Trẻ ngủ trưa tại một trại trẻ mồ côi ở Tam Bình, TPHCM. AFP
Ngày càng có nhiều người tại Việt Nam tham gia công tác từ thiện để giúp cho những đối tượng kém may mắn và gặp khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên làm từ thiện ở Việt Nam cũng có những trở ngại.
Đối tượng phục vụĐối với người Việt, những câu ca dao, tục ngữ như ‘lá lành đùm lá rách’, ‘một miếng khi đói bằng một gói khi no’…. thường được sử dụng để kêu gọi mọi người cùng tham gia giúp đỡ người khác trong tình huống không may như thiên tai, bão lụt, hỏa hoạn….
Và để giúp cho những người kém may mắn trong cuộc sống thì nhiều người đã tập hợp lại với nhau để cùng nhau giúp đỡ những đối tượng không may mắn như thế.
Anh Đào Xuân Tùng một người ở Hà Nội tham gia nhóm chuyên hỗ trợ cho các em học sinh nghèo ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam cho biết việc làm của nhóm:
“Bọn anh là tập trung về trẻ em vùng cao. Đó là những lớp học sinh mà ít tuổi nhất cũng như là sức khoẻ yếu nhất . Trường trên phía bắc này là nó rất là xập xệ, tồi tệ, các lớp học hầu như là như 1 cái chuồng lợn, vách dưới toàn là tranh tre, nứa lá, không có bàn ghế, thậm chí là có những nơi nó chỉ có ba bức gọi là vách tre, ngô, bàn ghế không có, cô giáo, học sinh đều ngồi đất. Lý do thì rất là nhiều nhưng điều quan trọng nhất là cuộc sống của các cháu trên vùng cao rất là khổ, thiếu thốn so với những học sinh dưới thành phố, và các cháu hầu như là đói kém từ quần áo đôi dép, đôi tất cho đến cái ăn cái mặc.”
Chị Trần Thị Hồng một bạn trẻ ở Nghệ An hay đi giúp đỡ cho các em khuyết tật ở mái ấm Thiên Ân, trung tâm khuyết tật 19/03, trại phong Quỳnh Lưu hay là những gia đình làng Chài trên Sông Lam ở Nghệ An cho biết:
“Chúng em thường đến với các em khuyết tật ở mái ấm Thiên Ân, trung tâm khuyết tật 19/03, trại phong Quỳnh Lưu và có 1 đôi lần đi thăm những gia đình làng Chài trên Sông Lam.”
Những người tham gia công tác từ thiện thường là những người có tấm lòng nhân hậu, thương cảm người khác.
Anh Đào Xuân Tùng chia sẻ:
“Vì cái tình thương yêu trẻ em bọn anh tập trung thành 1 nhóm để có thể hỗ trợ một chút nào đó cũng với tấm lòng của mình đến với các cháu ở những nơi vùng cao trong những mùa đông lạnh giá này, giúp các cháu có thêm được hơi ấm, động lực để các cháu có thể yên tâm học tập, cũng là tác động lên tâm lý đến các cô giáo. Các cô giáo cũng yên tâm cắm bản đeo con chữ, dạy học cho các cháu.”
Còn chị Trần Thị Hồng cũng có trình bày:
“Các em khuyết tật có thể nói là những người yếu đuối nhất trong xã hội, nên chúng em hay đến để có thể chia sẻ niềm vui với các em.”
Ước mong Theo những người đang làm công tác từ thiện như anh Tùng, chị Hồng thì qua việc giúp đỡ về vật chất cho những đối tượng gặp hoạn nạn, nghèo khó vượt qua nghịch cảnh, những người không may còn có được niềm tin vào cuộc sống. Anh Đào Xuân Tùng chia sẻ:
“Mong muốn giúp các cháu có thêm tin tưởng vào những người xung quanh và xã hội, để các cháu học tập tốt để sau này các cháu có thể làm được những cán bộ tốt để bảo vệ tổ quốc phía biên giới.”
Với các em khuyết tật thì chị Hồng cho biết họ được coi là những người yếu đuối nhất trong xã hội, nhiều em khuyết tật lại còn tự ti mặc cảm với số phận của mình, và để giúp các em vượt qua được điều đó thì cần mọi người quan tâm và giúp đỡ các em hơn.
