TOKYO – Các nhà khoa học Nhật Bản đang chế tạo một loại thủy tinh có pha kim loại, có đặc tính là không bể. Nếu thành công, loại thủy tinh mới này sẽ tạo thay đổi lớn trong việc sử dụng kính cho các tòa nhà, xe hơi, hay đồ điện tử, khi nó được sản xuất hàng loạt trong vòng 5 năm nữa.
Loại thủy tinh mới do Viện Khoa học Công nghiệp, thuộc Đại học Tokyo, phát triển có đặc tính cứng bền như thép, nhưng vẫn nhẹ và mỏng như thủy tinh thông thường. Để tạo được loại thủy tinh này, các nhà nghiên cứu đã trộn oxit nhôm vào thành phần chế tạo kính. Oxit nhôm là chìa khóa để làm thủy tinh cứng hơn, nhưng trước đây, rất khó để thêm chất này vào thủy tinh, vì nó thường bị kết tủa khi tiếp xúc với bình chứa.
Các nhà khoa học đã loại bỏ vấn đề này, bằng cách sử dụng kỹ thuật không cho vật liệu tiếp xúc với bình chứa. Họ dùng khí oxy thổi các thành phần bay lơ lửng trong lò khí động học, và dùng tia laser CO2 trộn các thành phần lại với nhau. Kết quả, họ đã làm ra loại siêu thủy tinh trong suốt, chứa 50% là oxit nhôm.
Loại thủy tinh mới có thành phần hóa học là 54Al2O5-46Ta2O. Qua thử nghiệm, nó được chứng minh là cứng gấp hai lần thủy tinh thường, bền tương đương sắt hoặc thép. Các nhà khoa học cho biết, loại thủy tinh này có tiềm năng sử dụng và thương mại rất lớn, nhưng hiện các nhà khoa học chỉ mới sản xuất được một lượng nhỏ. Hiện các chuyên gia đang nghiên cứu cách sản xuất đại trà với giá rẻ hơn để đưa ra thị trường.
"Chúng tôi sẽ tìm cách sản xuất hàng loạt loại vật liệu mới này trong thời gian ngắn", ông Atsunobu Masuno, giáo sư trợ giảng tại Đại học Tokyo cho biết. "Chúng tôi đang tìm hướng thương mại hóa công nghệ này trong vòng 5 năm nữa.”
Khi loại kính mới được sử dụng rộng rãi, con người sẽ không còn phải lo lắng về chuyện rơi bể màn hình điện thoại cảm ứng, hay mặt kính của các tòa nhà bị nứt vỡ nếu thiên tai xảy ra.
Theo báo Viễn Đông