Jules Verne là tiểu thuyết gia người Pháp, tác giả của những truyện khoa học giả tưởng nổi tiếng thế giới như Hai mươi ngàn dặm dưới đáy
biển và Tám mươi ngày vòng quanh thế giới. Trong truyện của ông, có những máy móc do ông tưởng tượng ra mà sau này trở thành hiện
thực như tàu ngầm hay khinh khí cầu. Truyện khoa học giả tưởng dễ kích thích người đọc là nhờ tác giả đã khéo léo dẫn dắt độc giả tiếp cận
với những điều mới lạ, độc đáo chưa từng bao giờ xuất hiện hay có ai nói tới. Qua đó ta mới thấy những nhà văn viết truyện về tương lai có
óc tưởng tượng dồi dào biết chừng nào.
Thế nhưng, có một nhà báo kể rằng ông là người mê đọc loại tiểu thuyết khoa học giả tưởng và đọc khá nhiều. Nhưng có điều là tất cả
những truyện ông đọc, trong đó có những cuốn được liệt vào danh sách những truyện khoa học giả tưởng hay nhất mọi thời đại, lại không có
cuốn nào đề cập dù chỉ một chút xíu liên quan tới thứ phát minh có thể nói là quan trọng nhất ở cuối thế kỷ 20 – đó là internet. Lý do có thể là
vì internet không có hình ảnh rõ rệt và do đó có thể nói không tạo được sự hấp dẫn. Nếu đứng riêng một mình thì nó không là gì cả. Giống
như một chiếc tủ đựng đủ thứ vật dụng trong đó, nhưng nếu đóng cửa thì không ai biết trong đó có chứa thứ gì và rất dễ làm người ta nghĩ là
nó cũng chỉ là một chiếc tủ bình thường trống rỗng ở bên trong. Chiếc tủ đó phải được mở ra và càng mở rộng người ta lại càng thấy nhiều
giá trị chứa bên trong đó. Thế nên, internet phải cần tới những phương tiện khác như máy tính, điện thoại thông minh để nối kết với nó thì lúc
đó người ta mới nhận thức được công dụng của internet, mà lại là thứ công dụng to lớn không gì có thể so sánh nổi.
Đến nay, sau một phần tư thế kỷ kể từ khi internet bắt đầu được sử dụng rộng rãi, nó đã xâm nhập vào đời sống của hầu hết mọi người và
đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong những sinh hoạt thường ngày của chúng ta. Vậy, thử hỏi nếu một ngày nào đó không có internet
thì cuộc sống chúng ta sẽ ra sao? Hay nói cách khác, thế giới chúng ta đang sống sẽ như thế nào nếu internet bỗng nhiên biến mất?
Để có thể hình dung được một xã hội ngày nay ra sao nếu không có internet, ta cần phải đi ngược trở lại thời điểm trước cái gọi là thời đại
internet, tức trước thập niên 1990 – thời của những chiếc điện thoại bàn, thời khóa biểu làm việc mỗi ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu và bất di
bất dịch từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, và những tiệm cho mướn phim nhan nhản ở mỗi góc phố cho mướn những cuốn băng hình loại VHS to
bằng hai bàn tay chập lại. Tuy nhiên, kể lại những điều trên thực ra vẫn chưa thể đưa ra được câu trả lời vì đơn giản là chúng ta khó có thể
mường tượng ra chúng ta mất mát những gì nếu điều chúng ta đang nói tới không hề xảy ra.
Học giả Clay Shirky nói rằng internet đã thâm nhập vào đời sống chúng đến nỗi khó có thể nhìn cho rõ được ảnh hưởng của nó. Thử tưởng
tượng ngày nay mà không có internet thì có khác gì thành phố London thời 1840 không có máy hơi nước, hay thành phố New York thời 1930
không có thang máy, hoặc thành phố Los Angeles thời 1870 không có xe hơi – chỉ là những thời đại không có dấu tích. Những thứ phát minh,
không gian và thời gian đó quyện vào nhau tạo thành nét độc đáo của từng thời kỳ mà ta không thể nào tách rời ra được.
Nếu internet không xuất hiện, điều chắc chắn là xã hội vẫn phát triển, vẫn tạo được những bước thăng tiến, nhưng sẽ rất khác với một xã hội
chúng ta đang sống và đang chứng kiến.
Chiếc điện thoại di động cầm trên tay thì có, nhưng sẽ không có những loại điện thoại thông minh, và có lẽ đó là phương tiện duy nhất giúp ta
nối kết nhanh lẹ với những người khác.
Chiếc máy Fax vẫn còn nhưng sẽ tiến hóa để có thể in được màu và hình ảnh sắc sảo hơn, và hiện diện ở trong mọi gia đình gần giống như
vai trò của chiếc máy tính ngày nay.
Âm nhạc kỹ thuật số (digital) sẽ xuất hiện và sẽ có những chiếc máy để chơi loại âm nhạc này. Người ta có thể mua và tải nhạc bằng một
hình thức khác chứ không qua các trang mạng như hiện nay. Công ty Apple sẽ không tạo được cơ hội để đưa vào thị trường một sản phẩm
như chiếc iPod hay một cửa tiệm như iTunes.
Công ty bán lẻ Walmart có lẽ sẽ còn lớn mạnh hơn như chúng ta thấy hiện nay và rất có thể họ có đủ khả năng để lập ra một mạng lưới tin
học cho riêng họ trong phạm vi kinh doanh. Và lẽ đương nhiên sẽ không có bóng dáng của công ty bán lẻ trên mạng Amazon, hiện đã qua
mặt Walmart và trở thành công ty bán lẻ số một trên thế giới.
