15 Tổ chức chính trị & XHDS đưa ra bản tuyên bố về Đại hội 12Bản tuyên bố của 15 tổ chức chính trị và xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam nhân dịp đại hội đảng cộng sản diễn ra được chính thức đưa ra vào ngày 26 tháng giêng vừa qua.
Bản tuyên bố của 15 tổ chức chính trị và xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam nhân dịp đại hội đảng cộng sản diễn ra được chính thức đưa ra vào ngày 26 tháng giêng vừa qua. Những điểm đáng chú ý qua bản tuyên bố đó là gì?
Lên tiếngSau một thời gian lấy ý kiến, bản tuyên bố được chốt lại vào ngày 26 tháng giêng và công khai gửi đến cho người dân Việt Nam cùng chính phủ các quốc gia dân chủ, các cơ quan nhân quyền quốc tế.
Bản tuyên bố đưa ra nhận định cho rằng đại hội đảng chỉ là sinh hoạt riêng của đảng cộng sản; thế nhưng ở những quốc gia cộng sản như ở Việt Nam thì hoạt động này lại được xem như của cả nước. Đại hội ngoài việc bầu ra người đứng đầu đảng lại chọn ra ba chức vụ điều hành đất nước là thủ tướng, chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội. Điều này bị cho là đi ngược lại xu hướng dân chủ của nhân loại.
Linh mục Phan Văn Lợi, đại diện Hội cựu tù nhân lương tâm, một trong 15 nhóm ký tên vào tuyên bố cho biết lý do phải lên tiếng:
“Chúng tôi biết Đảng Cộng sản đang họp và họ sẽ bầu người của họ làm tổng bí thư. Đó là việc của họ nhưng bên cạnh đó họ lại chọn ba chức danh: thủ tướng, chủ tịch quốc hội, chủ tịch nước. Dĩ nhiên, quốc hội sau ngày đại hội đảng sẽ hợp thức hóa; nhưng đó chỉ là hình thức thôi; còn thực chất việc quyết định 3 chức danh đó vẫn nằm trong tay đảng cộng sản. Chúng tôi thấy đó là sự lạm quyề, xâm phạm quyền lợi của người dân vì 3 chức danh đó liên hệ đến việc điều hành đất nước. Đó phải là kết quả ý muốn của toàn dân, cho nên các xã hội dân sự thấy cần phản đối đảng cộng sản trong việc chọn 3 nhân vật quan trọng này của nền chính trị đất nước.
Trong tuyên bố chúng tôi nói rằng: chúng tôi vạch trần ý đồ bầu cử quốc hội khóa 14 và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 vào ngày 22 tháng 5 theo kiểu đảng cử, dân bầu mang tính cưỡng bức và dối trá như từ trước.”
Ngoài nhận định như vừa nêu, bản tuyên bố cho biết sắp đến những tổ chức chính trị và xã hội dân sự độc lập tại Việt nam sẽ có những việc làm cần thiết để chấm dứt trình trạng bầu cử bị cho là mang tính giả hiệu dân chủ như lâu nay.
Cách đây 5 năm, một số người dân tại Việt Nam từng công khai phản đối bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân như các thanh niên ở Vinh. Tuy nhiên họ đã bị bắt, đưa ra tòa và chịu án tù.
Một trong những người đó là cựu tù nhân lương tâm Chu Mạnh Sơn. Sau khi có tuyên bố của các tổ chức chính trị và xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam, anh Chu Mạnh Sơn cũng cho biết lại nguyên nhân phải lên tiếng và chấp nhận tù tội như vừa qua:
“Lý do tại sao trước đây chúng tôi kêu gọi mọi người tẩy chay bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân 3 cấp, vì như mọi người dân Việt Nam đều biết: tất cả mọi vị trí lãnh đạo chủ chốt của đất nước Việt Nam do đảng sắp xếp bầu cử giống như câu nói của dân gian ‘khoai đã sắp vào giỏ’. Như thế người dân Việt nam cầm lá phiếu bầu cử không có giá trị. Người dân không được bầu lên những người lãnh đạo đất nước mình, không được tự do lựa chọn những người đứng ra lãnh đạo. Chính vì thế mà lá phiếu của người dân bị mang tính chất lừa bịp và mang tính chất không trung thực. Do đó, chúng tôi phản đối và kêu gọi mọi người phản đối, tẩy chay và vạch mặt việc bầu cử giả dối.”
