Tiến sĩ Trịnh Hồng Sơn
HÀ NỘI - Trong cuộc họp với báo chí ngày thứ Ba, một bác sĩ có chức vụ cao đã nói về một cuộc giải phẫu ghép đầu người đầu tiên sắp được thực hiện tại Ý. Sau đó, dựa theo kết quả của cuộc thử nghiệm đó, Việt Nam cũng sẽ tiến hành việc ghép đầu người tương tự.
Theo tin của đài VOV tại Việt Nam, Giáo Sư Tiến Sĩ Trịnh Hồng Sơn, phó giám đốc Bệnh Viện Việt Đức, kiêm giám đốc Trung Tâm Điều Phối Tạng Quốc Gia cho biết như sau: bác sĩ phẫu thuật người Italy, ông Cavanero công bố, vào năm 2017 tới, thế giới sẽ thực hiện ca ghép đầu người đầu tiên trong lịch sử nhân loại.
Hiện nay, mọi kỹ thuật đã sẵn sàng, họ đã chuẩn bị ê kíp 150 người bác sĩ và điều dưỡng chuẩn bị cho ca ghép đầu. Theo đó, bệnh nhân nam tên là Valery Spiridonov, người Nga, 30 tuổi, bị mắc phải chứng bệnh teo cơ tủy sống hiếm gặp và hiện chưa có phương pháp điều trị đã tình nguyện tham gia ca ghép đầu người đầu tiên này.
Tại Việt Nam, GS Trịnh Hồng Sơn cho biết: chúng tôi vẫn đang theo dõi các thông tin về ghép đầu người. Sau ca ghép này, Việt Nam cũng lên kế hoạch mời các chuyên gia đến để học hỏi. Các bác sĩ Việt Nam cũng có thể tiến hành kỹ thuật này nếu có người thích hợp và chỉ cần có người cho (đầu) và người nhận (đầu).
GS Hồng Sơn chia sẻ cái khó khăn nhất của các bác sĩ hiện nay đó là nguồn cơ thể hiến tặng, còn về kỹ thuật ghép lúc nào cũng sẵn sàng. Từ ca ghép tạng xuyên Việt hồi tháng 9/2015 vừa qua, trong tương lai gần Bệnh Viện Việt Đức sẽ tiến hành ghép phổi và điều đặc biệt là ghép đầu người.
GS Sơn cho biết, "Các bác sĩ đã sẵn sàng tiến hành ca hiến - ghép đầu. Chỉ còn thiếu một con dao thật đặc biệt, để thực hiện phẫu thuật mà không ảnh hưởng đến tuần hoàn, có thể ghép được đầu. Đối với những bệnh nhân bị liệt tủy sống, liệt tứ chi nhưng đầu óc còn tỉnh táo có thể tiến hành hiến đầu cho người chết não. Theo các tiêu chuẩn mới dựa trên các tiến bộ về y sinh, một con người được coi là chết khi hoạt động của toàn bộ não bộ bị ngừng hoạt động không hồi phục.”
Các bác sĩ Việt Nam đều quan tâm tới thông tin về kỹ thuật ghép đầu người hiện nay trên thế giới. Bác sĩ thế giới đã ghép thực nghiệm trên chuột và con chuột đã sống được 3 tiếng đồng hồ, kiểm soát được nhịp tim và tuần hoàn. Đến năm 1950, ca ghép đầu lên vai một con chó khác tạo chó hai đầu được thực hiện. Con vật này có thể di chuyển, uống nước. Các ca ghép đầu khác cũng được tiến hành vào những năm sau đó.
Hiện nay, kỹ thuật ghép đầu người còn gây tranh luận. Nhưng khi đã nhận được sự ủng hộ sẽ thành công, giống như ca ghép gan đầu tiên vào năm 1962 đã thất bại nhưng 5 năm sau ca ghép gan thành công và đến nay ghép gan đã trở thành một kỹ thuật không thể thiếu của y khoa.
"Tại Việt Nam, các bác sĩ đang theo dõi chặt chẽ diễn biến ca ghép đầu người nói trên và đang trong quá trình lên kế hoạch chuẩn bị người nhận, người cho đầu, nhân lực kỹ thuật, sẵn sàng lập đề án về ghép đầu người.
“Các bác sĩ Việt Nam về trình độ và chuyên môn cũng không thua kém gì các bác sĩ trên thế giới. Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Pháp đánh giá rất cao trình độ chuyên môn của các bác sĩ Việt Nam. Và chúng tôi rất tự hào vì điều đó,” ông Sơn nói với VOV.
Theo báo Viễn Đông