Giáo hoàng Francis đã công nhận phép màu nhiệm thứ hai được cho là do Mẹ Teresa thực hiện, mở đường để vị nữ tu dòng Công giáo La Mã được phong thánh trong năm tới.
Phép màu nhiệm được nhắc tới là việc chữa lành cho một người đàn ông Brazil mắc chứng u não hồi 2008, Vatican nói.
Mẹ Teresa qua đời năm 1997 và đã được ban chân phước vào năm 2013, bước đi đầu tiên dẫn tới việc được phong thánh.
Bà đã được trao giải Nobel Hòa bình vì những gì bà đã làm cho người nghèo trong các khu ổ chuột ở thành phố Kolkata (Calcutta) của Ấn Độ.
"Đức Thánh Cha đã cho phép Bộ Tuyên Thánh La Mã công bố công nhận phép màu nhiệm đã xảy ra từ việc cầu nguyện hồng phước Mẹ Teresa," Vatican nói hôm thứ Sáu.
Bà được trông đợi là sẽ được phong thánh tại Rome trong tháng Chín tới.
Sơ Christie, phát ngôn nhân của Dòng Thừa sai Bác ái Mẹ Teresa, được thành lập năm 1950, nói với BBC rằng họ vô cùng vinh hạnh trước tin này.
"Hiển nhiên là toàn bộ chúng tôi tại Dòng Thừa sai Bác ái cảm thấy cực kỳ hạnh phúc. Nhưng chúng tôi vẫn chưa có bất cứ kế hoạch nào nhằm ăn mừng lời tuyên bố này," bà nói.
Một người để được Giáo hội La Mã phong chân phước đòi hỏi phải có một phép màu, còn tiến trình dẫn tới được phong thánh đòi phải có bằng chứng về ít nhất là hai phép màu.
Mẹ Teresa được phong chân phước năm 2003 sau khi Giáo hoàng John Paul II chấp nhận một phép màu được cho là nhờ bà mà có, quả là đúng.
Ngài nói rằng việc một phụ nữ Ấn Độ đã mất đi khối u bất thường là kết quả của sự tác động siêu nhiên của Mẹ Teresa khi đó đã quá cố, điều mà những người theo chủ nghĩa duy lý Ấn Độ tỏ ý không tin.
Không có mấy chi tiết về việc khỏi bệnh của người đàn ông Brazil, người mà Vatican nói là sự sống đã được cứu nhờ phép màu nhiệm thứ hai.
Danh tính của người đàn ông này không được tiết lộ, nhằm duy trì sự trung dung, thận trọng trong quá trình điều tra, Catholic New Agency nói.
Hãng tin tức của Giáo hội nói ông này đã khỏi bệnh u não một cách bất ngờ hồi 2008 sau khi vị tăng lữ của ông cầu xin Mẹ Teresa hãy có lời với Chúa.
Mẹ Teresa, tên thật là Agnes Gonxha Bojaxhi, chào đời tại Skopje, trước thuộc Đế chế Ottoman, nay là Macedonia, vào năm 1910. Gia đình bà là người Albania và là những người Thiên chúa giáo sùng đạo.
Bà đã dành cả cuộc đời cho việc chăm sóc những người nghèo khổ, bệnh tật tại Kolkata.
Tuy nhiên, những người chỉ trích bà thì cáo buộc bà phát triển đạo Công giáo theo đường lối cứng rắn, chấp nhận cả những nhà độc tài và nhận các khoản đóng góp quỹ từ họ.
Những người ủng hộ thì nói việc nhận quỹ là thỏa đáng, chuyện tiền đến từ nguồn gốc nào không quan trọng, bởi tất cả đều được dùng để giúp người nghèo.
Theo BBC