Mùa đông năm nay được cho biết là rất lạnh, vùng Tây Bắc sẽ có tuyết rơi trong tháng 12, vùng Đông Bắc tuyết sẽ rơi nhiều
hơn mức bình thường và ở khu vực miền Nam sẽ có những ngày đường bị đóng băng. Đó là những gì được dự báo trong
mùa đông sắp tới bởi cuốn niên giám The Old Farmer’s Almanac ấn bản năm 2015-16 vừa được phát hành vào cuối tháng 8
vừa qua.
The Old Farmer’s Almanac là loại tạp chí xuất bản định kỳ lâu đời nhất ở vùng Bắc Mỹ, trong đó có đủ mọi đề mục như trang
trí nhà cửa, làm vườn, lịch sử, nấu ăn và truyện cười. Nhưng trên hết và nổi tiếng nhất của tờ niên giám này là phần dự báo
thời tiết trong suốt một năm được quảng cáo là đúng tới 80%.
Và cũng như mọi năm, khi ấn bản mới nhất vừa được phát hành thì phần dự báo thời tiết đã được nhiều người bàn tán. Một
phần là vì năm nay cuốn niên giám dự đoán có một số chi tiết đi ngược lại với những gì mà các nhà khí tượng học dự đoán,
trong đó cuốn niên giám không nói tới hiện tượng El Nino, mà theo các nhà khí tượng học, sẽ mang đến mưa nhiều trong khu
vực miền Tây đang bị nạn hạn hán trầm trọng, trong khi cuốn The Old Farmer’s Almanac nói rằng khu vực này sẽ tiếp tục khô
cằn.
Cuốn niên giám The Old Farmer’s Almanac phát hành lần đầu vào năm 1792. Vào thời đó, nó giống như một chiếc điện thoại
thông minh của thời hiện đại này: tựa như một thiết bị điện tử cầm tay trong đó chứa đựng đủ mọi thứ thông tin về tất cả mọi
vấn đề – giữ gìn sức khoẻ, dự báo thời thiết, truyện cười, gia chánh, bảng liệt kê chi tiết giờ giấc mặt trời mọc và lặn trong
ngày v.v…
Lúc đầu tên của nó là The Farmer’s Almanac, sau đó được thêm chữ “Old” vào trong khoảng thời gian thập niên 1800, vì lúc
này đã có rất nhiều những cuốn niên giám tương tự cạnh tranh trên thị trường. Và nó cũng không phải là cuốn niên giám đầu
tiên. Vinh dự này phải dành cho cuốn Poor Richard’s Almanac của Benjamin Franklin. Có lẽ vì nhớ công lao của Franklin nên
hình của ông này được in trên trang bìa của cuốn The Old Farmer’s Almanac nhiều lần.
Đến nay vẫn còn một số cuốn niên giám dành cho nhà nông tiếp tục được in, ví dụ như cuốn Harris’ Farmer’s Almanac.
Nhưng cuốn The Old Farmer’s Almanac được xem như cuốn niên giám “gốc” dựa trên những tiêu chuẩn ngày nay – và là
cuốn niên giám lâu đời nhất được xuất bản định kỳ (mỗi năm một lần) tại Hoa Kỳ. Để có được chút khái niệm về sự lâu đời của
nó, khi cuốn đầu tiên được xuất bản, George Washington đang làm tổng thống.
Và để hiểu được tầm quan trọng và ảnh hưởng của nó lên cuộc sống của người dân Mỹ thời xa xưa thì chúng ta phải biết rằng
lúc đó đa số các gia đình người Mỹ trong nhà phải có được hai cuốn sách để đọc: một là cuốn The Old Farmer’s Almanac, và
cuốn kia là cuốn Thánh Kinh.
Sự nổi tiếng của nó trước đây có lẽ cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên mặc dù phải cạnh tranh với rất nhiều những cuốn
niên giám khác. Điều đặc biệt hơn hết của cuốn The Old Farmer’s Almanac là sự trường kỳ của nó và vẫn còn được in với ấn
bản trên giấy.
