Trong những ca khúc nổi tiếng của dòng nhạc Sài Gòn trước năm 1975 có một số bài do sự kết hợp giữa người nhạc sĩ viết
ra những nốt nhạc và những lời ca của người thi sĩ. Có trường hợp bài thơ ra đời trước và nhạc sĩ phổ nhạc bài thơ đó; hoặc
là giữ nguyên bài thơ; hoặc là dùng mấy câu thơ; hoặc là mượn ý thơ; để làm thành lời ca cho bản nhạc.
Có một ít trường hợp người nhạc sĩ viết một bài nhạc và người thi sĩ đặt lời để hoàn thành một ca khúc như bản Mưa Sài Gòn
Mưa Hà Nội (nhạc sĩ Phạm Đình Chương, thi sĩ Hoàng Anh Tuấn đặt lời), bản Chiều Tím (nhạc sĩ Đan Thọ, thi sĩ Đinh Hùng
đặt lời) và bản Lệ Đá (nhạc sĩ Trần Trịnh, thi sĩ Hà Huyền Chi đặt lời).
Ca khúc Lệ Đá là một trong những nhạc phẩm nổi tiếng đầu thập niên 70, được nhiều ca sĩ trình diễn, thu băng và số lượng
bản nhạc in bán rất nhiều.
Nhạc sĩ Trần Trịnh viết một bản nhạc chưa có lời ca, bạn bè giới thiệu gặp thi sĩ Hà Huyền Chi để nhờ đặt lời. Nhạc sĩ đàn
dương cầm bản nhạc không lời cho thi sĩ nghe ; thi sĩ thích giai điệu và đồng ý nhưng bảo rằng không biết đọc nốt nhạc hoặc
chơi đàn thì làm sao đặt lời vì thời đó chưa có phương tiện thu âm dễ dàng như bây giờ.
Hai người tìm ra cách là nhạc sĩ ký hiệu dưới các nốt nhạc; dấu 0 cho những từ không có dấu (bình thanh), dấu huyền cho
những từ mang dấu huyền, hỏi, nặng, dấu sắc cho những từ mang dấu sắc và huyền.
Hà Huyền Chi dựa vào các ký hiệu để đặt lời ca. Trong niềm hứng khởi đặc biệt, ông đã viết nên lời ca thật tuyệt vời và đặt tên
cho bài hát là Lệ Đá.
Lời ca như sau:
Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời. Hỏi gió phiêu du qua bao đỉnh trời. Hỏi những đêm sâu đèn vàng héo hắt. Ái ân bây giờ là
nước mắt, cuối hồn là thoáng nhớ mong manh.
Thuở ấy tôi như con chim lạc đàn. Soải cánh cô đơn bay trong chiều vàng. Và ước mơ sao trời đừng bão tố. Để yêu thương
càng nhiều gắn bó, tháng ngày là men say nguồn thơ.
Điệp khúc : Tình yêu đã vỗ cánh rồi, là hoa rót mật cho đời, chắt chiu kỷ niệm dĩ vãng, em nhớ gì không em ơi.
Màu áo thiên thanh thơ ngây ngày nào. Chìm khuất trong mưa mưa bay dạt dào. Đọc lá thư xưa một trời luyến tiếc, nhớ môi
em và màu mắt biếc, suối hẹn hò trăng xanh đầu non.
Vào những năm 1967, 1968, ca khúc Lệ Đá ra đời được nhiều ca sĩ trình diễn và giới yêu nhạc nồng nhiệt đón nhận.
Những câu nhạc của Trần Trịnh ngọt ngào giai điệu và gọn gàng, hợp âm chuyển đổi phong phú, dễ nghe và cũng dễ hát. Đặc
biệt là lời ca óng mượt, từ ngữ tài tình đầy chất thơ của thi sĩ Hà Huyền Chi đã chắp cánh cho những nốt nhạc bay cao.
