Trong danh sách các nhạc sĩ Việt Nam, Văn Cao có chỗ đứng rất đặc biệt. Ông có bài hát được dùng làm quốc ca, là nhạc sĩ thuộc thế hệ tiên phong thập niên 1940, sáng tác không nhiều nhưng để lại dấu ấn, có tài làm thơ và hội họa; và cuối cùng là dính vào một vụ án chính trị Nhân Văn Giai Phẩm, bị nhà cầm quyền trù dập trong nhiều năm.
Nhạc tình Văn Cao chỉ vỏn vẹn ít bài như Buồn Tàn Thu, Suối Mơ, Bến Xuân, Thu Cô Liêu, Trương Chi, Thiên Thai. Nét nhạc lãng đãng sương khói, lời ca thanh cao thóat tục. Ca khúc hay nhất của Văn Cao là Thiên Thai được xếp hạng vào những ca khúc đặc biệt nhất của làng tân nhạc Việt Nam. Tác phẩm này vượt lên trên công thức khuôn sáo của ca khúc bình thường.
Bản này sáng tác vào năm 1941, lúc ông được 18 tuổi, đầu óc tràn đầy mộng mơ. Với chiều dài hơn một ca khúc bình thường, có 94 khuôn nhạc, được coi là truyện ca, có thể dựng thành nhạc cảnh Lưu Nguyễn Lạc Thiên Thai.
Theo truyện cổ tích thì Lưu Thần và Nguyễn Triệu vào rừng núi hái thuốc, gặp hai cô gái đẹp- hai nàng tiên, ở lại với họ trong vòng mấy tháng. Nhớ nhà cả hai chàng từ biệt tiên nữ về quê. Về đến nơi mới biết chốn trần thế đã trải qua cả trăm năm, không ai nhận ra họ, anh em bà con đã qua đời. Cả hai trở lại tìm tiên cảnh thì đã lạc dấu.
Đề tài cõi thiên thai này được nhiều thi văn nhạc sĩ sáng tác, nói lên ước mơ đẹp tình yêu và cuộc sống.
Hãy nghe Văn Cao hát Thiên Thai. Hai câu đầu gồm 9 chữ, rồi hai câu 4 chữ, rồi câu 6 chữ. Kế tiếp ông dùng ba câu 4 chữ rồi kết bằng câu 5 chữ:
Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên.
Kià đường lên tiên,
kìa nguồn hương duyên
theo gió tiếng đàn xao xuyến
Phím tơ lưu luyến, mấy cung u huyền
Mấy cung trìu mến, như nước reo mạn thuyền.
Rồi Văn Cao chuyển qua khúc nhạc khác:
Âm ba thoáng rung cánh đào rơi
Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời
Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan
Quê hương dần xa lấp núi ngàn
Bâng khuâng chèo khua nước Ngọc Tuyền
Ai hát trên bờ Đào Nguyên.
Rồi người nhạc sĩ kể tiếp phút giây gặp gỡ giữa hai người trần thế với tiên nữ, nét nhạc bay bỗng, lời ca đắm đuối:
Thiên Thai chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian
Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần
Thiên tiên chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm
Khúc nghê thường này đều cùng múa vui bầy tiên theo đàn
Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quyên đây đó nỗi lòng mong nhớ
Này khúc bồng lai, là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi
Đàn xui ai quên đời dương thế
Đàn non tiên đàn khao khát khúc tình duyên
Thiên Thai! Ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian
Ái ân thiên tiên em ngờ phút mê cuồng có một lần
Rồi đọan kế tiếp tả lúc hai chàng rời cõi tiên, chủ âm bài này là Re Thứ chuyển sang Re Trưởng, nhịp điệu nhanh, kết thúc bài hát.
Gió hắt trầm tiếng ca, tiếng phách ròn lắng xa
Nhắc chi ngày xưa đó đến se buồn lòng ta
Đào Nguyên trước, Lưu Nguyễn quên trần hoàn
Cùng bầy tiên đàn ca bao năm
Nhớ quê chiều nào xa khơi, chắc không đường về
Tiên nữ ơi.
Đào Nguyên trước, Lưu Nguyễn khi trở về
Tìm Đào Nguyên, Đào Nguyên nơi nao
Những khi chiều tà trăng lên
Tiếng ca còn rền trên cõi tiên.
Với những khúc nhạc chuyển đổi tài tình theo câu chuyện kể, lời ca đẹp như thơ, ẩn chứa nhiều hình ảnh màu sắc, ca khúc Thiên Thai được coi là một bản trường ca, nhạc cảnh thay đổi phong phú.
Nhiều ca sĩ đã cố gắng thể hiện bài hát này nhưng ít người thành công. Nó đòi hỏi làn hơi sung mãn, kỹ thuật điêu luyện mà truyền cảm và cần phải có dàn nhạc đệm bề thế thì mới diễn tả được hết cái hay của nhạc phẩm Thiên Thai.
Trong cuộc sống đầy phiền muộn, có lúc thả hồn về một cõi ước mơ núi non phong cảnh đẹp với tình yêu thơ mộng, đó là cõi tiên, cõi thiên thai. Và nhạc phẩm Thiên Thai của Văn Cao cho người nghe những giây phút thần tiên, được coi là một ca khúc kinh điển của dòng tân nhạc Việt Nam.
SBTN