Nỗi lòng của một người chồng trí thứcKính thưa quý vị độc giả, mặc dù câu chuyện này xảy ra cách đây đã khá lâu rồi, thời gian đã đủ làm lành mọi vết thương, nhưng mỗi lần nghĩ đến tôi lại rùng mình ớn lạnh bởi cảm giác kinh khủng của nó.
(Lời người kể chuyện không để tên)
Tốt nghiệp đại học xong, tôi đi làm nghiên cứu sinh ở Tiệp Khắc để học tiếp lên thạc sĩ và tiến sĩ trong một thời gian khá dài, ngoài 30 tuổi mới trở về nước làm việc, đồng thời bắt đầu tìm hiểu để lập gia đình.
Những ngày ở nước ngoài học tập và làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, tôi cũng có một vài người bạn thân và vài mối tình thoáng qua với các cô bạn gái người nước ngoài. Nhưng ngay từ đầu tôi đã xác định về nước mới lấy vợ nên mọi mối quan hệ tình cảm thời tuổi trẻ rất nhẹ nhàng, không để lại trong tôi áp lực gì cần phải suy nghĩ.
Tôi làm việc ở Viện TH. Trong quá trình tham gia giảng dạy thêm tại trường Đại học TH ở Hà Nội, tôi đã gặp một người con gái rất xinh đẹp và hiền dịu. Cô là giảng viên trong trường nơi tôi cộng tác. Ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên tôi đã có cảm tình đặc biệt với cô do vẻ ngoài xinh đẹp và tính tình hiền dịu của cô.
Tôi chủ động tìm hiểu và được biết cô đã từng có một mối tình đầu sâu đậm với một bạn học. Giống như tôi, người yêu của cô cũng đi làm nghiên cứu sinh nhưng tại Cộng hòa Dân chủ Đức (tức Đông Đức khi bức tường Berlin chưa sụp đổ) cùng lúc với cô. Thế nhưng, khi đậu đạt xong, người yêu của cô cứ lần lữa không chịu về nước. Hình như anh ta không có ý định trở về sinh sống tại Việt Nam. Còn riêng cô thì hoàn cảnh gia đình đơn chiếc nên cô phải trở về. Đậu xong thạc sĩ, cô trở về nước và làm giảng viên tại Đại Học TH Hà Nội, ít lâu sau thì tôi xuất hiện.
Trước tình cảm chân thành của tôi, cô đã nhận lời yêu tôi. Ngày tôi đưa cô về giới thiệu với gia đình, ông bà nội tôi và bố mẹ tôi ngay lần gặp gỡ ban đầu đã rất hài lòng trước vẻ xinh đẹp dịu dàng và tính nết đoan trang thùy mị của cô. Vì vậy, chuyện tình cảm của chúng tôi diễn ra rất chóng vánh, chỉ trong vòng nửa năm là chúng tôi kết hôn.
Cả hai vợ chồng đều là cán bộ có vị trí tương đối khá nên chúng tôi được phân phối một căn hộ tập thể 20m2 ở Viện TH nơi tôi làm việc. Sau đó vợ tôi không giảng dạy nữa mà về công tác tại Viện LS gần khu hộ tập thể nơi chúng tôi có căn hộ được phân phối để đi lại cho tiện. Thời gian ấy các giảng viên đại học có được chiếc xe đạp Trung Quốc là tốt lắm rồi, nhưng vợ chồng tôi ở trên tầng cao, dắt lên dắt xuống khó khăn nên chỉ một mình tôi đi xe đạp mà thôi. Gần một năm sau vợ tôi sinh cậu con trai đầu lòng. Những năm đó, cuộc sống chỉ vừa mới bắt đầu thời kỳ mở cửa và mới thoát khỏi cảnh bao cấp nên còn rất khó khăn. Chúng tôi quyết định chỉ sinh một con để dồn mọi phương tiện nuôi nấng con cho được đầy đủ và dạy dỗ nó nên người.
Vợ tôi là người kín đáo, ít nói, nên cuộc sống của chúng tôi rất êm ấm, có thể nói là hạnh phúc. Tôi bằng lòng với hiện tại đồng thời thầm cảm ơn cuộc đời đã ban cho tôi người vợ hiền thảo.