“Chúng em làm vậy cũng mong sao tất cả mọi người cùng nhau quan tâm đến các em bị khuyết tật hơn, để có thể bù đắp lại phần nào những mất mất của các em.”
Khó khănĐể có thể thực hiện được chương trình từ thiện, các nhóm phải biết cách vận động kêu gọi đóng góp của những người khác. Tuy nhiên việc làm này cũng không phải dễ dàng khi mà trong cuộc sống ngày càng có nhiều người cần đến sự giúp đỡ như thế.
Những người tham gia đôi khi cón phải bỏ thêm tiền túi ra nữa. Anh Tùng cho biết:
“Hầu hết trong anh em mỗi người mỗi nghề, tất cả đều làm kinh doanh, một mảng người kinh doanh về bao bì, người kinh doanh về điện nước, người kinh doanh về các sản phẩm vật dụng khác nhau. Bọn anh chơi với nhau lâu rồi, cùng chung một chí hướng muốn chia sẻ, chung tay mỗi người một chút bằng mối quan hệ của mình, đồng tiền của mình để có thể giúp câc cháu một chút gì đó để các cháu yên tâm học tập.”
Chị Hồng tiếp lời:
“Chúng em là những người trẻ nên mỗi lần đi thăm các em, chúng em phải tự bỏ tiền mình ra, còn nếu kêu gọi giúp đỡ được phần nào thì hay phần đó.”
Có nơi những người làm từ thiện còn gặp phải trở ngại từ phía chính quyền. Cơ quan chức năng địa phương yêu cầu phải thông qua họ như câu nói của một trưởng công an huyện Con Cuông: ‘Cụ muốn phát quà thì phải thông qua Mặt trận xã và giao cho Mặt trận xã phát cho người dân”. Đó là câu nói mà ông Hùng trưởng công an huyện Con Cuông ở Nghệ An phát biểu khi làm khó dễ cho linh mục giáo xứ Song Ngọc và giáo dân đi phát quà cho dân nghèo ở huyện Con Cuông tỉnh Nghệ An.
Truyền thông trong nước từng loan tin về vụ như bình trà đá miễn phí đặt trên đường phố Hà Nội bị tịch thu, hay là trường hợp mới nhất của một nhóm người phát cơm cho bệnh nhân ở bệnh viên Ung Bướu thành phố Hồ Chí Minh bị cướp…
Chị Hồng chia sẻ:
“Chúng em đi thăm các em khuyết tật thì không sao, nhưng hồi tháng 12 năm ngoái chúng em có đi tặng quà Noel cho các gia đình trên làng Chài ở sông Lam thì rất đông các công an, cảnh sát đến làm khó dễ và không cho chúng em phát”
May mắn hơn nhóm của chị Hồng, nhóm làm từ thiện của anh Tùng trong chục năm qua khi đi giúp cho các em học sinh ở vùng biên giới phía Bắc không gặp khó khăn nào mà trái lại còn là nhận được sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng ở địa phương.
“Chủ yếu từ thiện trên vùng sâu vùng xa trên biên giới mà ở biên giới thì có biên phòng, mà biên phòng là bộ đội đa phần là những người tử tế, họ là người gần dân nhất không phải như công an ở những Nội Thành. Bọn anh cũng trao đổi và nhờ vả họ về vấn đề đường đi, lối lại, khảo sát địa bàn, an ninh, trật tự. Tóm lại, trong 10 năm qua anh làm chưa bị trục trặc gì cả, bởi vì chúng ta chỉ làm từ thiện thôi chúng ta không liên quan gì đến chính trị, tôn giáo, chúng ta chỉ mang tấm lòng tình yêu thương của mọi người”
Nhiều người cho rằng ở Việt Nam khi đi làm việc từ thiện, ngoài tấm lòng còn phải hiểu biết luật pháp và khôn ngoan để đối phó với cơ quan chức năng địa phương cũng như những thành phần bất hảo lợi dụng lòng tốt của người khác để trục lợi.
Theo RFA