Băng rôn tại một công ty ngoại ô Sài Gòn.
Cách đây 41 năm, cũng vào dịp này, những dòng người Việt Nam đã ra đi, lênh đênh trên biển, lang thang trong rừng và một số ít họ may mắn sống sót để tồn tại trên một quốc gia tự do. Và cũng trong lúc đó, những dòng người từ miền Bắc lũ lượt kéo vào miền Nam với giấc mơ đổi đời. Hiện tại, sau 41 năm, cũng trong dịp này, những dòng người đang cố gắng trốn khỏi Sài Gòn, bởi nắng nóng, bởi kẹt xe, bởi nhiều nguyên nhân khác. Đặc biệt, những người lao động tranh thủ dịp nghỉ lễ để kéo nhau về quê đón gió lành để rồi sau đó vài ngày lại lũ lượt kéo lên phố. Cả một thành phố Sài Gòn như một cái tổ mối trôi nổi giữa Đông Nam Á.
Công nhân nghỉ lễ và người dân chạy trốn Sài Gòn Một cư dân Sài Gòn không muốn nêu tên chia sẻ:
“Cũng như mọi năm, Sài Gòn bữa nay (30 tháng 4) thoải mái lắm vì chẳng có mấy ai đi để mà kẹt xe, người ta trốn đi hết rồi, đi du lịch hay đi chỗ này chỗ khác để tránh xa những khu ổ chuột Sài Gòn. Bởi dân lao động chỉ đủ tiền để thuê những căn nhà ổ chuột có giá cao nhất thì vài triệu, thường thì vài trăm ngàn đồng. Họ về quê thì tuyến đường mà họ đi về kẹt xe dữ lắm!”
Theo vị này, trước đây bốn mươi mốt năm, ông là một chàng trai trẻ, ông chứng kiến những biến cố và đổi thay của thành phố này. Hầu như mọi giấc mơ về một tương lai của một trí thức trẻ giống như ông trên đất Sài Gòn bị gác lại do việc học hành dang dở và thân phận chính trị từ gốc gác đền ngọn ngành. Ông lại phải bươn bả kiếm sống bằng nghề xe đạp thồ, sau này là nghề xe ôm và những lúc buồn ông tập làm thơ như một sự giải bày với chính mình.
Các cư dân Sài Gòn rời thị trấn sau khi quân đội Bắc Việt xâm chiếm thủ đô Nam Việt, ảnh chụp ngày 30 tháng tư năm 1975. AFP PHOTO
Vị này cho biết thêm là cũng như mọi năm, dịp 30 tháng 4 đến, gia đình ông lại tìm mọi cách đi khỏi Sài Gòn để nghỉ ngơi ở một nơi nào đó. Thường thì ông về quê nội hoặc quê ngoại. Gần đây con cái đã lớn, học hành thành đạt và làm việc trong các công ty nước ngoài nên các con đã tổ chức cho vợ chồng ông đi du lịch. Thường thì cả một gia đình cùng đi Đà Lạt hay Vũng Tàu. Nhưng năm nay ông bỏ kế hoạch đi Đà Lạt, Vũng Tàu bởi những nơi này quá đông người mỗi dịp lễ.
Hầu hết những khu nghỉ dưỡng và du lịch lân cận Sài Gòn đều quá tải bởi lượng người từ thành phố này kéo đến nhằm trốn cái nóng, kẹt xe, tiếng ồn và bụi bặm. Những ngày này, thành phố luôn vắng vẻ, các cửa hàng đóng cửa để nghỉ ngơi, hầu như phần đông cư dân Sài Gòn đi tản mát. Và đây cũng là nguyên nhân cháy phòng ở một số nơi gần Sài Gòn. Năm ngoái đã có nhiều gia đình phải ngủ dưới gốc thông, ngủ mái hiên bởi không thuê được phòng.
Vị này cho biết thêm là hầu như người Sài Gòn gốc không quan tâm đến ngày 30 tháng 4 là ngày lễ gì. Nếu có quan tâm thì chừng 50% cư dân gồm những người từ miền Bắc vào sau năm 1975 đón mừng và ăn lễ vào dịp này. Còn lại, với người Sài Gòn xưa, ngày lễ này chỉ vô tình nhắc lại những kỉ niệm buồn, những mất mát từ nhà cửa đến người thân mà họ phải nếm chịu.