Ý thức của người dânTheo linh mục Phan Văn Lợi, hiện nay nhiều tầng lớp người dân tại Việt Nam thấy được tình hình thực tế và ý thức của họ về việc bầu chọn người đại diện cũng nâng cao hơn nhiều. Ông có nhận định:
“Chúng ta thấy trong mấy năm qua tiếng nói của người dân ngày càng nhiều hơn, có nhiều tầng lớp hơn, có tổ chức hơn và với nhiều hình thức hơn như viết blog, ra những kháng thư, tuyên bố đưa lên mạng với chữ ký công khai; hoặc xuống đường đến các cơ quan nhà nước để nói lên ý kiến hay sự phản kháng. Từ nông dân, công nhân và nay cả giới luật sư; sự phản kháng ngày càng rộng khắp. Nên cuộc bầu cử tới đây là dịp để người dân biểu lộ sự phản kháng một cách mạnh mẽ hơn, không thể để áp đặt một quốc hội ‘gia nô’ lên đầu cổ.”
Khả năng trấn áp & ứng phóHiện nay nhiều tiếng nói đối lập tại Việt Nam vẫn còn bị trấn áp. Những người lên tiếng đấu tranh như linh mục Phan Văn Lợi hay anh Chu Mạnh Sơn đều cho rằng sắp tới đây tình hình đấu tranh sẽ vẫn tiếp diễn và thậm chí có khi nặng nề hơn.
Linh mục Phan Văn Lợi xác định:
“Dĩ nhiên nhà cầm quyền cộng sản tiếp tục cuộc trấn áp của họ, và chúng tôi lo ngại vì nghe tin ông Trần Đại Quang sẽ lên làm chủ tịch nước. Ông ta sẽ giữ một chức cao hơn chức bộ trưởng công an trước đây. Khi làm bộ trưởng công an ông ta đã đàn áp rất mạnh mẽ rồi, nay lên làm chủ tịch nước có thể ông có quyền lực hơn để trấn áp.
Đại Hội Đảng Cộng Sản Khóa 12 bỏ phiếu và đếm phiếu kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ để chọn 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết cho Ban Chấp Hành Trung Ương khóa mới, tức khóa XII, ảnh chụp hôm 26/01/2016.
Nhưng sự trấn áp là chuyện của họ, chúng tôi thấy sự phản kháng của toàn dân ngày càng dâng cao. Bởi vì bây giờ không chỉ có những nhà đấu tranh mà thôi mà giới nông dân, công nhân, sinh viên học sinh… Chúng tôi sẽ phản đối và cuộc phản đối sắp tới là của toàn dân. Phản đối bằng cách nào chúng tôi sẽ bàn thảo để làm sao cuộc bầu cử đó không còn như mong muốn của đảng cộng sản nữa.”
Tuy nhiên theo cựu tù nhân lương tâm Chu Mạnh Sơn thì với những tương quan thay đổi như hiện nay, một số cách thức sẽ được sử dụng nhằm giúp cho việc lên tiếng đấu tranh được hiệu quả hơn:
“Bản thân tôi sẽ lên tiếng kêu gọi thế giới quan tâm đến tình trạng nhân quyền, quan tâm đến những người bất đồng chính kiến tại Việt Nam qua truyền thông. Và mọi người cần đoàn kết lên tiếng một cách mạnh mẽ, không phải riêng lẻ.Tất cả người dân đồng loạt lên tiếng như vậy mới có sức mạnh.”
Các nhóm xã hội dân sự độc lập và tổ chức chính trị đối kháng ngày càng xuất hiện nhiều ở Việt Nam. Họ đưa ra tôn chỉ giúp người dân đòi hỏi những quyền căn bản của họ qua đấu tranh hợp hiến, hợp pháp; dựa vào những cam kết của chính quyền với cộng đồng nhân loại.
Theo RFA