Nhạc sĩ Từ Công Phụng có Mắt lệ cho người được trở lại với khán giả ở Việt Nam vào năm 2008.
Kể từ năm 1975, với nhiều lý do khác nhau, những ca khúc được sáng tác trước đó từng được gọi là “nhạc vàng”, “nhạc tiền chiến” đã bị cấm biểu diễn ở Việt Nam. Một gia tài âm nhạc đồ sộ của nhiều tác giả đã không thể lưu hành trong nước. Tuy nhiên, sau 40 năm, một số trong gia tài âm nhạc giá trị ấy đã được sống lại trên mảnh đất mà các nhạc sĩ đã sáng tác ra những ca khúc ấy.
“Mưa soi dấu chân em qua cầu
Theo những cánh rong chơi mang niềm đau…”
Mắt lệ cho người của nhạc sĩ Từ Công Phụng là ca khúc được đến trở lại với khán giả của ông ở Việt Nam vào năm 2008.
ừ câu chuyện của Từ Công Phụng…
Nói về nhạc sĩ Từ Công Phụng, có một kỷ niệm mà những ai có mặt trong đêm diễn của ông tại phòng trà Văn nghệ năm 2008, năm đầu tiên ông trở về hát trên quê hương, sẽ không thể quên. Đó là lời đề nghị ca khúc Xứ thâm trầm được khán thính giả đêm hôm đó gửi đến ông. Sau khi hai câu hát đầu tiên cất lên, thì người nhạc sĩ đã đột ngột dừng lại, và nhẹ nhàng nói:
“Thưa quý vị, tôi xin lỗi. Bài hát này tôi chưa được phép hát.”
Thời gian đó, chỉ vỏn vẹn hơn 10 ca khúc trong gia tài âm nhạc của Từ Công Phụng được cấp phép phổ biến, nhưng chỉ trong vài chương trình riêng biệt.
Tuy vậy, trong đêm diễn đầu tiên sau hơn 30 năm trở về quê hương, ông đã thật sự làm thoả lòng khán giả khi học được nhìn lại người nhạc sĩ họ yêu quý trình diễn trên sân khấu, nghe chính ông hát lại những ca khúc đã đi sâu vào ký ức của họ.
Nếu một người mẹ vất vả 9 tháng 10 ngày cưu mang để tạo ra một hình hài, thì đối với người nghệ sĩ, mỗi một tác phẩm cũng chính là một đứa con của họ. Đứa con ấy được tạo ra từ chính tâm hồn và tài năng của người nghệ sĩ. Đứa con ấy có thể mang dáng vẻ và cuộc đời của chính người nghệ sĩ. Đứa con ấy cũng có thể do người nghệ sĩ tạo ra từ những câu chuyện của thế nhân.
Nói chung, đó là đứa con mà họ đã gửi gắm vào đó tất cả tình yêu thương của mình, và mong muốn người đời chiêm ngưỡng và tiếp nhận. Đây cũng chính là tâm sự mà nhạc sĩ Từ Công Phụng từng nói:
“Khi người nhạc sĩ viết ra một bản nhạc là muốn cho nhân gian biết cái đó. Bất cứ nơi nào nghe được, hiểu được cái đó thì họ tiếp nhận. Thì, muốn đưa về Việt Nam hay không thì đương nhiên, nó phải phổ biến rộng rãi. Cũng giống như bài thơ khi chưa phổ thành nhạc thì nó vẫn là bài thơ nhưng khi đã phổ thành nhạc rồi, người ta nghe được âm thanh đó rồi thì tự nhiên thơ như cất cánh bay lên. Viết nhạc cũng vậy, muốn cho âm nhạc được phổ biến rộng rãi trong nhân gian để họ nhận diện được những tâm tư thầm kín mà họ không thổ lộ được cùng người khác.”
Khó mà nói ngay được có tất cả bao nhiêu ca khúc đã không thể đến với khán giả Việt Nam kể từ sau năm 1975. Trong đó có cả những ca khúc được sáng tác ở hải ngoại. Tất cả đều không thể đến với khán thính giả Việt Nam trong nước trong một thời gian rất dài…
Cho đến câu chuyện ‘cởi trói’ cho âm nhạc của đất nước
Cho đến năm 2013, một tin vui dành cho các nhạc sĩ, ca sĩ, và những người yêu nhạc khi Cục Nghệ thuật Biễu diễn có công văn đề nghị sưu tầm những ca khúc được sáng tác ở miền Nam trước năm 1975, những ca khúc đã từng được gọi là “nhạc vàng” hoặc “nhạc tiền chiến”.
