Thính giả Trần Thành, ở bang Virginia, Mỹ hỏi như sau:
“Kính thưa Bác sĩ,
Hơn một năm qua, tôi bị đau ở dưới ngón chân cái, và mới biết ra rằng bị một mụn chai khô cứng.
Sau đó có đi bác sĩ chuyên môn và đã giải phẫu phần khô cứng ấy. Bác sĩ hướng dẫn tôi sử dụng DuoFilm để bôi lên trên
mụn đau đó. Nhưng mấy tháng sau, mụn chai khô cứng ấy không lành, lại càng to lớn hơn trước.
Bây giờ tôi cảm thấy rất khó chịu và đau thốn cho việc đi đứng vì nó lớn và dày thêm. Hằng ngày, sau khi tắm tôi phải dùng
"bàn chải mài chân" cho lớp khô dày bớt dần đi. Nhưng mụn khô đó vẫn không lành hẳn.
Kính nhờ Bác sĩ Hiền vui lòng hướng dẫn và giúp đỡ cho.
Cảm ơn Bác sĩ."
Hỏi đáp Y học: Mụt cóc
http://av.voanews.com/cl...aecdc931c6f_original.mp3Bác sĩ Hồ Văn Hiền:
Mụt cóc (wart, verruca vulgaris) và “hạt sừng” lòng bàn chân (plantar corn)
Cần phân biệt với mụt cóc (wart) với “hạt sừng” lòng bàn chân (plantar corn). Mụt cóc khác với nút sừng lòng bàn chân: Bóp
mụt cóc thì gây đau, trong lúc nếu là hạt sừng thì đè lên làm đau. Lúc cắt tỉa hạt sừng, chỉ thấy những lớp mô sừng, trắng.
Trong lúc nếu là mụt cóc, cắt tỉa các lớp da dày sẽ thấy những chấm đen, là những mạch máu li ti trong mụt cóc.
Trong y khoa, người ta phân biệt "corn" là một loại chai da trong một vùng nhỏ, trong trung tâm có một cái cồi hình nón (central
conical core) bằng chất sừng keratin gây viêm và đau.Tạm dịch là "hạt sừng", do từ "corn" có nghĩa gốc là hạt, mà cũng có
nghĩa là sừng, như sừng trâu bò. Chất keratin này là mô chết, không có cảm giác, nhưng đâm vào mô da sống, có cảm giác,
ở dưới sâu hơn, nên gây đau và sưng. Corn có thể cứng (nằm trên lưng các ngón chân nhỏ 2-5, hoặc mềm (do nước ngấm
vào, nơi ẩm do mồ hôi, có thể lở lói rất đau đớn.)
Callus, "vết chai" có vẻ lan toả ra hơn, bề dày đều hơn, phẳng, nằm dưới gốc của các ngón chân, nhất là ngón chân cái, nơi bị
áp lực (pressure), ma sát (friction) nhiều. Một cục chai nhỏ, có cồi cứng tựa như một cái nút bằng chất sừng keratin (keratin
plug) ở giữa, cũng còn gọi là plantar corn (nút sừng lòng bàn chân).
Mụt cóc (wart, verruca vulgaris) và HPV (virus u nhú ở người)
Mụt cóc không phải do mủ da con cóc gây ra như một số người tưởng. Mụt cóc (wart) là một loại u ngoài da do siêu vi HPV
(Human Papilloma Virus/(vi rút u nhú ở người) gây ra.
HPV có hàng trăm type khác nhau; có type gây ra ung thư cổ tử cung (cervical cancer, vd: oncogenic HPV types 16, 18), có
type gây bệnh phong tình “mồng gà hoa khế” (condyloma acuminata, genital warts, HPV types 6, 11) có khả năng biến thành
ung thư. Hiện nay có thuốc chích ngừa dùng cho con trai và con gái gần tuổi dậy thì (từ 9 đến 26 tuổi) để ngừa các bệnh do 4
type HPV 6,11, 16,18 nói trên gây ra, do đó một cách gián tiếp ngừa đa số những bệnh ung thư cổ tử cung do HPV gây ra ở
phụ nữ. Cần phân biệt : vaccine Gardasil (của Merck) có 4 types hay Gardasil 9 (9 types) dùng cho nam và nữ; vaccine
Cervarix (GSK) có chứa 2 type HPV 16, 18 (không ngừa type HPV gây "mồng gà hoa khế") chỉ dùng cho phái nữ.
Mới đây một số bác sĩ nhận xét những trường hợp bệnh nhân lành các mụt cóc sau khi chích thuốc chủng ngừa HPV (tuy
nhiên theo CDC, hiện nay thuốc Gardasil chỉ định được dùng cho người trẻ, phụ nữ 26 tuổi trở xuống, nam giới 21 tuổi trở
xuống; có thể chích cho nam giới cho đến 26 tuổi nếu đàn ông làm tình với đàn ông hay miễn nhiễm kém; Gardasil 9 cho phụ
nữ 26 tuổi trở xuống, nam 15 tuổi trở xuống ).
Mụt cóc thường do type 2 và type 4 gây ra, và không phải là ung thư ( hiền, benign).Thường hay gặp ở người nhỏ tuổi, trên
bàn tay, bàn chân, hoặc những nơi khác, những chỗ có nếp da xếp lại (skinfold). Siêu vi từ ngoài nhiễm vào cơ thể qua da
(hoăc qua niêm mạc trong trường hợp mồng gà hoa khế hay nhiễm HPV cổ tử cung) ở những chỗ da nứt nẻ, hoặc từ mụt cóc
này do máu lúc cắt tỉa cấy, vấy qua những vùng da lân cận, làm mụt cóc nhảy thành chùm. Do đó, khi đi tắm hồ tắm, cần mang
dép che chở chân, tránh dùng khăn, dao cạo, dao cắt tỉa da móng của người khác có thể mang HPV.
