Cuộc tình “xăng pha nhớt” Bà Đào Thị Thiết (sinh năm 1957 tại thị trấn Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An), năm 28 tuổi (1985) bà lấy ông Võ Hoàng Tỷ là người cùng thị trấn sống về nghề làm phu hồ nhưng mắc tật hay nhậu và hay đánh vợ, bà căm ghét nên mấy năm sau, khi sinh ra cậu con trai, bà đặt tên là Võ Hoàng Hận.
Sống với ông Tỷ được 10 năm; năm 1995, lúc cậu bé Võ Hoàng Hận 7 tuổi, bà Thiết 38 tuổi, bà bỏ chồng, dắt con xuống ấp Mây Rắc cũng thuộc xã Bình Hòa Trung nhưng gần với biên giới Campuchia của huyện Mộc Hóa tỉnh Long An sinh sống. Đất vùng biên giới thì rộng, bà mượn được một miếng đất bỏ không, dựng lều rồi đi làm mướn nuôi con.
Cuộc sống của hai mẹ con đột ngột thay đổi từ ngày bà quen biết với “ông” Năm Đông tức người đàn bà tên Nguyễn Thị Đông.
“Ông” Năm Đông thực ra là một phụ nữ sinh năm 1955, lớn hơn bà Thiết 2 tuổi, quê tại thị xã Châu Đốc tỉnh An Giang, trôi dạt tới Mộc Hóa tỉnh Long An sau khi bị gia đình nhà chồng đuổi vì “lại cái”, không sinh đẻ.
Trái với mọi người phụ nữ khác, bà Đông cao lớn, hình dáng thô kệch, từ đi đứng cho tới nói năng đều như đàn ông. Bà sống một mình, tính tình dễ dãi, cởi mở y hệt đàn ông. Suốt ngày bà đi bỏ mối các loại kẹo bánh, nước ngọt cho các cửa hàng, chiều về lại tụ tập nhậu nhẹt, hát karaoke cho tới tận khuya với các đàn ông trong xóm. Có điều gì đó là lạ trong con người này. Là một phụ nữ và đã trộng tuổi (lúc quen với bà Thiết thì bà Năm Đông đã 45 tuổi) nhưng bà Năm Đông chỉ thích nhậu và thích sờ mó… phái nữ. Trong những lần đi qua nhà bà Đào Thị Thiết, bà Năm Đông thường ghé lại chơi, khi thì biếu bà Thiết mấy chai nước giải khát, khi bịch bánh ngọt, khi chiếc bánh tét v.v… Những lần bà Thiết đau ốm, bà Năm Đông lo lắng thuốc men, rau cháo. Ai cũng nghĩ hai người là bạn tri kỷ của nhau. Không ngờ một hôm bà Thiết tuyên bố với mọi người rằng bà và bà Năm Đông yêu nhau, sẽ làm đám cưới và sẽ chung sống với nhau.
Tin như sét đánh ngang tai, vợ chồng anh Hận kinh hoàng không biết phải khuyên can mẹ như thế nào, bởi vì ở một miền quê như Long An, thứ tình cảm “trái khoáy” như thế người ta không chấp nhận được, thậm chí dân chúng còn không biết đến những tiếng “đồng tính” hoặc “pê-đê”.
Anh Hận kể: “Vợ chồng tôi đã khuyên mẹ tôi nhiều lần vì phong tục tập quán của người ở quê xưa nay không phóng khoáng nên họ đàm tiếu rất nhiều. Nói riết mẹ tôi cũng không nghe, chúng tôi buồn lắm. Bà Năm Đông với mẹ tôi dính sát với nhau, hễ gần “người yêu” là mẹ tôi vui ra mặt. Dân chúng chỉ trích dữ lắm khiến mẹ tôi không dám nghĩ đến chuyện làm đám cưới nữa nhưng sống chung với bà Năm Đông như vợ chồng suốt 15 năm nay, việc ai nấy làm, không có điều tiếng gì cả. Rồi vợ tôi sanh con trai đặt tên là Võ Hoàng Trí, vì nghèo cho nên chúng tôi vẫn ở chung trong căn nhà lá xập xệ với mẹ tôi và bà Năm Đông”.
