Đền thờ Regent với hàng cột xoắn.
Vào tháng Bảy, 2015, các quốc gia Tây Phương bỏ lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran, mở ra cơ hội phát triển cho nhiều ngành kinh tế tại nước còn được gọi là Ba Tư này, trong đó có cả ngành du lịch. Là đất nước có quá trình phát triển lâu đời, Iran có nhiều di tích lịch sử phong phú, các khu trượt tuyết, và sa mạc mênh mông.
Ngành du lịch Iran hy vọng sẽ thu hút hàng chục triệu lượt khách mỗi năm. Mục tiêu của Iran là đạt hơn 20 triệu lượt du khách mỗi năm, từ nay đến năm 2025, và doanh thu ngoại tệ tăng gấp năm lần, đạt mức hơn $30 tỷ Mỹ kim từ du lịch.
Cung điện Eram, thành phố Shiraz.
Kể từ sau cuộc bầu cử năm 2013 với sự đắc cử của tân tổng thống ôn hòa Hassan Rouhani, từ Ispahan đến Persepolis, Shiraz hay thủ đô Tehran, đã thu hút ngày càng nhiều du khách quốc tế.
Theo số liệu của cơ quan du lịch Iran, có 4.16 triệu lượt khách đã đến Iran trong 9 tháng đầu năm theo lịch Iran (bắt đầu từ tháng 3-2015), tăng 5% so với năm trước. Hai phần ba số khách này đến từ các nước láng giềng Iraq, Azerbaijan, Armenia hay Pakistan và Afghanistan. Một số lớn du khách là người hành hương đến các thành phố linh thiêng của dòng Shiite.
Thành phố Qom.
Theo ông Ebrahim Pourfaraj, chủ tịch Hiệp hội Các nhà khai thác tour du lịch của Iran, sự an toàn của du khách là điều rất quan trọng. Vì vậy, Iran kỳ vọng du khách từ các nước phương Tây, Úc hay Nhật sẽ đến nhiều hơn, khi nhiều nước khác ở Trung Đông đang bị xa lánh do các cuộc chiến tranh triền miên và làn sóng khủng bố. Hiện tại, nhiều hãng du lịch của các nước phát triển đã đến Iran để tìm đường hợp tác du lịch.
Ngoài những cảnh quan hùng vĩ, Iran có hơn 17 địa điểm được công nhận là Di sản thế giới UNESCO, cùng vô số kho báu khảo cổ của xứ sở Ba Tư cổ đại.
Iran còn là một chặng dừng quan trọng trên con đường tơ lụa huyền thoại, khi nằm ở ngã tư các vùng đất, các dân tộc và chịu ảnh hưởng từ các nền văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, các nước Ả Rập....
Những thành phố cổ linh thiêng với những di tích kỳ bí không thể thiếu trên bản đồ du lịch Iran là Shiraz, Isfahan và Yazd, ba địa điểm hàng đầu cùng thành phố Qom.
Shiraz ở Tây Nam Iran, thủ đô của Ba Tư xưa, nay là thủ đô văn hóa và nghệ thuật của người Iran, nổi tiếng có nhiều vườn hoa tuyệt mỹ ngát hương như Narenjestan hay Paradise với cung điện Eram được xây dựng vào thế kỷ 19.
Các lăng mộ cũng là những điểm hút khách của Shiraz. Trong đó, lăng mộ Hafez đón hàng triệu lượt khách mỗi năm, lăng mộ của nhà hiền triết Ibn Khafif ở thế kỷ thứ 9 nay là thư viện công cộng và là nơi gặp gỡ của giới trẻ...
Cầu Khaju ở Isfahan.
Đền thờ Hồi giáo Regent xây dựng vào năm 1773 nổi tiếng với phòng cầu nguyện to lớn và nhiều cột xoắn, hay khu chợ Bazaar-e Vakil có từ thế kỷ 18 với những con đường nhỏ có mái vòm, nhiều tranh ghép và các sân trong, là một trong những khu chợ đẹp nhất Iran khiến mọi du khách phải ngẩn ngơ...
