho rằng họ làm ruộng không có lãi - điều này do chất lượng cây lúa giảm sút hay chi phí vật tư ngày một tăng cao và giá thành sản phẩm đầu ra lại thấp?
NLD: Việt Nam đứng thứ nhì, có khi thứ nhất trên thế giới về số lượng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên điều đáng quan tâm là giá gạo xuất khẩu của ta quá thấp. Thực tế gần đây cho thấy mặc dầu lượng gạo xuất khẩu tăng nhưng giá bán lại đang có xu thế giảm một cách đáng lo ngại. Tính đến hết tháng 09/2012, theo số liệu của Hiệp hội Lương thực VN (VFA), hợp đồng gạo mà các doanh nghiệp đã ký đạt 7,2 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay, nhưng giá trị xuất khẩu giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2011 do giá gạo giảm mạnh. Riêng tháng 9/2012, giá gạo xuất khẩu chỉ đạt 440 USD/tấn, giảm trên 80 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2011.
Chúng ta chạy theo năng suất mà không dành ra được những diện tích thỏa đáng để trồng các loại gạo chất lượng cao dành riêng cho xuất khẩu. Giá vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...) lại ngày càng tăng cao. Hiện nay, nông dân đều mua vật tư nông nghiệp qua các kênh phân phối trung gian mà không trực tiếp mua chúng từ nhà sản xuất. Giữa các đại lý, chênh lệch giá mua/bán từ 3.000 đến 15.000 đồng/sản phẩm, trong khi giá nông dân mua chênh lệch từ 20.000 đến 40.000 đồng/sản phẩm. Với hệ thống phân phối như hiện nay, giá vật tư nông nghiệp có thể đội lên gấp 3-4 lần khi tới tay nông dân.
Nếu giúp nông dân liên kết lại, cắt bỏ các khâu trung gian không cần thiết, chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội tốt, không để tư thương bắt chẹt và sẽ bán nông sản với giá cao hơn.
RA: Hiện tượng thanh niên bỏ quê ra phố làm việc cũng là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng đồng ruộng bị bỏ hoang. Làm việc ở phố thì thu nhập cũng không khá giả hơn thì tại sao họ vẫn bỏ đồng ruộng để lên thành thị?
NLD: Tôi nghĩ chuyện họ bỏ quê ra đi là cực chẳng đã. tôi không thể nói gì hay hơn những vần thơ của Trần Hồng Giang, một thanh niên khuyết tật cả tay lẫn chân ở Nam Định:
“... Lang thang như một con diều
Tấm thân quăng quật bao chiều bão giông
Thoảng buồn rồi lại như không
Nhà quê vẫn cứ một lòng nhà quê
Vẫn cười vẫn nói hả hê
Kiếm tiền đủ sẽ lại về làng thôi!”
RA: Theo ông, làm sao để lôi kéo tầng lớp thanh niên trở về với ruộng đồng?
NLD: Phải triển khai tốt chương trình xây dựng nông thôn mới. Đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật về nông thôn. Tạo ra các cơ sở sản xuất hay dịch vụ để cho thanh niên có việc làm những lúc nông nhàn hoặc tạo ra một lực lượng ‘ly nông bất ly hương’ có thu nhập cao hơn so với chuyên làm nông.
RA: Ở một số địa phương người ta đã áp dụng hình thức ‘dồn điền đổi thửa’ khá thành công. Ông đánh giá thế nào và hình thức này? Nó có thể là một phương án tốt để người nông dân làm giàu bằng ruộng đồng hay không?
NLD: Trước đây người ta chia ruộng như chia thịt lợn: mỗi nhà có một ít ruộng xấu, ruộng tốt, ruộng cao, ruộng thấp, ruộng xa, ruộng gần - vất vả, manh mún và thu nhập thấp. ‘Dồn điền, đổi thửa’ đang được phát triển và tạo ra một bộ mặt hoàn toàn mới cho nông thôn. Khi ‘dồn điền đổi thửa’ thì người nông dân sẽ canh tác trên đất đó với máy móc công nghiệp. Bà con ta không còn phải lội xuống đồng cấy lúa nữa, vì đã có máy xạ giống kéo tay rất sáng tạo. Nhiều nơi đã có máy gặt chạy băng băng trên các cánh đồng rộng lớn.
Đây là hình thức giúp người nông dân có thể nghĩ đến chuyện làm giàu trên ruộng đồng của mình được.
RA: Để thực hiện thành công hình thức ‘dồn điền đổi thửa’ thì cần phải có những điều kiện gì, thưa ông?
NLD: Trước hết phải làm cho dân hiểu rõ ích lợi lâu dài mà vượt qua những thói quen cố hữu về tâm lý, hoặc những tính toán quá vụn vặt về lợi ích cá nhân. Sau nữa là phải có đội ngũ lãnh đạo thôn xóm giỏi về chuyên môn và có tâm, có đức, để hướng dẫn bà con làm ăn theo những phương thức hoàn toàn mới. Các nhà khoa học phải vào cuộc để nông thôn mới không chỉ có đường rộng, trường học, trạm y tế, trụ sở ủy ban khang trang mà cần hơn hết là mỗi gia đình nông dân phải được sống một cách no đủ hơn, vui vẻ hơn.
Chính sách về quyền sử dụng đất đai phải sửa đổi sao cho hợp tình, hợp lý và phải có một chủ trương kiên quyết là làm đường lên các vùng đất có độ phì nhiêu kém để phát triển công nghiệp và đô thị.
Cần đón trước tác hại của sự biến đổi khí hậu để chấm dứt việc tiếp tục chuyển đổi đất trồng trọt đang có độ phì nhiêu tốt.
RA: Nếu hiện tượng nông dân bỏ ruộng vẫn tiếp diễn, theo ông, khi nào Việt Nam sẽ phải hứng chịu vấn đề an ninh lương thực?
NLD: An ninh lương thực là tiêu chí hàng đầu, nhất là với một nước nông nghiệp như nước ta. Nếu mực nước biển dâng cao trong tương lai mà không có biện pháp lo đối phó ngay từ bây giờ thì có thể một phần lớn đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập hoặc bị mặn hóa. Dân số nước ta dự kiến sẽ tăng lên đến 100 triệu vào năm 2020 và 130 triệu vào năm 2050. Mỗi năm tăng thêm từ 1 triệu đến 1,4 triệu lao động. Đảm bảo đủ việc làm cho số lao động này là một việc khó khăn.
Trong nông nghiệp tuy còn 10 triệu ha đất cần lao động nhưng điều cần thiết là phải có vốn, kỹ thuật... Trong công nghiệp, muốn có việc làm cho 1,3 triệu người trong điều kiện kỹ thuật thấp kém như hiện nay cần tăng tổng mức đầu tư của toàn xã hội lên từ 5000 tỷ đồng hiện nay lên đến 15000 tỷ đồng hàng năm. Điều này không dễ dàng, đấy là chưa kể đến trang bị kỹ thuật, công nghệ hiện đại hơn đòi hỏi số tiền đầu tư vào một chỗ làm việc sẽ tăng lên gấp 10 lần hiện nay hoặc cao hơn.
Không còn con đường nào khác - khi Việt Nam muốn trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại thì không thể không công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân Việt Nam như con đường mà nhiều nước đã đi qua.
RA: Xin cám ơn ông.
Source: ABC Australia