Cuộc sống của chúng tôi cứ thế trôi đi. Cả hai vợ chồng đều làm khoa học về công tác nghiên cứu nên thu nhập cũng rất đạm bạc. Tuy nhiên, vì đã quen sống đơn giản như mọi người khác thời ấy, chúng tôi cũng không có nhu cầu gì nhiều.
Thế nhưng, mọi bất hạnh bỗng dưng ập đến, đổ lên đầu tôi. Tôi còn nhớ như in cái ngày hôm đó. Tôi vừa ở trong trường về thì thấy vợ tôi đang ngồi với một người khách lạ. Cô ấy khóc sưng cả mắt. Khi thấy tôi bước vào trong nhà thì vợ tôi cứ thế ôm mặt mà khóc nấc lên. Tôi hoảng quá không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Bỗng vợ tôi quỳ sụp xuống chân tôi, khóc nức nở: “Em có tội với anh, với gia đình anh. Xin anh tha thứ cho em…”.
Tôi đứng chết sững như trời trồng, trong lòng hỗn loạn vì chẳng hiểu gì cả. Nhưng với sự nhạy cảm của một người đàn ông, tôi lờ mờ đoán ra rằng gia đình tôi đang gặp một cơn bão lớn, mà nguyên nhân gây ra cơn bão đó chính là người đàn ông xa lạ kia.
Cuối cùng thì vợ tôi cũng bình tĩnh lại. Câu chuyện được vợ tôi nói ra rành rọt. Dù chỉ mấy câu thôi nhưng tôi nghe như sét đánh ngang tai, choáng váng và rất tuyệt vọng. Vợ tôi nói rằng cô có tội lớn đối với tôi, rằng suốt trong 5 năm qua cô đã lừa dối tôi, mặc dầu sống với tôi nhưng cô vẫn nhớ tới người yêu cũ. Và, điều khủng khiếp nhất như mũi dao đâm thấu tim tôi, tan nát đời tôi, kết liễu cuộc sống của tôi ngay từ giây phút ấy, đó là vợ tôi nói rằng đứa con trai của chúng tôi chính là con của người đàn ông đang ngồi trước mặt tôi chứ không phải con của tôi.
Trước khi cô ấy kết hôn với tôi, người yêu của cô đã bay từ Đức về và họ đã gặp gỡ nhau. Ngay sau khi kết hôn, cô có thai luôn mà theo vợ tôi thì cái thai trong bụng cô chính là giọt máu của người yêu cũ. Mặc dù không đến được với nhau nhưng tình cảm của hai người khá sâu đậm. Người yêu cũ của cô ấy cũng đã lấy vợ người nước ngoài. Thế nhưng do một trục trặc về sức khỏe sau một trận ốm khá nặng, người yêu cũ của cô không còn khả năng có con. Là con trai duy nhất trong gia đình, lại là trưởng tộc của dòng họ, việc không thể có con là một tai nạn quá lớn đối với anh ta và gia đình, dòng họ anh ta. Khi biết người yêu cũ ở Việt Nam sau lần gặp gỡ trước ngày kết hôn đã có thai ngay và sinh con trai, chuyện đó như chiếc phao cứu sống anh ta. Anh ta đã ly dị với người vợ nước ngoài, trở về nước sinh sống và tìm gặp vợ tôi để xin nhận giọt máu của mình.
Vợ tôi vẫn còn quá nặng tình với người đàn ông mà cô ấy không thể chung sống được. Chính vì vậy khi anh ta trở về, gặp lại và van xin, vợ tôi đã thương cảm và bằng lòng. Dân gian có câu: “Tình cũ không rủ cũng đến” quả thật không sai. Vợ tôi cũng không ngoại lệ. Tới đây, cô ấy sẽ xin tôi ly hôn rồi sẽ cùng với con trai ra khỏi căn nhà của tôi để sống với người đàn ông kia. Nói như thế nghĩa là đang tự nhiên tôi bỗng mất tất cả, vợ, con, còn căn nhà bé tí rộng 20m2 ở mãi trên tầng 5 là của nhà nước cho ở chứ chẳng phải của tôi.