Đa số mụt cóc tự nó sẽ khỏi trong vòng vài tháng tới hai năm. Tuy nhiên vì phiền toái, lo âu, đa số bệnh nhân muốn bác sĩ
"thanh toán" mụt cóc sớm hơn.
Chữa trị mụt cóc:
1. Dùng hơi lạnh 'đốt', huỷ mụt cóc (cryotherapy with liquid nitrogen;"hàn liệu pháp");
2. Dùng loại axit nhẹ 'đốt" (salicylic acid trong thuốc "wart remover" (OTC), Occlusal HP (toa); cẩn thận nếu máu lưu thông
kém, bị tiểu đường, hoặc dị ứng với aspirin);
3. Dùng dao điện nóng để đốt huỷ mụt cóc;
4. Phẫu thuật cắt bỏ mụt cóc (excision), nhất là trường hợp định bệnh không rõ rệt, cần gởi mẫu mô làm sinh thiết bệnh học;
5. Laser huỷ mụt cóc;
6. Tape occlusion: dùng duct tape. Cắt duct tape thành những miếng tròn nhỏ, lớn hơn mụt cóc một chút, dán trùm, bít kín
các mụt cóc. Để yên 6 ngày, lột ra, ngâm mụt cóc trong nước cho mềm, dùng cây dũa móng tay sạch hoặc đá xốp dùng để kỳ
cọ da (emery board or pumice stone) tỉa mòn mụt cóc. Qua một đêm để hở, dán lại bằng duct tape thêm 6 ngày; cứ thế trong
2 tháng. Trong một khảo cứu, 85% các mụt cóc lành hẳn, so với kết quả 60 % những người dùng "đốt" lạnh (cryotherapy,"hàn
liệu pháp");
7. Một số trường hợp, cimetidine (Tagamet), thuốc trị bệnh axit bao tử, có thể được dùng trị mụt cóc có kết quả. Cimetidine
ảnh hưởng đến hệ miễn nhiễm của cơ thể.
Sau đây là một số bài thuốc dân gian cho mụt cóc đăng trong báo Reader's Digest Asia, xin kể ra đây với tính cách thông tin
mà thôi: (http://www.rdasia.com/warts_and_verrucas)
● Đắp vỏ chuối (ruột vỏ chuối áp vào da) ban đêm trước khi đi ngủ. Trong vỏ chuối có chất hoá học làm tan mụt cóc;
● Dùng vỏ chanh đắp lên mụt cóc; dầu trong vỏ chanh có khả năng làm bớt mụt cóc;
● Đâm trái đu đủ xanh cho chảy mủ, để mủ khô. Pha với nước lạnh, thoa lên mụt cóc, 2 lần ngày.Trong mủ đu đủ có chất
giúp tiêu các mô trong mụt cóc;
● Ngâm trong nước 46 độ C (115o F) 15 phút mỗi ngày. Thêm 1/4 dấm + 3/4 nước càng tốt;
● Nhỏ vài giọt cây long tu (aloe vera gel) lên mụt cóc mỗi ngày (có lẽ nhờ malic acid trong cây long tu);
● Giã nát một lá ngò tây (basil) đắp lên mụt cóc dán băng keo mỗi ngày, làm 1 tuần.
Trên đây là một số tin tức về mụt cóc. Trường hợp vị thính giả hỏi, trước hết nếu nghi ngờ cần bác sĩ xem có phải đúng là mụt
cóc hay không, hay là những u bướu hiếm hơn có thể gặp ngoài da. Nếu mụt lớn nhanh, đổi màu sắc, đau, chảy máu, lại cần
gặp bác sĩ nhanh chóng.
Riêng về plantar corn (nút sừng lòng bàn chân):
● Có thể dùng những miếng nỉ lót giày: những chỗ đầu xương bàn chân bị dày sừng, chai, người ta cắt lõm những vùng
tương ứng trong miếng lót (accommodative metatarsal pads) để chuyển sức nặng đè lên đầu xương bàn chân bị đau qua
những vùng đầu xương không đau.
● Dùng giày vừa với bàn chân, thường lưng giày phải mềm; nếu cần, bề ngang giày phải đủ rộng cho các ngón chân, phải
giúp cho các ngón chân có chỗ để duỗi ra, kẻo nơi nhô lên bị cọ xát và đau. Tránh giày cao gót. Kiểm soát trong lòng giày có
những mối may, nối cọ xát, đè lên chân lúc đi đứng hay không.
● Trường hợp tối cần, có thể bác sĩ chuyên về chân (podiatrist, orthopedist) quyết định phải giải phẫu, chỉnh cho các khớp
thẳng lại, hoặc gọt bớt đầu các bàn chân xương (metatarsal osteotomy). Tuy nhiên nói chung, cần thử đúng cách các phương
pháp thông thường, bảo thủ trước.
Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
_____________
Ref:
1) Focht DRIII, et al. The efficacy of duct tape vs cryotherapy in the treatment of verruca vulgaris (the common wart). Arch
Pediatr Adolesc Med. October 2002;156:971-4 )
2) Mitsuishi T. Cimetidine treatment for viral warts enhances IL-2 and IFN-gamma expression but not IL-18 expression in
lesional skin.Eur J Dermatol. 2003 Sep-Oct;13(5):445-8.