Nghìn trùng xa cách là một trong số những ca khúc được phép “hát trở lại” trong gia tài hơn 1000 bài hát của cố nhạc sĩ Phạm Duy. Dưới sự hướng dẫn của chính tác giả, ca sĩ Đức Tuấn đã thực hiện rất thành công ca khúc này, khi bài hát vừa được cấp phép cho trình diễn.
Nữ ca sĩ Ánh Tuyết, người rất có tâm huyết với dòng nhạc tiền chiến trong một lần trả lời báo chí trong nước đã cho biết những bài hát ca ngợi quê hương, đất nước, tình yêu hay khát vọng của con người có chất lượng nghệ thuật thì phải cho phép phổ biến. Vì đó là những bài hát đã đi sâu vào đời sống, gắn liền với tâm tư tình cảm, ký ức và kỷ niệm của người dân Việt Nam.
Mỗi một bài hát là một tâm tư, một câu chuyện gắn liền với từng giai đoạn lịch sử. Có thể nói tất cả những ca khúc đó là kho tàng đồ sộ của các nhạc sĩ sáng tác và được biểu diễn ở miền Nam Việt Nam. Thế nhưng, trong một thời gian dài, người nghe, và cả chính ca sĩ trong nước đã không thể trình diễn.
Thời gian đó kéo dài gần 40 năm.
Gần 40 năm, những lời trần tình thổn thức của chàng trai trong ngày đưa người yêu sang sông mà nhạc sĩ Y Vân đã viết lên trong sáng tác của ông mới trở lại với khán giả trong nước.
“Tôi đưa em sang sông
Chiều xưa mưa rơi âm thầm…”
Gần 40 năm, 10 bài Không tên bất hủ của Vũ Thành An từng làm say mê người nghe trước và sau 1975 đã phép phổ biến trở lại vào tháng 7 năm 2015. Tác giả hạnh phúc vì sau một thời gian rất dài, những đứa con tinh thần của ông vẫn tồn tại trong lòng người nghe, đặc biệt là có cả sự đón nhận của những người trẻ lớn lên sau 1975.
“Trong thời gian vừa qua, tôi rất hân hạnh được biết rằng những bài hát của mình được các bạn trẻ bên đấy yêu mến, nên vui chứ. Vui vì những gì mình làm mấy chục năm mà các bạn trẻ bây giờ còn yêu thích nó. Là một người sáng tác thì tôi rất vui và hân hạnh có thêm số bạn mới. Và biết đâu rằng những bài hát đó đã sống được 50 năm rồi thì tôi hy vọng rằng nó sẽ sống thêm ít lâu nữa trong lòng người mến mộ mình.”
“Lòng người như lá úa
Trong cơn mưa chiều
Nhiều cơn gió cuốn…”
Cố nhạc sĩ Lê Uyên Phương ở nơi xa cũng sẽ rất vui khi những khúc tình ca của ông được quay về với nơi ông đã sáng tác.
“Những bài hát được phép hát trở lại là những bài đơn thuần nói về tình yêu. Nhiều lắm, chẳng hạn như Tình khúc cho em, Đá xanh, Chiều phi trường, Cho lần cuối…”
“Thôi đành giã từ niềm vui mong manh
Chung đường tình đi loanh quanh
Đến nay bước chân đã bơ vơ rồi…”
Không nhìn nhau lần cuối là một trong những bản tình ca Lê Uyên Phương viết trong khoảng thời gian đẹp nhất, nhiều kỷ niệm nhất của ông và người vợ của mình, ca sĩ Lê Uyên.
Nếu nói về những ca khúc được cấp phép trở lại sau năm 1975 thì không thể không nói đến những ca khúc da vàng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Sau 40 năm từ ngày đầu tiên nữ ca sĩ Khánh Ly cùng họ Trịnh trình diễn trên sân trường đại học, 8 ca khúc trong tuyển tập Các ca khúc da vàng của ông được phép phổ biến trở lại.
Thế là sau 40 năm, những lời ca gắn liền với một giai đoạn lịch sử của đất nước, và cũng là kỷ niệm của riêng ai đã lớn lên với khoảng thời gian ấy, đã được hát vang trở lại trên chính nơi ca khúc ấy được sinh ra. Có thể giờ đây, người nghe ngày xưa đã già, người hát cũng có thể khác đi, thế nhưng, sự trở về nào cũng gợi lên nhiều ký ức. Mỗi một ca khúc được phép cất vang lên trên quê hương, sẽ là một dòng kỷ niệm quay về trong tâm tưởng của mỗi một người.
VIDEO Theo RFA