”Việc giam cầm người tỵ nạn vô thời hạn là không thể chấp nhận được vì nó tiêu diệt phẩm giá của con người,” John Ingram, Hạm trưởng hàng không mẫu hạm Melbourne, người đã cứu 99 thuyền nhân Việt Nam trên Biển Đông.Thiếu sinh quân John Ingram gia nhập Hải quân Úc năm 1965 khi vừa 15 tuổi. Mười năm sau đó, ông theo vận tải hạm Sydney đến Việt Nam 5 lần và phụ trách an ninh cho tàu khi cập bến Vũng Tàu.
Khi quân đội cộng sản chiếm Sài Gòn năm 1975, là sĩ quan biệt phái sang quân đội Hoa Kỳ, ông tình nguyện làm công tác chuẩn bị một trại binh Mỹ để tiếp nhận 25 ngàn người Việt Nam tỵ nạn trong 6 tháng.
Ông Ingram nói sự dấn thân vào Chiến tranh Việt Nam của Úc làm cho ông mang mặc cảm tội lỗi và ông muốn giúp đỡ những người Việt Nam tỵ nạn.
Trong nửa sau của những năm 70, ngoài giờ làm việc ở Tổng hành dinh Hải quân Úc ở Canberra, ông làm thư ký cho Hội Ái hữu Tỵ nạn Đông dương. Ông và vợ là Janet cùng một số thiện nguyện viên trong hội đã mua và tu sửa một số nhà cũ của chính phủ để cho người tỵ nạn ở tạm, vì hội cho rằng việc giam giữ họ trong trại là thất sách.
Năm 1980, ông được bổ nhiệm làm Hạm trưởng hàng không mẫu hạm Melbourne. Năm sau đó, trong một chuyến tuần dương ở Biển Đông, tàu Melbourne vớt 99 người Việt Nam tỵ nạn.
Được biết với mã số MG99, những người này là một phần của làn sóng thuyền nhân từ Việt Nam vượt biên tìm tự do vào cuối thập niên 80. Nay họ được xem là những di dân thành công nhất trong quá trình định cư ở Australia.
Hạm trưởng Ingram về hưu năm 1984. Ông và bà Janet vẫn giữ liên lạc với cộng đồng MG99 mà nay đã phát triển đến hơn 300 thành viên.
Ông xem cuộc cứu vớt 99 người Việt Nam đó là “một điểm son” trong đời hải quân của mình, và mô tả chính sách giam cầm người tỵ nạn vô thời hạn hiện nay là “kinh tởm không thể chấp nhận được vì nó tiêu diệt phẩm giá của con người”.
Source: ABC Australia
Sửa bởi người viết 25/06/2012 lúc 10:35:45(UTC)
| Lý do: Chưa rõ