Loại tự điển bách khoa Britannica vẫn được bán và được in trên giấy. Nhưng khách hàng cũng có thể mua qua hình thức là những đĩa CD
được cập nhật hằng năm và được gửi tới tận nhà. Sách báo vẫn tiếp tục được in trên giấy và được phát hành mỗi ngày không hề giảm sút.
Mark Zuckerberg sẽ bỏ học Harvard để lập ra một tạp chí chuyên về những tin đồn nhắm vào cuộc sống của sinh viên tại các trường đại học.
Và sẽ không có sự xuất hiện của anh chàng ca sĩ nhí Justin Bieber để quậy phá lung tung.
Ba mươi năm trước, ở thời điểm Steve Case thành lập công ty America Online, khi đó chỉ có 3% người Mỹ sử dụng internet mà phần lớn là
giới nghiên cứu tại các trường đại học. Trước khi hệ thống mạng toàn cầu được phát minh, lớp người đầu tiên đó sử dụng internet ít hơn một
tiếng mỗi tuần, hầu hết là để đọc email. Nay, chỉ riêng nước Mỹ có tới 85% dân số biết sử dụng internet và mỗi người bỏ ra trung bình 3.2
tiếng mỗi ngày để truy cập các trang mạng xã hội.
Trên thế giới hiện có 3.4 tỉ người sử dụng internet, chiếm khoảng 40% dân số thế giới, với 70% trong số đó sử dụng internet mỗi ngày. So
với năm 1995, con số người sử dụng internet là ít hơn 1%. Trong khoảng thời gian 1999-2013, số người sử dụng internet đã tăng 10 lần.
Từ năm 2010 đến 2014, số người Mỹ sử dụng những thiết bị di động như điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng (tablet) để tiếp cận
internet tăng hơn 400%. Mỗi ngày trên thế giới có khoảng 139,000 trang mạng được đưa vào sử dụng và hơn 200 tỉ email được gửi đi, trong
đó có tới hơn 90% là thư rác hoặc thư có chứa bọ (virus). Công ty Google gần như độc quyền về công nghệ tìm kiếm thông tin (search
engine), chiếm 88% thị trường.
Bằng với những con số khổng lồ như thế và trong tương lai sẽ còn tăng cao hơn nữa, ta có thể nghĩ rằng nếu không có internet chắc hẳn
nhân loại sẽ khốn đốn vô cùng.
Nhưng như đã thưa ở trên, nếu như internet không xảy ra chúng ta cũng không thấy có gì mất mát cả vì chúng ta chưa phải trải qua kinh
nghiệm sử dụng internet. Vậy có thể nói cuộc sống của chúng ta có lẽ cũng không bi đát như chúng ta tưởng nếu như không có internet.
Nhưng phải công nhận là internet đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Hầu như làm bất cứ điều gì bây
giờ thì cũng phải đụng tới internet, không có nó không được. Và chúng ta càng lệ thuộc vào nó thì càng làm cho chúng ta cảm thấy như sống
mà không có internet là không được. Nó là thứ máy móc mang lại nhiều công dụng nhất mà con người đã tạo ra. Tuy nhiên, có thể nào vì sự
lệ thuộc quá nhiều vào nó lại chính là đầu mối đưa đến những rủi ro cho chúng ta? Và phải chăng vì chúng ta đầu tư quá nhiều vào nó để rồi
chính đó là nguy cơ làm cho chúng ta bị mất mát quá nhiều nếu như một ngày nào đó chúng ta phải sống không có internet?
Giả dụ ngay vào lúc này đây internet bỗng ngừng hoạt động thì mọi thứ sinh hoạt khác cũng sẽ phải ngừng theo: trường học sẽ phải tạm
đóng cửa, việc kinh doanh buôn bán sẽ bị khựng lại, bệnh viện sẽ không nhận thêm bệnh nhân, v.v… Nhưng không vì thế mà ngày tận thế đã
đến. Sẽ vẫn có con đường mở ra cho chúng ta đi, con đường có thể hẹp hơn nhưng vẫn đi được. Và hãy nhớ rằng nhân loại tiến được tới
ngày nay đâu phải nhờ tới internet. Nhưng không thể không nhìn nhận Internet là một bước tiến kỹ thuật đã đưa chúng ta tiến nhanh vào thế
kỷ 21 và thay đổi cách chúng ta tiếp xúc nhau, làm việc và mua bán.
Internet mở đường cho chúng ta tiến vào tương lai và chính nó sẽ còn phát triển thêm nữa. Việc internet ngưng lại hay biến mất có lẽ sẽ
không xảy ra, nhưng nếu chẳng may điều đó xảy ra thì chắc chắn là loài người cũng sẽ biết cách để thích nghi và tự bảo toàn chính mình như
ông cha chúng ta đã từng làm trong nhiều ngàn năm qua.
Những người trẻ được sinh ra và lớn lên cùng internet có thể sẽ gặp chút khó khăn trong cuộc sống nếu không có internet. Riêng với phần
đông chúng ta được sinh ra trước thời đại internet và đã từng trải qua cuộc sống không có internet thì có lẽ sẽ cảm thấy đời sống thiêu thiếu
chút gì đó thôi, còn tất cả những thứ khác thì vẫn thế.
Huy Lâm