Hàng giả @unodcTheo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc được công bố hôm nay 16/04/2013, thì tội phạm có tổ chức ở Đông Á và khu vực Thái Bình Dương mang lại doanh số gần 90 tỉ đô la Mỹ mỗi năm qua các vụ buôn lậu, làm hàng giả, buôn bán ma túy, buôn người hay động vật.
Cuộc điều tra mang tên “Tội phạm có tổ chức xuyên biên giới ở Đông Á và Thái Bình Dương : Ước lượng về mối đe dọa” nêu rõ, hoạt động làm hàng giả đem lại lợi nhuận nhiều nhất, với thu nhập hàng năm 24,4 tỉ đô la. Tiếp đến là buôn lậu gỗ với 17 tỉ đô la, buôn heroin (16,3 tỉ đô la), ma túy tổng hợp (5 tỉ đô la) rồi buôn lậu thuốc tây, thị trường chợ đen linh kiện điện tử (3,75 tỉ), buôn lậu các loài động vật được bảo vệ (2,5 tỉ). Đưa người vượt biên, buôn bán phụ nữ làm gái mại dâm mang lại lợi nhuận nhiều trăm triệu đô la hàng năm.
Theo Sandeep Chawla, Phó giám đốc Cơ quan bài trừ ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (ONUDC/UNODC), việc tiêu thụ heroin đang tăng lên trong khu vực. Trung Quốc tiêu thụ nhiều nhất, còn Miến Điện là nhà sản xuất hàng đầu. Ông Chawla cho biết: “Miến Điện là nguồn cung cấp thuốc phiện chủ yếu ở Đông Nam Á. Cần phải hành động, điều này rất quan trọng cho khu vực”.
Đại diện cơ quan ONUDC/UNODC tại khu vực, ông Jeremy Douglas, nhấn mạnh đến những nguy hiểm của việc buôn lậu lên sức khỏe cộng đồng. Ông nói: “Khoảng một phần ba đến 90% thuốc trị sốt rét tại Đông Nam Á có nguồn gốc buôn lậu”, sản xuất tại Trung Quốc và Ấn Độ, với hậu quả là tỉ lệ tử vong bất bình thường của bệnh nhân và hiện tượng kháng thuốc.
Theo Tổ chức Hải quan Thế giới, thì 75% các loại hàng giả bị tịch thu trên toàn thế giới từ năm 2008 đến 2010 đến từ Đông Á, chủ yếu là từ Trung Quốc.
Source: RFI