Hỏi đáp Y học: Tai biến mạch máu não Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là Bác sĩ Hồ Văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.
Thính giả Trần Tốt ở Ðồng Nai hỏi như sau:
"Thưa bác sĩ, năm nay con 53 tuổi. Cách đây hai tháng, con bị tai biến nhồi máu não. Bây giờ tay chân con cử động bình thường nhưng sức lực mất hết rồi bác sĩ. Hàm bị cứng và tiếng nói bị đớ lại. Hôm bữa con đi chụp CT thì được kết luận là nhồi máu não cạnh trái sừng trước não. Bây giờ con muốn hỏi là con bị như vậy thì tất cả những sinh hoạt của mình hồi trước biến đổi hoàn toàn, không còn như lúc trước nữa. Có nhiều lúc con đang nói thì tiếng bị đứt ngang không nói được nữa. Con không biết lí do tại sao con lại bị như vậy? Liệu mình có thể bình phục lại được không bác sĩ? Một phần nữa đó là mình bị như vậy thì sinh lý của mình cũng bị mất luôn thưa bác sĩ."
Kính nhờ Bác sĩ giải thích.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền giải thích:
Tải để nghe tai biến mạch máu nãoRối loạn ngôn ngữ và vấn đề bất lực sau khi tai biến mạch máu nãoBệnh nhân 51 tuổi, hai tháng trước bị “tai biến nhồi máu não”, nay tiếng nói đờ, hay bị tắt, đứt ngang, và “khả năng sinh lý” bị mất.
Aphasia, hiểu nghĩa đen từ gốc là [a]= không có, mất [phasia] = lời nói, ngôn ngữ, có nghĩa là không nói được. Tuy nhiên trong y khoa, aphasia được hiểu như là một rối loạn cơ năng bao gồm sự sút kém khả năng tiếp nhận, hiểu ngôn ngữ (nghe, đọc), hoặc sút kém khả năng diễn tả, dùng ngôn ngữ (nói, viết).
Nguyên nhân: Não bộ chúng ta có hai bán cầu, phải và trái. Thường bán cầu não trái (phụ trách nữa thân thể bên phải) là bán cầu trội (dominant) có phần quyết định hơn bán cấu phải. Đa số những người dù thuận tay trái, cũng theo sắp xếp này, nghĩa là bán cầu trái lá bán cầu trội, quyết định.
Não bộ cũng chia ra làm nhiều múi (thuỳ, lobes), và phía trước có những múi trán (frontal lobe), múi thái dương (trước tai, temporal lobe) và múi đỉnh (trên tai, parietal lobe). Trên mặt của những múi này, trong vỏ não (cerebral cortex) có những vùng gọi là những trung tâm ngôn ngữ (language centers), vùng Broca (Broca area), vùng Wernicke (Wernicke area), vùng đỉnh (parietal), xếp theo một hình tam giác.
Dưới vỏ não, có những sợi thần kinh nối liền các trung tâm này với nhau (subcortical connection). Bất cứ nguyên nhân gì làm hư hại vùng tam giác này đều có thể làm hư hại cơ năng ngôn ngữ.
Trong loại aphasia tiếp thu, cảm nhận (receptive, sensory aphasia, Wernicke aphasia; do tổn thương ở vùng thái dương), người bệnh mất khả năng hiểu những gì mình nghe, mình đọc hoặc sờ (như chữ Braille cho người mù). Người bệnh nói trôi chảy nhưng dùng những từ, âm thanh vô nghĩa,và không hiểu những từ mình dùng. Người khác thì nghe không hiểu được bệnh nhân nói gì.
Trong aphasia loại diễn tả hay vận động (expressive, motor aphasia, Broca aphasia; tổn thương vùng thuỳ trán), người bệnh hiểu được những gì mình nghe và đọc, nhưng lại không dùng các từ được, không nói, không viết được, không gọi tên các đồ vật được, nói ráp từ lộn xộn, không theo văn phạm.
Trong chứng gọi là transcortical motor aphasia (TCMA) (rối loạn ngôn ngữ vận động xuyên vỏ não), vùng chất trắng trước và ngoài sừng trước bị tổn hại (subcortical lesion in white matter antero-lateral to left frontal horn). Trong não bộ, "sừng trước" là phần tận cùng nhọn và cong ở phía trước của hai não thất bên [trái và phải],nằm trong thuỳ trán của não ( frontal horns of the lateral ventricles).
Bệnh nhân TCMA có thể giữ khả năng lặp lại những câu nói dài, phức tạp, nghe và đọc hiểu như thường. Triệu chứng chính là nói không thông suốt, khởi động câu nói gặp khó khăn (difficulty with speech initiation), câu nói bị tắt, chặn lại (pauses and blocks).
Trường hợp vị thính giả hỏi ở đây có thể giống loại aphasia này (TCMA).
Vị thính giả mới bị stroke cách đây hai tháng. Trước đây người ta nghĩ bệnh nhân hổi phục cơ năng trong khoảng 6 tháng, sau đó thì không tiến thên nữa. Hiện nay, với cách khảo sát, xếp loại các hình thức aphasia tinh vi hơn, người ta thấy bệnh nhân có thể tiến bộ tiếp tục trong khoảng thời gian lâu hơn nhiều, có lẽ hàng năm. Do đó chúng ta có thể hy vọng hồi phục nhiều hơn nữa trong những tháng kế tiếp.
Một yếu tố khác có thể giúp ít nhiều cho công việc phục hồi cơ năng ngôn ngữ là các phương pháp trị liệu lời nói và ngôn ngữ (speech and language therapy), nhất là nếu chương trình trị liệu được thiết kế riêng cho một bệnh nhân cá biệt, vì mỗi trường hợp đều có những vấn đề khác nhau cần giải quyết.
Về vấn đề bất lực sau khi stroke, có thể có những nguyên nhân sau:
- Bệnh nhân mệt mỏi sau khi stroke, vận động khó khăn, cảm giác có thể giảm đi, lưu thông máu trong các mạch máu đến bộ phận sinh dục có thể bị xơ động mạch làm giảm sút.
- Tâm lý, có thể không còn hứng thú, bị trầm cảm, lo âu (lo hoạt động tính dục gây ra stroke nữa)
- Thuốc men, vd thuốc trị cao huyết áp có thể gây khó khăn cương cứng, giảm libido.
Một số yếu tố trên có thể cải thiện với thời gian, khuyến khích, do bs điều chỉnh thuốc men nếu cần.
Bs cũng có thể dùng một số thuốc chích, thuốc bơm vào niệu đạo (alosprostadil), thuốc uống (Viagra, Cialis) sau một thời gian chờ đợi (thường trên 6 tháng), nếu bs thấy bệnh nhân có thể dùng an toàn, giúp bệnh nhân giải quyết nhu cầu của mình.
Xin nói rõ là tất cả những nhận xét trên đây căn cứ trên y văn hiện có, đều có tính cách thông tin mà thôi. Bệnh nhân cần làm việc trực tiếp với bác sĩ gia đình, bác sĩ thần kinh riêng của mình và theo hướng dẫn của bác sĩ.
Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Source: VOA
Sửa bởi người viết 19/04/2013 lúc 05:07:51(UTC)
| Lý do: Chưa rõ