Tuy nhiên, tình yêu càng đậm đà bao nhiêu thì khi có chuyện, sự ghen tuông càng lớn bấy nhiêu. Mâu thuẫn bắt đầu từ việc “ông” Năm Đông thường uống rượu say xỉn bởi vì “ông” nghi ngờ bà Thiết… ngoại tình, thường hay đong đưa, mắt sấp mắt ngửa “đá lông nheo” với nhiều đàn ông khác. (Bà Thiết đã chung sống như vợ chồng với bà Năm Đông 15 năm, tức năm 2015 bà đã 58 tuổi thì còn “đá lông nheo” làm gì nữa). Còn về phần bà Thiết, bà cho rằng “chồng” ghen tuông vô lối nên cũng phản ứng lại, hai người thường luôn gây lộn.
Mâu thuẫn ngày một tăng, bà Thiết giận hờn bỏ đi làm mướn cho gia đình người ta và ngủ lại luôn chỗ làm, không về nhà với hy vọng sẽ níu kéo được tình yêu. Nhưng “chồng” bà là bà Năm Đông vẫn tỉnh bơ, không đếm xỉa gì đến, khiến bà nổi điên. Đã không coi bà ra gì thì cả hai cùng chết để bà khỏi phải đau khổ, giận hờn.
(Ôi, cuộc tình “rổ rá cạp lại” giữa người đàn bà bình thường với người đàn bà “xăng pha nhớt” đã 60 tuổi mà sao còn quan trọng, lâm ly bi đát, tang thương ngẫu lục đến như thế!)
Khoảng 23 giờ ngày 21/1/2015, dân chúng ấp Mây Rác xã Bình Hòa Trung phát giác, đang đêm, lửa cháy ngùn ngụt tại ngôi nhà của bà Thiết. Hàng xóm láng giềng hè nhau chạy tới chữa cháy. Nhưng không kịp nữa, nhà bà Thiết là căn nhà lá lụp sụp, vách cũng bằng lá nên rất dễ cháy, phút chốc tiêu tan. Kết quả là bà Năm Đông do say rượu nên bị chết cháy. Chị Nguyễn Thị Út (vợ anh Hận, con dâu bà Thiết) và cháu Võ Hoàng Trí (con trai chị Út và anh Hận, cháu nội bà Thiết) bị bỏng rất nặng, dân chúng chở đến Bệnh viện Đa khoa Long An cứu cấp, sau đó bệnh viện cho xe đưa lên Bệnh viện Chợ Rẫy Sài Gòn điều trị. Riêng anh Hận thì đi làm thêm ca đêm nên không bị nạn.
Trong khi chữa cháy và cứu mẹ con chị Út thì người ta tìm không thấy bà Thiết hoạc xác bà đâu cả. Té ra bà đang nằm ngắc ngoái sắp chết trên khu đất cách đấy cỡ hơn trăm mét. Bên cạnh bà có hai vỏ chai thuốc diệt rầy và một bức thư tuyệt mệnh. Trong thư bà cho biết do giận “chồng” nên bà đốt nhà rồi tự tử với ý định chết chung, nếu bà chưa chết cũng xin đừng ai đưa bà đi cứu cấp. Bức thư là vậy song mọi người vẫn chở bà lên bệnh viện. Bà đã uống hết hai chai thuốc rầy, chất độc ngấm tới tạng phủ, bệnh viện rửa ruột, cứu chữa tận tình nhưng cứu không nổi, ngay sáng hôm sau thì bà chết.