Những phế tích lộng lẫy của Persepolis cách Shiraz khoảng 70 cây số về phía đông bắc, thủ đô huyền thoại của Ba Tư cổ đại, được xây dựng từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên và bị Alexander đại đế thiêu cháy trên bước đường chinh phục, luôn mê hoặc bất kỳ ai lạc bước đến đây.
Đứng trước những vết tích còn lại của các cung điện, hàng cột, các cầu thang hay hầm mộ ở Persepolis, bạn có thể hình dung được thời hoàng kim rực rỡ của đế chế Ba Tư ngày trước.
Quảng trường khổng lồ Naghsh-e-Jahan, còn gọi là quảng trường Khomeini.
Yazd là thành phố hình thành từ sa mạc ở miền trung Iran, nơi có cộng đồng Hỏa giáo (Zoroastrianism), một tôn giáo cổ xưa của Iran, sinh sống. Vì vậy, những di tích Hỏa giáo nổi tiếng nhất nằm tại Yazd như địa điểm hành hương Chak Chak ở giữa sa mạc bên trái thành phố Yazd.
Các tháp gió là một điểm du lịch thú vị ở Yazd. Ngày nay, chúng vẫn được sử dụng như một hệ thống thông gió khi làn gió nóng luồn vào các tháp và đi xuống một bể nước làm mát.
Di tích Persepolis.
Isfasan ở miền trung là thành phố du lịch nổi tiếng nhất Iran với quảng trường khổng lồ Naghsh-e-Jahan, còn gọi là quảng trường Khomeini dài 512 mét, rộng 159 mét, là một trong những quảng trường lớn nhất thế giới. Ở giữa quảng trường là đền thờ Hồi giáo Sheikh Loftollah, một kiệt tác kiến trúc xây dựng vào đầu thế kỷ 17 với mái vòm ấn tượng và bốn ngọn tháp nhỏ.
Isfasan từng là thủ đô xứ Ba Tư trong giai đoạn 1598-1722 và là một trong những thành phố cổ và có lịch sử phong phú nhất thế giới. Về đêm, Isfasan càng trở nên huyền ảo với ánh sáng dịu nhẹ quanh đền thờ quảng trường, làm nổi bật các tranh ghép và mái vòm đền thờ. Đây là lúc dân địa phương đổ ra quảng trường thư giãn
Chợ Bazaar-e Vakil.
Một trong những điều khiến du khách mê mệt Isfasan là những cây cầu cổ nơi đây. Từ cây cầu Si-o-seh pol có 33 vòm cầu xây dựng từ năm 1602 bắc qua sông Zayandeh và cung điện Chehel Sotoun, 40 cây cột đến cầu Shahrestan lâu đời nhất thành phố, hay cầu Khaju xây dựng vào năm 1650 ở thượng nguồn, được xem là cây cầu đẹp nhất thành phố.
Những tối cuối tuần, dưới vòm những cây cầu ở Isfasan là đám đông du khách hòa lẫn cùng dân địa phương say mê thưởng thức giai điệu của các ca sĩ nghiệp dư.
Qom (cách Tehran khoảng 150 cây số về phía tây nam) là thành phố linh thiêng thứ ba của dòng Hồi giáo Shiite trên thế giới, nên các tín đồ Hồi giáo Shiite thường hành hương đến Qom để cầu nguyện tại đền thờ, nơi yên nghỉ của Fatimah Ma'sumeh qua đời vào thế kỷ 12.
Ngoài những danh lam thắng cảnh, những thảm lụa độc đáo tuyệt đẹp và loại bánh ngọt sohan, chế biến từ quả đào và nghệ tây, cùng văn hóa ẩm thực theo phong cách Ba Tư cổ đại, đã góp phần khiến du khách không phải đạo Hồi cũng tìm đến Qom.
Theo báo Viễn Đông