Thú thật, tôi không còn nghe được gì nữa, không còn biết gì nữa. Tôi ngồi như một pho tượng và im lặng để mặc hai người, một là vợ tôi, một là anh ta, trình bày và xin tôi tha thứ. Chúng tôi là những người trí thức, đã từng có thời gian khá lâu sống ở nước ngoài nên có thể trong cách cư xử có văn minh và Tây hóa hơn. Ngay lúc ấy tôi đã im lặng và bước ra khỏi nhà mình. Tôi trở về nhà của bố mẹ tôi với tâm trạng hoàn toàn suy sụp.
Tôi ở lỳ trong nhà bố mẹ một tuần lễ không quay trở lại nhà mình. Sau một tuần nằm liệt như người chết rồi ở nhà bố mẹ, tôi tạm thời qua đi những cảm giác sốc ban đầu. Bố mẹ tôi rất ngạc nhiên nên lo lắng hỏi tôi có chuyện gì buồn mà có vẻ âu sầu, mất ăn mất ngủ như thế. Tôi suy nghĩ kỹ rồi quyết định nói hết mọi chuyện cho bố mẹ tôi nghe. Bố mẹ tôi khóc và đồng ý cho tôi ly hôn để vợ và con tôi có thể trở về với người yêu đích thực của cô ấy.
Tôi trở về nhà sau một tuần. Vợ tôi cũng suy sụp không kém gì tôi. Cô ấy đã chuẩn bị cho một cuộc ra đi. Chúng tôi lặng lẽ làm thủ tục ly hôn. Sẽ không có điều gì xảy ra sau đó nếu như tôi không nghe theo lời khuyên của bà thẩm phán xử vụ ly hôn của chúng tôi. Chính bà thẩm phán đã khuyên tôi nên đi xét nghiệm DNA để mọi thứ được rõ ràng minh bạch, kết quả như thế nào thì bản thân mình cũng thỏa mãn, không phải ân hận.
Tôi xin bà tạm hoãn vụ xử ly hôn và quyết định tiến hành xét nghiệm DNA tìm cha đích thực cho con trai tôi. Tôi không nói gì với vợ tôi về chuyện tôi âm thầm làm. Tôi chỉ nói với cô ấy rằng tôi cần một thời gian nữa cho ổn định tinh thần. Thời kỳ đó việc xin xét nghiệm DNA trong nước hết sức khó khăn và phải qua rất nhiều thủ tục rườm rà, cũng như phải có giấy chứng nhận của cơ quan nơi mình làm việc. Vì thế tôi đã liên lạc với các bạn tôi ở nước ngoài và gửi các mẫu vật sang bên ấy để nhờ các bạn đưa đi làm giúp với thời gian nhanh nhất. Hơn một tháng sau tôi đã có kết quả xét nghiệm.
Kính thưa quý vị độc giả. Tôi như người đã chết bỗng được sống lại. Như kẻ có một báu vật quá lớn đã mất với bao tiếc nuối, đau khổ, giày vò, bỗng tìm lại được. Tôi gần như phát điên lên vì sung sướng. Khỏi phải nói, khi cầm tờ kết quả xét nghiệm rõ ràng mười mươi rằng tôi là cha của con trai tôi, tôi cảm thấy hạnh phúc ngập tràn. Tôi không cần gì hơn nữa, không có mong muốn nào khác nữa. Tôi đã mang tờ kết quả xét nghiệm đó đưa cho vợ tôi và trình lên tòa án trước sự choáng váng bất ngờ của vợ tôi.
Tiếp theo sau đó là chuỗi ngày bi kịch của vợ tôi. Thật lòng, tôi rất thương cô ấy nhưng những sự đổ vỡ mình đã phải trải qua quá khủng khiếp, tôi không thể nào hàn gắn lại được cho dù rất muốn giữ cho con trai tôi có mẹ. Vợ tôi sau đó cũng không về sống với người ấy. Tôi không tìm hiểu lý do tại sao, mà thực tình thì tôi cũng không cần quan tâm đến những gì xảy ra tiếp theo sau đó giữa hai người họ với nhau. Tôi chỉ biết rằng vợ tôi rất đau khổ.
