Qua báo chí trong nước chúng ta đã biết đến thảm cảnh của cha mẹ muốn cho con đến trường vì không muốn con
thất học. Chúng ta đã nghe chuyện về người mẹ phải tự vẫn để lấy tiền phúng điếu cho con đi học, về người cha
10 năm sống trong ống cống để nuôi con đến trường.
Cha mẹ cho con đi trường ngày nay là cả một điều khó khăn cho hoàn cảnh gia đình những người nghèo khó. Nhà
trường XHCN đã đẻ ra bao nhiêu chi phí mà cha mẹ học sinh phải ráng đóng đủ để cho con đến trường.
Phụ huynh học sinh một số trường ở Hà Nội vừa công bố 10 khoản phải đóng cho nhà trường vào đầu năm học,
về các khoản chi tưởng cũng nên tường trình ra đây, để bạn đọc thấy cái chuyện vô lý của nó như mua máy điều
hòa, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, quỹ lớp, quỹ trường, may đồng phục, sổ liên lạc điện tử...
Số tiền 543,000 đồng nhà trường ghi là cho 15 tháng bảo hiểm y tế (Một năm có 12 tháng, tại sao thu bảo hiểm
đến 15 tháng? Chưa thấy ai giải thích). Có những điều khó hiểu như bảo hiểm sức khỏe với bảo hiểm thân thể
khác nhau thế nào? Học sinh phải đóng 180,000 cho một năm tiền “sổ liên lạc điện tử,” vậy sổ liên lạc điện tử là
gì? 550,000 đồng tiền mua máy điều hòa không khí, mua máy chiếu (slide projector). Tiền cho 30 giờ học thêm là
300,000. Dụng cụ học sinh như bút chì, thước, mực... học sinh phải đóng mỗi năm 190,000 đồng.
Ở Quảng Bình, Bắc Ninh, phụ huynh phải đóng tiền sắm bàn ghế, con mình mới có chỗ ngồi. Vậy thì ngân khoản
giáo dục 82 ngàn tỷ cho năm 2006, gần 225 nghìn tỷ đồng cho giáo dục đào tạo năm 2015 dùng để làm gì?
Thành phố Sài Gòn không thu học phí tiểu học, nhưng thu nhiều khoản khác như:
- Chi phí phục vụ quản lý một buổi 25,000 đồng/tháng (“Chi phí phục vụ quản lý” là gì? Chuyện khó hiểu!).
- Hai buổi bán trú 80,000 đồng/tháng.
- Chi phí vệ sinh 5,000 đồng/tháng.
- Chi phí xây dựng trường 50,000 đồng/tháng.
- Chi phí tổ chức học hai buổi 20,000 đồng/tháng.
- Chi phí in đề thi và giấy kiểm tra 5,000 đồng/năm.
- Chi phí học tăng cường ngoại ngữ 40,000 đồng/tháng.
Các trường tiểu học ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, lại có thêm các mục đóng tiền:
- Chăm sóc bệnh tật 140,000 đồng.
- Bảo hiểm y tế, bảo hiểm sức khỏe 644,000 đồng (Có khác gì ở mục trên?).
- Tiền học 100,000 đồng.
- Tiền nước 12,000 đồng.
- Tiền học tiếng Anh 120,000 đồng.
- Sách tiếng Anh 120,000 đồng.
Xã hội chủ nghĩa đã đẻ ra một chi phí gọi là khoản thu “truyền thống” như quỹ trường, quỹ lớp ghi, nói là tự nguyện
nhưng hầu hết phụ huynh đều hiểu đây là chuyện bắt buộc. Thứ tiền truyền thống này hằng năm bị trích ra để mua
quà chúc mừng các quan chức nhà mỗi dịp lễ Tết, hay biếu xén cho địa phương theo “truyền thống!” Ngành giáo
dục của nước tiên tiến này còn sáng kiến chế ra một thứ đồng phục gọi là “đồng phục vở.” Trước ngày khai giảng,
cha mẹ đã mua tập vở cho con đủ dùng nhưng khi nhập học, cô giáo yêu cầu dùng toàn bộ vở in tên trường, mỗi
cuốn giá 9,000 đồng. Ai có sáng kiến bắt các em phải dùng tập vở có in logo trường, để nhúng mỏ kiếm chút tiền
lời hay huê hồng?
Cuối cùng là hăm dọa của lãnh đạo Sở Giáo Dục Hà Nội: “Những trường hợp cố tình không thực hiện đúng quy
định, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý nghiêm.”
Nửa năm học, khi phụ huynh học sinh bắt đầu nguôi ngoai về chuyện “tiền trường” thì hiệu trưởng, cô giáo lại phát
động học sinh “tung tăng hớn hở, em làm kế hoạch nhỏ, lượm giấy trồng cây.” Sau khi vào được miền Nam, Cộng
Sản đã du nhập chuyện “làm kế hoạch nhỏ” cho con em miền Nam. Giữa khi bom mìn chưa gỡ hết mà đi lượm
lon, tìm sắt vụn thì rất dễ chết, cũng đã có em chết vì bom mìn, không biết có được phong tặng là “liệt sĩ kế hoạch
nhỏ” không?
Ngày nay chỉ tiêu học sinh đóng góp cho phong trào kế hoạch nhỏ được ấn định, lớp 1, 2, 3 từ 2kg giấy sách, báo,
tập hoặc 15 lon nước ngọt, bia trở lên, lớp 3, 4, 5 đóng góp từ 4kg giấy sách, báo, tập hoặc 30 lon nước ngọt, bia
trở lên. Thông báo này cũng không quên nhắc nhở thi đua: Học sinh nào đóng góp từ 20kg sách báo hoặc 150 lon
bia trở lên thì đạt danh hiệu “chiến sĩ kế hoạch nhỏ” (cấp quận), học sinh nào đóng góp từ 40kg sách báo hoặc 300
lon bia trở lên thì đạt danh hiệu “dũng sĩ kế hoạch nhỏ” (cấp thành).
Không ai muốn con mình ra đống rác dơ bẩn, đầy bông băng, kim chích, cầm que tranh giành với trẻ bụi đời để
kiếm mấy cái lon nhôm thì tốt hơn là bỏ tiền ra vựa ve chai mua cho đủ chỉ tiêu.
Ở đây mua bao nhiêu cũng có, muốn thành chiến sĩ hay dũng sĩ “kế hoạch nhỏ” đâu có gì khó. Con cái công an
phường (chỗ có vựa ve chai) hay các bộ cấp quận, cấp thành là những anh có tiền, có chức thì con em họ đều là
chiến sĩ, dũng sĩ cả! Ve chai được “khăn quàng đỏ” mua từ các bà ve chai, sẽ được nhà trường bán lại cho ve
chai, còn số tiền thu được từ các “chiến sĩ” này không biết đi đâu?
Nếu theo thông báo của nhà nước, thì số tiền thu được nhờ các dũng sĩ ve chai, dành để xây nhà máy nhựa Thiếu
Niên Tiền Phong tại Hải Phòng, khách sạn Khăn Quàng Đỏ hay nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Nếu
sự thật như vậy thì nhà nước đã bòn mót cả đến cái tã lót của các em.
Cái đau của chúng ta là ngành công an, cảnh sát ăn bẩn nhưng còn tùy tiện, giấu mặt, trong khi ngành giáo dục với
thiên chức là “trồng người” thì tự do ăn bẩn có văn bản, có chữ ký và khuôn dấu đỏ bao che.
Tạp ghi Huy Phương