Tác giả, bên phải, cùng với gia đình người anh họ trên đảo Grande Island ở Subic Bay, Philippines tháng 5/1975 (ảnh Bùi Văn Phú)
Mới đây, trong thùng tư liệu tôi tìm lại được một trang giấy với bút tích ghi chép những sự kiện trong những ngày trôi nổi trên biển sau khi rời
quê hương vào cuối tháng Tư 1975.
Nhìn những con số, những nét chữ, một vùng ký ức không hề phai nhòa lại hiện về. Tờ giấy pơ-luya trên đó tự tay mình ghi ngày tháng, viết
vội vài ba chữ, đôi ba dòng về những gì đã xảy ra trong hành trình trên biển khi rời bỏ quê hương, bắt đầu từ bến Kho 5 Sài Gòn, khi thành
phố trong cơn hoảng loạn cho đến khi đến được căn cứ Hải quân Mỹ ở Subic Bay, Philippines.
Thời khắc rời Sài Gòn và sự kiện của ngày 30/4/1975 (ảnh Bùi Văn Phú)
‘29-04 16g30 Depart Thứ 3’
Đây là hàng chữ đầu tiên trên trang giấy mỏng. Sáng nay tôi theo ông anh họ chạy từ nhà anh ở khu Chí Hòa, Ngã ba Ông Tạ vào thành phố
bằng xe máy, lòng vòng qua nhiều nơi trước khi đến bến tàu rồi lạc mất nhau. Trong hoảng loạn, chen chúc, tôi theo một phụ nữ với con nhỏ
lên tàu mà không biết rồi sẽ đi đâu.
Chiều hôm đó con tàu không máy mầu xanh dương có tên Saigon II được một tàu Đại Hàn kéo ra khỏi bến Kho 5 để đi về miền Tây tránh
chiến tranh. Tôi nghe người lớn nói thế.
‘30 9g30’ đầu hàng 11g30 CS vô Thứ 4’
Đó là ngày thứ Tư 30/4/1975. Tin đầu hàng tôi nghe được trên boong tàu, từ radio trên tay một người có dáng cao lớn, đầu hói đang ngồi ở
phía đầu tầu cùng vài người khác, tất cả ngó về phía trước. Còn tôi ngồi dựa lưng vào thành tàu để có gió làm cho bớt mệt sau cơn ói vì say
sóng và vì đêm qua ở dưới hầm tàu rất ngột ngạt. 9 giờ 30 phút đầu hàng. 11 giờ 30 cộng sản vô.
Lúc sau từ radio phát ra những lời ca quen thuộc: “Rừng núi giang tay nối lại biển xa…”
“Chúa Nhật 04 tháng 05, 1975 tới Singapore hồi 7g30 Sg (7g địa phương). Tới 12g được tin chính phủ Singapore thừa nhận CPCMLT [tức
Chính phủ Cánh mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam], lo sốt vó không biết làm sao, tính đi về Đài Loan nhưng xa quá, đi Úc, Guam
cũng vậy. Số mạng chúng tôi thật như chỉ mành treo chuông.”
Như thế con tàu được kéo đi lòng vòng 5 ngày mới đến Singapore. Những ngày qua tôi chỉ thấy chung quanh là biển bao la. Xa xa phía trước
là sợi dây thừng to chìm dưới nước được nối vào đuôi con tầu Đại Hàn đang kéo Saigon II theo sau.
Đêm về dưới hầm tàu tôi cố tìm giấc ngủ nhưng không thể được vì cứ nghĩ đến gia đình bỏ lại, nhớ bạn bè, nghĩ về tương lai vô định.
Có sáng trên boong tàu nghe người lớn kể trên đường đi muốn vào Mã Lai nhưng bị hải quân Mã nổ súng đuổi đi mấy lần.
Cơm trên tàu có chú Thành là hoả đầu quân, nấu cơm bằng thùng phuy cho 300 người ăn nên có hột khê, hột sống. Nước ngày được chừng
một ly.
Đến được Singapore nhưng quốc gia này không nhận cho người tị nạn tạm trú. Ông chủ tàu Nguyễn Văn Ngọc và chú Tư bàn với thuyền
trưởng Đại Hàn về dự định sẽ đi đâu. Tôi cũng như mọi người đều lo không biết tương lai sẽ trôi dạt đến nơi nào, vì tàu không có máy làm
sao đi xa được nữa trong khi Singapore có thể trả người tị nạn về lại Việt Nam.