Cô ấy đã rời khỏi căn nhà của tôi và để lại đứa con trai cho tôi nuôi dưỡng. Tuần nào cô ấy cũng đến trường tìm con và chơi với con một lúc. Tôi đã gặp cô ấy và yêu cầu cô tìm mọi cách tránh cho con khỏi bị tổn thương. Có thể sau này khi con trai tôi đã lớn, đã hiểu được mọi chuyện thì hai mẹ con mới nên gặp nhau nhiều hơn. Vợ tôi đã đồng ý, và sau đó, mỗi tháng cô ấy chỉ gặp con một lần. Tôi cũng rất thương cô ấy, rất buồn và cảm thấy có lỗi với con trai mình. Nhưng số phận đã như vậy, tôi không thể làm khác hơn được. Người ta vẫn còn nặng lòng với người cũ, đã định bỏ mình, đem con trai của mình về sống với người ta thì mình cố đấm ăn xôi làm gì. Đã từng sống bên Tây phương, tôi không quan trọng hóa việc trinh tiết nhưng lòng tôi đã chết, tôi thấy cô ấy cũng như một người đã chết mà thôi.
Tôi sống đơn độc với con trai tôi và không nghĩ đến chuyện kết hôn nữa cho dù có nhiều phụ nữ yêu thương và muốn chia sẻ với tôi. Tôi nuôi dạy con trai tôi lớn khôn và cháu trở thành một người thành đạt. Vợ tôi cũng không bước đi bước nữa. Bà ấy sau đó mua một căn nhà nhỏ trên Phú Thượng và sống một mình. Bây giờ con trai tôi đã đi làm trong một công ty nước ngoài. Cháu đã lập gia đình và sinh được hai đứa con, một trai một gái. Giờ đây, những ngày lễ ngày Tết cả gia đình lại tụ họp đông đủ. Lần nào họp mặt, lễ lộc, ăn uống, con trai và con dâu tôi đều mời mẹ về quây quần. Các con tôi năn nỉ chúng tôi hãy quay trở lại sống với nhau để các con cháu được hạnh phúc, gia đình được sum vầy vẹn toàn. Thế nhưng không hiểu tại sao tôi không thể quay lại được với vợ tôi nữa.
Bây giờ chúng tôi đều đã có tuổi. Tôi biết nếu sống nương dựa vào nhau vì con vì cháu là một điều tốt, song tôi không làm được. Không phải tôi không thương cô ấy, không phải tôi còn giận hờn hay hận thù gì cô ấy, nhưng mỗi lần nhớ đến cái cảm giác năm xưa khi tôi đứng trước nguy cơ mất con trai và gia đình đang êm ấm bỗng dưng bị tước đoạt hết tất cả, tôi lại thấy ớn lạnh xương sống. Tôi không thể làm gì khác được nữa. Không biết như vậy tôi có ích kỷ quá không.
Một chuyện khó tin nhưng đã xảy ra Họ đã từng là hai người bạn thân làm cùng một chỗ. Nhưng đến một ngày, không hiểu tại sao lại xảy ra câu chuyện khá lạ làm xôn xao dư luận. Chuyện xảy ra tại huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.
Lấy vợ từ năm 1993, có 3 đứa con còn nhỏ nên cuộc sống của vợ chồng anh Đoàn Văn Thắng và chị Quan Thị Bình (người bản Tùn, xã Năng Khả, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) gặp nhiều khó khăn. Để có tiền nuôi con và cho con đi học, vợ chồng anh Thắng phải thay nhau đi làm thợ hồ.
Mấy năm trước, trong một dịp làm phu hồ cho nhà thầu xây dựng trong trạm kiểm lâm gần trụ sở ủy ban xã Năng Khả, anh Thắng quen biết với anh Hoàng Văn Quan, cũng là thợ hồ (người bản Nà Vai, cùng xã Năng Khả).
Hai người đàn ông đã có gia đình và cùng hoàn cảnh nghèo khó nhanh chóng trở thành thân thiết với nhau. Nhiều lần anh Thắng ghé nhà anh Quan ăn cơm, uống rượu nên quan hệ giữa họ lại càng gắn bó hơn.
