Tiền lẻ 500đ, 1000đ rất phổ biến trong mùa lễ hội, thường được đặt vào tay, chân, chỗ ngồi của Phật
Từ mùng Sáu Tết, những lễ hội đầu năm bắt đầu diễn ra khắp nơi. Người ta gặp lại những cảnh tượng năm nào
cũng xảy ra: nhét tiền vào thay Phật, sì sụp khấn vái hàng tiếng đồng hồ, chen lấn dữ dội để giành giật "lộc" giữa
đám đông.
Cầu xin hay mua bán với thánh thần?Hàng ngàn người chen lấn nhau trên đường lên Yên Tử. Cả biển người tập trung trước chùa Phúc Khánh để cúng
sao giải hạn. Hay như ở chùa Hương, Vietnamplus đưa tin số vé tham quan mà Ban quản lý di tích chùa bán ra đã
là 40 ngàn vé trong ngày Mùng Ba Tết.
Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, có người "trèo rào" vào vị trí các chú rùa đội bia tiến sĩ để rải tiền. Trên chùa Bái
Đính, đồng 500đ, 1000đ màu sắc quen thuộc như một "lễ vật" đến hẹn lại lên của con dân trần gian dâng vào tận
tay những vị La Hán.
Tôi thường tự hỏi họ cầu xin điều gì và tại sao phải sử dụng đến những phương thức "dâng lễ vật" kỳ lạ đến vậy.
Tại sao tín đồ nghĩ các vị La Hán cần tiền? Tại sao người cầu học hành tốt lại nghĩ con rùa đội bia tiến sĩ.. cần
tiền? (Mà lại là tiền lẻ mới được). Tại sao những người lên Miếu Bà Chúa Xứ ở An Giang phải thuê heo quay để
cúng – và rồi sau đó con heo lại trở về với chủ nhân để tiếp tục... cho thuê?
Mớ lễ vật quen thuộc mà tín đồ từ Nam ra Bắc mang lên ngôi đền tâm linh của mình rất giống nhau, gồm tiền lẻ,
heo quay, oản, xôi, thật nhiều vàng mã, và rất nhiều tiền thật. Lòng thành của người dự hội cũng có mùa như lễ hội.
Họ mang theo sự thừa mứa vật chất về cho những trung tâm thờ cúng, và rồi nhất loạt bỏ đi khi chẳng trúng mùa lễ
hội. Nếu gọi đây là tín ngưỡng, thì những tín ngưỡng này thực dụng “gần gũi” hệt như cuộc sống trần thế của người
cúng, cần tiền thì cho Phật tiền, cần giàu thì cho Bà heo, cần học giỏi thì rải tiền cho rùa ăn.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Phước Thuận từng chia sẻ: “Tôi lên đền mẫu Âu Cơ ở Phú Thọ, đứng nhìn
tín đồ sì sụp đập đầu xuống nền vái lạy cả tiếng đồng hồ. Nghe họ cầu xin thì thấy gọi hết tên Phật, thánh này nọ ra,
xin rất cụ thể làm ăn ở công ty, tiền bạc, muốn gì. Nhưng đây là Đền thờ Mẹ Âu Cơ để người Việt nhớ cội nguồn
dân tộc kia mà? Trong đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo, người ta cũng bói toán, xin quẻ đầu năm.”
Ở nhiều ngôi chùa, khi mùa Tết tới, nhà chùa thức thời thương mại, tổ chức luôn cả quầy gieo quẻ, quầy bói, quầy
cúng sao, quầy đọc lá số, dịch vụ nào cũng tiền bạc đâu ra đấy. Trong khi đó, trong Phật giáo thuần thành, không
có hoạt động nào có thể... đoán trước tương lai được cả.
Sự khao khát vật chất cháy bỏng hiện diện trong từng lời khấn cầu mà người ta có thể nghe bất cứ đâu giữa mùa
lễ hội, thậm chí phô lộ ra thành tiếng cầu xin rất to mà ai cũng có thể nghe được giữa điện thờ. Cầu mua xe hơi,
cầu lấy chồng giàu, cầu mua thêm nhà, cầu có được tiền đi du học. Ước nguyện của tín đồ được nén chặt lại,
quăng lên chốn linh thiêng như món hàng trao đổi với các vị thánh ngồi yên trong cõi thờ phụng cả năm trời chẳng
ai thèm nhớ tới.
Lễ hội đầu năm như hội chợ “cầu được ước thấy” mở ra, khách hàng tứ phương mặc trên mình chiếc áo kính
ngưỡng giả hiệu, rải tiền lẻ từ cửa đền lên đỉnh đền, hẳn tin rằng mình sẽ sớm đạt ước nguyện vì đã “hối lộ” xong
thánh thần khắp lượt.
'Lan tỏa'Tôi còn nhớ mãi đến khi trận ẩu đả kinh hoàng để tranh ấn Đền Trần được đưa lên báo Tuổi Trẻ, người ta mới đi
lật giở tài liệu, hồ sơ và tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên nói trên báo Tuổi Trẻ: “Không hề có chuyện nguồn gốc của lễ
khai ấn bắt nguồn từ việc sau khi đánh thắng quân Nguyên – Mông”, thậm chí lễ khai ấn này còn... “chẳng liên quan
gì đến thời Trần”.
Vậy những người đã nhiệt tình đánh xe hơi từ tận tỉnh xa về, chầu chực đêm khuya để lao vào giật tờ ấn, họ đã
hiểu gì về thứ họ cố công giật lấy mang về dán trong nhà?
Ông Trần Phước Thuận giải thích sự phổ biến của đủ mọi hình thức cúng bái xuất hiện: “Tín ngưỡng dân gian tại
Việt Nam rất lớn mạnh và lấn át cả các tôn giáo chính thống. Sức truyền bá của tín ngưỡng dân gian rất ghê gớm,
không cần lý luận, không cần học thuyết gì, người ta xúm lại thờ cúng một nhân vật nào đó họ cho là linh thiêng.
Sức lan tỏa của loại tín ngưỡng này cực kỳ lớn như các lễ hội hát chầu, cúng bái, xin ấn tại đình chùa.”
Khi tôi hỏi những người sì sụp khấn vái trong các gian thờ ở Châu Đốc – An Giang, nhiều người không phân biệt
được ở đây thờ Bà hay thờ Phật và Bà là ai, câu trả lời chỉ là “nghe đồn thiêng lắm, cầu xin gì cũng được, cầu
được mình đi trả lễ”.
Còn món đồ người đi lễ hội tranh nhau giật lấy hay hào phóng bỏ tiền mua, chúng là sản phẩm được “chế tạo” ra
đáp ứng cho ước muốn trao đổi với thần thánh của những người trần đầy ham hố cầu xin.
Chỉ có kẻ buôn thần bán thánh là bận bịu dịp này hơn cả!
Theo BBC