Ngoài khơi hải phận Singapore, chung quanh thấy cũng có nhiều thuyền bè khác với người Việt trên đó.
‘9-5 22g chuyển tàu Thứ 6’
Đến được Singapore nhưng lại lo vì không biết sẽ phải đi đâu (ảnh Bùi Văn Phú)
Hôm nay là thứ Sáu ngày 9/5. Năm ngày qua tàu neo trong vùng biển Singapore, chúng tôi được cung cấp thức ăn có bánh mì, jăm-bông, cá
hộp, patê hộp (Made in China) và cam táo. Những lát bánh mì kẹp hình vuông đầu tiên tôi được ăn trong đời và cảm thấy ngon nhất là lúc
này.
Đêm về tàu có lính Singapore lên canh gác. Nhìn vào thành phố rực sáng ánh đèn. Dù tiếng Anh kiểu “cá nấu chè” tôi cũng cố gắng mở miệng
nói ít câu và làm quen được với một anh lính hay đem kèn harmonica lên tàu giúp vui. Chúng tôi tặng nhau những đồng tiền Singapore và Việt
Nam Cộng hòa để làm kỷ niệm.
Đồng tiền người lính Singapore ký tặng tác giả để làm kỷ niệm (ảnh Bùi Văn Phú)
Đêm thứ Sáu 9/5 lính Singapore ra lệnh cho chúng tôi chuyển sang một tàu khác để ra đi.
Qua một du thuyền nhỏ rồi được đưa lên một con tàu trên đó đã đông nghẹt người Việt, chen chúc nhau trên boong không còn một chỗ
trống, ngoài lối đi nhỏ quanh tầu. Tôi xuống hầm tìm một chỗ nằm vì lúc này lại cảm thấy say sóng, muốn ói.
Sáng ra, không chịu nổi không khí ngột ngạt dưới hầm, tôi leo lên boong và thấy toàn người là người. Nếu Saigon II, cũng lớn bằng tàu này,
nhưng chỉ có khoảng 300 người. Nay trên tàu Đông Hải có đến 2 nghìn người.
‘11-5 ra đi 5g30’ CN’
Sáng sớm Chủ Nhật ngày 11/5 mấy chiến thuyền của hải quân Singapore hướng dẫn đưa Đông Hải ra hải phận quốc tế và chỉ hướng đi
Philippines.
Không thể ở dưới hầm, vì quá ngột ngạt và lúc đó lại đang có dịch đỏ mắt. Tôi tìm được một chỗ ngồi lơ lửng trên tấm phên trên một cột sắt
cao cách sàn tàu chừng hai mét, dù phải chịu nắng mưa nhưng luôn gió mát vẫn dễ thở hơn.
‘16 6 tới vịnh 13g20 17g lên subic bay (Philip)’
Năm ngày sau Đông Hải đến Philippines. Có cuộc bốc thăm cho một số người xuống tàu vào Subic Bay. Tôi theo gia đình ông anh họ xuống
một tàu của Hải quân Mỹ và được lên bờ lúc 5 giờ chiều ngày thứ Sáu 16/5/1975. Nghe nói con tàu Đông Hải sau đó tiếp tục hải trình đi
Guam.
Đặt chân lên đất liền người tôi nghiêng ngả bước đi vì say đất. Tối hôm đó, nơi vòi nước công cộng trên đảo Grande Island tôi đã tắm gội
thật lâu cho sạch muối biển trên người và gột rửa đi những mệt nhọc sau 17 ngày lênh đênh trên biển.
Giữa thập niên 1980 tôi trở lại Đông nam Á làm việc, trong một chuyến công tác ở trại tị nạn Bataan, Philippines tôi đã ghé về thăm Subic
Bay.
Lúc công tác ở trại Galang, Indonesia, tôi cũng đã trở lại Singapore và có dịp gặp lại anh lính mà tôi quen trên tàu Saigon II. Đến nay chúng
tôi vẫn còn liên lạc với nhau.
Bùi Văn Phú (VOA)