Đầu tháng Chạp năm 2009, chị Quan Thị Bình, vợ anh Thắng, thay chồng đi làm phu hồ để kiếm thêm tiền tiêu tết. Và lần đi làm phu hồ này, chị Bình cũng trở nên thân quen với anh Hoàng Văn Quan như hai chị em.
Nhưng thật oái oăm, bởi chỉ sau khi quen biết không lâu, người đàn bà sinh năm 1974, lớn hơn Hoàng Văn Quan tới 12 tuổi (Quan sinh năm 1986), lại nảy sinh tình cảm. Rồi, một tháng sau, họ bỏ nhà, trốn sang một bản ở xã khác, cách nhà mấy chục cây số, để sinh sống với nhau như vợ chồng.
Anh Thắng kể, sau khi vợ bỏ đi với người bạn, dù rất buồn và giận, nhưng lâu dần nỗi tức giận ấy cũng nguôi ngoai. Khi ấy, nghĩ đến người vợ bạn không có con, vẫn vò võ một mình chăm sóc bố mẹ chồng đau ốm, anh Thắng cảm phục vô cùng nên đã gọi điện thoại hỏi thăm.
Qua nhiều lần trò chuyện và chia sẻ, người đàn ông mất vợ và người phụ nữ mất chồng kém anh tới mười mấy tuổi dần dần cảm mến nhau, đến độ họ nghĩ rằng nếu thiếu nhau thì họ sẽ không thể sống được.
Sau 3 tháng trò chuyện qua điện thoại, đến một ngày, anh Thắng đánh bạo tìm đến nhà ông Hoàng Văn Hỏn, bố của anh Quan tức bố chồng của chị Bàn Thị Pham, để nói chuyện xin cưới chị Pham làm vợ.
Cứ tưởng sau lời đề nghị kỳ quặc ấy, anh Thắng sẽ bị ông Hỏn chửi cho một trận và tống cổ ra ngoài đường. Nhưng bất ngờ ông lại mừng ra mặt, gọi chị Pham ra, nhận làm con gái và quyết định… gả chồng cho chị.
Sau quyết định gả con dâu cho anh Thắng, ông Hỏn cho người đi tìm anh Quan về, cho biết chuyện đó và bảo phải gọi vợ bằng chị và gọi anh Thắng bằng anh
Cứ nghĩ Hoàng Văn Quan sẽ phản đối chuyện vợ lấy chồng khác, nhưng Quan cũng vui vẻ bằng lòng. Ngay sau đó Quan đã tìm đến nhà anh Thắng xin lỗi chuyện đã dụ dỗ vợ anh đồng thời tuyên bố sẽ coi anh là anh rể và coi chị Pham, vợ cũ của mình, là chị gái.
Đám cưới của anh Thắng với chị Pham được tổ chức vào một ngày đẹp trời cuối tháng 4 âm lịch năm 2010. Trong ngày cưới, một điều kỳ lạ khác lại xảy ra. Đó là việc anh Quan và nhiều bà con họ hàng “đưa dâu” từ nhà mình đến nhà anh Thắng theo tục lệ khi một cô gái đi lấy chồng.
Sau khi đưa dâu về nhà anh Thắng, anh Quan cùng mọi người ở lại dự tiệc, chúc mừng cô dâu chú rể trăm năm hạnh phúc!
Từ ngày lấy chị Pham về làm vợ, rất nhiều lần anh Thắng trở lại nhà ông Hỏn uống rượu nên quan hệ giữa anh và Quan lại thân thiết như xưa. Anh nói rằng nếu sau này khi “bố mẹ vợ” – sự thực là bố mẹ anh Quan, chồng cũ của chị Pham – qua đời, vợ chồng anh cũng phải có trách nhiệm như con gái, con rể trong nhà.