Thường thì nhạc sĩ đặt những nốt nhạc để làm câu thơ thăng hoa, rung động hồn thính giả. Trường hợp bản Lệ Đá thì ngược
lại, lời ca của thi sĩ hoàn thành nữa phần sau để làm thành một ca khúc để đời.
Năm 1971 đạo diễn Võ Doãn Châu quay một cuốn phim mang tên Lệ Đá, lấy cốt truyện ngắn Đại Úy Trường Kỳ của nhà văn
Nguyễn Mạnh Côn và ông mua bản quyền nhạc phẩm Lệ Đá của Trần Trịnh và Hà Huyền Chi đưa vào trong phim với giọng ca
Khánh Ly.
Cuốn phim Lệ Đá đoạt giải thưởng nghệ thuật năm 1971. Đạo diễn Võ Doãn Châu kể rằng ông thích giai điệu bài hát vì các
câu nhạc tự nhiên, nghe câu trước khó mà đoán được câu sau ra sao; khác với một số ca khúc khi nghe câu đầu có thể đoán
được câu kế tiếp sẽ như thế nào.
Và ý nghĩa của lời ca phù hợp với nội dung cuốn phim Lệ Đá có tài tử Đoàn Châu Mậu, La Thoại Tân, Thanh Lan diễn xuất.
Như cọp thêm cánh, rồng thêm vây, ca khúc Lệ Đá càng nổi tiếng thêm khi được chọn làm nhạc phim cho tác phẩm điện ảnh
đoạt giải.
Trong một lần trò chuyện văn nghệ, nhạc sĩ Trần Trịnh kể rằng nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã xuất bản các bản nhạc Lệ Đá in
rời; thời đó giá khoảng 7 đồng một bản và con số phát hành lên tới hàng trăm ngàn bản.
Qua đó, Nhật Trường - Trần Thiện Thanh kiếm được lời nhiều, đã đặt mua 2 chiếc xe hiệu Peugeot làm quà cho Trần Trịnh và
Hà Huyền Chi. Xe từ nước Pháp chở bằng đường biển chưa tới nơi thì Sài Gòn thất thủ tháng 4 năm 1975.
Sau này ở hải ngoại, ca khúc Lệ Đá vẫn được ưa chuộng. Câu điệp khúc “Tình yêu đã vỗ cánh rồi” trở nên quen thuộc trên
môi người hát mỗi lần chia xa một cuộc tình.
Câu “Thuở ấy tôi như con chim lạc đàn, soải cánh cô đơn bay trong chiều vàng”; loáng thoáng có ý thơ của thi sĩ Lý Bạch:
"Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc. Lạc hà dữ cô lộ tề phi" (Màu nước xanh của mùa thu cùng màu với bầu trời xanh. Con
chim cô đơn bay trên trời cùng với đám mây trôi.)
Câu “Đọc lá thư xưa một trời luyến tiếc, nhớ môi em và màu mắt biếc “, có ai mà không có kỷ niệm một thời yêu nhau, trao
nhau những lá thư tình đắm đuối; nghe lời hát gợi nhớ bâng khuâng.
Hà Huyền Chi có đặt thêm lời ca 2 cho bản nhạc Lệ Đá, mặc dù lời ca vẫn thi vị nhưng người ta vẫn thích hát lời ca 1 vì ít ai có
thể nhớ nhiều lời ca dài; và một điều gần như trở thành qui luật là cái đầu tiên vẫn là gây ấn tượng nhất so với những cái kế
tiếp.
Nhạc sĩ Trần Trịnh qua đời vào ngày 14/10/2012, thi sĩ Hà Huyền Chi năm nay 80 tuổi ẩn dật tại một phố nhỏ của tiểu bang
Oregon. Ca khúc Lệ Đá là một mẫu điển hình thành công của sự giao duyên giữa nhạc sĩ đặt giai điệu và thi sĩ đặt lời.
Theo SBTN