Sau cái đêm kinh hoàng do bà Thiết muốn chấm dứt nợ đời với người tình “xăng pha nhớt” đã 60 tuổi ấy, cháu nội và con dâu bà đã phải chịu đựng hết sức đau đớn vì những vết bỏng. Tội nghiệp cháu Võ Hoàng Trí, bị bỏng tới 70%, đau đớn tưởng chết; còn chị Nguyễn Thị Út mẹ cháu bị 30% nên có đỡ hơn.
Anh Hận ngậm ngùi: “Lúc xảy ra chuyện tôi không có mặt ở nhà, nghe hàng xóm gọi điện thoại báo tin, tôi hoảng hồn chạy xe về ngay trong đêm thì nhà đã bị cháy rụi, vợ con đã được đưa lên Bệnh viện Chợ Rẫy Sài Gòn, còn mẹ thì đang được cứu chữa trong Bệnh viện Long An. Tôi ghé qua Bệnh viện Long An hỏi thăm tin tức của mẹ rồi tức tốc chạy xe lên Sài Gòn, tới Bệnh viện Chợ Rẫy thăm vợ con. Mẹ tôi chết, bà Năm Đông chết, vợ con bị bỏng nặng, bây giờ đầu óc tôi rối rắm chỉ còn biết nhờ cậy bà con lối xóm và các hội đoàn trong ấp mà thôi chứ tôi chẳng biết phải xoay xở ra sao”. Và anh nói thêm: “Đầu óc mẹ tôi như thế nào ấy. Lúc sanh ra tôi, mẹ tôi hận cha tôi nên đặt tên tôi là Võ Hoàng Hận rồi bồng con đi. Bây giờ bà đốt nhà làm vợ con tôi suýt chết, chỉ khổ cho chúng tôi thôi”.
Đúng, chỉ khổ vợ chồng anh Hận và cháu Võ Hoàng Trí con anh mà thôi. Cháu đã khỏi nhưng các ngón tay co quắp không duỗi ra được, chị Út cũng thế.
Đầu óc bà Thiết chẳng ra sao cả. Cuộc tình giữa bà và bà “xăng pha nhớt” Năm Đông là cuộc tình “điên”, không phải một cuộc tình đẹp như một cuốn phim của Mỹ cách đây mấy chục năm đã nói về chuyện tình cảm: “Tình yêu là một vật đẹp muôn mầu” (Love is a splendored thing).
Nhà con một, cô vợ 17 tuổi “lỡ tay” đoạt mạng chồngVõ Thị Thu Thảo (17 tuổi, ở số 475/13, đường Lê Hồng Phong, Sóc Trăng) là con gái lớn trong gia đình có hai chị em. Gần hai năm trước, Thảo 15 tuổi và Lâm Thanh Tài 20 tuổi yêu nhau khi Thảo mới học xong lớp 9. Sau vài tháng sống như vợ chồng, cả hai dắt nhau về xin cha mẹ cho làm đám cưới.
Làm dâu một thời gian, Thảo bị sẩy thai khi đứa bé trong bụng mới được 6 tháng. Nguyên nhân là do hai vợ chồng còn “con nít”, đùa giỡn quá mức khiến thai nhi bị động và bé trai sinh non không nuôi được.
Gần đây, Tài đâm ra hay nhậu vì tiếc đứa con, và mỗi lần say thường nói này nói nọ động chạm tới vợ khiến Thảo buồn lòng. Chiều ngày 16/9/2015, để chuộc lỗi của mình, Tài chở vợ đi uống cà phê, sau đó chở vợ về nhà rồi đi nhậu với bạn bè.
Ông Lâm Thanh Hùng (49 tuổi, cha của Tài) kể: “Không hiểu khi thằng Tài nhậu với bạn có gọi điện thoại cãi vã gì với vợ hay không. Nhưng khi về nhà trong tình trạng say xỉn, nó đi thẳng vô trong phòng và hai đứa to tiếng, thằng Tài ném chiếc điện thoại di động vào mặt vợ và cầm chiếc mâm nhựa đánh vào đầu vợ.