Có thể nói rằng một Sài Gòn cay đắng và ủ mật kỉ niệm thuở sầm uất, phồn thịnh đôi khi giống như một oan hồn vất vưởng, thi thoảng lại tìm về. Những ngày lễ lạc trong tiếng reo hò lại thoáng hiện oan hồn một thuở, ông gọi đó là oan hồn của Sài Gòn xưa.
Cái tổ mối khổng lồ Một công nhân tên Linh, đang làm việc tại khu công nghiệp Tân thuận, chia sẻ:
“Người ta đi chơi, đi tránh Sài Gòn, đi biển Cần Giờ rất nhiều. Như tối 28 tháng 4, kẹt xe cứng ngắt trên đường Phạm Văn Đồng đến sân bay. Đường về miền Tây thì kẹt hết vì công nhân kéo về. Nói chung là bây giờ là thời điểm để người ta thoát khỏi Sài Gòn…”
Theo chị Linh, hầu hết người lao động trong các khu công nghiệp tại Sài Gòn đều từ các tỉnh lân cận Sài Gòn tìm đến. Những khu nhà trọ tuềnh toàng, những khu nhà chật ních trong một con hẻm được xây tạm bợ và cho thuê với giá thấp luôn là thiên đường của người lao động. Mỗi sớm mai, họ từ các khu nhà này kéo ra đường, đến các công ty, xí nghiệp và lang thang ngoài đường để bán hàng rong, thiên hình vạn trạng cộng việc kiếm cơm trên đất Sài Gòn.
Tối đến, họ lại kéo nhau về những cái tổ tạm bợ này để nghỉ ngơi, ngủ một giấc và tiếp tục nuôi ước mơ đổi đời nơi đất khách quê người. Giấc mơ có chạm tay họ hay không và có đổi đời được hay không là một chuyện. Nỗi nhớ quê và thèm cảm giác bình yên trong mái ấm gia đình ở quê nhà vẫn luôn là nỗi niềm khôn nguôi của người lao động bốn mùa bạn đường cùng mưa nắng cần lao.
Và dịp Tết, lễ 30 tháng 4, 1 tháng 5 hằng năm là cơ hội rảnh rỗi để người lao động được về quê nghỉ ngơi. Thường thì giới lao động ở các tỉnh lân cận Sài Gòn đi về quê bằng xe gắn máy. Cứ đến ngày 28 tháng tư cho đến 30 tháng 4, tuyến đường Sài Gòn – Miền Tây trở nên chật như nêm bởi số lượng xe gắn máy đông đúc của người lao động chạy về quê nghỉ ngơi. Đến sau lễ thì ngước lại, phía từ miền Tây về Sài Gòn đông nghịt người dắt díu, đùm đề lên phố kiếm cơm.
Cái nhịp Sài Gòn cá cơm mắm muối mưa buồn và hoa lệ cứ như vậy kéo dài từ năm này qua năm khác. Người lên phố ngày càng đông thêm, phố ngày càng chật chội và lạc lõng, phố ngày càng nặng nề bởi cả trăm ngàn kiểu kiếm sống, trong đó không ngoại trừ giật dọc, cướp bóc, lừa gạt, đứng đường làm gái điếm, đứng điểm làm ma cô, xã hội đen đỏ lẫn lộn, con người trở nên chai lì và cái tên Sài Gòn một thuở ngày càng mờ nhạt…
Lại một 30 tháng 4 nữa kéo về, những cư dân Sài Gòn xưa lại lục đục đặt vé du lịch, đặt vé nghỉ mát và tìm thuê người giữ nhà trong những ngày này. Nói theo cách của một người đàn ông không muốn nêu tên, hiện sống tại quận Gò Vấp, Sài Gòn là suốt bốn mươi mốt năm nay, người Sài Gòn vẫn chưa bao giờ hết chạy trốn và vẫn chưa bao giờ hết mất mát.
Trước đây chạy trốn sau chiến tranh, chạy trốn tù đày, cải tạo thì bây giờ chạy trốn nắng nóng, tiếng ồn và ngộp thở. Trước đây mất mát vì bị tịch thu, trưng thu tài sản thì bây giờ mất mát vì trộm cướp, giật dọc và cướp cạn. Và nếu muốn hạn chế sự mất mát này thì phải tốn một khoản tiền khác không nhỏ để thuê người giữ nhà trong lúc chạy trốn Sài Gòn 30 tháng 4.
Câu chuyện nghe cứ như đùa nhưng đó là một thực tế của Sài Gòn suốt nhiều năm nay!
Theo RFA
VIDEO