Ông Trương Quốc Việt, trong chuyến “Độc hành cho Nhân quyền Việt Nam”, ảnh chụp tháng 4 năm 2013. Courtesy DanlamthanBloÔng Trương Quốc Việt, một công dân Việt Nam đang tạm trú tại Úc, hiện đã trải qua 25 ngày thực hiện chuyến “Độc hành cho Nhân quyền Việt Nam”qua nhiều thành phố và 3 thủ phủ của các tiểu bang Victoria, New South Wales và Queensland. Trong những chặng đường đã qua ấy, ông Trương Quốc Việt đã đạt được kết quả ra sao? Và những ngày sắp tới, kể cả thời điểm kỷ niệm Biến Cố 30 tháng Tư năm 75, ông sẽ làm những gì?
Người dân Úc ủng hộQua cuộc trao đổi với Thanh Quang, ông Trương Quốc Việt cho biết:
Trương Quốc Việt: Thưa quý khán thính giả, chuyến đi rất là tốt. Những nơi đi qua, tôi gặp rất nhiều người dân địa phương, nhất là người Úc, thì khi tôi trưng bày những hình ảnh cùng tư liệu về tội ác của nhà cầm quyền CS Việt Nam đàn áp người dân Việt Nam, người dân Úc rất xúc động khi biết những cảnh như vậy. Có rất nhiều người cho biết việc làm của chúng tôi rất có ý nghĩa đối với họ. Khi tôi kêu gọi họ ký tên vào thỉnh nguyện thư thì cũng có một số rất ủng hộ để nói lên ý kiến của mình về việc Úc viện trợ cho Việt Nam nhưng phải trong chiều hướng phát triển nhân quyền.
Đặc biệt là tôi có gặp những cựu chiến binh Úc từng tham chiến ở Việt Nam. Họ rất xúc động khi thấy tôi đi với quốc kỳ Úc và quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà – đi đến đâu tôi cũng cắm những lá cờ đó lên khiến họ rất xúc động, gợi cho họ rất nhiều kỷ niệm. Thực sự thì tôi cũng rất cảm ơn họ đã từng giúp đất nước Việt Nam tự do trong giai đoạn trước năm 1975.
Nói chung chuyến “Độc hành cho Nhân quyền Việt Nam”, cho tới giờ, rất là tốt.
Anh Trương Quốc Việt trong lần tọa kháng trước Tòa Đại sứ Việt Nam tại Canberra trước đây. File photoThanh Quang: Thưa anh, bên cạnh những thuận lợi như anh vừa nói, anh có gặp những bất lợi nào không?
Trương Quốc Việt: Thưa anh, bất lợi cũng có. Ở đây, có một số địa phương, khi tới tôi phải xin giấy phép. Mà anh cũng biết tiếng Anh của tôi không được tốt, nên tôi cũng có gặp khó khăn. Nhưng cuối cùng tôi cũng vượt qua. Ngoài khó khăn đó, các vấn đề khác như chỗ ăn, chỗ ở tôi cũng gặp ít nhiều khó khăn. Nhưng tôi có thể sắp xếp vượt qua được tất cả.
Nhân quyền cho VNThanh Quang: Trong những chặng đường mà chuyến “độc hành cho Nhân quyền Việt Nam” đã đi qua, anh nhận thấy có những đặc điểm nào nổi bật nhất hiện vẫn con đậm nét trong tâm trí anh?
Trương Quốc Việt: Thưa anh, khi tôi thực hiện chuyến độc hành này là tôi muốn đóng góp cho sự phát triển chung của phong trào dân chủ tại Việt Nam. Tôi đã đi nhiều nơi, gặp nhiều người dân Úc, đã nói lên thực trạng nhân quyền tại Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng điều đặc biệt tôi quan tâm là, cho tới giờ, tôi biết được rằng tất cả cư dân Úc tại những nơi tôi đã đi qua đều quan tâm đến vấn đề nhân quyền; việc chính phủ họ viện trợ cho những nước nào, họ đều quan tâm đến. Khi tôi nêu lên vấn đề chính phủ Úc viện trợ cho Việt Nam như thế nào, rồi nhà cầm quyền CS Việt Nam sử dụng nguồn viện trợ đó ra sao, thì họ rất quan tâm. Ngoài vấn đề nước ngoài viện trợ cho Việt Nam mà tôi lưu ý người dân Úc ở đây, thì hiện còn nhiều vấn đề khác nữa mà chúng ta cần phải có hành động như thế nào đó. Tôi cần phải làm như thế nào đó. Chúng ta cần vận động thêm nữa để đóng góp thêm cho phong trào xúc tiến dân chủ tại Việt Nam.
Thanh Quang: Trong những ngày sắp tới, anh sẽ thực hiện những gì?
Trương Quốc Việt: Thưa quý vị, ngày mai 26 tháng 4 năm 2013, tôi ra trước Tòa Đại sứ Việt Nam tại Canberra để thực hiện những ngày cuối cùng của chuyến “Độc hành cho Nhân quyền Việt Nam”, qua đó, tôi cũng trưng bày hình ảnh, băng-rôn, biểu ngữ… Cho đến ngày 30 tháng 4, tôi sẽ trở lại Victoria.
Thanh Quang: Anh vừa nhắc tới ngày 30 tháng Tư. Nhân hiện cũng sắp tới thời điểm đánh dấu Biến Cố 30 tháng Tư năm 1975 khi Miền Nam Tự Do bị thất thủ về tay người CS, anh nhân tiện có nhận xét như thế nào không?
Trương Quốc Việt: Thưa quý vị thính giả, đối với chúng tôi thì không những từ khi ra đây, mà ngay khi còn ở trong nước Việt Nam, ngày 30 tháng 4 là một ngày buồn – rất buồn! Nỗi buồn ấy không phải chỉ riêng tôi hay gia đình tôi, mà còn đến với rất nhiều người khác, nhất là trong nước. Mặc dù nói là ngày lễ, nhưng chúng tôi không đi du lịch, không tổ chức tiệc tùng gì hết. Trong Việt Nam, chúng tôi thật sự rất buồn. Đó là một ngày buồn – rất buồn!
Thanh Quang: Thưa anh, tại sao buồn?
Trương Quốc Việt: Tại vì cái ngày ấy đem đến nhiều khó khăn cho dân tộc, mà trong nước, chúng tôi không thể nào nói lên được những nỗi khó khăn đó. Cho nên mình cảm thấy giống như đang ở tù, luôn chịu đựng sự kìm kẹp, luôn phải cảnh giác. Do đó, người dân thực sự không có tự do. Trong khi đó thì nhà cầm quyền CS Việt Nam cứ rêu rao đủ thứ tự do, rồi lễ lớn 30 tháng 4… Nhưng thực ra, có nhiều người dân trong nước không vui gì đâu!
Source: RFA