Bực tức vì chồng đã đi nhậu về khuya lại còn gây sự đánh mình, Thảo chộp lấy chiếc kéo đâm trả. Tài vừa lùi ra tới ngoài cửa phòng thì chiếc kéo trên tay Thảo đã đâm tới, cắm sâu vào ngực Tài ở phía bên trái, trúng tim.”
Bà Nguyễn Thị Nguyệt (45 tuổi, mẹ của Tài) cho biết, “lúc đó thằng Tài kêu rú lên một tiếng, ôm ngực lảo đảo bước thêm một bước nữa rồi gục xuống nền gạch bông ngay trước cửa phòng”. Bà đang bịnh nên ông và mọi người vội vàng chở Tài tới Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng cấp cứu, nhưng Tài đã tử vong.
Bà Nguyệt ngậm ngùi kể trong nước mắt: “Sau khi đâm chồng, tưởng thằng Tài chỉ bị thương, con Thảo cầm chiếc kéo, chạy theo vừa khóc vừa nói: ‘Anh ơi cho em xin lỗi, em đâu có muốn hại anh’, rồi khóc ngất. Vợ chồng tôi biết con Thảo không cố ý giết chồng, nó chỉ lỡ tay và cái số mệnh thằng Tài như vậy thì biết làm sao. Chúng tôi chỉ có một mình nó thôi, vậy là tiêu tan hết”.
Bà Nguyệt kể rằng Tài là con trai duy nhất trong gia đình nên ông bà rất cưng chiều. Mấy năm trước bà bị tai biến mạch máu não mới tạm bình phục, còn ông Hùng thì cũng không có nghề nghiệp gì ổn định nên Tài xin làm phụ xe cho một vựa lúa gạo và thường tham gia vận chuyển hàng lên Sài Gòn, Chợ Lớn, mỗi chuyến như thế được trả công khoảng 400 ngàn đồng, tháng kiếm vài triệu đồng nên vợ chồng ăn tiêu cũng đỡ. Sau khi Tài chết, chủ vựa lúa gạo cũng là người quen, thương tình cho Thảo làm thư ký ghi chép sổ sách, mỗi tháng được 3,5 triệu đồng, xẻn nhặt cũng đủ xây xài cho mình.
Còn gia đình Thảo thì cũng hết sức khó khăn, cha đạp xe ba-gác đi bán dừa dạo, mẹ làm thuê cho một cửa hàng bán hải sản. Học hết lớp 9, Thảo phải nghỉ học do kinh tế gia đình khó khăn, rồi hai đứa quen nhau vào cuối năm 2013 khi Thảo mới 15 tuổi.
Đôi trẻ làm đám cưới đầu năm 2014, khi Thảo mới bước sang tuổi 16 khiến nhiều người ái ngại. Ông Hùng thừa nhận: “Hai đứa nó đều còn con nít, nhưng thấy chúng yêu nhau và nhứt quyết lấy nhau nên vợ chồng tôi đành phải cho chúng cưới. Chúng tôi sợ ngăn cản, lỡ chúng lại nghĩ quẩn dắt nhau đi trốn hoặc tự tử thì khổ”.
Sau khi Tài chết, cha mẹ Thảo sợ gia đình phía bên ông Hùng không thông cảm nên lúc đầu không dám qua xin lỗi thay cho Thảo. Trong khi lo lắng đám tang, không thấy cha mẹ Thảo đến, ông Hùng hỏi thăm thì được biết do cái tội lỡ tay giết chồng của Thảo quá nặng nên cha mẹ Thảo e dè không dám tới, ông bèn nhắn lời giải thích rằng Thảo lỡ tay chứ không phải cố ý làm như vậy nên ông bà tha thứ, vẫn coi Thảo là đứa con dâu, bấy giờ cha mẹ Thảo mới dám hiện diện và đi vay mượn được 3 triệu đồng đem tới phụ giúp vợ chồng bà Nguyệt làm đám táng cho con rể.
