WESTMINSTER, Calif. (NV) - “Làm sống lại khoảnh khắc đẹp nhất của tất cả những ai đã đi qua đoạn đường từ 1965 đến 1975, dù là giai đoạn của chiến tranh, nhưng lại là giai đoạn đầy xúc cảm của thời sinh viên, thời tuổi trẻ.”
Đó là lý do để giọng ca một thời Lê Uyên ấp ủ và quyết định thực hiện đêm nhạc mang đậm hơi thở của thời kỳ đầy biến động ấy.
Đêm nhạc với chủ đề “Sài Gòn: Cà phê-Sân trường thời 1970” diễn ra vào tối Thứ Sáu, 11 Tháng 12, 2015 tại hội trường Việt Báo.
Lê Uyên và Phương của một thời "Sài Gòn: Cà phê-Sân trường" (Hình: Lê Uyên cung cấp)
“Bao nhiêu năm qua, hầu như ở khắp mọi nơi tôi đến, từ Âu Châu, Úc Châu, ngay cả ở Mỹ, bất cứ trong buổi trình diễn nào, dù nhỏ hay lớn, đều có khán giả nhắc lại thời ngày xưa của tôi, của họ. Họ nhắc tôi từng mặc áo màu gì, hát ra sao, ở buổi trình diễn nào. Họ nhắc có hôm diễn trời mưa, tôi đi vào trước, anh Lộc (Lê Uyên Phương) cầm đàn theo sau. Họ nhắc 'thấy anh chị chở nhau trên xe lambretta để đi hát hay thu truyền hình'... Mỗi người cho tôi một sự nhắc nhở của họ với hình ảnh của chính mình ngày đó,” Lê Uyên kể bằng giọng say sưa.
Theo cô, sự gợi nhắc lại những giây phút “thần tiên” ấy khiến người nhắc vui và bản thân cô “lại càng sung sướng hơn” bởi lẽ “đó là những thứ thuộc về mình, về thế hệ mình.”
“Vậy thì tại sao tôi không gợi lại, làm sống lại khoảnh khắc đẹp nhất đó cho tất cả mọi người?” Lê Uyên nhắc lại nguyên nhân thôi thúc cô thực hiện chương trình mang tên “Sài Gòn: Cà phê-Sân trường thời 1970.”
Ai từng sống qua những năm tháng chiến tranh, ở lứa tuổi học trò, ở lứa tuổi sinh viên, có thể nào quên những chiều nghêu ngao “Trả lại em yêu con đường học trò/Những ngày Thủ Đô tưng bừng phố xá/Chủ Nhật uyên ương, hẹn hò đây đó/Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt”, có thể nào quên “Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá /thà như giọt mưa khô trên tượng đá /thà như mưa gió đến ôm tượng đá /có còn hơn không, có còn hơn không /có còn hơn không, có còn hơn không.”
Ai từng sống qua những năm tháng chiến tranh, ở lứa tuổi học trò, ở lứa tuổi sinh viên, có thể nào quên những đêm ngồi ôm đàn hát cùng bè bạn “Con đường về ban trưa/tới nhà hay vào lớp/ Con đường của đôi mình/ôi chuyện tình thư sinh”, có thể nào quên, “Theo em xuống phố trưa nay đang còn chất ngất cơn say/Theo em bước xuống cơn đau, bên ngoài nắng đã lên mau /Cho nhau hết những mê say, cho nhau hết cả chua cay...”
Lê Uyên, người từng làm nên “19 ngày huyền thoại Lê Uyên Phương”, tâm sự, “Thời gian đó có quá nhiều biến chuyển trong đời sống, không ai biết trước chuyện gì sẽ xảy ra. Mình là người thường mà còn cảm xúc với mọi thứ diễn ra xung quanh thì với người nhạc sĩ, niềm xúc cảm đó còn lớn lao hơn.”
“Có thể nói thời 70 là thời gian sung sức nhất, sống động nhất cho tất cả mọi người, nhất là giới sáng tác. Vì vậy, tôi muốn có một buổi cùng mọi người, những khán giả của tôi, những người cùng thời với tôi, trở lại để cùng hoài niệm, để nhắc nhớ nhau về một thời mình đã sống,” cô nói.
Nhớ lại chuyện những ngày xưa. Nhớ chuyện tưởng chừng bâng quơ. Nhớ chuyện ngỡ qua rồi. Tất cả những tưởng đã phôi pha, đã nhạt nhòa. Vậy mà không. Ký ức, trong một góc nào đó, lưu giữ tất cả, chỉ chờ có dịp là bừng lên, là sống lại, lãng mạn, đẹp đẽ, thơ mộng như thưở nào, dẫu đó là phút giây của đau khổ, của chia lìa, của tan vỡ...
“Khoảnh khắc được nhớ lại, được sống lại với kỷ niệm, với tôi, là hạnh phúc, và tôi muốn gợi lại điều đó.” Giọng ca của “Dạ Khúc Cho Tình Nhân” khẳng định một lần nữa.
Theo Lê Uyên, “Đây là buổi nhạc dành cho những người cùng thời với Lê Uyên Phương. Đồng thời để cho những người trẻ muốn biết ngày đó bố mẹ mình yêu làm sao, thời sinh viên họ sống thế nào, phải mượn từng điếu thuốc ra sao, uống ly cà phê chịu thế nào...”
Hãy đến với “Sài Gòn: Cà Phê-Sân Trường thời 1970” để biết được ngày xưa của tuổi học trò, của thời sinh viên, của thời mơ mộng!
Dĩ nhiên, “Sài Gòn: Cà Phê-Sân Trường thời 1970” không chỉ có nhạc của Lê Uyên Phương, mà còn là thời gian một thế hệ đắm chìm trong ca từ của Trịnh Công Sơn, trong giai điệu của Phạm Duy và nhiều người khác nữa.
Dĩ nhiên, “Sài Gòn: Cà Phê-Sân Trường thời 1970” không chỉ có giọng ca chính Lê Uyên mà còn có Uyên Phương, Phạm Hà, Thương Linh cùng tay violin Hoàng Công Luận.
Hãy gác lại những bận rộn, những lo toan, những mệt nhoài, để đến với “Sài Gòn: Cà Phê-Sân Trường thời 1970” vào tối Thứ Sáu, 11 Tháng 12, 2015 tại hội trường Việt Báo để sống lại một thời không thể nào quên.
Chương trình bắt đầu lúc 7:30 PM. Để đặt vé, xin liên hệ Việt Báo: 14841 Moran St. Westminster CA 92683, điện thoại: 714 894 2500.
Ngọc Lan/Người Việt