Hình minh họa.
Cả tuần nay mạng xã hội xôn xao về một đoạn clip ghi lại một nhóm thanh niên Việt Nam tham gia câu lạc bộ (lớp học) dạy
nhau làm giàu “tuyên bố ước mơ triệu đô” của mình. Nhìn nhóm thanh niên có phần trí thức, bày biện laptop như kiểu đang
vạch ra các chiến lược lớn lao cho bản thân, cùng những câu nói máy móc, rập khuôn và giáo điều, thiết nghĩ thanh niên Việt
Nam vẫn còn một bộ phận ngủ mơ giữa những ngày hội nhập.
Nhóm thanh niên đến từ các trường đại học lớn tại Sài Gòn, trong đó có cả người xưng là sinh viên khoa học tự nhiên TP
HCM (một thành viên trường Đại học Quốc gia TP HCM của Việt Nam). Mỗi người lần lượt đứng lên, hô hào rất lớn những
câu khẩu hiểu mà tôi chắc mẫm là theo khuôn mẫu, đại loại là “tôi là…tôi quyết tâm năm 2016 sẽ có một triệu đô la đầu tiên từ
ba (hoặc bốn) nguồn thu nhập… Tôi xứng đáng được ủng hộ và tôn vinh vì bất chấp mọi trở ngại…”. Không ai đánh thuế ước
mơ, nhưng xin thưa mấy “ông trẻ” rằng, sao mơ gì mà máy móc và giống nhau từng câu từng chữ đến thế. Các bạn được
học những câu nói “nổi cả da gà” ấy từ đâu và từ ai: Trường học hay trường đời? Đến nỗi ngay cả những thành viên trong
nhóm, có lúc không kiềm chế được cũng bật cười một cách vô thức, khó hiểu về một nhóm thanh niên chẻ tre nhưng… điên
dại.
Chợt nhớ đến những ngày lầm lũi đi tìm “chân lý sống”, bắt gặp vài đứa bạn đến từ Anh, Mỹ, Singapore hay Nhật Bản. Có
đứa đôi mươi, đầy sức sống, nhưng lúc nào cũng làm việc bằng cái đầu lạnh và trái tim thật nóng. Chúng nó là những thanh
niên thích làm hơn thích nói, hai mươi tuổi đã sở hữu công ty riêng, thấy tôi có ý ngưỡng mộ (dù lớn tuổi hơn tụi nó nhiều), có
đứa gạt tay khiêm tốn: “có gì đâu anh ơi. Ở đất nước em, mở công ty dễ như ăn cháo. Cứ mở laptop lên, đăng ký vài thứ là
thành… giám đốc. Có đứa 18 tuổi đã làm giám đốc, có ma mới quan tâm nó chức to cỡ nào hay khoe khoang tới đâu. Nhìn
vào cái người ta làm thì ghi nhận, vậy thôi”.
Thế nên, không phải vì nó làm giám đốc của một học viện đào tạo âm nhạc cho thanh niên, hay đang làm chủ một doanh
nghiệp cung cấp hoa tươi… với doanh thu hàng trăm ngàn USD một năm (mà nó bảo là chưa có gì đáng kể) mà tôi ngưỡng
mộ nó, mà vì nó biết mình biết ta, biết khiêm tốn và không ngừng học hỏi, nhất là không bao giờ bị mắc phải cái bệnh khẩu
hiệu và giáo điều vốn thường thấy ở không ít thanh niên Việt Nam – giỏi kêu ca, ngại làm, ngại va chạm, toàn quyết tâm bằng
miệng. Thế nên lắm khi, có đứa sinh viên Việt Nam nói với tôi rằng “tôi muốn làm Bill Gates của Việt Nam (hay những ông
trùm tương tự), tôi phẩy tay nói về mà ngủ đi, mơ chắc còn khó, đừng nói tào lao”.
