Mỗi lần tháng Tư lại đến, nhiều người Việt vẫn không thôi nghĩ về ngày 30/04/1975, ngày Tháng Tư Đen, cho dù 41 năm đã trôi qua. Không phải vì hận thù, mà bởi vì quê hương Việt Nam vẫn chức thể thấy một tương lai sáng sủa hơn, khiến cho vết thương của người Việt vẫn chưa được hàn gắn. Những năm tháng đầu tiên sau 30/04, những người còn ở lại trong nước dù phải sống trong nghèo khó, sợ hãi, nhưng vẫn còn có một niềm hy vọng từ bên ngoài. Những người đã bỏ nước ra đi đã trở thành chỗ dựa của người thân tại quê nhà, cả về vật chất lẫn tinh thần. Những thùng quà gởi về quê hương. Và những bài hát của người Việt hải ngoại nữa. Người dân trong nước nghe những bài hát đầu tiên về Tháng Tư Đen từ đài VOA, đài BBC, từ những cuộn băng cassette lén lút gởi về. Khi trong nước chỉ có những cái loa phường tuyên truyền, và những bài hát cách mạng khô khốc, tuyên truyền giả dối, thì những ca khúc nghe lén được từ hải ngoại là những món quà tinh thần vô giá. Có những bài hát mà đến giờ mỗi khi nghe lại, người còn trong nước vẫn thấy thấm thía, ngậm ngùi như 40 năm trước. Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt. Khi sáng tác ca khúc này, chắc nhạc sĩ Nam Lộc chỉ định làm cho ông và những người phải lìa xa Sài Gòn. Nhưng ông đã không thể hình dung là nó có ý nghĩa như thế nào đối với người ở lại. Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt đã trở thành một hiện tượng văn nghệ ở Sài Gòn vào cuối thập niên 70. Đây có lẽ là một bài hát sáng tác sau 1975, bị cấm ở Việt Nam, nhưng được “hát chui, nghe chui” nhiều nhất tại Sài Gòn. Trong lúc gặp gỡ cà phê trên hè phố, những người bạn hỏi nhau: “Mày có nghe bài Sài Gòn Ơi chưa?...”. Rồi người biết rồi hát cho người chưa nghe, và bài hát cứ thế lan rộng một cách thầm lặng ra tại Sài Gòn: “Sài gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời Sài gòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời Giờ còn đây, những kỷ niệm sống trong tôi Những nụ cười nát trên môi Những giọt lệ ôi sầu đắng. Sài gòn ơi, nắng vẫn có còn vương trên đường Đưòng ngày xưa, mưa có ướt ngập lối đường về Rồi mùa thu, lá còn đổ xuống công viên Bóng gầy còn bước nghiêng nghiêng Hay đã khóc thương cho người yêu…” Khó mà diễn tả lại hết cái cảm xúc của những người ở lại trong giai đoạn đó, khi nghe khi hát Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt. Bởi vì không chỉ có người đi mất Sài Gòn. Người ở lại cũng mất Sài Gòn. Cái thành phố mang tên xác người đã mất đi vẻ yêu kiều của Sài Gòn, thay vào bằng những lo toan, bất an, oán hận. Nghe Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt, người Sài Gòn giống như tìm thấy lại hình ảnh của Sài Gòn cũ, lãng mạn, tình cảm. Nhất là khi Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt được nữ ca sĩ Ngọc Lan hát, người Sài Gòn như được sống trở lại dòng nhạc vàng thân yêu thưở nào… Một ca khúc Tháng Tư khác cũng được người ở lại yêu mến, đó là ca khúc 1954-1975 của cố nhạc sĩ Phạm Duy. Đối với nhiều người Việt, đây là một trong những ca khúc viết cho ngày 30/04 có ý nghĩa nhất. Nó nói lên được một cách toàn diện nỗi đau lớn nhất của dân tộc Việt trong thế kỷ 20, chỉ vọn vẹn trong một bài hát. Sự thiên tài của Phạm Duy trong cách mà đặt lời cho ca khúc thể hiện qua ca khúc này. Lời ca của Phạm Duy không bóng bẩy, trau chuốt. Nó đơn giản, cô đọng nên mạnh mẽ đi vào lòng người: Một ngày năm bốn, cha bỏ quê xa Chốn đã chôn nhau, cắt rốn bao nhiêu đời Một ngày năm bốn, cha bỏ phương trời Một miền Bắc tối tăm mưa phùn rơi… …Một ngày bảy lăm, con bỏ nước ra đi Hai mươi năm là hai lần ta biệt xứ Giờ cha lưu đày ở ngay trên đất ta Và giờ con lưu đày ở đây trên xứ lạ!... Chỉ trong vòng 20 năm,dân tộc Việt trải qua 2 lần bi kịch rời bỏ quê hương. Cả hai lần đều có cùng một nguyên nhân: trốn chạy thảm họa cộng sản. Nhưng lần sau là bỏ đất nước, nỗi đau và mất mát lớn hơn, cái giá trả bằng sinh mạng người lớn hơn nhiều lần. Người trong nước đã không thể ngăn được nước mắt khi Phạm Duy nói thay cho tâm sự của mình: …Giờ nơi nước mình niềm đau thay nỗi vui Sài-gòn đã chết rồi, phải mang tên xác người… Nhớ lại, người trong nước được nghe ca khúc này qua giọng ca của Elvis Phương, phát trên đài VOA. Cho đến nay, Elvis Phương vẫn là một trong những ca sĩ trình diễn bài 1954-1975 xuất sắc nhất, thể hiện đầy đủ tính bi hùng của nó. Chỉ cần những kẻ đang nắm quyền tại Việt Nam nghe cho trọn vẹn ca khúc này, họ sẽ hiểu được tại sao đến giờ này, những người Miền Nam vẫn chưa thể quên được Tháng Tư Đen. Bởi vì những sai lầm của CSVN dành cho đất nước vẫn còn giữ nguyên cho đến tận ngày nay. Họ không một lần nhận lỗi. Họ chưa bao giờ có ý định thực tâm hòa giải. Để mỗi lần Tháng Tư đến, người Việt hải ngoại vẫn tiếp tục hát ca khúc Tháng Tư Đen, vẫn tiếp tục mơ một ngày về, đoàn kết cùng người trong nước đòi lại tự do cho dân tộc: …Tháng Tư Đen ! Xin ngước mặt nhìn tới Tới tương lai, tới quê hương vời vợi Tháng Tư ơi ! Hơn năm mươi triệu người Như một người, phải thành công mới thôi !... Trích ca khúc Tháng Tư Đen – Phạm Duy, mời nghe qua youtube:VIDEO SBTN