Những ngày làm đám tang cho Tài, bà Nguyệt xin cơ quan chức năng để Thảo được về chịu tang rồi sẽ quay lại trại giam. Nhưng cơ quan trả lời rằng dù lỡ tay hay cố ý Thảo vẫn là kẻ có tội, họ không thể giải quyết như vậy được. Đồng thời họ cũng cho biết việc đã xảy ra nên họ không nói đến việc Tài làm đám cưới với cô gái mới 16 tuổi, điều đó trái với luật Hôn nhân và Gia đình và chính chuyện đó đã gây nên mọi việc đáng tiếc như Thảo bị sảy thai, Tài chết v.v…
Cuộc tình “điên” giữa em rể và chị dâu của vợ Vừa là bạn thân vừa là em rểNguyễn Văn Mạnh và Nguyễn Ngọc Cường đều sinh năm 1963, cùng quê tại xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, ngoại thành Hải Phòng và từng là hai người bạn thân, gắn bó với nhau từ thuở còn chăn trâu cắt cỏ ở làng. Rồi họ lớn lên, trở thành thanh niên trai tráng. Thấy Mạnh hiền lành, lại chịu khó làm ăn nên Cường ngỏ ý muốn gả cô em ruột tên Nguyễn Thị Niềm cho bạn.
Tình yêu giữa Mạnh và cô Niềm nẩy nở, sau đó hai người nên duyên chồng vợ. Mạnh và Cường nay đã là em rể, anh vợ, tình cảm càng thêm gắn bó.
Bố mẹ Cường rất quý con rể nên chia cho vợ chồng Mạnh một phần đất ngay sát khoảng đất để dành cho Cường. Rồi Cường cũng lập gia đình với cô gái cùng làng tên Nguyễn Thị Hoa, sinh năm 1974, tức kém chồng 11 tuổi và cũng kém Mạnh 11 tuổi, vì Cường với Mạnh bằng tuổi nhau. Năm sau, cả hai đều có con nên họ rủ nhau làm mỗi người một căn nhà trên phần đất bố mẹ đã cho.
Hai gia đình cùng chung một khoảng sân nhỏ, ra vào thấy nhau, nhưng trong khi Mạnh chí thú làm ăn với mấy sào ruộng và một khoảnh vườn thì Cường tuy cũng đã lập gia đình nhưng lại đổ đốn, ham chơi, cờ bạc, thường đi ăn trộm ăn cắp, tụ bè kết đảng cướp giật tại Hải Phòng. Chỉ trong vòng 10 năm – từ 1985 đến 1995 – Cường đã 3 lần bị bắt về tội trộm cắp, cướp giật và bị đưa ra tòa với tổng số án tù là 15 năm, tội nọ chồng chất tội kia.
Trong thời gian Cường đi tù thì Nguyễn Thị Hoa vợ Cường (tức chị dâu của chị Niềm) lúc ấy mới ngoài 30 tuổi mà lại là người có nhan sắc. “Gái một con trông mòn con mắt”, chồng đi tù nhưng vợ ở nhà trông cứ tươi hơn hớn.
Biết chị dâu của vợ còn trẻ đã phải chịu cảnh chăn đơn gối chiếc, Mạnh cũng có lòng thương. Hai nhà ở bên cạnh nhau nên thỉnh thoảng hắn chạy sang làm giúp việc này việc nọ, như sửa giùm chỗ mái nhà dột, thay giùm chiếc bóng đèn điện bị hư v.v… Những lúc Hoa nhức đầu xổ mũi chẳng đáng gì cả hắn cũng chạy đi mua thuốc đem vào tận giường cho Hoa uống.
