Việt Nam hiện nay không có chiến tranh, nhưng lại có những dấu hiệu đang ở trong thời loạn. Bởi vì theo nhà xã hội học Tuân Tử thì “một trong những đặc trưng của đời loạn là âm nhạc nhố nhăng, bông lông”[1]. Mà âm nhạc của Việt Nam hiện nay thì quả thật quá nhố nhăng và bông lông. Thị trường âm nhạc ở Việt Nam tràn ngập những bài ca Việt không ra Việt mà Mỹ cũng chẳng ra Mỹ. Đó là thứ âm nhạc lai căng lợn cợn giữa nhạc sến Việt và nhạc sến Mỹ (tức là loại nhạc vỉa hè Rap, Hip-hop, R&B, v.v.).
Đã qua rồi cái thời có những ca khúc hay và đẹp của các nhạc sĩ có thực tài như Trương Quí Hải, Thanh Tùng, Dương Thụ, Trần Tiến, Trịnh Công Sơn, Quốc Dũng, Bảo Chấn, v.v. Ngày nay môi trường âm nhạc bị làm cho ô nhiễm bởi những người cũng được gọi là nhạc sĩ nhưng thực chất chỉ là những người thợ làm nhạc. Những tay thợ nầy làm nhạc rất nhanh và rất nhiều, theo đơn đặt hàng rẻ mạt của các ca sĩ hay các nhà thầu âm nhạc. Họ không cần cảm xúc để sáng tác và cũng chẳng cần tìm kiếm giai điệu hay đẹp, mà chỉ dùng kỹ thuật điện tử để tạo âm thanh cho những câu nói đời thường. Vì thế đã sản sinh những bài ca với giai điệu trúc trắc ngang phè, và lời ca thì thô thiển dung tục [2] [3].
Nhưng tại sao thứ âm nhạc thấp kém như thế mà lại đang được phổ biến rầm rộ hiện nay? Lý giải cho hiện tượng nầy, ta có thể nhận ra một điều rõ nét là hiện nay ở Việt Nam những người thiếu văn hóa chiếm một tỷ lệ cao trong số những người giàu có mới nổi. Những đại gia mới nổi nầy và con cháu họ có trình độ thưởng thức nghệ thuật rất thấp. Người lớn thì chỉ thích nghe nhạc sến Việt với giai điệu lèn phèn và lời ca đơn sơ hợp với cái trí tuệ thô thiển của họ; còn con cái họ thì chỉ đủ sức cảm nhận loại nhạc sến Mỹ ồn ào thô tục. Đám nhà giàu nầy đã tung tiền để bảo trợ những chương trình ca nhạc nhảm nhí trên các sân khấu và đài truyền hình khắp các địa phương. Một đặc tính thường thấy ở những kẻ giàu có mà thiếu văn hóa là tính chơi ngông với tiền bạc, tương tự như công tử Bạc Liêu xưa và Cường Đô La ngày nay. Trong những dịp tiệc tùng như sinh nhật và cưới hỏi, họ dám thuê hàng chục ca sĩ tiếng tăm, với thù lao cả chục ngàn đô la Mỹ mỗi người, để hát những bài ca sến mà họ ưa thích. Cái lối tung tiền để lũng đoạn nghệ thuật ấy đã đẩy ca nhạc Việt Nam vào tình trạng tha hóa, đưa các ca sĩ sến lên ngôi thần tượng, và dìm chết những nghệ sĩ thật tâm yêu âm nhạc và có tinh thần sáng tác vì nghệ thuật. Nhiều nhạc sĩ có tiếng trước đây nay đã công khai tuyên bố ngừng sáng tác, với lý do là không muốn những đứa con tinh thần của mình lẫn lộn trong đống rác hỗn độn của môi trường ca nhạc hiện nay.
Những năm gần đây, người ta còn mời nhiều ca sĩ sến ở hải ngoại về Việt nam và tổ chức những đêm nhạc “hoành tráng” trên khắp ba miền đất nước để các ca sĩ nầy hát những bài ca rên rỉ nỉ non đã một thời làm bại hoại một thế hệ thanh niên trước 1975 và góp phần làm sụp đổ một chế độ cộng hòa. Các đài truyền hình Việt Nam cũng bắt chước Mỹ lập ra những chương trình Việt Nam Idol, The Voice (Tiếng Hát Việt), v.v. để tuyển chọn ca sĩ mới theo mẫu Lady Gaga, Amy Winehouse, Madona, v.v. với giám khảo là những thần tượng sến mà tên tuổi gắn liền với những vụ tai tiếng như hôn môi nhà sư, tặng đại gia một đứa con, v.v. và kết quả các cuộc thi đã bị tiết lộ là được sắp đặt trước.
