Nhà thơ Ý Nhi
Năm 2015, giải thưởng thơ Cikada (Thụy Điển) chọn trao cho hai nhà thơ Đông Á: Bei Dao (Trung Quốc) và Ý Nhi (Việt Nam).
Giải thưởng thơ Cikada thành lập từ năm 2004, với mục đích vinh danh các nhà thơ Đông Á. Từ đó đến nay giải chủ yếu trao cho các nhà thơ Nhật Bản và Hàn Quốc, năm nay mới đến Trung Quốc và Việt Nam.
Từ Sài Gòn, nhà thơ Ý Nhi cho biết bà "rất bất ngờ".
Ý Nhi: Thực ra, đến một tuổi nào đó, người ta không chờ đợi những việc như thế này. Vì vậy, tôi rất bất ngờ khi nhận thư thông báo về giải thưởng từ bà Đại sứ Thụy Điển Camilla Mellander.
Như bạn biết, giải thường dành để vinh danh những vần thơ ca ngợi sự thiêng liêng của cuộc sống (có người dịch là: ngăn chặn sự xâm phạm cuộc sống).
Một tiêu chí đẹp đẽ, mang đậm tinh thần nhân bản. Điều này khích lệ người nhận giải rất nhiều. Và, cho nhiều người khác nữa.
Tôi cũng bất ngờ khi bạn bè và những người yêu thơ, quan tâm đến thơ gọi điện thoại, nhắn tin, gửi email chúc mừng nhiều đến vậy, các trang facebook cũng bình luận và post thơ của tôi lên… Không khí rộn ràng hơn mình nghĩ.
Lý Đợi:Họ có cho bà biết trước việc chấm giải không?
Hoàn toàn bất ngờ. Ngay cả việc chọn thơ để dịch sang tiếng Thụy Điển và giới thiệu trong tập Cho ngày hôm qua, tôi cũng chỉ biết sơ qua, không biết cụ thể họ chọn bài nào, tổ chức bản thảo ra sao. Cho đến nay tôi vẫn chưa có tập thơ ấy trong tay, chỉ thấy ảnh bìa trên các báo.
Và vì không có tập thơ, tôi biết các bài được chọn qua một trang mạng: Người đàn bà ngồi đan, Đôi khi, Trò chuyện, Người lính, Thư cho em, Theo dõi một trận đấu cờ vua, Nguyện ước…
Lý Đợi:Bà sẽ phát biểu gì trong lễ nhận giải lần này?
Theo đề nghị của bà Đại sứ Thụy Điển tại Hà Nội, tôi có chuẩn bị một bài nói ngắn cho lễ trao giải. Cũng không có gì đặc biệt. Chủ yếu nói đến vị thế của thơ trong xã hội đương đại, vai trò của nhà thơ trong sự phát triển của một xã hội và vai trò của văn học trong sự nối kết con người với con người.
Tất nhiên, không thể thiếu lời cảm ơn chân thành đến ban giám khảo giải thưởng Cikada 2015, đến những tổ chức, những cá nhân đóng góp cho sự hình thành giải thưởng và đã lựa chọn tôi.
Lý Đợi:Thời gian gần đây, vì những lý do khác nhau, các nhà thơ tại Việt Nam phải lo nghĩ và phải nói đến nhiều chuyện, chỉ trừ thơ ca ra. Và thực tế tại Việt Nam nhiều người đang có suy nghĩ rằng xã hội đang dần dà công nghiệp thì không cần thơ nữa. Bà nghĩ sao?
Ồ không, đây không phải là vấn đề của riêng các nhà thơ Việt Nam, của thơ Việt Nam.
Cách đây hơn nửa thế kỷ, Saint-John Perse đã nói tại lễ nhận giải Nobel Văn học năm 1960 rằng: “Không có quý vị, thơ hiếm khi được tôn vinh, bởi vì càng ngày càng thấy rõ sự tách rời giữa hoạt động thơ ca với cuộc sống xã hội bị nô lệ vào vật chất”.
Gần đây hơn, một nhà thơ khác, Wisława Szymborska có một “khảo sát” khá bi thảm cho thơ: Trong 1.000 người thì chỉ có 2 người yêu thơ…
Việt Nam, một dân tộc được cho là yêu thơ vào bậc siêu hạng, cũng đang lâm vào tình cảnh chung ấy.
Người ta vẫn nhắc lại câu thơ của Xuân Diệu để giải thích cho sự “hờ hững” với thơ: “cơm áo không đùa với khách thơ”.
Nhưng không phải tự nhiên mà Yevgeny Aleksandrovich Yevtushenko nói: “Thế giới luôn thiếu thơ”
Còn Octavio Paz nói đến sự giải độc cho thị trường và kỹ thuật của thơ ca…
Tôi không bi quan cho thơ nói chung và thơ Việt nói riêng. Dù không nhiều, tôi vẫn nhìn thấy những tài năng trong lĩnh vực này. Tôi vốn là người lạc quan mà. Hãy chờ đợi
Theo BBC