Sự tồn tại của cuốn niên giám không chỉ vượt thời gian, đến nay các bài vở trong đó vẫn được soạn và chuẩn bị kỹ càng, đặc
biệt là bài vở mang tính thời gian, như về vị trí của những hành tinh và những thiên thể khác vào một thời điểm nào đó của
năm, sự chuyển động thủy triều của những ngày trong tháng, và đương nhiên phải kể đến thời tiết nữa. Cuốn The Old
Farmer’s Almanac nổi tiếng nhất là về dự báo thời tiết trọn năm. Và danh tiếng này vẫn còn giữ được cho đến ngày nay, mặc
dù thời thế đã thay đổi, và kỹ thuật mỗi ngày một tân tiến hợp cùng những phương pháp khoa học.
Ngay từ cuốn niên giám đầu tiên, ông Robert B. Thomas, nhà sáng lập và chủ bút lúc đó, đã sử dụng một kỹ thuật dự báo dựa
trên lý thuyết mà nhà thiên văn học Galileo đã lập ra vào thế kỷ 17, đó là những vết đen nhìn thấy trên mặt trời (sunspots),
những vết đen này thay đổi theo chu kỳ trung bình 11 năm, ảnh hưởng đến khí hậu và thời tiết trên trái đất.
Năm nay, theo cuốn niên giám, có những dấu hiệu cho thấy hoạt động của mặt trời có vẻ yên lặng, và vì vậy thời tiết trên trái
đất mát hơn bình thường.
Về dự báo thời tiết trong ấn bản mới nhất, cuốn The Old Farmer’s Almanac vẫn tiếp tục lấy các dữ liệu từ những vết đen trên
mặt trời đó rồi kết hợp với một công thức bí mật mà trên trang mạng của cuốn niên giám này giải thích rằng công thức đó đã
được gạn lọc bằng kinh nghiệm của những người đi trước rồi kết hợp cùng với kỹ thuật mới và những tính toán theo phương
pháp khoa học hiện đại bao gồm: nghiên cứu vết đen và các hoạt động của mặt trời, nghiên cứu tất cả những dữ liệu mới nhất
thu thập từ vệ tinh, xem nhiệt độ của nước biển, quan sát các luồng khí di chuyển trong bầu khí quyển v.v… Còn cách tính
toán ra sao để đưa đến những kết luận cho dự báo thì chỉ một vài nhân vật quan trọng của cuốn niên giám mới được biết. Nó
bí mật đến nỗi hiện đang được khoá kín tại một địa điểm ở tiểu bang New Hampshire và người ta so sánh sự bí mật của nó
ngang với công thức pha chế bí mật của món nước giải khát Coca Cola.
Tuy nhiên, nhiều nhà khí tượng học ngày nay bác bỏ công thức dự báo đó và cho rằng dù bằng cách nào thì cũng không thể
so sánh độ chính xác với những kỹ thuật hiện đại đang được sử dụng dựa trên hàng tỉ kho dữ liệu được xử lý bởi những máy
siêu điện toán. Rồi các vệ tinh nhân tạo ngoài không gian và một mạng lưới những khinh khí cầu theo dõi thời tiết tinh vi trên
không trung, cùng với hệ thống radar kỹ thuật cao để có được độ chính xác lên xuống của từng phần trăm nhiệt độ trong từng
khu vực.
Dù vậy, cuốn niên giám The Old Farmer’s Almanac đã trải qua thử thách và có được uy tín cho đến ngày nay là nhờ dự báo
thời tiết khá chính xác. Vào những thập niên 1930 và 1940, nhiều người Mỹ vẫn thường viết thư cho ban biên tập của cuốn
niên giám hỏi trước về điều kiện thời tiết vào những ngày, những tuần hay những tháng trong năm. Các cô dâu thì muốn biết
trong ngày cưới của họ nắng có đẹp; giáo sĩ Do Thái giáo thì hỏi cho biết giờ giấc chính xác vào lúc hoàng hôn ở một thành
phố nào đó để họ có thể thắp sáng những ngọn nến trên bàn thờ trong nhà nguyện; sửa nhà hay tổ chức một buổi pinic ngoài
trời cũng nên biết trước ngày đó mưa hay nắng. Cuốn niên giám đã đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của người dân
Mỹ và đã làm công việc đó một cách đều đặn, bền bỉ trong một thời gian trải dài qua nhiều thế hệ và vẫn còn đang tiếp tục.
