Mỗi năm có khoảng 5 triệu trường hợp qua đời được đưa đi hỏa táng ở Trung Quốc
Hồi đầu tuần rồi, chính phủ Trung Quốc tổ chức một cuộc thi kỳ lạ.
Hơn 50 người thạo nghề nhất nước tranh tài danh hiệu người hỏa táng xuất sắc nhất.
Tuy là lần đầu tiên được tổ chức thi trên toàn quốc, nhưng cuộc thi đã đụng đến những vấn đề sâu sắc trong tâm can người Trung Quốc về cái chết, về việc sử dụng đất và về cả vấn đề đào tạo nghề nghiệp.
Chi tiết về cuộc thi chỉ được nêu sơ sài trên truyền thông nhà nước, theo đó nói các ứng viên phải thể hiện được "các kỹ năng chuyên môn" và phải qua cuộc sát hạch về kiến thức nghề nghiệp.
Theo nội dung đăng trên trang web của Bộ Công chính Trung Quốc, các tiêu chuẩn cần đạt gồm: chuẩn bị lò thiêu, tiếp nhận và hỏa táng thi hài, thu cất tro, bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị.
"Đòi hỏi kỹ năng"Một phát ngôn nhân của Bộ nói với hãng tin Tân Hoa Xã rằng điều quan trọng đối với một nhân viên hỏa táng là phải có "thái độ đúng mực, và phải đưa tiễn người quá cố một cách yên lành, chu tất".
Thân nhân người quá cố cũng cần phải được trao lại tro cốt tinh khiết nhất có thể - "phải trắng như ngà voi và không lẫn chút tạp chất nào".
Ba người đoạt giải cao nhất là nhân viên của đài hóa thân ở nghĩa trang Bát Bảo Sơn, và một người khác đến từ thành phố Nam Xương.
Truyền thông nhà nước cũng đăng những câu chuyện về những người dự thi.
Họ kể về những phiên làm việc nhiều giờ trong các căn phòng nóng tới 50 độ C, và phải điều khiển lò hỏa táng nhiệt độ cao tới 600 độ C.
"Thường chúng tôi phải làm 10-12 giờ mỗi ca. Vào lúc cao điểm, chúng tôi tiếp nhận tới 250-260 thi thể mỗi ngày," Liu Yong nhân viên một đài hỏa táng ở Thượng Hải nói.
Cao Lianxing từ Giang Tô nói nhân viên hỏa táng cần phải có kỹ năng tốt.
"Xương cần phải được đốt cháy hoàn toàn trong lúc vẫn giữ được màu trắng, không được để ám một tí khói đen nào. Vào cuối ngày, chúng tôi phải chờ cho lò thiêu nguội đi rồi làm vệ sinh cẩn thận để bụi xương không tích tụ lại bên trong," ông nói.
Ông nói thêm là lò hỏa táng nơi ông làm việc chỉ có 10 nhân viên nhưng tiếp nhận xử lý hơn 10 ngàn thi thể mỗi năm.
Nhận thức xã hộiCuộc thi nhằm "nâng cao hiểu biết xã hội về ngành hỏa táng... và thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển thêm lực lượng nhân công làm trong nghề này," Bộ Công chính nói trong một tuyên bố.
Phát ngôn viên bộ này nói các nhân viên làm nghề hỏa táng phải đối diện với sự dè bỉu mạnh mẽ trong xã hội, và có nguy cơ rủi ro sức khỏe khi phải tiếp xúc, xử lý các thi thể nhiễm bệnh.
Nhà nước cũng khuyến khích việc hỏa táng để giữ đất cho nông nghiệp và phát triển.
Hiện mỗi năm có khoảng năm triệu người qua đời ở Trung Quôc được đưa đi hỏa táng.
Trong lúc dịch vụ này trở nên phổ biến hơn thì các trung tâm hỏa táng lại đang ngày càng thiếu nhân viên và lâm vào tình trạng quá tải.
Ngoài ra, giới chức tổ chức cuộc thi cũng còn nhằm mục đích khuyến khích chọn con đường học nghề trong người lao động.
Dạy nghề, học ngề vẫn là thứ bị nhiều bậc phụ huynh tại Trung Quốc coi thường. Họ muốn con mình phải học đại học.
Có một vấn đề khác nữa trong việc tổ chức cuộc thi này.
Đó là tuy việc hỏa táng đã trở nên phổ biến hơn, nhưng nó vẫn bị coi là chủ đề cấm kỵ ở Trung Quốc. Thiêu xác người thân có thể bị coi là bất kính.
Văn hóa Trung Quốc coi trọng việc thờ phụng tổ tiên, và văn hóa Lão Tử, Khổng Tử tin rằng việc "hủy hoại thi thể là làm gián đoạn sự kết nối với gia đình và tổ tiên, phá hủy đi nơi quay trở lại và làm biến dạng con người", học giả Christina Han từ Đại học Toronto viết.
Có nấm mộ tươm tất để tới hương khói vái vọng là điều quan trọng tới mức Trung Quốc có một ngày đặc biệt cho nghi lễ này trong lịch Âm là tiết Thanh Minh, hay ngày Tảo Mộ.
Đó là lúc các gia đình tới dọn dẹp sạch sẽ mộ người thân và cầu cúng cho linh hồn người quá cố.
Chính phủ Trung Quốc thúc đẩy xây dựng các nhà hóa thân hoàn vũ và bắt buộc hỏa táng và tạo ra những hậu quả xã hội không lường trước được.
China Daily tường thuật rằng hồi tháng Ba đã xảy ra tình trạng cướp mộ và người cao tuổi tự tử trước khi giới chức địa phương quy định về việc hỏa táng bắt buộc, chỉ để mong được chôn cất.
Hồi 11/2014, hai quan chức đã bị bắt sau khi bị cáo buộc đã đi mua xác chết từ những tay cướp mộ để nhằm đạt chỉ tiêu hỏa táng mà chính phủ đặt ra.
Theo BBC