Còn chị Pham thì kể: Hồi anh Quan chồng chị bỏ nhà đi với chị Quan Thị Bình vợ của anh Thắng sang xã khác sinh sống, chị rất đau khổ. Đã vậy mọi người lại còn đồn rằng sở dĩ anh Quan bỏ đi sống với người đàn bà lớn hơn anh tới 12 tuổi là do chị không có con, và chị “ngu” nên mới không biết đánh ghen, chứ cứ ở nhà chồng, nai lưng ra hầu hạ bố mẹ chồng làm gì. Chị nói dù bị chồng bỏ nhưng chị không thể bỏ bố mẹ chồng về nhà bố mẹ ruột mình được, bởi vì bố mẹ chồng đều già yếu, thường hay bị bệnh, rất cần có chị săn sóc. Ngoài ra bố mẹ chồng chị rất thương yêu chị, coi chị như con ruột, chị không nỡ bỏ mà đi.
Cho đến một hôm, chị nhận được điện thoại của anh Thắng – chồng chị Bình, người đã cướp chồng chị. Mới đầu nhận được điện thoại chị rất ngạc nhiên không hiểu chuyện gì, té ra anh Thắng chỉ gọi để hỏi thăm và an ủi chị vậy thôi.
Sau cuộc điện thoại đầu tiên, thỉnh thoảng anh Thắng vẫn gọi nhưng hai người không nói chuyện được nhiều vì nước mắt chị cứ ứa ra và có lẽ anh Thắng cũng vậy. Chị Pham kể: “Cả tôi với anh Thắng, người bị chồng bỏ, người bị vợ bỏ, đều đau đớn, tủi nhục như nhau nên dễ thông cảm với nhau. Nhà chồng tôi với nhà anh Thắng cách nhau khoảng 10 cây số, nghe nói anh Thắng có 3 đứa con, các cháu đều còn nhỏ nên tôi thương lắm, quyết định đến thăm các cháu”.
Tới nhà anh Thắng, chị Pham ngạc nhiên vì thấy ba đứa con của anh Thắng rất xinh và rất ngoan ngoãn. Chúng cứ quấn quýt chị khiến chị cảm thấy nỗi buồn không có con của mình giảm bớt phần nào. Vì vậy sau này, không chỉ một lần chị Pham đến thăm nhà anh Thắng mà nhiều lần khác chị tiếp tục quay lại và lần nào cũng có quà cho các cháu. Chị thầm mong được tự tay chăm sóc những đứa trẻ ngoan ngoãn rất quấn quýt “dì” vì thiếu vắng mẹ đó.
Về phần anh Thắng, sau nhiều lần gặp gỡ và chuyện trò với chị Pham, anh rất mến chị đồng thời muốn chị về làm mẹ của các con mình. Nói cho cùng, cả hai đều muốn như vậy nhưng không ai dám nói vì sợ bố mẹ chồng chị không đồng ý mà cũng sợ xóm làng chê cười.
Rồi đến một ngày, anh Thắng đánh liều đến nhà nói thẳng với ông Hoàng Văn Hỏn, bố chồng chị Pham, rằng anh muốn xin cưới con dâu ông về làm vợ. Cứ tưởng ông Hỏn sẽ mắng cho anh một trận nhưng không ngờ ông mời bà ra bàn tính và gọi con dâu ra hỏi ý kiến. Chị Pham nói tùy bố mẹ, con thì sao cũng được. Bà cũng đồng ý. Vậy là ông Hỏn tuyên bố ông nhận chị Pham làm con gái và gả chị cho anh Thắng, người cùng trong xã.
Theo ông Ma Văn Trường, trưởng bản Tùn, trước khi làm đám cưới với chị Pham, anh Thắng có đến hỏi ý kiến ông như thế có vi phạm pháp luật hay không, bởi vì chị Pham và anh Quan hồi đám cưới có làm hôn thú đàng hoàng. Ông khuyên chị Pham nên sớm làm đơn xin ly dị, rồi ra tòa án huyện họ sẽ phân xử, khi ấy thì đám cưới mới hợp pháp, có thể đăng ký kết hôn và sau này nếu có con mới làm giấy khai sinh cho tụi nó đi học được.
Cả chị Pham lẫn anh Thắng đều nghe theo, sau đó đám cưới diễn ra rất vui.
Đoàn Dự ghi chép