Một trong những huyền thoại của cuốn niên giám được tờ New York Times kể lại trong một số báo vào năm 1947: Một phụ nữ
thuộc giới thượng lưu ở ngoại ô thành phố New York có lần tính tổ chức một buổi tiệc ngoài trời vào một ngày thứ Bảy của
tháng Sáu. Chủ bút cuốn niên giám lúc ấy là Robb Sagendorph, qua lời yêu cầu của phụ nữ kia, đã nghiên cứu hồ sơ dữ liệu
thời tiết của những năm trước đó và đề nghị nên mở tiệc vào ngày thứ Bảy của tuần lễ thứ ba trong tháng. Và quả thật, hai
ngày thứ Bảy của tuần lễ thứ nhất và nhì bị mưa, và thứ Bảy được Sagendorph chọn trời trong xanh không một gợn mây. Lẽ
đương nhiên, theo tờ New York Times, Robb Sagendorph đã không bỏ lỡ cơ hội về thành tích này để quảng cáo và gây thêm
uy tín cho tờ niên giám.
Tuy vậy, cuốn The Old Farmer’s Almanac không cần phải tiên đoán đúng tất cả mọi lúc, nó chỉ cần đúng ở nhiều trường hợp là
đã đủ. Và đó chính là phần quan trọng nhất vì sao cuốn niên giám còn tồn tại đến ngày nay. Thêm nữa, nó không dự đoán quá
chi tiết mà chỉ bao quát và đôi khi nói một cách chung chung. Và cũng cần nhớ rằng trước đây đa số người Mỹ là nông dân, và
cuốn niên giám nguyên thủy là phục vụ cho những người làm nghề nông. Nhà nông thì không cần phải biết chính xác ngày
hôm đó mưa hay nắng mà họ chỉ cần biết mùa trồng trọt có mưa thuận gió hoà không, và khi nào thì thời tiết hết lạnh để bắt
đầu gieo hạt. Nhờ những chi tiết này mà cuốn niên giám thời ấy được sự tin tưởng của giới nông dân, rồi thế hệ này nhắc lại
cho thế hệ sau, đến nay con cháu của những người nông dân đó dù đã bỏ nghề nông từ lâu nhưng vẫn nhớ tới nó, giống như
ông bố lái một chiếc xe tốt, ít hư thì y như rằng ông con cũng sẽ lái chiếc xe cùng hiệu đó.
Mà thời tiết không chỉ quan trọng đối với nhà nông xưa kia, câu chuyện mưa nắng còn bắt rễ sâu xa trong nhiều khía cạnh sinh
hoạt của người sống tại các đô thị ngày nay, nhất là những sinh hoạt ngoài trời: chơi banh, chạy bộ, đi dạo v.v… Đó là mối
quan hệ liên đới chặt chẽ giữa khí hậu thời tiết và tất cả mọi sinh hoạt của chúng ta ở bất kỳ thời đại nào.
Và vì vậy, những tin tức về thời tiết không bao giờ là dư thừa. Nay, trên những điện thoại thông minh có tới hàng chục những
ứng dụng người ta có thể cài đặt chuyên về dự báo, theo dõi thời tiết, bão tố ở từng địa phương cũng như trên toàn thế giới.
Trong đó có một số ứng dụng bắt chước theo nội dung của cuốn niên giám The Old Farmer’s Almanac, ví dụ như hệ thống
định vị GPS chẳng hạn. Năm 1792, các vệ tinh nhân tạo bay ngoài không gian chưa có, nhưng cuốn niên giám đã có đề mục
cho biết những khoảng cách giữa những địa danh hoặc thành phố mà nhiều người cần biết. Một thứ bản đồ Google của thời
đó.
Có thể nói cuốn niên giám The Old Farmer’s Almanac đã đáp ứng đúng nhu cầu của đa số người dân trước đây, trong đó có
những nhu cầu đến nay vẫn không thay đổi. Nếu có khác thì chỉ khác về kỹ thuật còn nội dung căn bản thì vẫn thế.
Với hơn hai thế kỷ góp mặt trên các kệ sách, đến nay cuốn niên giám Old Farmer’s Almanac vẫn thu hút một số lượng độc giả
rất đông. Ấn bản năm nay có số lượng phát hành là 3 triệu cuốn, và trên trang Facebook của nó có tới 1 triệu thành viên. Cho
dù đây là cuốn sách để giải trí hay để học hỏi thêm kiến thức, người đọc nó có thể tìm trong đó đủ mọi đề tài từ cách học làm
vườn đến danh sách những điều cần làm và những món quà cần phải mua vào dịp lễ cuối năm. Và đương nhiên, phần dự báo
thời tiết cũng là mục đáng nên đọc.
Huy Lâm