Người kinh doanh trực tuyến ở Việt Nam khá năng động, biết làm ăn, nhất là ở mảng hàng thời trang. Tuy nhiên, đa số còn thiếu kinh nghiệm, chưa hiểu biết hết về tiếp thị, mạng xã hội và ít chịu bỏ tiền cho việc xây dựng website một cách chuyên nghiệp.Với Nhã Trang, chiếc laptop là cửa hàng kinh doanh hàng thời trang và cô có thể làm việc mọi nơi. (Võ Thái) .Nghỉ việc để kinh doanh onlineChỉ với 5 triệu đồng, vợ chồng anh Tuấn đã mở cho mình được một shop thời trang trên Internet. Cửa hàng này mang lại cho gia đình anh chị mỗi tháng 15-20 triệu đồng.
Tại ngôi nhà trong con hẻm ngoằn nghèo ở quận Gò Vấp, TP.HCM, khách hàng không thấy ma-nơ-canh, kệ, móc treo quần áo… mà thay vào đó là chiếc laptop kết nối Internet và điện thoại phục vụ đắc lực cho việc kinh doanh.
Tuấn kể: đầu năm 2010, trong một lần lên mạng tìm hàng để mua, vợ chồng anh phát hiện ra thế giới mạng có thể mang lại thu nhập. Sau khi tìm hiểu, vợ chồng anh đã chọn cho mình mặt hàng thời trang để kinh doanh.
Ban đầu, anh chị chỉ đi lấy hàng về rao trên các trang website rao vặt. Thấy làm ăn được, Tuấn lập riêng một trang web để bán hàng. Công việc kinh doanh thuận lợi, cả hai anh chị bỏ hẳn công việc đang làm ở công ty để tập trung vào cửa hàng ‘online’ này.
Đối tượng khách hàng mà vợ chồng anh hướng đến là nữ nhân viên làm việc ở văn phòng. ‘Đây là đối tượng thích mua sắm và có điều kiện tiếp xúc với Internet’, anh Tuấn nói.
So với việc mở cửa hàng truyền thống, việc mở ‘shop online’ không tốn nhiều chi phí bởi tiết kiệm được tiền hàng, mặt bằng, điện, nhân viên... Đây là những lợi thế để hàng bán qua kênh online có giá thấp hơn so với cửa hàng.
Đang làm giám sát cho Công ty nghiên cứu thị trường TNS nhưng Nhã Trang, 9x đời đầu, vẫn sở hữu cho mình một trang web bán đủ các mặt hàng thời trang.
Nhã Trang cho biết ngay từ năm đầu đại học, cô đã đến với việc bán hàng qua mạng bằng việc đưa thông tin sản phẩm lên các diễn đàn sinh viên, trang mạng rao vặt…
Nhã Trang chia sẻ lúc bận cô phải nhờ mẹ giao hàng, nhiều lúc cô mang hàng đến nơi làm việc để mời đồng nghiệp. Tuy vất vả nhưng cửa hàng online mỗi tháng mang về cho Trang thu nhập nhiều hơn lương cô nhận được từ công ty.
Tạo chiêu giữ kháchThời gian đầu việc bán hàng của Nhã Trang gặp nhiều thuận lợi, thế nhưng một năm gần đây tình hình trở nên khó khăn hơn. Theo Trang, do nền kinh tế khó khăn nên nhiều khách đã giảm các khoảng chi tiêu trong đó có thời trang.
Chưa kể nhiều người thấy ‘ngon ăn’ nên ồ ạt mở shop online để kinh doanh. Điều này đã làm cho sự cạnh tranh giữa các cửa hàng trở nên khắc nghiệt hơn. Nơi nào cũng muốn mình bán được nhiều hàng nên có nhiều chiêu lôi kéo. Các shop luôn phải có mẫu mới, đẹp, lạ, có chất lượng, giá cả rẻ nhất… để chiếm ưu thế.
Chưa có một trang web riêng nên chị Quỳnh Hoa kinh doanh các loại mỹ phẩm, nước hoa qua mạng xã hội Facebook, Zing Me, Twitter, các diễn đàn của phụ nữ…
“Có lúc tôi bị những người cùng bán mặt hàng với mình dìm bằng những nhận xét không tốt, dèm pha nhằm hạ uy tín mặt hàng mình đang kinh doanh. Gặp phải hoàn cảnh này mình cũng phải giải thích, nhưng hiệu quả nhất là phải chờ những khách hàng sử dụng sản phẩm của mình lên tiếng bảo vệ”, chị Hoa nói.
Với Tuấn, nhờ có chuyên môn về máy tính nên anh biết cách để trang web của mình khi tìm trên Google luôn đứng nhất hoặc nhì trong các kết quả tìm kiếm. Theo Tuấn, 80% khách hàng của anh là từ Google, hiệu quả từ các trang mạng xã hội không thể bằng.
“Thấy trang web hoạt động hiệu quả nên nhiều shop thời trang online khác cũng lấy tên miền tương tự. Tuy nhiên, tên miền không chưa đủ mà phải cần nhiều yếu tố khác để luôn có lợi thế nhất khi tìm trên Google”, anh Tuấn nói.
Thiếu chuyên nghiệpSự bắt mắt của một cửa hàng online chính là hình ảnh, giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên, không phải cửa hàng nào cũng làm được điều này. Nhã Trang chia sẻ trước đây hình ảnh sản phẩm trên cửa hàng online của cô được lấy từ website của nhà sản xuất.
Điều này không phải lúc nào cũng thuận tiện vì đôi lúc hàng thật đang có không trùng màu, trùng kiểu với hình ảnh trên trang mạng. Gần đây cô trang bị thêm máy ảnh nhưng lại chưa nắm được kỹ thuật chụp hình, xử lý hình ảnh cho ảnh đẹp để thu hút khách.
Anh Tony Truong, một chuyên gia về mạng xã hội của công ty Golden Gigital, nhận xét người Việt dùng Internet để kinh doanh khá tốt. Người kinh doanh online khá năng động, biết làm ăn, nhất là các bạn bán về hàng thời trang. Tuy nhiên, đa số còn thiếu kinh nghiệm, chưa hiểu biết hết về tiếp thị, mạng xã hội và ít chịu bỏ tiền cho việc xây dựng trang web một cách chuyên nghiệp.
“Người kinh doanh online ở Việt Nam nên hiểu cần phải học để phát triển và đừng nghĩ mình làm ăn nhỏ không thể làm lớn”, Tony Truong nói.
Bên cạnh đó, còn phải kể đến yếu tố người Việt chưa có thói quen thanh toán qua tài khoản vì sợ mất tiền. Anh Tuấn kể nhiều lúc anh không bán được hàng vì khách đồng ý mua, thế nhưng lại không biết phải thanh toán bằng cách nào và không tin tưởng khi trả tiền trước theo kiểu mua bán online.
Source: ABC Australia
Sửa bởi người viết 27/06/2012 lúc 09:03:51(UTC)
| Lý do: Chưa rõ