Thật là nực cười, sau bao nhiêu năm chửi bới đế quốc Mỹ về mọi phương diện, ngày nay ở Việt Nam cái gì cũng bắt chước Mỹ. Thật ra nước Mỹ có hằng ngàn điều hay và hằng vạn điều dở. Nhưng ở Việt Nam, người ta chỉ bắt chước những điều dở thôi. Chẳng hạn giới trẻ được tự do bắt chước lối sống thác loạn về tình dục, nhưng lại bị ngăn cấm triệt để trong phát biểu và trao đổi tư tưởng; giới doanh nghiệp được cổ võ làm giàu nhưng chỉ phá hại rừng và biển để bán chứ không có một sáng chế nào giá trị để đóng góp cho xã hội; giới quan chức đua nhau khoe bằng cấp và học vị, nhưng phần lớn là bằng giả hoặc bằng mua chứ không có một công trình nghiên cứu giá trị nào. Đặc biệt là giới ca sĩ, chỉ bắt chước lối trang phục hở hang và cách trình diễn quái dị của ca sĩ Mỹ, chứ không có một sáng tạo nào đáng kể.
Chưa bao giờ ở Việt Nam mà âm nhạc và nghệ thuật lại được tận dụng để thỏa mãn thị hiếu thấp kém của giới trẻ như hiện nay. Phải chăng đó là do nhu cầu của thị trường hay còn là phương cách làm cho giới trẻ trở nên yếu hèn, ham hưởng thụ, mà quên đi những vấn nạn của đất nước như chính trị bế tắc, kinh tế suy thoái, tham nhũng tràn lan, giáo dục phá sản, và đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng. Những vấn nạn nầy của đất nước hoàn toàn bị giới truyền thông Việt Nam tránh đề cập đến. Báo chí và truyền hình Việt Nam thường chỉ kể chuyện về các đại gia giàu có và các ca sĩ, diễn viên xinh đẹp, chứ hiếm khi đề cập đến những khó khăn của người dân ở nông thôn và những cảnh khốn cùng của công nhân ở thành thị. Dần dần xã hội được trình bày như là của người giàu và người đẹp, còn người nghèo và người thường chỉ đóng vai trò phục vụ cho hai giới trên mà thôi.
Ngày nay nếu vào những nhà hàng và khách sạn sang trọng, ta có thể gặp những cô gái xinh đẹp đi cùng những người đàn ông tóc muối tiêu, mặt mày bặm trợn và thái độ thì dương dương tự đắc. Ca nhạc Việt Nam hiện nay cũng như những cô gái nầy, phải ép mình phục vụ cho những thị hiếu thấp kém nhưng đầy quyền lực.
© Thiện Nhân (danchimviet)
________________
Ghi chú:
[1] Tuân Tử (Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê), Bàn Về Nhạc, trang 314.
[2] Âm Nhạc Và Những Nỗi Lo Không Của Riêng Ai (Nguyễn Thị Minh Châu). Tỏ tình: “Em sẽ yêu mỗi anh giống như chuột kia yêu gạo vậy thôi” (Chuột yêu gạo); Yêu đương: “Anh có một sở thích kỳ lạ là ăn thịt thỏ/ Nhưng mà anh chưa có cơ hội bỏ em vào nồi” (Thỏ con chiên bánh); Chia sẻ: “Nói nghe nè, là ngày hôm qua đó tôi nằm mơ thấy con cầy cắn tui, chó nhỏ 11 chiều nay nó sẽ ra, bạn hãy đánh bao lô 11 đi, ôi thôi rồi 11 ra ngay chóc…” (Kiếp đánh đề); Buôn chuyện : “Con trai bây giờ í hả? 100 đứa thì 99 đứa không đàng hoàng, còn một đứa đàng hoàng là gay, à ha” (Con gái thời nay).
[3] Ca từ trong một số bài ca khác: “Mất đi người yêu anh thì sao, Mất đi người yêu thì với anh cũng thế thôi, Người yêu anh trên thế gian còn rất nhiều, Người yêu anh đâu chỉ có riêng mình em” (Không yêu đừng nói lời cay đắng tác giả Nhất Trung); “Con tim một người chỉ chứa một người mà thôi, Thì người ơi làm sao em chọn cả hai, Dù cho em không yêu thương anh nhưng anh vẫn yêu em, Vì quyền yêu thương em là của anh” (Nỗi đau không của riêng ai tác giả Phạm Khánh Hưng); “Em đổ lỗi tất cả tình yêu này cho anh, Vì sao lại như vậy? Em yêu anh như tội lỗi sao vậy em? Em quay lưng bỏ đi, em coi tình yêu của anh như là trò chơi vậy?” (Tình yêu nào phải trò chơi tác giả Thái Hùng).