Phiên chợ việc làm với số đông tân cử nhân đến tìm vận may giữa lúc việc làm khan hiếm (Credit: ABC) .Không xin được việc làm sau khi ra trường, nhiều cử nhân, kỹ sư đã chọn cách đi học cao học.
Họ đi học lên với mong muốn tìm được công việc đúng chuyên môn, có thu nhập ổn định và cả đi học để chạy trốn thất nghiệp.
Đi học vì thất nghiệpBạn HT Thiện đang học ôn thi vào cao học ngành sinh học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM cho biết bạn ra trường vào giữa tháng 10/2012, nhưng hiện nay lớp đại học của Thiện có gần 30 người ôn thi vào cao học. 6 tháng sau khi tốt nghiệp chỉ có 10 người làm đúng ngành mình học với mức lương cũng đủ sống trong tằn tiện. Trừ vài ba bạn có dự định đi học tiếp từ trước, đa số đi học vì chưa xin được việc.
Tương tự, VĐ Chuẩn, khóa 2008 Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thống kê: “Trong số 86 sinh viên của lớp, sau 6 tháng ra trường chỉ có khoảng hơn 20 bạn có việc làm, nhưng chỉ có phân nữa trong số này làm đúng chuyên môn. Và có gần 30 chục bạn đang ôn thi vào cao học ở nhiều trường khác nhau.”
Hải An, một học viên đang theo học cao học ngành tiếng Anh, Trường Đại học Khoa học và Xã hội nhân văn TP.HCM kể: “Chọn tiếp tục đi học An không thể cứ ngửa tay xin tiền bố mẹ. Để có tiền trang trải việc học, sinh sống cô chấp nhận làm từ gia sư, nhân viên bán hàng, đến chạy bàn đám cưới vào cuối tuần.”
Kim Ánh, một học viên trong lớp ôn thi cao học ngành môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tâm sự: “Nói dối đã có việc làm cho ba mẹ đỡ lo, chứ công việc của em chỉ làm bán thời gian cho một công ty tổ chức sự kiện”. Vừa làm, vừa ôn thi cao học, vừa tìm việc đúng cái mình đã học. Kim Ánh hy vọng, đậu cao học khi học xong ra trường sẽ dễ tìm được việc làm đúng chuyên môn, lương thưởng cũng dễ chịu hơn.
Thạc sỹ chưa hẳn có việc tốtTuy nhiên không phải ai cũng đồng ý trong lúc chưa xin được việc chọn con đường học cao hơn. Thùy Vân đang làm ở bộ phận kỹ thuật cho một công ty của Nhật tại khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, Sài Gòn trình bày kinh nghiệm tuyển dụng thấy được: “Học cao học xong sẽ khó tìm việc hơn nữa. Vì chỉ lo học mà không có kinh nghiệm nên kiến thức học được sẽ khó áp dụng vào thực tế. Do vậy, thay vì đầu tư vào học hãy dành thời gian tập trung vào xin việc, trau dồi kỹ năng làm việc.”
Thời điểm khó khăn hiện nay nhà tuyển dụng chỉ muốn người có kinh nghiệm chứ không phải chỉ với lý thuyết suông. Trả lương thấp cho người có bằng thạc sỹ thì khó, còn trả cao chắc chắn càng không, do người được tuyển dụng chưa chứng minh gì ngoài bằng cấp.
Theo Thùy Vân, “sau vài năm đi làm tôi nhận thấy các công ty tuyển trung cấp, hoặc cao đằng có kinh nghiệm. Vì họ vừa làm được việc và số lương trả cho họ không cao”.
Sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học, Cao Cường chấp nhận đi làm cho một công ty chuyên về trồng rau sạch tâm sự: “Kiếm tiền cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn thời gian này cần tích lũy kinh nghiệm. Vài năm sau trở lại học sẽ hay hơn và cũng dễ tiếp thu hơn vì đã có kinh nghiệm thực tế.”
“Chưa có việc làm đi học tiếp thể hiện sự tích cực, tuy nhiên không phủ nhận thực tế tính sính bằng cấp của người Việt. Có bằng cấp cao chưa thể cam đoan sẽ có được công việc tốt hơn, thay vì đi làm ngay để có kinh nghiệm từ đầu,” Quốc Định học ngành văn hóa học và hiện đang tập sự giám sát bán hàng cho công ty Colgate Palmolive Việt Nam nói.
Nỗi khổ của tân cử nhânCác doanh nghiệp khi tuyển lao động yêu cầu tay nghề, kinh nghiệm làm việc. Trong khi sinh viên mới ra trường không thể hội đủ tiêu chuẩn này. Chỉ tiêu vào cơ quan nhà nước chỉ đếm trên đầu ngón tay, mà cũng phải có thân thế. Với những nguyên nhân này người mới ra trường rất khó có cơ hội tìm được việc làm vào thời điểm hiện nay.
Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh phân tích: “Nguyên nhân chính do suy thoái kinh tế trong 2 năm qua, dẫn đến hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc, sinh viên sau tốt nghiệp khó khăn hơn trong tìm việc. Các doanh nghiệp còn trụ được cũng phải cấu trúc lại, họ chỉ tuyển người làm được việc, có kỹ năng, chuyên môn, ngoại ngữ.”
Theo ông Tuấn: “Đã không có việc làm mà đi học lên cao hơn là không hiệu quả. Học để ôm thêm lý thuyết để làm gì? Nếu đi học để làm giảng viên, trong các viện nghiên cứu không sao, nhưng học để tiếp sau đó bươn chãi với công việc ngoài đời chưa hẳn đã tốt. Thay vì đi học hãy tìm việc làm trước, đúng chuyên ngành càng tốt, không đúng cũng chả sao. Đi làm có va chạm thực tế mới trưởng thành, mới thấy và phát huy được tiềm năng của mình.”
Source: ABC Australia