Được người em rể của chồng quan tâm săn sóc, nhất là anh ta lại khỏe mạnh, đẹp trai và không bê tha cờ bạc, trộm cắp như Cường chồng mình, Hoa rất có cảm tình với Mạnh. Thêm vào đó, Hoa vốn sung sức nên đôi khi cũng thấy thèm khát vu vơ, trong sự thèm khát đó cô nghĩ nhiều tới người em rể của chồng và thầm trách tại sao mình lại lấy phải thằng cha cờ bạc, nếu lấy được người như Mạnh có phải là tốt hơn không.
Thêm vào những lý do trên, chị Niềm vợ Mạnh tuy là vai em nhưng lại lớn hơn Hoa tới 6 – 7 tuổi, trông già và xấu chứ không thể so sánh với Hoa được. Từ các ý nghĩ của Hoa, những lúc Mạnh chạy sang làm giúp việc này việc nọ, Hoa cố tình đụng chạm vào người Mạnh, có khi còn “vô tình” đụng phải chỗ kín của Mạnh nữa khiến Mạnh tê người như bị điện giật, ban đêm về nằm trằn trọc không sao ngủ được và cũng mơ tưởng lung tung. Có lần Hoa chẳng đau yếu gì cũng ra hiệu cho Mạnh sang rồi vào nằm lên giường, nói trong người khó chịu, nhờ Mạnh rót giùm ly nước để uống thuốc. Mạnh đỡ cho người chị dâu còn trẻ ngồi dậy, đưa ly nước tới tận miệng nàng thì bất ngờ trông thấy khuy áo ngực của Hoa “quên” không cài, bộ ngực mịn màng trông rất hấp dẫn. Mạnh nóng bừng mặt, nuốt ực nước miếng và chỗ bị Hoa “vô tình” đụng phải hôm nọ cương cứng hẳn lên. “Chú làm sao vậy?”. Mạnh run giọng, hồi hộp: “Không”. “Thèm hả? Thèm thì làm chứ có sao đâu”. “Nhưng tôi sợ bên nhà vợ tôi nó biết…”. “Vợ chú hiền như cục đất, biết cũng chẳng sao”. Lúc ấy đã gần trưa, có tiếng vợ gọi về ăn cơm, Mạnh phải về, mặt vẫn còn nóng, trong bụng tiếc ngơ tiếc ngẩn là giá trời đừng trưa thì mình đã “quất” tới nơi tới chốn!
Thế rồi một hôm, vợ Mạnh đi làm ngoài đồng, con đi học mẫu giáo, Mạnh đang ngồi tra lại chiếc cán cuốc trước sân thì Hoa từ bên kia gọi sang, đưa cho Mạnh lọ dầu bạc hà, giọng hơi run run, xúc động: “Tôi đau lưng quá nhưng với tay không tới nên xoa không được. Nhờ chú xoa giùm tôi…”. Hoa vào bên trong, Mạnh vào theo. Nàng nằm sấp lên giường, kéo áo lên tới cổ. (Phụ nữ nhà quê ngoài Bắc không mặc áo lót, không biết cái gọi là “xú-chiêng”, lúc đi đâu mới mặc áo lá bên trong giống như chiếc áo may-ô). Da nàng trắng mịn, hai vú ép xuống mặt giường. Đến nước ấy thì Mạnh có là thánh cũng không cưỡng nổi dục vọng. Hắn đỡ nàng nằm ngửa lại, sờ ngực nàng và sau đó chuyện gì phải đến đã đến…
Từ hôm ấy, mỗi khi có cơ hội Mạnh lại lén sang với nàng. Hai con người khỏe mạnh đó nhào vào nhau như những con thiêu thân.
Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Cuộc tình vụng trộm giữa Hoa và Mạnh chị Niềm cũng biết nhưng không làm gì được. Có lần, chị Niềm sang nhà chị Hoa nói chuyện phải trái về cái quan hệ bất chính giữa hai người, nhưng Hoa mồm loa mép giải, mắng chị một trận nên thân rằng em chồng mà hỗn láo, đứa nào có chồng đứa ấy phải giữ chứ bắt người nọ người kia giữ giùm là chuyện vô lý. “Tôi thế đấy. Anh cô ăn cắp ăn trộm đi tù, tôi muốn ngủ với ai thì ngủ, cô làm gì được tôi?”. Chị Niềm vốn tính hiền lành, trước người đàn bà ngang ngược như vậy thì đành chịu phép chứ không biết làm gì hơn.
Từ bữa hôm ấy Hoa lại càng lên mặt, ngang nhiên ăn nằm với Mạnh không còn kiêng dè ai cả. Nàng không nghĩ kỹ hơn một chút là Cường đi tù thì cũng có ngày trở về, hắn rất giỏi võ, việc ăn nằm gần như công khai giữa Hoa và người em rể cả làng đều biết chắc chắn sẽ gây nên nhiều phiền phức…
Và tay cờ bạc trở về… Trong những ngày ở tù, thỉnh thoảng chỉ có người em gái đem đứa con trai còn nhỏ của Cường lên thăm nuôi chứ chẳng thấy Hoa đâu cả, Cường rất ngạc nhiên mà cũng rất buồn bực. Hỏi thì cô Niềm tìm hết lý do nọ đến lý do kia giải thích nhưng chẳng có lý do nào chính đáng khiến Cường đâm ra nghi ngờ: “Hay nó lấy đứa khác rồi phải không?”. “Làm gì có chuyện đó. Tại chị ấy mắc bận nên không lên thăm được”. “Bận gì thì cũng phải đi thăm chồng lấy một lần chứ ai lại bỏ địa như vậy. Khi nào tôi được thả, về nhà hễ nó gian díu với đứa nào tôi sẽ giết cả lũ…”. Chị Niềm kinh hoảng. Một bên là anh ruột, một bên là chồng, chẳng thà Hoa gian díu với người khác thì muốn đến đâu cũng được, đằng này người đàn bà quái ác đó lại gian díu với em rể tức chồng của chị, không biết rồi sẽ ra sao.
Khi Cường mãn hạn tù, được thả, về tới đầu làng hắn đã nghe mấy người hay hớt chuyện cho biết, trong khi hắn đi tù, vợ hắn ở nhà gần như công khai ăn nằm với thằng em rể và mới bỏ đi biệt tích từ mấy hôm nay. Thằng Mạnh sợ Cường nên cũng tránh mặt. Nó xuống bến đò Bính, ở nhờ người quen là ông chủ quán cà phê, nước ngọt ở đấy để tránh mặt Cường rồi sẽ tính sau chứ trong lúc vội vã nó chưa biết trốn đi đâu.
Cường tức điên lên. Con Hoa đã trốn thì hắn phải đi tìm cái thằng khốn kiếp đó để nói chuyện phải trái với nó chứ không thể im lặng được. Biết Mạnh ở bến đò Bính, ngay lập tức Cường mượn chiếc xe đạp của người em họ rồi xuống bến Bính. Trước khi đi, hắn gài vào xe một cây gậy sắt để làm võ khí.