Không biết tôi có quá nhạy cảm không, nhưng không biết từ đâu (giáo dục, nề nếp sống xã hội…) thanh niên Việt Nam hiện
ngày càng lâm vào nhiều “bệnh”. Một bệnh thường gặp là tự cao. Thay vì tuyên bố “tôi có thể làm được…”, họ thường sẽ
tuyên bố “chỉ có tôi mới có thể làm được”. Ngay cả khi họ bảo “tôi có thể” thì trong tay của họ cũng chẳng có bất kỳ một cái gì
thuyết phục được một đứa trẻ lên ba tin lời họ nói.
“Bệnh” thứ hai là bệnh thích kêu ca. Họ kêu ca và đổ lỗi cho mọi thứ, mọi nơi, mọi lúc và bất kỳ điều gì họ không đạt được vì
sự hèn nhát và yếu đuối. Họ thất nghiệp, bằng sự bất lực và biếng nhác, và rồi chẳng biết làm gì hơn ngoài việc đổ lỗi cho
nền giáo dục – thứ mà chính bản thân họ nhiều khi cũng không sẵn sàng thay đổi. Họ lương thấp, bởi tay nghề non kém cùng
tư duy cũ rich khi làm việc, lại bất lực và chỉ còn cách đổ lỗi cho nền kinh tế đang gặp nhiều yếu kém và chậm phát triển. Ngay
cả khi hỏi họ sao thích đổ lỗi vậy, dường như họ cũng không ngần ngại trả lời rằng tại vì… định mệnh, chứ họ nào muốn thế.
“Bệnh” thứ ba mà nhiều thanh niên hay gặp là bệnh tự ru ngủ mình. Họ điên cuồng với thuật ngữ “thu nhập thụ động”, để rồi
tin rằng không cần lao động cũng có thể có tiền. Xin hỏi, ngoài những đồng tiền bất chính như cướp giật, tham nhũng, hối lộ
hay buôn lậu mà truyền thông Việt Nam đưa tin mỗi ngày, thì có cái nghề nào mà người ta không phải bỏ công sức và thời
gian, chất xám và tâm huyết để có? Ngay như việc bán hàng đa cấp, một người đa cấp đúng chất đa cấp cũng phải bán hàng
bằng cái tâm, sự khéo léo và lương thiện; phải bỏ thời gian và tâm sức để có được khách hàng bền vững; thế lấy đâu ra “thu
nhập thụ động” mỗi tháng vài ba triệu cho những “ông trẻ” còn chưa ra trường, quan hệ chưa có, uy tín chưa đầy, chỉ biết nói
phét và lố bịch?
Quay lại chuyện thanh niên hô hào quyết tâm làm giàu trong đoạn clip, tôi tự hỏi đây là sản phẩm của ai? Của một hệ thống
giáo dục mắc phải quá nhiều khuyết điểm, hay của một xã hội vẫn còn nhiều tiêu cực dai dẳng chưa thể giải quyết? Hay đơn
thuần là một nhóm “trẻ hoang” không thể được cải tạo thành những công dân thật sự biết suy nghĩ chín chắn, dám nghĩ dám
làm, dám thực hiện ước mơ bằng sự khiêm nhường và cái đầu trí thức? Dù là sản phẩm của ai, nhưng thiết nghĩ trường học
của các em cũng cần có những điều chỉnh để ít nhất, sinh viên của họ không lấy “nơi đào tạo” của họ ra để rồi tuyên bố
những câu sáo rỗng và điên rồ, khiến dư luận bất bình hơn là thán phục, tức giận hơn là cảm thông.
Tôi cứ nghĩ thanh niên Việt Nam chỉ một thời bị đầu độc bởi rượu cồn và thuốc phiện của thực dân Pháp, ấy thế mà đến hôm
nay, sau khi đất nước độc lập và bước vào cuộc đua hội nhập, thì không ít thanh niên vẫn tự đầu độc mình bằng những giấc
mơ đúng nghĩa đen, những cơn mộng mị với những đồng tiền nhập nhòe đến phát tởm. Chẳng biết có ăn thấy bối rối như tôi
sau khi xem đoạn clip đó hay không?
VIDEO Theo Blog của Cao Huy Huân (VOA)