Cường vừa xách chiếc gậy sắt bước vào trong quán thì cũng là lúc Mạnh đang bưng bình nước trà nóng từ phía trong đi ra. Trông thấy Cường, Mạnh kinh hoảng bèn cầm bình trà ném thẳng vào mặt Cường để tìm cách chạy trốn. Cường né tránh, đồng thời vung chiếc gậy phạt ngang một cái, bình trà vỡ tan, nước bắn tung tóe. Mấy người khách đang ngồi uống cà phê thấy vậy kinh hãi đứng dậy, quán im phăng phắc. Cường hét: “Thằng khốn nạn, mày ngủ với con Hoa vợ tao phải không?”. Mạnh đã bí mật giấu một thanh kiếm (ngoài Bắc kêu là cây “phớ”) rất bén của Trung Quốc để phòng thân tự bao giờ. Hắn chạy vào rút thanh kiếm cất dưới đầu giường. Có kiếm trong tay, hắn yên tâm vung lên, giọng khích bác: “Ừ, tao ngủ với vợ mày đấy, mày đã làm gì được tao?”. Cường xông tới. Thằng em rể cậy khỏe chém Cường liên tiếp nhưng Cường có võ, đỡ gạt rất giỏi, lần nào Mạnh cũng chỉ chém trúng cây gậy. Chờ Mạnh sơ hở, Cường quật một nhát duy nhất như trời giáng trúng đầu Mạnh vào phía sau ót, Mạnh kêu “ối” lên một tiếng rồi lảo đảo, đánh rơi kiếm, ngã gục xuống đất. Cường cầm gậy, nhìn lại thằng em rể lần chót, miệng lẩm bẩm: “Cho mày chết!” rồi ra lấy xe đạp, bỏ đi. Đến lúc ấy mọi người kể cả ông chủ quán mới hoàn hồn, chạy tới đỡ Mạnh dậy định đem tới nhà thương nhưng Mạnh đã chết.
Nghe tin Mạnh chết, Cường bán vội chiếc xe máy cà tàng rồi bỏ trốn vào huyện Củ Chi ở trong Sài Gòn.
Sống nơi đất khách quê người, Cường thay tên đổi họ sau đó lấy vợ, sinh con, chăm chỉ làm ăn, mong có cuộc sống thanh thản.
Tưởng rằng sau gần 7 năm lẩn trốn, vụ án đã bị quên lãng, nhưng không ngờ ngày 12-11-2014, Cường đã bị bắt theo lệnh truy nã rồi bị di lý về Hải Phòng để ra tòa về tội giết người năm nào.
Mới đây, tại phiên tòa sơ thẩm của TAND Hải Phòng, Cường tỏ ra rất ân hận về cái chết của Mạnh – một kẻ vừa là bạn vừa là em rể – và đã đẩy em gái mình nay đã 45 tuổi vào cảnh góa bụa, rất nghèo mà phải nuôi 3 đứa con của mình và một đứa con của Cường do Hoa sinh ra. Chị Niềm rất tốt, tuy Hoa là “kẻ thù” nhưng chị đối xử với 4 đứa trẻ như nhau, không hề phân biệt. Thương anh trai sẽ phải tiếp tục chịu cảnh tù tội, chị nhân danh vợ của nạn nhân, nhờ người làm đơn bãi nại, xin giảm nhẹ hình phạt cho Cường và không yêu cầu bất cứ một khoản bồi thường nào về cái chết của Mạnh chồng chị đã do anh trai chị gây ra.
Tại phiên tòa, vị luật sư được chỉ định bào chữa miễn phí cho bị cáo Nguyễn Ngọc Cường đã nêu ra một số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo, ví dụ sự việc xuất phát từ mối quan hệ bất chính giữa nạn nhân tên Mạnh và vợ bị cáo tên Hoa, chính điều đó đã gây cho Cường nhiều tức bực.
HĐXX nhận định, bị cáo Cường phạm tội khi bị kích động mạnh về tinh thần do hành vi trái luân thường đạo lý do hai người thân thiết gây ra, tuy nhiên vẫn phải xử phạt nghiêm khắc với mức án tương xứng để răn đe và phòng ngừa chung.
Kết thúc phiên tòa, Cường phải nhận 15 năm tù về tội “giết người” theo Khoản 1 Điều 93 Bộ Luật Hình Sự.
Phiên tòa khép lại, những người theo dõi cuộc xét xử đều thầm trách Hoa là người đàn bà xấu xa, trắc nết, đã đưa mâu thuẫn gia đình lên đến đỉnh điểm vì một cuộc tình mù quáng, khiến em rể thiệt mạng còn chồng lĩnh án tù và đứa con trai bơ vơ, phải sống nhờ người cô ruột.
Đoàn Dự ghi chép